Bên rừng cao su Dầu Giây |
* MINH DIỆN
Tháng 4-1975, tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Oánh ở mặt trận Xuân Lộc. Đó là mặt trận nóng bỏng mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gọi là ‘Cánh cửa thép Đông Bắc Sài Gòn’.
Hình ảnh Thái và những chiến sỹ trẻ đồng hương từ hôm đó bám riết lấy tôi. Sau bảy năm ở chiến trường miền Đông, lần đầu tiên tôi gặp những người lính quê nhà, mới nhớ được mỗi cái tên Thái thì tất cả anh em hy sinh. Phải chi họ đừng mê tín dị đoan để tôi chụp một kiểu ảnh ở suối cạn…
Một buổi chiều tôi đang lang thang trong các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại khu vực ngã ba Dầu Giây thì nghe tiếng trêu đùa ngoài con suối cạn. Rồi có tiếng hát khá hay làn điệu chèo ‘sắp qua cầu’: “Em xinh là xinh như cây lúa ...”. Nghe tiếng nói, tiếng hát biết ngay là người Thái Bình quê tôi.
Tôi sà vào hỏi:
- Dân Thái Lọ phải không?
Mấy tay lính trẻ nhanh nhẩu đáp:
- Không ! Dân Cầu Bo đây!
- Dân nhà máy cháo đây thủ trưởng ơi!
Đó là một tiểu đội toàn dân Thái Bình, tất cả còn rất trẻ, khoảng hai mươi hăm hai tuổi. Nhưng nhìn nước da cháy nắng, ánh mắt thâm quầng và những bộ quần áo sờn rách tôi đoán anh em cũng đã trải trận mạc.
Người chiến sỹ hát điệu ‘sắp qua cầu’ tự giới thiệu tên Thái, quê ở huyện Hưng Hà. Thái tốt nghiệp cấp 3 (lớp 10), nhập ngũ đầu năm 1973 vào chiến trường giữa năm 1974, đã tham gia vài trận, trong đó có trận giài phóng Bù Bông, hiện là tiểu đội trưởng. Chiều nay tiểu đội của Thái chuẩn bị bộc phá, giờ G trong đêm sẽ mở đột phá khẩu cho đơn vị tấn công cao điểm 83.
Thái khoe:
- Em mới nhận được thư của bu em ! Bu em bảo quê mình năm nay lúa tốt nhưng triệt để thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” nên phải ăn thêm rễ khoai nước ngứa rách mép!
Nghe Thái nói ngứa rách mép mấy tay lính trẻ cất tiếng cười vô tư Thái kể tiếp:
- Bu em bảo, khổ mấy bu cũng chịu được, chỉ mong chóng giải phóng Sài Gòn để con gửi cho bu tấm hình đứng trước dinh Độc Lập.
Một tay lính hỏi cắt ngang:
- Thế người yêu mày nó không dặn gì à?
Thái cười hiền lành:
- Tao đã có người yêu đâu?
- Thế cái ảnh mày vẫn ngắm nghía đó là đứa nào?
Hai tai Thái đỏ lựng lên:
- Nó học cùng lớp.
- Yêu chưa?
- Chưa!
- Chưa yêu sao nó tặng ảnh cho mày?
- Không biết! Lúc tao lên đường nhập ngũ nó đưa cho tao!
- Thế là nó yêu mày rồi thằng ngốc ạ! Cố giữ cái gáo về với nó!
Nhóm lính trẻ xâu xúm vào tán chuyên yêu đương, rồi bổ mấy hộp sữa nấu kẹo, pha trà mời tôi liên hoan.
Tôi bảo :
- Mấy đứa ngồi gần lại, tao chụp một kiểu ảnh?
Tất cả tụi nó giẫy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Đừng, đừng thủ trưởng ơi! Chụp ảnh trước trận đánh xui lắm! Để vào dinh Độc Lập hãy chụp.
Tôi chia tay mấy chiến sỹ đồng hương, hẹn gặp nhau ở dinh Độc Lập, cái danh từ mà bắt đầu vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi hay nhắc tới như một điểm hẹn, dù chưa ai biết nó ở chỗ nào, chưa biết mình có tới được cửa ngõ Sài Gòn không?
Thái và anh em trong tiểu đội xoắn xuýt:
- Nhớ thủ trưởng đồng hương nhá! Nháy cho mỗi đứa một pô thật oách trước dinh Độc Lập.
Giờ G. đêm 12 tháng 4 ấy, trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Thái bị thương lần thứ nhất, băng bó vết thương rồi ôm bộc phá lên đánh hàng rào tiếp. Lần này Thái bị thương nặng, chỉ kịp điểm hỏa khối bộc phá, không ra được. Một tiếng nổ như sấm, ánh chớp chói lòa, khói lửa trùm lấy Thái.
Tôi nghe kể sau trận đánh, anh em không tìm được xác Thái, chỉ thấy vài mảnh vải áo quần văng lên những ngọn cây xơ tướp và hàng rào kẽm gai. Thái hy sinh không để lại mộ chút hình hài nào. Số anh em còn lại trong tiểu đội mấy ngày sau cũng hy sinh như Thái, khi đối phương dùng bom phát quang cực mạnh CBU-55 hủy diệt khu vực Dầu Giây.
Hình ảnh Thái và những chiến sỹ trẻ đồng hương từ hôm đó bám riết lấy tôi. Sau bảy năm ở chiến trường miền Đông, lần đầu tiên tôi gặp những người lính quê nhà, mới nhớ được mỗi cái tên Thái thì tất cả anh em hy sinh. Phải chi họ đừng mê tín dị đoan để tôi chụp một kiểu ảnh ở suối cạn…
Buổi chiếu mùng 1-5-1975, tôi ngồi một mình dưới gốc cây dầu trong khuôn viên dinh Độc Lâp, trong lòng cảm thấy hụt hẫng. Tôi cầm bút viết những dòng cảm xúc rất thật về những người lính đồng hương Thái Bình mà tôi gặp dưới lòng suối cạn Dầu Giây ngày 12-4-1975
Trước khi vào chiến dịch
Cậu nhận được thư nhà
Đêm ấy hai đứa nằm không ngủ
Cứ nhắc hoài kỷ niêm quê ta.
Cậu bảo khi Sài Gòn giải phóng
Hai đứa chụp chung tấm ảnh gửi về
Thấy chúng mình trước dinh Độc Lập
Chắc mẹ mừng và bầu bạn rất mê
Hôm sau năm chở nổ sùng
Dưới sườn đồi hai đứa rỉ tai nhau
Cậu lại nhắc chuyên tấm hình bữa trước
Rồi cậu cười làm tớ nôn nao
Có ngờ đâu chỉ mấy phút sau
Ôm bộc phá cậu lao lên triền dốc
Hàng rào cuối cùng bay trong cơn lốc
Nơi cậu nằm chớp lủa xé đêm đen
Lệnh xung phong đồng đội ào lên
Qua chỗ cậu nằm tiêu diệt địch
Trận đánh cuối cùng chiến dịch
Thắng lợi hoàn toàn trước lúc bình minh
Tớ về Sài Gòn ngày vui toàn thắng
Rực rỡ cờ hoa tay vẫy miệng cười
Ngoảnh nhìn lại phía trời xa đỏ nắng
Cậu không về cùng tớ Thái ơi!
Không có hình riêng trước dinh Độc Lập
Chỉ có hình đơn vị điễu binh thôi
Trong đó bao nhiêu người giống cậu
Tớ gửi về cho mẹ nhé, Thái ơi!?
Biết bao chiến sỹ như Thái, đã hy sinh trước khi lá cờ giải phóng được cắm trên nóc dinh Độc Lập, có những người ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn vài phút trước khi chiến trường im tiếng súng. Họ vĩnh viễn mang theo những ước mơ rất giản dị, như người lính đồng hượng của tôi, chỉ một tấm hình gửi về quê cho mẹ. Ước mơ của Thái, của tất cả chúng tôi ngày đó là thế, là được ôm chầm lấy nhau giữa điểm chốt cuối cùng trong ngày tàn cuộc chiến mà khóc, mà cười mà hét to lên: Tao sống rồi chúng mày ơi! Sống rồi!
Đó là cái đích người cầm súng ngoài mặt trận cũng như người ở hậu phương, từng giờ, từng phút, khắc khoải trông chờ với niềm hy vọng cháy lòng. Người cầm súng đối mặt với cái chết, người hậu phương mặc manh áo vá, ăn miếng cơm độn rễ khoai nước, sự hy sinh tương đồng nhau như cùng một vết thương rỏ máu. Năm tháng ấy, ai cũng mong, đây là năm cuối cùng, tháng cuối cùng, ngày cuối cùng, giờ cuối cùng chầm dứt cuộc chiến tranh để xây dững đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để mọi người thân ái với nhau hơn trong bầu không khí hòa hợp dân tộc, để con cháu chúng ta vừa hồng vừa chuyên, như Chù tịch Hồ Chí Minh viết trong di chúc .
Những người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đâu ngờ những kẻ may mắn thoát chết như chúng tôi, sau ngày 30-4-1975 lần lượt khoác chiếc ba lô con cóc lép kẹp về quê, đối diện với hiện thực cuộc sống được thi vị hóa bằng hai câu thơ chua chát “Đầu đường đại úy vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen!” .
Rồi súng lại nổ ở cả hai đầu đất nước, người lính chúng tôi lại phải ra mặt trận, phải tiếp tục chiến đấu hơn ba ngàn ngày nữa với bao nhiêu máu trộn bùn đất biên giới phía Nam phía Bắc.
Như vậy là đất nước ta đã trải qua 12.000 ngày của 4 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống Pôn Pốt, chống bành trường Trung Quốc. Bao nhiêu xương máu của người lính đã đổ xuống, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhân dân đã đổ xuống?
Có ai đo được bề cao, bề sâu của núi xương, bể máu đó không và, liệu có đáng để đổi lấy cuộc sống hôm nay? Vậy mà có những người còn kể lể công trạng thì có nên không?
23-11-2012
M.D
"Công lính" chỉ là "nước sông" cho người ta rửa chân thôi Bác Minh Diện ơi.
Trả lờiXóaGiờ này người ta bận lo sao có cái vila sau đẹp hơn cái trước, cái biệt thự sau to hơn cái trước; cái xe sau xịn hơn, đắt tiền hơn cái cũ... rồi bằng biểu, chức tước, bổng lộc chứ nào đâu có ai để ý mấy chuyện "xưa như Diễm" của cựu nhà báo.
Đứt ruột với những câu văn về tuổi xanh, máu đỏ hôm qua...
Đọc bài của Bác mà nhũn hết cả ruột gan , tâm trạng khó diễn tả lắm ! Bác đưa 2 bức hình vậy nghĩa là sao ?
Trả lờiXóaDau quá hai bác ơi! Dau quá! Người ta mang 51 năm phấn đấu lên thủ tướng so bí với núi xương bể máu đấy các bác ạ!
Trả lờiXóaThưa Bác Minh Diện Lũ "Vinh thân phì gia bòn thiên hạ " nó vô cảm lắm . Có quyền trong tay nó có cần nghĩ tại sao đâu? Chúng đua nhau ăn chơi tiêu phá của dân coi dân như nước qua cầu. Hội họp khen xe ô tô, trang trại to đẹp, gái xinh ra sao để đàm tiếu chẳng nghĩ gì đến hiệu quả cuộc họp cho ích quốc an dân đâu. Vậy Bác Diện mới thấy nước ta bị Tàu nó bóp vì dân nghèo, dân nghèo vì quan tham vô tích sự.
Trả lờiXóaSáu năm là cán bộ ở chiến trường K đọc: Những người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đâu ngờ những kẻ may mắn thoát chết như chúng tôi, sau ngày 30-4-1975 lần lượt khoác chiếc ba lô con cóc lép kẹp về quê, đối diện với hiện thực cuộc sống được thi vị hóa bằng hai câu thơ chua chát “Đầu đường đại úy vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen!” .
Trả lờiXóaRồi súng lại nổ ở cả hai đầu đất nước, người lính chúng tôi lại phải ra mặt trận, phải tiếp tục chiến đấu hơn ba ngàn ngày nữa với bao nhiêu máu trộn bùn đất biên giới phía Nam phía Bắc.
Như vậy là đất nước ta đã trải qua 12.000 ngày của 4 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống Pôn Pốt, chống bành trường Trung Quốc. Bao nhiêu xương máu của người lính đã đổ xuống, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhân dân đã đổ xuống?
Có ai đo được bề cao, bề sâu của núi xương, bể máu đó không và, liệu có đáng để đổi lấy cuộc sống hôm nay? Vậy mà có những người còn kể lể công trạng thì có nên không? Quan quyền nghỉ sao?
Bao nhiêu hy vọng giở thất vong bác Minh Diên ơi.Bố cháu cũng giống như bác sau 75 về được một năm rối tái ngũ đánh nhau với Trung Quốc và bị thương, bây giờ già sống ở quê nghéo lắm.Chúng cháu rất thương và kính trọng những người như bác
Trả lờiXóaCám ơn bác Minh Diện và bác Bùi Văn Bồng . ( Nguyễn Đình Thi, Thái bình)
"Núi xương, bể máu" - huynh, đệ tương tàn, mồ hôi nước mắt của nhân dân VN đã đổ xuống để đem lại dinh thự - nhà lầu, xe hạng sang, cuộc sống phè phởn cho "một bộ phận không nhỏ" đầy tớ của dân.
Trả lờiXóaCám ơn tiếng nói cảm thông đầy tình người, tình đồng đội, chứa chan lòng yêu nước của bác Minh Diện và bác Bùi Văn Bồng đối với những người lính chúng tôi.
ĐAU QUÁ DAU XÓT QUÁ ! ĐỌC NHỮNG DÒNG CHỮ CÙA CÁC ANH TIM TÔI NGHẸN LẠI.
Trả lờiXóaTôi đã tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 84-86 , cũng có máu đổ xương rơi. Tuy chỉ là hậu sinh của bác Diện , bác Bồng nhưng đọc xong bài này "mắt ứa lệ , máu ngừng chảy". Cảm ơn các anh đã nói hộ tấm lòng...
Trả lờiXóaDây đúng là người lính thực sự! Càm ơn các anh!
Trả lờiXóa