Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

> KHÔNG ĐƯỢC TÙY TIỆN LẤY ĐẤT CỦA DÂN

Trên đồng đất Thanh Văn ( Thanh Oai, Hà Nội)

      *  Phóng sự - Mai Thục
                 Thực trạng xã hội đã đến mức kích ứng lòng tham của con người, nhất là cán bộ có chức có quyền; cái xấu, cái ác phơi bày trắng trợn giữa nhân gian. Hầu như không ít trường hợp cán bộ đảng viên chức quyền càng cao, tham nhũng càng lớn. Quốc nạn tham nhũng đã gây bao tai ương, chướng họa cho cuộc sống hằng ngày của từng người dân Việt Nam, nhất là nông dân mất đất sản xuất. Cuộc sống của họ bị rơi vào cảnh  mất đất mà còn bị bất an, đói nghèo, bệnh tật, thất học, giả dối, lừa đảo, tan cửa nát nhà, tình người bị đồng tiền chỉ giáo, giặc ngoài lăm le… tất cả do đại nạn tham nhũng mà ra.

                Tham nhũng dẫn tới thảm họa suy thoái. Tham nhũng đội tiền vàng trên đầu, phủ lấp trái tim, chà đạp cuộc sống con người Việt ở bất cứ nơi đâu. Không trừ một ai. Kể cả chính thân phận những kẻ tham nhũng. Hôm nay giặc tham huênh hoang, vàng bạc đầy mình, lông ngôn lộng quyền náo loạn. Ngày mai, thấy có kẻ bị dính lưới pháp luật, thân bại danh liệt, rũ tù. Kẻ không bị tù thì cũng nhục nhã ê chề trước thiên hạ. Kẻ “hạ cánh an toàn” cũng tự mình phải phơi mặt trước đồng bào. Không ai nhìn nhận hắn là một con người. Luật Nhân Quả của vũ trụ thật công bằng.
             Tâm linh Việt tràn đầy sức mạnh. Anh hùng thời nào cũng có. Thời thế tạo anh hùng. Chống tham nhũng đòi hỏi những người anh hùng “Thần kinh thép”...
               Toàn dân Việt Namđang vào cuộc chống tham nhũng. Vừa chống gian tham, vừa phải mở đường để con người Việt tự biết phát huy truyền thông văn hóa, nhân văn, làm cho những nhân cách văn hóa ngày càng hội tụ thành sức mạnh cải biến, phát triển xã hội.
              Trong đời sống xã hội, trong khi “một bộ phận lớn cán bộ có chức có quyền suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức , lối sống”, thì ở làng xã, phố phường vẫn có những đảng viên thực sự trong sáng, trung kiên, liêm chính, biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Họ thực sự là những đảng viên chân chính, không bị thoái hóa, biên chất.
                Mới đây, ngày 10- 11- 2012,  đám bạn bè đồng môn Văn khoa chúng tôi về xã Thanh Văn- huyện Thanh Oai (Hà Nội), gặp một đảng viên  đã thuộc hàng “thất thập”, ba mười năm làm Bí thư Đảng ủy xã mà vẫn được bà con tín nhiệm, coi ông là tấm gương liêm khiết, chính trực, tận tụy vì việc xóm việc làng. Đó là Quang Văn Thỉnh. Ông Thỉnh xin nghỉ hưu, vẫn được Đảng viên và dân trong xã Thanh Văn tín nhiệm tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã. Cuộc bầu ông Thỉnh tái đắc cử Bí thư Đảng ủy diễn ra trên tinh fthần dân chủ, không có sự áp đặt, vây cánh nào đó, hoặc “dội từ trên xuống”.
                 Đặc biệt dân làng còn tự phong cho ông là Quang Văn Thỉnh là “Thành Hoàng Làng”. Có người đã tự nguyện dâng tặng nhà thờ Tổ của họ Quang bộ khí thờ.
 
                 Bởi ba mươi năm liên tục làm Bí thư Đảng ủy xã, (ảnh bên) ông đã gương mẫu, hy sinh, dám nghĩ, dám làm, nhất là có nhiều việc đã dám “vượt rào”, miễn sao dân được nhờ, uy tín Đảng, chính quyền nơi sở tại được nâng cao.  Ông đã cùng tập thể cấp ủy, chính quyền xã lo cho dân có  cuộc sống mới, từ diện phải “xóa đói giảm nghèo” thành no đủ, khá giả. Ông là người luôn luôn thẳng thắn đấu tranh đẻ giúp bà con nông dân giữ đất làm trang trại, phát triển mô hình VAC (vườn ao chuồng), phát triển làng nghề, coi trọng huy động sức dân đẩy mạnh sản xuất, làm lợi cho kinh tế hộgia đình. Đặc biệt, ông Thỉnh rất có công trong việc phục hồi thương hiệu lúa “Bồ Nâu”, một giống lúa từ xưa đã được gọi là lúa “Tiến Vua”. Ông còn vận động đẻ tạo được nguồn quỹ chính sách tại địa phương giải quyết chế độ “nông dân hưu trí”. Nông dân Thanh Văn hết sức lao động, tuổi 60 được hưởng lương hưu mỗi tháng 300.000 đồng từ Quĩ bảo hiểm và phúc lợi Nông dân Thanh Văn.

         Làng Thanh Văn-những điều trông thấy

               Xã Thanh Văn thuộc vùng chiêm trũng nằm ở phía Đông huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 10km đường chim bay. Thanh Văn có diện tích trên 600ha, đất trồng lúa 444,5ha. Dân số 6520 khẩu.
               Trước năm 1986, đời sống nhân dân Thanh Văn đói nghèo cơ cực. Nhà tranh vách đất, mùa mưa bị lụt úng ngập triền miên. Đường làng nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Sản xuất độc canh cây lúa, năng suất bấp bênh, phụ thuộc thiên nhiên. Người dân sống trong cảnh đói rét, rách nát, ít được học, không được chăm sóc y tế.
        Từ năm 1986 đến nay, khi ông Quang Văn Thỉnh liên tục làm Bí thư Đảng ủy xã, tình hình kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, tinh thần của dân làng, chuyển mình mỗi ngày một sáng. Tuy rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, trong đó có việc bảo tồn phát huy văn hóa làng xã hòa nhập cùng xu thê sphát triển của thời đại.       
       Ông Quang Văn Thỉnh và các cán bộ xã đón chúng tôi trong trụ sở UBND xã được xây hai tầng khang trang, giữ khu vườn hoa cây cảnh, ao làng cá bơi, vịt lội. Gió đồng mát rượi. Mái tóc trắng thanh tao, nét cười đôn hậu, ánh mắt trầm tư, thầm lặng yêu thương, ông Thỉnh dẫn chúng tôi đi dạo trên đường làng, ra cánh đồng, hỏi chuyện dân và mời chúng tôi góp ý về việc xây dựng, nâng cao đòi sống văn hóa làng Thanh.
           Chúng tôi dạo đường bê-tông mới xây dựng thoáng rộng, ô-tô đi được quanh làng, ra những cánh đồng lúa, trang trại. Đường nối thôn sang thôn. Mỗi thôn đều có miếu, đình, chùa thơm ngát hương trầm. Những ngôi nhà hai tầng, ba tầng, liền bên là nhà thờ tổ xây kiểu cổ ba gian hai chái, cây vườn bao quanh, những chùm quả bưởi vàng khoe nắng. Mỗi nhà tự trồng lại lũy tre làng ôm ấp thôn quê. Giếng làng khơi trong, kè bậc đá, nàng và chàng múc nước dưới trăng. Đền thờ Bác Hồ ngự giữa ao sen. Đài thờ liệt sĩ ngát khói nhang. Trường mẫu giáo, trụ sở Qũy tín dụng, các nhà thuốc, cửa hiệu may mặc, quán đặc sản vịt nướng, quán cắt tóc, gội đầu… Thanh Văn nhà nối nhà, vừa cấy trồng lúa, màu th về các loại nông sản hàng hóa, vừa tự cung cấp dịch vụ trong thôn.
        Tôi lạc vào ngôi nhà ba tầng, quây quần vài ba thế hệ đang chung bữa cơm trưa. Cụ bà bảo: “Nói đến Thanh Văn là nói đến bác Thỉnh của chúng tôi”.
            Chúng tôi thăm nhà ông Thỉnh. Ngôi nhà hai tầng và nhà thờ tổ của ông trong khu vườn giống như mọi nhà dân trong xã. Có khác là một vườn hoa lan, hai ông bà thư giãn.
               Ông Thỉnh từng đi bộ đội, trong đội quân sang giúp nước bạn Lào, trở về học Trung cấp thủy lợi, hai vợ chồng và ba con sống trong cơ quan huyện. Ông sớm xin nghỉ việc về vui thú điền viên Thanh Văn quê nhà. Ngôi nhà thênh thang gió đồng nội chỉ có hai ông bà ở. Các con cháu cuối tuần sum vầy. Vợ ông Thỉnh cười hiền dịu đón chúng tôi.
                  Nhà thờ Tổ của ông thơm ngát hương trầm. Kiến trúc nhà cổ ba gian hai chái, cột gỗ lim. Có sập gụ, tủ chè, bàn ghế cổ. Bộ đồ thờ do nhân dân xã tặng. Đầu năm 2012 dân làng chúc thọ ông:

               Tuổi bảy mươi tâm càng tráng kiện
                Chí Thanh Vân vẫn giữ vững bền
                Một nhà lan quế sum vầy đủ
                Sự nghiệp rạng danh mãi vạn niên.

       Nếu như một số địa phương chọn công nghiệp, dịch vụ làm bàn đạp xây dựng nông thôn mới thì xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội chọn nông nghiệp làm tiền đề, trên cơ sở những trang trại trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái ven đô.
        Bà con đến trụ sở chính quyền xã Thanh Văn
                      nhận tiền hưu trí nông dân
 
                 Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, ông Quang Văn Thỉnh cho biết, với 450 ha đất nông nghiệp, trên 3.000 lao động ở xã Thanh Văn sống chủ yếu bằng trồng trọt, chăn nuôi. Vốn là vùng đất nổi tiếng từ xưa với loại gạo Bồ Nâu tiến vua, Thanh Văn phát huy truyền thống đó để hình thành những cánh đồng lúa hàng hóa chất lượng cao.
                Đảng ủy xã Thanh Văn đang tích cực vận động bà con tập trung chuyển đổi hết diện tích canh tác còn lại sang thâm canh giống lúa Bắc thơm, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường loại gạo chất lượng, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thành phố, vừa tăng thu nhập cho bà con. Bên cạnh mô hình phát triển lúa hàng hóa, Thanh Văn quy hoạch những trang trại chăn nuôi, mô hình cây ăn quả đặc sản. Chuyển 150ha sang mô hình trang trại (toàn xã hiện có trên 60 trang trại); 15ha sang trồng cây ăn quả đặc sản bưởi Diễn, chuối tiêu hồng…
   
          Những sáng tạo xây làng Thanh Văn
         Ông Thỉnh cùng mấy đảng viên trong chi bộ Thanh Văn mời chúng tôi ăn cơm trưa, với những món ăn quê nhà dân dã. Những món ăn quê từ tấm bé, được nhâm nhi lại. Nào là món châu chấu rang, canh cua đồng; nào là đậu phụ, thịt gà lá chanh; lại đậm đà rượu nút lá chuối, lạc rang, bắp chuối thái, cơm gạo Bồ Nâu tiến vua, quả chuối, bưởi vườn nhà…, khiến chúng tôi rưng rưng cảm động, thật khó quên.  
        Trưa cuối thu, khí trời mát mẻ, dễ chịu. Ông Thỉnh cùng chi bộ làng mời chúng tôi cùng tọa đàm về văn hóa làng xã thời hiện đại.
       Ông Thỉnh nói:
- Tôi đã nhiều khóa làm Bí thư chi bộ, rồi bí thư Đảng ủy xã. Khóa này tôi kiên quyết xin nghỉ, nhưng các đảng viên và bà con động viên là còn sức khỏe thì nên gánh vác cho việc làng việc xã.  
              Ông Thỉnh là người ính thực thụ, tính cách trung thực, thẳng thắn, có người cho là “ngang”. Ông nói:
 - Xưa nay, cái tính khí, phong cách tôi vẫn vậy. Người ta thường nói: “Giang sơn dễ đổi, tính cách khó ròi”. Tính cách là màu da mà, khó thay đổi lắm. Cái gì sai tôi bảo sai. Tôi không làm theo cái sai. Ghét cái lối ưa nịnh hoặc nịnh nọt cấp trên. Có nhiều việc tôi không được cấp trên thích đâu. Xã này bị 4 năm liền bị cơ quan an ninh, ơ quan quán lý về tư tưởng văn hóa khoanh vùng điều tra. Bây giờ trên hiểu ra, thì tóc tôi bạc trắng đất làng.
               Trong đoàn khách xa về thăm Thanh Văn, có người đặt câu hỏi: “Không hiểu ông đã lãnh đạo dân làng Thanh Văn như thế nào để có ngày hôm nay?”. Ông Thỉnh bình thản diễn giải:
- Dân đói. Chúng tôi lo cùng dân cấy trồng, tự mình làm ra gạo. Không chờ nghị quyết. Đất ruộng là báu vật ông bà cha mẹ, là dòng sữa nuôi người dân Việt mấy ngàn năm. Dân có ruộng đất không lẽ chịu đói? Chúng tôi tổ chức qui hoạch đất cấy trồng, bờ vùng, bờ thửa, xây kênh mương, cầu cống, làm đường. Vay vốn mua giống lúa, ngô , giống lợn, gà, cá, tôm giúp các hộ nghèo tự vươn lên. Từ chỗ thiếu đói, đến đủ ăn, dư thừa, bán nông sản, trả vốn… Dân đủ cái ăn, chúng tôi lo giải quyết cái nghèo. Thật gian nan. Vận động dân làm vụ Đông, học nghề phụ. Ai mở nghề phụ được miễn thuế, cấp mặt bằng. Lập quỹ xóa đói giảm nghèo. Khi dân đã đủ no, lập quỹ hưu cho người cao tuổi. Giúp vốn làm trang trại lúa, nuôi cá, gà vịt, lợn. Đưa điện ra đồng. Xây các công trình phúc lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học, tu sửa đình, chùa, miếu đền, nhà thờ Tổ…
              Câu hỏi “rắn” nhất là việc quản lý đất đai của Thanh Văn?
               Ông Tuấn, Chủ tịch xã, luôn bên cạnh ông Thỉnh nhiều năm nay khẳng định:
- Với dân, cái gì cũngcần được công khai, minh bạch. Làm lãnh đạo mà giấu giếm người dân thì cuối cùng dân họ cũng muốn dẹp ngay đi. Đất làng được quy hoạch, công khai minh bạch.
                Ông Thỉnh và cán bộ xã luôn nhắc nhau không mờ mắt vơ tiền, vàng đầy túi tham, mà bán đất của dân. Mang tội trời không dung đất không tha.
    Ông Thỉnh nói:
- Từ cổ chí kim trên thế giới, các cuộc chiến tranh là để cướp đất. Mọi dân tộc đều đứng lên chống lại cường quyền, quan tham để giữ đất. Con người sống nhờ đất, chết cũng nhờ đất. Cuối cùng ai cũng trở về với đất. Đối với nông dân chúng tôi, đất là nguồn sống cha ông gửi lại. Mọi người dân phải biết yêu quí đất như máu của mình. Chúng tôi luôn xác định từng tấc đất là tấc vàng. Từng người dân phải biết tự giữ đất nuôi mình và giữ đất cho con cháu. Đất Thanh Văn được quy hoạch công khai, hệ thống giao thông, và điện đồng hành cùng nông dân sản xuất hiện đại. Ai mua đất làm dự án, chúng tôi góp đất cùng chung chia lợi nhuận, không bán đất.
        Chuyện người nông dân Thanh Văn có lương hưu là một giấc mơ. Bạn tôi hỏi:
- Mấy năm trước, Nghệ An có người đề xuất ý tưởng lương hưu cho nông dân. Mọi người bảo: “Ông này bị điên”. Thanh Văn làm thế nào để nông dân được hưởng lương hưu?
Ông Thỉnh cười hiền như Bồ Tát:
- Ngày 1-1-2012 là ngày hội lớn của Thanh Văn.
              Lần đầu tiên 586 người cao tuổi trong xã lĩnh lương hưu. Đối với người nông dân, đây là niềm vui bất tận. Nguồn tiền từ Quỹ bảo hiểm và phúc lợi nông dân Thanh Văn. Quỹ do mọi người đóng góp, do tiết kiệm trong xây dựng cơ bản ở các thôn, tổng số trên 40 tỷ đồng, chúng tôi gửi tiết kiệm lấy lãi, trả lương hưu theo lộ trình tăng dần từ 300.000đ/tháng, mấy năm sau 500.000đ/tháng.


Cuộc bầu cử thực sự do dân
            Chúng tôi được xem băng hình ghi lại cuộc bầu cử Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn khóa 22 năm 2010. Ông Thỉnh xin nghỉ vì ông đã hoàn thành mơ ước của mình là giữ đất, giúp dân no đủ, phục sinh văn hóa truyền thống làng thôn, đào tạo cán bộ trẻ thay thế…
       Đại biểu Huyện ủy tặng hoa ông Thỉnh và ôm hôn thắm thiết. Tưởng thế là xong.
        Ai ngờ từ  những hàng ghế, mấy chục cánh tay xin phát biểu. Bao nhiêu tiếng nói vang lên từ những đảng viên đã 40, 50 tuổi Đảng. Mọi người đều nói: “Vì cuộc sống của người dân Thanh Văn, chúng tôi không đồng ý để đồng chí Thỉnh nghỉ”.
       “Ông Thỉnh làm Bí thư không chê trách vào đâu được. Đề nghị ông làm tiếp”.
       “Vô cùng tiếc nếu ông Thỉnh nghỉ. Ông là báu vật của đất Thanh Văn”…
        Những người từng bị ông Thỉnh kỷ luật, lúc này cũng cất tiếng nói, giữ ông tiếp tục làm Bí thư:
       “Chúng tôi từng cầm cờ, thất bại. Bởi chúng tôi quá dốt, không biết dựa vào lòng dân. Không dám hy sinh vì dân, nên không làm được gì cho dân làng. Nay chưa tìm được ai làm Bí thư như ông Thỉnh. Đề nghị ông Thỉnh cần phải vì việc chung mà tiếp tục làm Bí thư”.
        “Vì bát cơm, manh áo, đời người an vui, chúng tôi không để cho ông Thỉnh nghỉ”.
       “Chưa lúc nào uy tín của ông Thỉnh cao như bây giờ. Đề nghị phong tặng Anh hùng lao động và để ông Thỉnh làm Bí thư tiếp.”
      “Tấm gương yêu dân, xả thân vì dân cứ lấy ông Thỉnh ra mà học”…
             Ngoài hội trường, dân làng Thanh Văn tụ họp rất đông. Họ gửi lời nhắn: “Ai làm Bí thư cũng được, dù trẻ hay già, nam hay nữ, mục đích cuối cùng là phải chăm lo, tổ chức làm cho dân giàu, nước mạnh, an vui. Dân làng Thanh Văn đề nghị ông Thỉnh tiếp tục làm Bí thư, lãnh đạo như ông Thỉnh mới xứng dáng”.
                Thấy ở Thanh Văn như vậy, tôi thầm nghĩ: Tuổi cao như ông Thỉnh mà đạo đức, tư cách, nhân cách như vậy thật là đáng quý. Dân yêu cầu làm thêm một nhiệm kỳ nữa cũng phải. Chả bù cho những người chưa làm hết nửa nhiệm kỳ, đảng viên và nhân dân ghét đến mức như muốn xúc đất đổ đi.
        Ông cựu Chủ tịch UBND xã phát biểu: “Đạo đức, tác phong, tài năng, trí tuệ của ông Thỉnh là tài sản của nhân dân xã Thanh Văn. Ông Thỉnh cần phải khỏe, tiếp tục làm Bí thư đến khi chống gậy không đi được”.
         Cuộc tranh luận đề nghị ông Thỉnh tái đắc cử Bí thư Đảng ủy xã tám khóa liên tục kéo dài bốn giờ. Cuối cùng một trăm phần trăm phiếu bầu ông Thỉnh làm Bí thư. Hầu như cái “thiết kế nhân sự” của huyện không thắng được dân chủ Thanh Văn. Mấy đại biểu huyện ủy không biết làm thế nào, bỏ ra về.
        Cuộc đời vẫn đẹp sao, khi gặp ông Thỉnh giữa đời người nông dân Việt Nam hôm nay. Có người ví von rằng: Làng Thanh Văn như một Nàng Tiên Cá bí ẩn hiện lên giữa Thủ đô. Bí thư Quang Văn Thỉnh đã cứu dân ra khỏi nạn khiếu kiện đất đai. Trong khi nông dân các xã khác của Thanh Oai mặc áo màu cờ ra Hồ Gươm, đến Ba Đình...
        Chúng tôi gặp Bí thư Quang Văn Thỉnh như gặp lại Bí thư Kim Ngọc, tỉnh Vĩnh Phú ngày xưa.
               Cụ Nguyễn Mạnh Can trên 80 tuổi, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, từ Hà Nội dẫn đoàn về nghiên cứu về dân chủ và chất lượng Đảng lãnh đạo ở Thanh Văn. Ông nói: “Chân lý và cuộc sống từ ĐẤT mà ra. Chưa thấy một xã nào Đảng gắn với dân như vậy. Nếu Đảng không gắn với dân là loạn”. Cụ Can nói đúng, có những nơi chính quyền móc nối, tiếp tay cho đại gia lấy cái cớ quy hoạch này, dự án kia đi cướp đất của dân, nhưng ông Thỉnh và Đảng bộ, chính quyền Thanh Văn kiên quyết giữ đất cho nông dân.
             Lãnh đạo xã Thanh Văn nói rất có lý: Nếu như không phải công trình quốc phòng, an ninh hoặc dự án lớn của quốc gia, mà nghe theo mấy tay chạy dự án, "cò đất", kinh doanh bất động sản cùng chia chác mà để mất đất của làng, không giữ đất cho dân là đưa dân đến cảnh bần cùng. Nông dân dựa vào đồng đất để kiếm sống, lấy đất của dân thì họ sống bằng gì? Thiếu gì nơi hám lời trước mắt, móc nối đại gia khoanh quy hoạch, dự án, nay đất bị bỏ  hoang, dân đói, dự án trùm chăn đắp chiếu bỏ đó. Đất đai là nguồn sống của dân, không được tùy tiện lấy đất của dân.
              Tiễn chúng tôi ra về, ông Thỉnh khẽ dặn:
- Các bạn đến thăm Thanh Văn là quí. Dân làng Thanh Văn yêu thương tôi như vậy đủ để tôi cống hiến hết sức mình. Đảng ủy, uBNf đề nghị tuyên dương Thanh Văn là anh hùng Lao động. Cá nhân tôi hoàn toàn mong muốn là không nên đặt ra vấn đề khen thưởng gì cả.
             Có điều, dù ghi nhận những phẩm chất, năng lực của ông Thỉnh, tôi vẫn nghĩ rằng ông Thỉnh vẫn còn khiếm khuyết cần phải bàn đến. Tại sao ông và đảng bộ địa phương không chú ý bồi dưỡng những đảng viên trẻ hơn theo tấm gương gần gũi nhất là ông Thỉnh? Tại sao Thanh Văn không làm tốt công tác quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo chất lượng "đều tay", xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận thực sự có tâm có tầm, vừa Hồng vừa Chuyên như ông Thỉnh. Không làm được như thế, nếu như sau này ông Thỉnh không "cầm chịch" nữa thì Thanh Văn lại có nguy cơ đi xuống hoặc bị kém nát à? Đã có nhiều điển hình bị trồi sụt như thế. Trong lịch sử và thực trạng xã hội đương đại cho thấy có những thành quả do tiền nhân gian nan, cơ cực dựng lên thì lại bị hậu thế lại phá sạch.           
            Tôi nắm tay ông Thỉnh trào ngấn lệ. Hình như các liệt sĩ tụ về bên tôi truyền sức mạnh cho ông Quang Văn Thỉnh. Ông là một trong những điển hình về đạo đức, lối sống mang đậm nét Nhân cách Văn hóa Việt Nam, một đảng viên "dĩ công vi thượng", không màng danh lợi bất chính cho cá nhân, gia đình, không bị suy thoái.    

                                                  Hồ Gươm, ngày 12- 11- 201
                                                                      M.T

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn BVB đã chỉ ra gương tấm gương ông Thỉnh! Nhưng những người như ông Thỉnh nay hiếm lắm. Tôi không muốn nói lại những gì mọi dân VN đã và đang phải bức xúc.
    "Hai thí dụ hùng hồn là nếu như cô Dương Nguyệt Ánh và anh Philipp Rosler không có điều kiện di dân sang Hoa Kỳ và liên bang Đức để tiếp thu nền giáo dục khai phóng tiên tiến thì làm sao có thể trở thành một nhà khoa học danh tiếng của nước Mỹ và một chính khách hàng đầu của cả châu Âu được. Nếu còn ở trong nước, thật khó biết cô Ánh và anh Rosler sẽ làm nên sự nghiệp gì."

    Trả lờiXóa