Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

> HÌNH THỨC LÒE LOẸT, BI BÉT KÉO DÀI


* Bùi Văn Bồng
         Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), một Đại hội ghi dấu ấn mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước, Báo cáo Chính trị tại Đại hội này đã chỉ rõ những báo động về suy thoái đạo đức, tham nhũng, gian dối, trong Đảng và toàn xã hội, đã xuất hiện cuộc đấu tranh về tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống, chủ nghĩa cá nhân...
     Đó là cuộc đấu  tranh “giữa cái lành mạnh và cái hư hỏng; ở ý chí bền bỉ, tính năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao…Tâm trạng bi quan, dao động, mất lòng tin, mất phương hướng, trái với bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng tiên phong phải được khắc phục. Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: Lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Các lực lượng làm công tác tư tưởng phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh này, lên án, vạch trần bản chất thối nát của lối sống cũ, khẳng định mạnh mẽ và truyền bá rộng rãi những giá trị đạo đức mới, thúc đẩy quá trình hình thành lối sống mới”.

Chỉ tính khoảng thời gian từ khi Đảng ta tuyên bố với quốc dân đồng bào là mạnh dạn đổi mới toàn diện, nói đi đôi với làm, tỏ rõ sự quyết tâm "lột xác". Đó là từ sau Đại hội VI đến nay đã 26 năm, đầu năm 2012 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đánh giá những mặt yếu kém kéo dài nay càng thêm trầm trọng, bộc lộ công khai trắng trợn hơn, thách thức với toàn xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của chế độ, uy tín Đảng lãnh đạo bị mất đi rõ nét hơn. Những mặt yếu kém, tồn tại đã nêu cách đây 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (26 năm) mà nay không suy giảm, còn nặng nề, phức tạp hơn trước. Có thể nói đó là tổng hòa những hệ lụy từ buông lỏng vai trò lãnh đạo, chủ quan, sai lầm, thiếu nhạy bén, chậm đổi mới, duy trì tư duy giáo điều, nặng về thức , xa rời thực tế trong công ác xây dựng Đảng.
     Những bài viết của TBT Nguyễn Văn Linh thời kỳ đó ký tên N.V.L có nhiều nghĩa: Họ, tên của ông, "nói và làm", "nhìn và liếc", "nhỏ và lớn"...Nhưng do nói mà không làm, vũ khí đấu tranh Tự PB-PB bị vứt bỏ, thành ra "né và lỉnh", không ai dám đấu tranh với ai, cứ tồn tại quan điểm tư  tưởng lỗi thời, bảo thủ.  Do khi đã có chức có quyền thì mới là mảnh đất tốt để tham nhũng, cho nên động cơ vào Đảng, chạy chức chạy quyền, mua ghế xí chỗ,  là những thủ đoạn từ động cơ cá nhân, được phết nước sơn đi theo "lý tưởng". Ai mạnh dạn góp ý, nói thẳng nói thật thì cho là nói xấu, bôi nhọ, làm mất uy tín Đảng, Nhà nước; rồi cho là bị "diễn biến hòa bình", bị "thế lực thù địch" lôi kéo xúi giục, ăn tiền của chúng nó, bị bắt, bị quản chế hoặc tù đày oan ức...Thế nên, N.V.L thành ra "nhóm vơ lợi"...Sau này được xã hội hóa thành ra Nhóm Lợi Ích...
   Việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, đã được chỉ rõ, nêu thẳng thắn từ Đại hội VI : “Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?... Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi”.
   Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Chỉ nhìn lại các kỳ Đại hội Đảng từ 1986  đến nay, không khi nào không nói đến những vấn đề gay gắt trầm kha này. Đại hội sau nêu có vẻ gay gắt hơn Đại hội trước, nhưng cũng chỉ là "nêu" thôi, sau Đại hội lại đâu vào đó, thậm chí tiêu cực, tham nhũng trong Đảng ngày càng trầm trọng, tinh vi, kéo bè kết cánh chặt chẽ hơn, trở thành những boong ke, lô cốt phòng thủ vũng chắc, đánh bật hết mọi vũ khí được cho là "sắc bén" tự phê bình-phê bình, đánh bật hết mọi nguyên tắc, điều lệ, thả lỏng mọi kỷ cương của thế chế chính trị-xã hội. 
   Đề ra vấn đề chỉnh đốn Đảng có vẻ bài bản lắm, nhưng quá trình thực hiện nói chung chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội XI của Đảng đã thẳng thắn nhận định:
“Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”; “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”; hoặc “tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm”…
   Bốn tháng sau khi kết thúc Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 3-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1-7-2011 về triển khai thực hiện Chỉ thị trên từ nay đến năm 2012. Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành hướng dẫn thực hiện. Chỉ thị, kế hoạch thực hiện của Trung ương một lần nữa yêu cầu phải “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực”; phải “lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…”; “kết hợp giữa xây và chống”… Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh: “Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên”, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
Hai Nghị quyết nhiều, họp dài ngảy, nhưng chỉ là thứ ''hội trưởng hóa" những mục đích, chủ trương, đặt ra đủ thứ yêu cầu cấp bách, nội dung quan trọng. Thử lược kê qua gần một năm: Do tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã thông qua Quy định thi hành Điều lệ Đảng (số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011, Quy định về những điều đảng viên không được làm (số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 và Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Liền sau đó, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012); Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (số 15-CT/TW ngày 24-2-2012). Còn nữa: Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5, Hội nghị T.Ư 6, kèm theo là đủ loại Thông tư, Chỉ thị...
   Chỉ thị một lần nữa nhận định: “Công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục”. Trong đó, nói lên tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”…

   Để thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị trên của Trung ương, đòi hỏi các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, khách quan, không nể nang, né tránh; phải đề ra được giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất. Các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải làm trước, thật sự gương mẫu để các cấp và đảng viên noi theo. Khi làm phải kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm vững chắc từng bước và thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tuy vậy, cũng phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan và không sa vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình.
   Nghị quyết nêu lên 4 nhóm giải pháp: Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách và về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tổ chức và người phải tự phê bình và phê bình trước tiên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; từng uỷ viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ các cấp phải nghiêm túc, tự giác kiểm điểm trước, nêu gương bằng những việc làm thực tế, cụ thể, chứ không phải là nói chung chung như lâu nay đã làm.
   Trung ương đã nêu 3 nội dung quan trọng đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị phải tự giác và nghiêm túc tự phê bình và phê bình:
  1). Kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên.
   2). Kiểm điểm về những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ; về tình trạng bố trí một số cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương.
  3). Kiểm điểm về những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; về quyền hạn, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là của người đứng đầu…
 
 Trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách. Khi kiểm điểm, cần tập trung làm rõ tại sao những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cụ thể đó đã được chỉ ra trong nhiều năm mà chậm hoặc chưa được khắc phục và trách nhiệm của tổ chức mình và bản thân mình như thế nào. Người tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại. Kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, không tự nhận rõ sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, nếu tự giác, nghiêm túc kiểm điểm, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật…
  Ở đây cần đổi mới, nâng cao tính giáo dục, chiến đấu trong sinh hoạt cấp uỷ và chi bộ. Lâu nay, có biết bao vụ việc tham ô, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên bị phát hiện và xử lý đều do dân tố cáo và báo chí phát hiện. Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình là rất cần thiết; kiểm điểm từ trên xuống và từ dưới lên, các cấp có trách nhiệm gợi ý cho nhau về những sự việc cụ thể cần kiểm điểm, trong đó một nguồn thông tin quan trọng để gợi ý cho nhau kiểm điểm có hiệu quả là những vụ việc đã được phanh phui trên phương tiện thông tin đại chúng, qua sự khiếu kiện của dân…
  Trung ương đặt vấn đề quyết liệt như vậy và những bức xúc trong thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách như vậy, ý Đảng và lòng dân đều mong muốn như vậy, nếu đợt kiểm điểm này không đạt được yêu cầu đề ra, nhất là đối với các cấp trên và những đồng chí lãnh đạo chủ chốt, những đảng viên đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước ở các cấp, các ngành thì tình hình sẽ khó khăn hơn nữa. Toàn Đảng, toàn dân đang trông chờ ở những việc làm thiết thực, cụ thể đầy trách nhiệm của các đồng chí để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã có lâu nay mà chưa được khắc phục. Sự quyết tâm và gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, của người đứng đầu sẽ tác động đến từng đảng bộ, đến toàn Đảng và đất nước.
  Đồng thời với những điều trên, đi đôi với mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch phải sớm hình thành bộ máy và cơ chế hữu hiệu để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu.
 
  Thế nhưng, Ban chấp hành Trung ương khóa XI này, nhìn lại 10 tháng qua sau các kỳ Hội nghị T.Ư 4,5,6 thấy tình hình còn bộc lộ những yếu kém trì trệ ngày càng bi đát, khó gỡ, chưa mở thoáng lối ra nào có sự tin tưởng, sự kiên quyết trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Hô hào, quyết tâm ban đầu rất cao, tỏ ra mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng chất lượng, hiệu quả chính đốn Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình coi như “dậm chân tại chỗ”, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đã bị mất, nay càng mất nhiều hơn.
     Suy cho cùng, tất cả đều do người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Vai trò lãnh đạo của Đảng bị suy yếu rõ nét, thậm chí trở thành đối tượng mặc cả với các hiện tượng, các vụ việc, cá nhân và nhóm lợi ích. Muốn chứng minh được thực chất Đảng ta hiện nay là gì? Phải trả lời dứt khoát: “Đảng phải làm gì?”. Có người nói: "Cung cách lãnh đạo của Đảng ta chỉ nặng về lòe loẹt, hô khẩu hiệu, nói thì hay, tuyên bố khá mạnh, nhưng rất chậm khắc phục được những bi bét kéo dài!".
         Tính từ Đại hội VI, trong 5 nhiệm kỳ lãnh đạo đã qua ai cũng thấy vai trò của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội IX và X là buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng rõ rệt nhất. Thế mà lần nào bế mạc cũng không thiếu câu: "Thành Công Tốt Đẹp". Chưa nói đến biểu hiện "khoán trắng" cho Chính phủ phải lo đủ mọi vấn đề, vụ việc. Cái gì không có Thủ tướng "quyết" là không xong. Như thế lại rất dễ trở thành mầm mống độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ từ trong Đảng ra toàn xã hội. Hầu như suốt 10 năm/2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư chỉ đi thăm thú, "đi chơi" khắp nơi, đến đâu cũng phát biểu rập khuôn một nội dung, rồi hô khẩu hiệu: "Đoàn kết-đoàn kết-đại đoàn kết; Thành công-thành công-đại thành công". Còn như Chủ tịch nước ngoài việc tiếp các đại sứ trình Quốc thư,  các vị khách ngoại giao các nước đến thăm, đi thăm các nước khi cần thiết, ký các danh hiệu thi đua khen thưởng, ký lệnh ân xá...; mọi việc lớn nhỏ gì cũng do Chính phủ cả! Chính phủ quả là vất vả, "3 đầu 6 tay", nhiệm vụ quá nhiều và nặng nề... Trong khi đó, TBT và CT nước đâm ra lại nhàn hạ, ít việc, đỡ phải bận rối đầu, tự sướng! Quốc hội thỉ cân đối các mối quan hệ, Đảng chỉ đạo thế nào? Chính phủ yêu cầu, đề xuất ra sao?... Chiều lòng hết! Cơ quan quyền lực cao nhất, nơi tập trung trí tuệ dân biểu đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân lại trở thành một kiểu "chủ nghĩa mặt trận", đoàn kết với tất cả, không muốn mất lòng ai! Một thể chế chính trị cập kênh, thiếu phối hợp gắn kết, nhiều khi rời rạc, thiếu đồng bộ thì lấy đâu ra "sức mạnh tổng hợp" toàn Đảng, toàn dân tộc? Cơ cấu tổ chức, biên chế thì cồng kềnh, nhưng vẫn là "ông chẳng bà chuộc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược" - Đảng, Nhà nước quan liêu / Quốc hội đo gió lựa chiều / Đoàn thể ăn theo, nói leo / Đất nước nghèo là phải...Từ hạt cát cho đến mỏ dầu / Tất cả đặt lên đầu Thủ tướng. Mấy câu đúc kết này không phải là không có căn cứ thực tế:
Đảng lo trung kiên
Nhà nước không thực quyền
Quốc hội họp triền miên
Chính phủ thả sức chi tiền
Lòng dân oán phiền, ly tán...
        Vì thế, cần nhìn thẳng một sự thật gần 30 năm qua, Đảng ta họp nhiều, nói ra rả, nghị quyết cũng rất nhiều, nhưng đang bị xếp đống lại, chẳng đi vào đời sống xã hội được bao nhiêu. Đât nước vào sự nghiệp đổi mới, nhưng nay đảng viên đông mà không mạnh, tư duy lãnh đạo bị thụt lùi, lạc hậu. Đảng ta đang tự làm mờ nhạt chính mình.

B.V.B

3 nhận xét:

  1. NGÀY CÀNG THẤY RÕ "NGUY CƠ" MÀ TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG NÓI KHÔNG HỀ THUYÊN GIẢM, MÀ CÓ DẤU HIỆU "NGUY NGẬP" HƠN.

    TÌNH THẾ NGÀY CÀNG NGUY HIỂM, TÌNH TRẠNG BÁO ĐỘNG ĐANG KHÔNG NGỪNG TĂNG MỨC SOS.

    CỨ THẾ NÀY THÌ SAO NỮA???

    Trả lờiXóa
  2. XONG RỒI CÓ GÌ ĐÂU ?

    Bệnh trong người đã có từ lâu
    Nặng lắm rồi, cơ thể đớn đau
    Rõ căn nguyên thuốc không chịu uống
    Sợ đắng nên cứ hỏi đâu đâu...
    "Một bộ phận lớn thoái hoá " đã lâu
    Vườn rau thì phá bởi lũ sâu
    Mà tìm kiếm cả ngày không thấy?
    Sau nay đâu còn ngu vậy
    Không ăn rau, đi ăn vàng
    “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”
    Nhắc nhở thôi, "đóng cửa bảo nhau"...
    "Lấy ý kiến dân..." cho phải đạo !
    Nào mới gì? Kết cục ra sao ?
    Bệnh di căn ai còn bắt mạch...
    Góp ý gì ? Liệu được là bao
    Thế đấy nhé ! Dân có nói đâu ?
    Có chăng là "phản động núp sau "
    Ghét chế độ, phá ta nói xấu
    Hỏi dân rồi, dân nói gì đâu
    Kiểm điểm xong rồi ! Có gì đâu ?
    Mà có thì ...đóng cửa bảo nhau...!
    Ngày 15/11/2012
    M.T.H

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Mỹ Nươnglúc 20:37 16 tháng 11, 2012

    Những khuyết điểm tồn tại, những yếu kém trong lãnh đạo, những suy thoái về nhiều mặt...đều là bản soạn sẵn đã có trong các nghị quyết nhiều nhiệm kỳ qua. Cái nhân vật Vũ Như Cẩn và đệ tử Nguyễn Y Vân này còn trường sức lắm, khỏe lắm. Sau Hội nghị T.Ư 6 mới rồi, người ta có đủ căn cứ thực tiến để khẳng định rằng: NQTƯ 4 cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Và rồi, chỉ hai năm nữa thôi, những câu chữ quen đến mức thuộc lòng ấy lại sẽ xuất hiện trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XII. Thế mới là Kiên Định chứ!

    Trả lờiXóa