Infonet - Dù không quá biến động như năm 2011 với những cuộc bạo loạn lật đổ khắp Trung Đông – Bắc Phi nhưng năm 2012 mang trong mình đầy những “sóng ngầm”, khiến thế giới không ít lần chao đảo.
Toàn thế giới dường như bị cuốn vào dòng xoáy khổng lồ của tin đồn tận thế. Khoảnh khắc cuối cùng trong cuốn lịch đá cổ của người Maya trùng với ngày 21/12/2012 dương lịch, khiến không ít người tin rằng đó là ngày sự sống loài người bị diệt vong. Không chỉ dừng lại ở mức tin đồn, những thông tin thiếu chính xác về cái gọi là ngày tận thế còn đảo lộn cuộc sống của không ít người cuồng tín.
Trước những hậu họa khôn lường của sự việc, Tòa Thánh Vantican, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và chính quyền nhiều nước đã ra tuyên bố nhằm phủ nhận cái gọi là ngày tận thế 21/12. Thậm chí, sự lan tỏa mạnh mẽ của tin đồn còn khiến các nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh bắt giữ gần 1.000 người tuyên truyền ngày tận thế, buộc chính phủ Pháp và Serbia phải đóng cửa những khu vực được cho là nơi trú ẩn an toàn.
Triều Tiên phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo
Những ngày đầu tháng 12, thế giới lại được dịp xôn xao trước thông tin Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa tầm xa Unha-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo. Không ồn ào như lần phóng tên lửa bất thành hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, những thông tin về vụ phóng tên lần thứ 2 trong năm của Bình Nhưỡng chỉ được truyền thông thế giới chú ý vài tuần trước vụ phóng thật.
Chỉ vài ngày trước khi đến thời điểm phóng đã định, Triều Tiên tuyên bố tên lửa đẩy gặp sự cố, buộc họ phải tiến hành sửa chữa, thay thế và đẩy thời gian phóng dự kiến tới cuối tháng 12. Tuy nhiên, sáng ngày 12/12, tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng trước sự ngỡ ngàng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thế giới. Không lâu sau, Unha-3 đưa thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo.
Dù Triều Tiên khẳng định, vụ phóng vệ tinh vào quỹ đạo nhằm phục vụ mục đích hòa bình nhưng Mỹ và đồng minh luôn cáo buộc đây là vụ thử tên lửa trá hình. Tuyên bố mới nhất của Hàn Quốc cáo buộc, tên lửa vừa phóng của Triều Tiên có thể mang đầu đạn nặng 500 – 600 kg bay qua 10.000 km để tấn công bờ Tây nước Mỹ.
Xung đột leo thang giữa Israel – Hamas
Ngày 14/11, máy bay chiến đấu Israel bay vào Dải Gaza, khai hỏa tiêu diệt thủ lĩnh Ahmed al-Jaabari của Nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas tại thành phố Gaza. Chưa dừng ở đó, các nhà chức trách Nhà nước Do thái cho biết, đây mới chỉ là phần “mở màn” của hàng loạt các động thái nhằm tiêu diệt các tay súng Hamas trên Dải Gaza.
Đúng như tuyên bố của Israel, vụ việc mới chỉ là động thái khơi ra sự căng thẳng ở khu vực tranh chấp. Đáp lại những vụ không kích, bắn tên lửa và nã pháo của Israel là hàng loạt vụ trả đũa của các chiến binh Hamas nhằm vào những khu tái định cư đông đúc của người Israel. Thậm chí, tên lửa của các tay súng Hồi giáo Hamas còn bay tới Thủ đô Tel Aviv của Israel sau hơn 2 thập kỷ.
Vụ việc khiến Israel điều lượng lớn binh sĩ, xe bọc thép và máy bay chiến đấu tới khu vực tranh chấp, nhằm sẵn sàng tiến hành cuộc xâm lăng quy mô lớn vào Dải Gaza. Suýt chút nữa, xung đột leo thang đẩy khu vực Gaza vốn chưa một ngày im tiếng súng vào cuộc chiến tranh quy mô lớn. Tuy nhiên, sự hòa giải kịp thời của cộng đồng quốc tế và sự trung gian của Ai Cập đã giúp tạo ra một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, những trận mưa tên lửa trước đó đã cướp đi mạng sống của hơn 150 mạng người và làm hàng trăm người khác bị thương.
Bầu cử Tổng thống Mỹ, Nga - Đại hội Đảng Trung Quốc
Năm 2012 cũng đánh dấu những sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu thế giới. Trong những ngày đầu tháng 3, cử tri Nga bắt đầu đi bỏ phiếu chọn ra người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ tiếp theo. Đúng 8 tháng sau, cuộc đua quyền lực sít sao nhất lịch sử nước Mỹ diễn ra. Vài ngày sau, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Thủ đô Bắc Kinh, bầu ra thế hệ lãnh đạo mới cho quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngày 4/3, cử tri Nga bắt đầu đi bỏ phiếu bầu ra Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Với 5 gương mặt được xướng tên nhưng đương kim Thủ tướng Vladimir Putin chính là ứng viên sáng giá nhất. Với 100% số phiếu bầu được kiểm vào ngày hôm sau, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã chính thức tuyên bố ứng viên Putin giành thắng lợi với số phiếu áp đảo trong cuộc chạy đua vào điện Kremlin.
Dù đã chính thức quay trở lại chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga nhưng những thách thức khó khăn vẫn ở phía trước người đàn ông nặng lòng với chính trường. Dù thất bại áp đảo nhưng đối thủ của ông Putin liên tiếp kêu gọi người ủng hộ xuống đường tuần hành, nhằm phản đối việc ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3.
Tám tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga, hàng trăm triệu cử tri Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu để chọn ratổng thống nhiệm kỳ mới. Được mệnh danh là cuộc đua sít sao nhất lịch sử nước Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney liên tiếp bám đuổi đương kim Tổng thống Obama về số cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vẫn giành chiến thắng áp đảo với 303 phiếu đại cử tri, nhiều hơn 33 phiếu so với điều kiện tối thiểu.
Không lâu sau khi ông Obama tuyên bố chiến thắng, các nhà phân tích nhanh chóng chỉ ra hàng loạt những khó khăn đang đón chờ vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Những khó khăn chất chồng về tài chính và khủng hoảng kinh tế, sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trước một thế giới đa cực đang đặt tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vào chuỗi dài những thách thức.
Ngày 14/11/2012, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 chính thức ra tuyên bố bế mạc sau một tuần làm việc. Các đại biểu trên khắp cả nước Trung Quốc đã bỏ phiếu bầu ra 200 ủy viên trung ương và 170 ủy viên dự khuyết. Tân Hoa Xã cho biết, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.
Một ngày sau khi kết thúc Đại hội, ông Tập Cận Bình chính thức đảm trách cương vị Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ra mắt ngay trong phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ chính thức chèo lái nền kinh thế lớn thứ 2 toàn cầu sau phiên họp Quốc hội vào tháng 3 năm sau.
Syria hỗn loạn, Iran cứng rắn
Xuyên suốt năm 2012 là “dư chấn Mùa xuân Ả Rập”, gây ra tình trạng hỗn loạn trên khắp đất nước Syria. Quân nổi dậy liên tiếp lớn mạnh trong khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị thui chột từng ngày khiến cục diện cuộc nội chiến Syria không còn cân đối. Chưa dừng lại ở đó, những căng thẳng biên giới với quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính quyền Syria phân tâm và mất lợi thế chủ động trước lực lượng nổi dậy.
Trong một diễn biến mới nhất, nước Nga, một trong những đồng minh thân cận của chính quyền Assad đã quyết định lập ủy ban điều hành sơ tán công dân khỏi Syria, một trong những động thái cho thấy sự thất thế nghiêm trọng của chính quyền Assad. Phía Nga cũng lên tiếng hoan nghênh những quốc gia chấp thuận cho Tổng thống Syria tị nạn chính trị.
Trong khi đó, một quốc gia khác trong khu vực là Iran cũng phải chịu những áp lực rất lớn của cộng đồng quốc tế. Bị phương Tây cáo buộc tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân khiến Iran phải gánh chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề. Thậm chí, Nhà nước Do thái Israel còn đe dọa sẽ không kích những cơ sở hạt nhân của Iran nếu như Tehran không chấm dứt cái gọi là chương trình hạt nhân của nước này.
Về phần mình, Iran liên tiếp bác bỏ cáo buộc tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của nước này. Tehran khẳng định, chương trình hạt nhân mà họ đang theo đuổi hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình. Song song với đó, Iran liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận phòng không, tập trận Hải quân quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng tác chiến của quân đội. Hàng loạt vũ khí và tên lửa hiện đại cũng được Iran cho ra mắt trong năm 2012, tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu.
Trịnh Duy (IFN)
------------------------------
------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét