* Đặng Phúc Minh
(Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh-T.p Cần Thơ)+ Nhà bác học Archimedes (248-212 TCN) của Hy Lạp đã nói: “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên”. Chúng ta đang rất cần điểm tựa Đạo đức và đòn bẩy Tri Thức...
+ Lý luận thuần túy không đủ để khám phá tất cả sự thật...
+ Lý luận thuần túy không đủ để khám phá tất cả sự thật...
+ Theo bạn, Việt Nam muốn sánh vai kịp với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ... thì ĐIỂM TỰA và ĐỒN BẨY của nước ta trong giai đoạn này phải là gì?
… Nền giáo dục của ta còn thiếu một “tam giác cân”, một thế vững chân kiềng-đó là: Nhân bản-Khoa học-Khai phóng…
Kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường Trung học phổ thông Thạnh An (1962 – 2012), ngôi trường có bề dầy lịch sử của miền Cái Sắn, vùng đất được báo chí gọi là Miền Đất Học. Miền đất đã và đang đón bao khách đến đây để tìm hiểu và trao đổi những kinh nghiệm về học tập, về đời sống, về đạo đức, về sự phát triển. Ngôi trường đã đóng góp không nhỏ cho một vùng quê thuần nông được khởi sắc đi lên, thoát được cảnh đói nghèo, lạc hậu. Miền đất đã và đang hứa hẹn một tương lai tươi đẹp hơn, vì nơi đây biết gìn giữ và phát huy những gía tri lâu đời mà nhiều thế hệ cha ông đã dày công vun đắp.
Vậy những yếu tố nào? những nguyên nhân gì? đã tạo ra nền móng cho ngôi trường vững chắc giúp cho một vùng quê có thể cất cánh. Miền quê thuần nông nghèo đói này đã đi lên ra sao? đã có những thành tựu gì? nhờ ngôi trường đó.
Đi tìm những yếu tố, những nguyên nhân tạo ra nền móng vững chắc ta không thể không tìm hiểu bối cảnh năm 1962, ngày ngôi trường Trung học Sao Mai được xây dựng. Trung học Sao Mai (1962 -1975) là tiền thân của trường THPT Thạnh An hiện nay.
Miền Cái Sắn có diện tích khoảng 600km2, nằm hai bên bờ dòng sông Cái Sắn đầy ắp phù sa, nối tiếp của dòng sông Cửu Long, vùng đất ở giữa tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá. Năm 1956 có khỏang gần 40.000 người, hầu hết là người Công giáo từ nhiều nơi về đây định cư, lập nghiệp. Năm đó, nơi đây chưa có một trường Trung học. Học sinh sau khi học hết bậc Tiểu học muốn học lên Trung học thì phải về tỉnh Long Xuyên hoặc Rạch Giá, hay Cần Thơ, Sài Gòn cách nơi đây ít nhất là khoảng 30 km. Vì thế, cứ khoảng 100 cháu học hết bậc Tiểu học, chỉ còn được chừng 10 cháu học tiếp lên Trung học. Cảnh thất học của các cháu thật đáng thương! Một tương lai mờ mịt, đen tối đang hiện ra trước mặt các cháu. Gia đình và xã hội sẽ ra sao khi các cháu thất học này lớn lên làm chủ gia đình và xã hội?
Ngày 24/11/1960 Giáo phận Long xuyên được thiết lập, tách ra từ Giáo phận Cần Thơ. Cố Đức Cha Micael Nguyễn Khắc Ngữ, vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận. Ngài hết lòng lo cho sự phát triển của Giáo phận trong buổi sơ khai còn nhiều thử thách khó khăn. Một trong những mặt được Ngài quan tâm nhất chính là Giáo dục. Vì thế, Ngài đã có chủ trương: “Xây trường học trước khi xây nhà thờ”. Đó là một chủ trương thật táo bạo và đầy sáng suốt. Từ chủ trương đó, ta thấy bất cứ xứ đạo nào trong miền Cái Sắn thời đó cũng đều có trường học. Các trường Trung học dần dần cũng được xây dựng. Trường Trung học đầu tiên của vùng này là Trung học Cái Sắn kể đến là Trung học Sao Mai do cố LM. Nguyễn Đức Do được xây dựng vào năm 1962, tiếp đến Trung học Thái Hòa, Trung học Trinh Vương…
Đó là lý do ngôi trường được hình thành mang dấu ấn lịch sử của vùng đất này. Tiếp đến là những yếu tố khác.
Trước tiên phải kể đến hai vị Giám mục kế vị là Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần và Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu cũng hết lòng lo cho giáo dục. Ngoài ra, các Ngài con lo cho đời sống người tín hữu với chủ trương: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như thư chung của Hôi đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã đề ra. Từ chủ trương đó người Công giáo càng tích cực cho con em của họ học hành tới nơi tới chốn
Ngoài ra, lớp người Công giáo đến đây lập nghiệp, chính là lớp người di dân từ nhiều nơi tới. Hơn ai hết họ ý thức sâu sắc là sau mỗi thay đổi, cái còn lại không phải là vật chất, là nhà của, là tiền bạc, là ruộng vườn, mà là con người và trí tuệ. Mà muốn có trí tuệ thì không có con đường nào khác là phải học hành. Chính vì thế, họ rất hiếu học, coi trọng sự học, kính trọng người có học thức, học thực, trọng dụng người có học. Họ hiểu rằng: chỉ có con đường học, và chỉ khi được hưởng một nền giáo dục: nhân bản, khoa học và khai phóng mới giúp họ thoát nghèo nhanh nhất, vững vàng nhất và cũng danh dự nhất. Ta bắt gặp tư tưởng này nơi nhà Khuyến học người Nhật Fukuzawa – Yukichi (1834-1910) khi ông nói: “Trời không tạo người đứng trên người, nếu có khác biệt là do học vấn”. Một điểm chúng ta thấy ý chí và sức mạnh của những ngươi di dân dù trong nước hay thế giới luôn đáng ta khâm phục. Lớp người di dân đến Mỹ châu, đến Úc châu.. đã làm thế giới ngạc nhiên với sự tiến bộ phát triển vượt bực của họ.
Điều đặc biệt nữa là từ khi nhà nước có chủ trương: Giáo dục là Quốc sách hàng đầu, cùng với sự ra đời của Hội khuyến học các cấp với những người đầy nhiệt huyết, có tâm có tầm đảm trách thì phong trào học tập ở huyện Vĩnh Thạnh có bước phát triển nhảy vọt. Số sinh viên theo học các trường Cao đẳng và Đại học ngày một nhiều hơn.
Qua cuộc điều tra về trình độ văn hóa của huyện Vĩnh Thạnh do Hội khuyến học huyện đứng ra thực hiện đến từng người trong từng gia đình năm 2011 đã cho thấy: Số sinh viên đang học ở các trường Cao đẳng và Đại học trên toàn quốc của các xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Thị trấn Thạnh An, Thạnh Tiến, nơi hầu hết các cháu đều theo học ở trường THPT Thạnh An là 1684 em / 35.216 người đạt tỉ lệ 4,78%. Cá biệt có xứ đạo đạt 8% đến 11% như xứ đạo Thánh Tâm ấp B2 xã Thạnh Lợi, xứ đạo Châu Long F1, xã Thạnh An, xứ đạo Thánh Gia ấp Thầy Ký TT Thạnh An…Đây là một tỉ lệ sinh viên cao so với bình quân tỉ lệ sinh viên của cả nước hiện nay là 1,9% dân số. Tỉ lệ này còn cao hơn tỉ lệ sinh viên của cả nước định hướng đến năm 2020 là 4,5% dân số, khi nước ta trở thành nước công nghiệp. Đây là điều đáng tự hào
Số người tốt nghiệp từ Trung học chuyên nghiệp trở lên là 3733 người đạt tỉ lệ 10,065 % dân số. Đây cũng là một tỉ lệ rất đáng mừng và đáng trân trọng. Học sinh đang theo học ở các cấp rất cao: học sinh cấp I là 3250 ; cấp II là 3130; cấp III là 2680. Việc bỏ học của các cháu rất ít xẩy ra dù cha mẹ có nghèo khó. Họ sẵn sàng bán nhà của, ruộng vườn để cho con em được học hành tới nơi tới chốn.
Lớp lớp học sinh đến đây được hưởng một nền giáo dục: Nhân bản, khoa học và khai phóng với sự giảng dạy đầy nhiệt tâm, nặng tình thương và trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo. Nhu cầu học để biết, học để làm, học để sống chung và trên hết là học để làm người của các cháu dần dần được đáp ứng một cách đầy đủ. Lớp học sinh của những năm đầu của trường đang là những nhân tố tích cực trong việc cổ võ cho phong trào Khuyến học, Khuyến tài, Khuyến đức ở quê hương Vĩnh Thạnh này.
Hơn nửa thế kỷ qua, người dân miền Cái Săn đã dồn tất cả tâm trí, sức lực, chẳng quản một nắng hai sương để biến vùng đất gần như hoang hóa, cỏ mọc như rừng với muỗi mòng rắn rết thành những thửa ruộng phì nhiêu, mầu mỡ có năng suất lúa cao cho miền. Và cũng đồng thời dồn sức cho ngày mai bằng con đường đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Có thể nói cả hai lãnh vực đó, người dân nơi đây đã có sự thành công nhất định
Đó là những nguyên nhân nền tảng đã giúp cho trường Trung học Sao Mai mà nay là trường Trung học phổ thông Thạnh An có vị trí thật quan trọng trong lòng mỗi người dân nơi đây. Ngôi trường trở thành vườn ươm người của miền đất này suốt nửa thế kỷ qua.
Vùng đất này đã có gần 4000 người đã tốt nghiệp ở mọi ngành nghề trong xã hội từ Tiến sĩ, Thạc sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo, Bác sĩ, Kỹ sư, Giảng viên, Thầy cô giáo… Những người con thân yêu của miền Cái Sắn đã trực tiếp hay gián tiếp góp sức xây dựng vùng đất mà cha ông họ đã đổ bao mồ hôi và nước mắt để xây dựng. Họ đã góp sức với cha ông họ biến những con đường đất sình lầy vào mùa mưa bão ở hai bên bờ kinh thật khó khăn đi lại trong những đêm tăm tối thành những con đường nhựa hay bêtôn rộng 3m sạch sẽ với điện đường sáng trưng; thay đổi những cây cầu khỉ tre tràm qua sông bằng những cây cầu bêtôn vững chắc; Những căn nhà tre lá xiêu vẹo trước đây như không còn nữa và thay vào đó là những căn nhà xây khang trang sạch đẹp; Bệnh viện trường học do chính con em họ là bác sĩ, y tá, thầy cô giáo đảm trách phục vụ…Hầu như tất cả các ngôi thánh đường đều được xây dựng mới với sự góp sức không nhỏ của bao người đã thành đạt dù họ không còn ở nơi đây nữa.
Miền Cái Sắn ngày nay đã hình thành một trung tâm thương mại và dịch vụ của cả vùng nằm dài trên quốc lộ 80 kéo dài cả mấy chục km. Người dân trong vùng có thể nhận được mọi thứ cần thiết cho cuộc sống như: Trang trí nội thất, kim khí điện máy, vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, vàng bạc, tiền bạc, vải vóc, quần áo, lương thực, xăng dầu từ các công ty, doanh nghiệp, ngân hàng, hay cửa hàng. Phần lớn lớp người được học hành đến nơi đến chốn đang đảm trách những công việc trên.
Nhà bác học Archimedes (248-212 TCN) của Hy Lạp đã nói: “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên”.
Câu nói trên có điều gì đó khiến tôi nghĩ đến vùng đất này. Nhận thức đúng đắn và ý chí của những người di dân vùng đất này chính là điểm tựa; ngôi trường Trung học Sao Mai được xây dựng từ 1962, tiền thân của trường THPT Thạnh An hôm nay và những ngôi trường khác chính là đòn bẩy. Nhờ điểm tựa và đòn bẩy đó mà sự đói nghèo lạc hậu đã được đẩy lui khỏi nơi đây. Điều đó đúng như nhà Bác học Lê Quí Đôn (1726-1784) đã nhận đinh: “Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng”
Tôi nghĩ: Ngôi trường cất cánh một miền quê là như thế.
Theo bạn, Việt Nam muốn sánh vai kịp với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc , Singapore ... thì ĐIỂM TỰA và ĐỒN BẨY của nước ta trong giai đoạn này phải là gì? Rất mong ý kiến của các bạn.
Vĩnh Thạnh, ngày Nhà giáo VN 20/11/2012
Đ.P.M
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét