Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Dân chủ hóa và xã hội dân sự tại Việt Nam

Tại Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ,
trò chuyện giữa một số nghị sĩ của Đức và Thụy Điển với giới xã hội dân sự Việt 
Nam
.
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sự lớn mạnh của xã hội dân sự tại Việt nam sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.

Sau đây là cuộc thảo luận về đề tài này giữa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà nội, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân chính trị đang định cư tại Hoa Kỳ.
Buổi thảo luận diễn ra tại đài RFA ở Washington do Kính Hòa thực hiện.
Kính Hòa: Xin bắt đầu bằng câu hỏi dành cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Thư ông trong bài viết mới đây ông có trình bày những mô hình có thể cho tiến trình dân chủ hóa Việt nam, trong đó ông tự nhận mình theo cách tiếp cận đến dân chủ hóa bằng xã hội dân sự. Thưa Tiến sĩ ông đánh giá là xã hội dân sự Việt nam đã lớn mạnh hay chưa?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Rất nhiều người nghĩ rằng xã hội dân sự ở Việt nam vừa yếu vừa kém, và không phát triển. Điều đấy cũng là sự thực, nhưng mà nếu mình xét theo khía cạnh lịch sử, tức là nếu chúng ta so sánh Việt nam bây giờ với các nước mà họ đã thành công trong việc chuyển đổi dân chủ, ở cái thời trước chuyển đổi của họ độ khoảng 5, 7 năm thì tình hình xã hội dân sự của Việt nam bây giờ là khá.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, từ góc đứng ở Hoa Kỳ, với một khoảng cách mấy chục năm xa Việt nam, quan sát xã hội dân sự Việt nam thì Giáo sư có đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A không?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Điểm đầu tiên tôi đồng ý là nếu mình so sánh về lịch sử thì chỉ khoảng cách đây 5 hay 10 năm thôi thì đã khác rất nhiều.
Và internet là một điều rất là quan trọng, vì thực sự nếu mình nói về xã hội dân sự bây giờ thì trước đây mình không có tại Việt nam có lẽ là vì không có internet. Nó giúp cho xã hội dân sự mặc dù nhà nước chưa cho phép. Ngay cả những người hoạt động xã hội dân sự trong hai mươi mấy hội đoàn thì thực sự cũng chưa thể hoạt động dưới đất một cách chính thức được.  Thành ra Internet rất là quan trọng, một điều mà cần phải nhận xét khi nói về xã hội dân sự tại Việt nam, một xã hội dân sự tôi hay gọi đùa là trên trời, và nó đang tìm cách hạ cánh xuống đất.
Đó là điểm thứ nhất, còn điểm thứ hai là nếu chúng ta nhìn xã hội dân sự theo cái mô hình bình thường ở các nước thì chưa có ở Việt nam vì nhà nước không cho phép, nhưng nếu chúng ta nhìn nó là những hoạt động của người dân, thì chúng ta đã có từ lâu rồi, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại đây. Những hoạt động của người dân ngày càng chủ động và tự động mặc dù nhà nước không cho phép, mà đôi khi còn bắt bớ hay phá nữa. Nhưng mà chúng ta thấy nó đã có và ngày càng mạnh lên.
Kính Hòa: Xin trở lại với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông có viết trong bài viết mới của ông về những giai đoạn của tiến trình dân chủ, thì theo ông Việt nam vẫn đang ở trong giai đoạn chuẩn bị. Thưa ông như vậy có bi quan quá không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Không bi quan. Trong bài viết của tôi có nói đến 3 giai đoạn trong quá trình dân chủ hóa, là giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn chuyển đổi, và giai đoạn củng cố. Đó là một sự tổng kết lý luận và thực tiễn kinh nghiệm của hàng chục nước đã dân chủ hóa trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba. Và tôi nghĩ rằng xét về tình hình cụ thể ở Việt nam thì Việt nam vẫn chưa bước vào giai đoạn chuyển đổi. mà vẫn còn ở trong giai đoạn chuẩn bị thì nó là một thực tế. Không phải bi quan hay lạc quan mà đấy là một sự thực. Chúng ta phải ghi nhận sự thực ấy, và cái việc chúng ta hoạt động, chúng ta hành động như thế nào để cho nó chuyển sang giai đoạn sau thì đó là cái việc của chúng ta nhận ra được rõ mình đang ở vị trí nào.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Thực sự ra có nhiều cách nhìn bổ sung cho nhau.
Giống như Tiến sĩ A nói là chuẩn bị hay quá độ, thì tôi nhìn theo cái danjng kinh tế, văn hóa và chính trị. Nhìn như vậy có tính như là chuyển đổi.
Chuyển đổi đầu tiên là về kinh tế. Rồi đến chuyển đổi về văn hóa xã hội, rồi đến chuyển đổi về chính trị là sau cùng. Chính trị ở đây hiểu theo nghĩa là thể chế, cơ chế, chính quyền. Thực sự ra nếu chúng ta hiểu dân chủ theo nghĩa là toàn diện, tức là dân chủ trên kinh tế, dân chủ trong văn hóa xã hội, dân chủ trong chính quyền, thì chúng ta thấy nó đã diễn ra rồi. Vì vậy tôi mới chia làm ba giai đoạn, giai đoạn kinh tế, văn hóa xã hội, rồi đến giai đoạn thứ ba mới là chính trị.
Như thế thì chúng ta thấy từ năm 2011, 2012, lúc mà thảo luận về sửa đổi Hiến pháp chẳng hạn thì chúng ta thấy có hai ba bản Hiến pháp đưa ra, thì tôi thấy đó là đã bước vào giai đoạn chuẩn bị để thay đổi thể chế chính trị. Nhưng mà kinh tế đã xảy ra rồi, văn hóa xã hội cũng đã xảy ra vì thế chúng ta mới thấy các NGO (Tổ chức phi chính phủ) ra đời, mặc dù nhà nước chưa cho phép. Đó là cái cách nhìn như thế, nó bổ sung cho nhau.
Tức là dân chủ hóa là một tiến trình đi qua từng giai đoạn như vậy. Và mỗi giai đoạn đều có chuẩn bị.
Từ trái phóng viên Kính Hòa, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt,
và Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại đài RFA
ở Washington ngày 20 tháng 8, 2015
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đó là những cách nhìn khác nhau về một tiến trình dài. Như Giáo sư Hoạt thì nhìn theo những nhân tố cơ bản của một xã hội, là kinh tế, văn hóa, chính trị. Còn chuyển đổi chính trị theo nghĩa chúng tôi hiểu thì nó hẹp hơn một chút.
Ví dụ như là chuyển đổi dân chủ ở các nước Đông Âu thì họ phải làm cả chuyển đổi chính trị lẫn kinh tế. Việt nam bây giờ thuận lợi hơn họ, tức là chuyển đổi về kinh tế thì cơ bản đã xong rồi, chỉ còn chuyển đổi chính trị mà thôi.
Kính Hòa: Liên quan đến sự thay đổi đó, thì theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, xã hội Việt nam bây giờ đã có một sự đa nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Quang A có đồng ý rằng Việt nam bây giờ đã có một sự đa nguyên hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Bản chất của xã hội là một sự đa nguyên. Các lợi ích khác nhau, các ý kiến khác nhau,… Mình có công nhận hay không công nhận sự đa nguyên thì nó vẫn thế.
Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt: Nó đã có rồi…
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: …Nói đa nguyên ở đây chúng ta đang đấu tranh cho một sự đa nguyên chính trị ở Việt nam. Chứ còn đa nguyên kinh tế ở Việt nam thì đã có các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì cũng có đủ loại. Còn những sở thích về văn hóa cũng như vậy.
Và ngay cả quan niệm về mặt chính trị cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Thì thực chất là bản chất của xã hội Việt nam là một xã hội đa nguyên, vốn bản thân nó là như vậy. Bây giờ mình làm sao để mọi người, nhất là giới lãnh đạo chính trị, chấp nhận đa nguyên chính trị nữa,
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Đấy mới là điểm hay. Một mặt xã hội và người dân cứ như thế phát triển theo đúng qui luật khách quan của nó. Một mặt những người cầm quyền độc tài chưa chịu chấp nhận nó, nhưng thực sự nó vẫn đang tiến lên rồi.
Kính Hòa: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông có một so sánh thú vị trường hợp chuyển đổi dân chủ của Ba Lan và Việt nam. Quan hệ lịch sử giữa nước Ba Lan và nước Nga đế quốc, giữa nước Việt nam và nước Trung Hoa đế quốc. Trong trường hợp Ba Lan, thì có một điểm chung giữa những người cộng sản Ba Lan, những người cộng sản Xô Viết, và những người đối kháng Ba Lan là không muốn có sự can thiệp xảy ra. Trong trường hợp Việt nam là những người cộng sản Việt nam, Trung quốc, và những người đối kháng Việt nam. Thưa ông  hai trường hợp này có giống nhau?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chưa có một nghiên cứu chi tiết về quan hệ Việt Trung, nhưng tôi cũng có để ý xem là lợi ích của Trung quốc là cái gì, của ban lãnh đạo Việt nam là cái gì, lợi ích của nhân dân Việt nam là cái gì. Tôi nghĩ rằng cả ba đều có những điểm chung với nhau, vì tôi nghĩ rằng nếu có sự can thiệp thô bạo của Trung quốc vào quá trình dân chủ hóa Việt nam thì sẽ làm cho Trung quốc thiệt hại nhiều thứ, mà cái được của họ là không bao nhiêu. Tôi suy ra là cũng giống như quan hệ giữa ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan, nhân dân Ba Lan, và Kremlin mấy chục năm trước. Nhưng tất nhiên chỉ là cảm giác thôi, cần nghiên cứu kỹ hơn về các lợi ích, các cái được và mất của các bên thì chúng ta mới rút ra được kết luận chắc chắn.
Kính Hòa: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi nghĩ rằng nó không tương đồng lắm. Ngay cả ban lãnh đạo cộng sản Việt nam và Bắc kinh thì cái lợi ích đã dần dần không tương đồng rồi. Trước đây thì rất tương đồng, bây giờ thì không.
Tôi nghĩ rằng ở đây vấn đề là làm sao giải quyết quan hệ giữa đảng cộng sản Việt nam và Bắc Kinh, để tiến trình dân chủ hóa có thể xảy ra tại Việt nam, vì thực ra đó là một trở ngại lớn. Một trở ngại hai mặt. Một mặc ban lãnh đạop đảng cộng sản Việt nam cũng không muốn đẩy mạnh quá. Vì nếu đi trước Bắc Kinh, làm phật lòng họ thì chưa chắc đã là tốt.
Mặt thứ hai cũng có thể là Bắc Kinh cũng đang có dự án, một ý đồ thay đổi về chính trị, như là một mẫu mực để đảng cộng sản Việt nam hay Việt nam nói chung noi theo. Cũng như trước đây họ cản trở không cho mình vào WTO chẳng hạn.
Tôi nghĩ nếu không tương đồng như vậy thì có lẽ đó là một trở ngại cho tiến trình dân chủ hóa. Nhưng nếu mình biết khai thác thì nó cũng có thể là một cái tốt vì Việt nam có thể đi trước Bắc Kinh. Và nếu như giữa ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và nhân dân Việt nam, đặc biệt là những người đấu tranh, nếu có những lợi ích chung, càng ngày càng gần nhau, thấy rằng việc dân chủ hóa Việt nam là chuyện không thể thoát được. Và đó là cái lợi ích chung cho cả ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và dân tộc Việt nam, quốc gia Việt nam, nhất là trước nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh, nếu đạt được cái đó thì tiến trình dân chủ hóa Việt nam sẽ đạt được những bước tiến rất mạnh.
Kính Hòa: Có những ý kiến cho rằng việc thương thảo để vào TPP và chuyến thăm vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng đến nước Mỹ, có thể là một điểm rất quan trọng cho sự thay đổi cho Việt nam từ đây trở về sau. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt có đồng ý với ý kiến đó không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Mối quan hệ Việt nam và Hoa Kỳ rất là quan trọng, trong suốt 20 năm qua nó ngày càng nồng ấm. Tôi tin là trong tương lai sẽ càng mật thiết hơn nữa, và đó là cái điều tốt cho Việt nam, tốt cho Hoa Kỳ, tốt chung cho cả thế giới.
Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ mang tính biểu tượng ghi nhận lại sự phát triển trong 20 năm qua. Nhưng tôi không lạc quan, hay là đánh giá quá cao cái việc đó như là một sự thay đổi mang tính đột phá, và là một sự chuyển trục sang phía Mỹ của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam.
Tôi nghĩ không phải như vậy mà đây là một quá trình tiệm tiến từ từ. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực trong nước. Người dân nếu ủng hộ sự phát triển này, gây sức ép 24/7 với chính quyền, thực sự là để giúp bản thân chính quyền thực hiện những cái họ nói.
Bây giờ cái mà họ nói, và cái họ làm khoảng cách tương đối là xa. Nhân dân chỉ muốn là các ông nói như thế, thì cũng làm như thế. Chúng tôi chỉ giúp các ông thực hiện những việc mà các ông nói rất là hay đó.
Nếu chúng ta thực hiện được những việc là bên trong đấy ra, bên ngoài thì kéo để cho cái không gian hoạt động chính trị, không gian xã hội dân sự mở rộng ra. Khi không gian này được mở rộng thì quá trình dân chủ hóa dễ xảy ra hơn, và xảy ra một cách ít tốn kém cho dân tộc.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Nhìn chung chúng ta thấy là từ khi đảng cộng sản Việt nam chấp nhận đổi mới kinh tế, chấp nhận tham gia sự hội nhập quốc tế, thì Việt nam ngày càng dễ phát triển. Cái đó rất là rõ. Và khi anh càng hội nhập quốc tế bao nhiêu thì anh càng phải nới rộng, giống như Tiến sĩ A nói, cái không gian cho người dân. Anh không thể nào thắt chặc cái không gian của người dân nếu anh muốn hội nhập vào cái không gian chung của thế giới. Thành ra cái việc vào TPP hay xích lại gần với Mỹ là một xu thế bắt buộc. Không thể nào đi ngược lại. Vậy nên cái đó nếu mà chậm thì chỉ làm chậm lại sự phát triển thôi. Và đó là một cái không thể cưỡng lại được.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng xin dành cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A là với tư cách một người thành danh tại Hungary. Mà Hung nay có vẻ là một sự chuyển đổi dân chủ khá thành công trong sự chuyển đổi ở Đông Âu. Vậy theo ông Việt nam có thể học được những gì từ mô hình đó?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thực sự thì không chỉ có kinh nghiệm của Hungary. Kinh nghiệm của nước này cũng có những bài học dở mà chúng ta nên tránh. Trong 10 năm qua tôi đã nghiên cứu tất cả các trường hợp của Đông Âu, kinh nghiệm các nước Nam Âu, kinh nghiệm các nước Mỹ latin, Nam Phi, và quan trọng là những nước láng giềng của chúng ta như Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hàn quốc. Từ kinh nghiệm của các nước ấy, các nước khác nhau một trời một vực, về địa lý, về văn hóa, về kinh tế, về môi trường chính trị, nhưng có những bài học chung để chúng ta có thể học, hoặc chúng ta có thể tránh.
Tôi nghĩ rằng từ những bài học đó, chúng ta có thể hình dung ra là chúng ta nên hoạt động như thế nào để quá trình dân chủ hóa ở nước mình nó tiến hành một cách suông sẻ hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn.
Kính Hòa: Mời Giáo sư Hoạt.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Các nước rất khác nhau đặc biệt là so với Việt nam rất là khác. Cái khác lớn nhất theo tôi là đảng cộng sản Việt nam. Ở những nước kia không có cái tổ chức như là đảng cộng sản Việt nam. Từ lúc sinh ra, lớn lên trong bao nhiêu cuộc đấu tranh. Cho đến bây giờ nó có bao nhiêu kinh nghiệm, cái cách cai trị rất đặc biệt vì thế đó là một trở ngại rất là lớn, nếu đảng cộng sản không đưa ra được những con người mới thì quá trình dân chủ hóa vẫn rất khó khăn.
Mặc dù là sự đấu tranh của quần chúng đặc biệt là của giới trẻ, mà tôi có niềm tin là ngày càng mạnh. Điều đó sẽ là một áp lực rất lớn và áp lực ngay lên nội bộ đảng cộng sản để cho những khuynh hướng cởi mở hơn, cấp tiến hơn sẽ thắng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Không có nước nào giống nước nào cả, ngay cả các nước xã hội chủ nghĩa với nhau. Nhưng cũng có những điểm chung. Chẳng hạn như các nước cộng sản Đông Âu mà tôi sống ở đó 13 năm, thì tôi thấy giống đảng cộng sản Việt nam lắm, từ bộ máy nhà nước đến các tổ chức quần chúng.
Hoặc chúng ta nhìn sang Đài Loan, cái bộ máy tổ chức của Quốc dân đảng rất giống cộng sản.
Nhìn cái sự so sánh như thế thì tôi có sự lạc quan hơn so với Giáo sư Hoạt cho rằng Việt nam rất là đặc biệt, vì người ta cho rằng Việt nam nó khác.
Tôi nghĩ rằng Việt nam đúng là khác, nhưng Việt nam không phải là một ngoại lệ.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi không phải không lạc quan đâu, bởi vì người Việt nam nói chung, kể cả người Việt nam cộng sản, nó rất là đặc biệt, và cái đặc biệt đó sẽ giúp bung phá tình hình.
Kính Hòa: Xin Cám ơn hai ông.
---------------- 

16 nhận xét:

  1. Tôi mừng vì đề tài này được bàn đến hôm nay như một khẳng định con đường tất yếu của VN đang đi tất phải đến cái đích DÂN CHỦ HÓA ĐẤT NƯỚC.
    Tôi cũng rất mừng vì hôm nay chúng ta đã có Internet , Internet giúp ta nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời vượt lên trên mọi sự cấm đoán bắt bớ giam cầm.... mà lâu nay chính quyền vẫn đang làm.
    Đây là một may mắn cho chúng ta so với Đông Âu 25 năm trước.
    Một may mắn nữa cho chúng ta là TQ, hang ổ cuối cùng của CNCS thế giới đang lung lay thối rữa đến tận gốc,
    Chúng hung hăng điên cuồng vậy thôi. Khi trên mạng truyền thông xuất hiện hình ảnh Giang Trạch Dân bí "áp tải" bởi hai tên đặc vụ, nhân dân TQ hiểu rằng đó đâu có phải bức ảnh thật về một con người cụ thể đã từng đứng trên đầu 1,3 tỷ người dân TQ , nó nói lên sự tiêu vong của một thứ "quyền lực bất biến" của chủ nghĩa Cộng sản mà lúc này Tập Cận Bình đang cố bám víu vào.

    Trả lờiXóa
  2. Người giác ngộlúc 05:01 26 tháng 8, 2015

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói cũng đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác.
    Ông TBT Nguyễn Phú Trọng chẳng là cái quái gì cả và ông ta sẽ không có sự chuyển biến đáng tin cậy nào.
    Điều mà chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một cách chính xác là SỨC MẠNH NHÂN DÂN đã mạnh đến mức ÔNG VUA CỘNG SẢN đã khiếp nhược, khiến ông ta trở thành một kẻ đầu hàng trong những ngày công du nước Mỹ.
    Thế là đủ.

    Trả lờiXóa
  3. đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập là lẽ tự nhiên vốn có của xã hội loài người, chỉ có bọn cầm đầu cs mới lo sợ và tìm cách ngăn cấm nó để độc tài toàn trị mà thôi.
    chính vì những kẻ cầm đầu cs ngăn cấm đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, tam quyền phân lập mà các đảng cs trở lên thối nát và phản động,phản tiến hóa vì không có cạnh tranh, không có giám sát và không thể phát huy mọi tài năng cho mọi con người, không thể sử dụng và phát huy nội lực về các mặt cho đất nước...

    Trả lờiXóa
  4. Mệnh lệnh của thời đại hôm nay :1/ dân chủ thì sống 2/,độc tài đảng trị thì chết 3/ liên kết quân sự với Mỹ thì sống còn 4/ liên kết quân sự với TQ thì chết ngay lập tức,mất nước ngay tức khắc,dân tộc bị tiêu diệt ngay !

    Trả lờiXóa
  5. lương tâm thời đạilúc 06:18 26 tháng 8, 2015

    Việt Nam hiện đã có trên 30 triệu người tham gia mạng truyền thông dân sự, lợi ích của nó thấy rõ nhất qua việc Hà Nội triệt hạ cây đường phố, thì phong trào đấu tranh tự phát của dân cả nước nổi lên ngay..
    Trong tiến trình Dân chủ hóa đất nước cũng vậy, người ta đã quá chán ghét chế độ chính trị độc tài này, nhưng người có ý thức thực sự muốn thay đổi xã hội một cách lành mạnh chưa nhiều.
    Dân chủ là lao động sáng tạo thông minh.
    Dân chủ không phải là khẩu hiệu.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi rất thích đề tài này. Nó hứa hẹn một làn sóng DÂN CHỦ MẠNH MẼ đang trỗi dậy tại VN mà không ai ngăn cản được

    Trả lờiXóa
  7. Trong tất cả các lĩnh vực , từ khoa học kỹ thuật công nghệ đến đời sông CT-XH....tính đa nguyên là tính bất biến , là tính tự nhiên không thể nào và cách gì xóa bỏ được. Xây dựng một thể chế CT nếu càng tuân theo những qui luật của tự nhiên thì càng bền vững và phát triển. Chính các nước phát triển đã đi theo con đường đa nguyên tự nhiên này và đã trở thành những QG giàu mạnh và phát triển mọi mặt . Ngược lại những QG không tuân theo các qui luật tự nhiên , tham dự thô bạo đầy chủ quan vào mọi mặt của đời sống XH-CT sẽ bị chậm phát triển và không bền vững. Tình hình TQ đang chứng minh điều đó .

    Trả lờiXóa
  8. Muốn có xả hội công bằng cần phải có Dân Chủ - Có Dân Chủ thì phải có Đa Nguyên Đa Đảng để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Đất Nước - Cụng cạnh tranh và chọn lọc xây dựng một chính thể vì dân - Đặc quyền lợi của Tổ Quốc trên hết phải trách nhiệm trước Nhân Dân / Việt Nam chúng ta đả bị ĐCSVN kềm hảm để thủ lợi suốt 85 năm - Đả đến lúc toàn dân thức tỉnh đứng lên đòi quyền làm chủ thật sự của mình - Khi toàn dân đả đồng lòng đứng lên là một sức mạnh vủ bão sẻ nghiền nát sự độc tài toàn trị của ĐCSVN - Hãy thức tỉnh và cùng đứng lên nhất định thành công -

    Trả lờiXóa
  9. Muốn đánh giá cái mạnh, cái yếu, cái cần phát huy và cái cần chấn chỉnh của XÃ HỘI DÂN SỰ tại Việt Nam hiện nay, thì chúng ta phải biết nhìn nhận và đánh giá nhận thức của chính bản thân mình.
    Phần đông hiện nay khao khát một nền dân chủ, một xã hội bình đẳng tự do, không có kẻ cướp, không có những thủ đoạn chèn ép ức hiếp người dân lương thiện, thì họ hưởng ứng chế độ dân sự để thể hiện ý nguyện của mình. Nhưng bản thân họ vẫn không có một cuộc sống lành mạnh, không có chí tiến thủ trong lao động sáng tạo, thì chính họ sẽ là một gánh nặng cho xã hội tương lai.
    Muốn tránh tình trạng này, muốn tạo dựng một xã hội dân sự KHÔNG BAY LỬNG LƠ TRÊN TRỜI, CHÚNG TA PHẢI ĐỘNG VIÊN VÀ HỖ TRỢ NHỮNG HOẠT ĐỘNG LẶNG LẼ DƯỚI MẶT ĐẤT mà không cần ồn ào, không khua chiêng gõ mõ.
    Đó là những nhân tố xã hội cần, rất cần trong tương lai.

    Trả lờiXóa
  10. Ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ.
    Ông Nguyễn Quang A cũng đi Mỹ.
    Ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ nói lăng nhăng.trước ông Tổng Thông Obama
    Ông Nguyễn Quang A đi Mỹ nói những điều thiết thực trước dân chúng.

    Hình như họ cùng lứa tuổi?
    Bao giờ họ ngồi bàn tranh luận cùng một vấn đề thì đất nước mới khá hơn.

    Trả lờiXóa
  11. Thật là nhầm lẫn khi đánh đồng XHDS với dân chủ. Tôi đã viết nhận xét về khái niệm này tiếc thay dài quá (không thể rút gọn mà làm cho người ta hiểu đúng ý mình). Muốn gửi cho bác Bồng để hầu các còm sỹ nhưng không biết cách nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với NTD 12:43 - Comt cứ thoải mái bình, phân tích, dẫn liệu, phản biện, phản bác, nếu dài thì phân (chẻ) ra: (còn tiếp)...(tiếp theo), trang mạng blogspot cho phép mà! Chúc bạn vui!

      Xóa
    2. Cám ơn chủ Blog đã có nhã ý trả lời!
      NTD

      Xóa
  12. Một nhận xét quan trọng trong sự khác biệt của VN và các nước cs Đông Âu xưa do Gs Đoàn Viết Hoạt nêu ra là có, tuy các cấu chức của các đảng cs có thể coi như tương tự nhau, nhưng về văn hóa và xã hội thì các nước Đông Âu cùng chung trong Châu Âu trước thế chiến thứ hai đã trải qua một gian đoạn phát triển cao, trong khi VN lại đi trực tiếp từ phong kiến vào độc tài cs !

    Trả lờiXóa
  13. Dân lương thiệnlúc 07:42 27 tháng 8, 2015

    Thật nực cười, khi có một số người do bất mãn và có thể do một số nguyên nhân khác, họ không có việc làm và họ chửi ... họ tưởng rằng cứ việc chửi thì dân chủ công bằng văn minh sẽ đến?
    Những người này hiện không ít và rồi trong tiến trình DÂN CHỦ HÓA ĐẤT NƯỚC, họ sẽ là vật cản.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Họ chửi cái xấu là tốt chứ? Ông tự nhận "lương thiện" ơi!

      Xóa