Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

> LẠI NÓI VỀ TRÁCH NHIỆM TRƯỚC LỜI HỨA

 
* Bùi Văn Bồng
       Còn một ngày nữa, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII kết thúc sau đúng 1 tháng (26 phiên họp). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã  nghe và thảo luận báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp 2 và 3. Đây sẽ là căn cứ để các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng, trưởng ngành. Còn việc bỏ phiểu có thực sự khách quan, chuẩn xác, có đap ứng được yêu cầu, nguyện vọng cử tri hay không...lại nằm ở "phạm trù" khác. Trách nhiệm trước lời hứa của các quan chức quyền hành lại được đặt ra, có kỳ vọng, có vô vọng!
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian để nghe và thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng. Đồng thời thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bổ sung các vấn đề công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức; các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để có thể thực hiện từ năm 2013; dự Luật thủ đô, Luật đất đai (sửa đổi)...
       Quốc hội họp xong, ra về, thì báo chí cũng coi như hoàn thành một đợt "nhiệm vụ quan trọng!" theo 'thời tiết' chính trị. Báo chí của ta thường chạy theo thời sự rất rầm rộ, nhưng lại rất nhanh bỏ qua những vấn đề thời sự có quan hệ lâu dài, không theo sát vấn đề, sự kiện. Vai trò thẩm định, theo dõi, kiểm tra đôn đốc bằng công luận của ta rất xứng với cung cách thông tin theo phân công rất quen thuộc của báo “lề phải”. 
             Nhiều lần chúng ta nói: Các vị đại biểu Quốc hội hứa xong quên luôn, không làm. Nhưng chính báo chí cũng quên, không theo dõi các vị đã hứa như thế nào, và đã làm được gì? Sự giám sát, nhắc nhở của báo chí là rất quan trọng. Lãnh đạo ta có cái tật thường thấy là "hứa rất kêu mà làm thì tậm tịt", phát biểu thì hăng hài, tỏ ra quyết liệt ("... việc này chúng tôi sẽ làm "quyết liệt"!, nhưng có phải chăng khi hô mạnh là "quyết", rồi quên luôn, bỏ đó, bị "liệt" luôn, gọi là "quyết liệt"?!). Bởi lẽ đã nhiều lần, nhiều khóa, nhiều vị làm cho dân quen quá rồi, hứa rất hay, ngon, mà làm thì chẳng thấy được bao nhiêu.
           Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và báo chí không những là động lực mà đúng là phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc,  hối thúc: "Ông hứa như thế, nay làm đến đâu rồi?". Xem ra, ít có tờ báo nào theo sát các lời hứa để xem các vị đại diện chính phủ và các bộ đã hứa rồi thì có làm hay không và làm thế nào. Thường là hứa xong thì quên luôn, trở thành “lời hứa gió bay”, “hứa hão cho xong việc", rồi không oan khi người đời gọi là "Nghị gật", "Nghị hứa"... 
      Từ những lời hứa tại nghị trường, đến nghị quyết, rồi từ nghị quyết, chủ trương  triển khai đến cơ sở, biến nghị quyết thành hiện thực - đó là một quá trình kết nối tư duy đến hành động lãnh đạo. Còn nhớ, tại  kỳ họp đầu tiên Quốc Hội khoá XIII, nhiều vị lãnh đạo sau khi được bầu vào các chức vụ cao nhất đã long trọng hứa sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng người dân, hứa sẽ có ngay các kế hoạch làm chuyển biến mạnh việc này, cải tổ việc kia, khắc phục thực trạng này, tồn  tại khác.
      Những lời hứa đó có được thực thi, chứng minh bằng hiệu quả đến đâu đều xuất phát từ quan điểm, năng lực hành động, lối sống, tác phong công tác của cán bộ lãnh đạo. Lời hứa đó nên được coi như lời thề, biết gần dân, nghe dân, thì dù đất nước khó khăn đến mấy dân cũng không mất niềm tin. Sợ nhất là những lời hứa suông và phong cách làm việc quan liêu, bàn giấy, nặng về mệnh lệnh và “khoán trắng” cho bộ máy, cho cấp dưới. Hứa như vậy đấy, nhưng đã một năm trôi qua, các vị trúng phiếu cao, sắp xếp vị trí oai đã làm được những gì? Ai cũng thấy: “một bộ phận không nhỏ” hứa xong rồi quên phéng luôn. Thử xem, sau kỳ họp hứ 3 đặt ra nhiều vấn đề gay cấn và cấp bách này, các vị đã hứa xong thì có làm không?
      Trong Thư gửi các đồng chí Bắc bộ ngày 1-3-1947, Bác Hồ đã viết phê phán lối làm việc bàn giấy: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phưng kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trưng của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5).
            Về trách nhiệm trước lời hứa của các vị dân biểu, Giáo sư Hoàng Tụy đã kể lại:
        “Khoảng tháng 5-6 năm 1979, tôi cùng với 4 anh em trí thức khác được Tổng Bí thư Lê Duẩn mời xuống Đồ Sơn gặp để trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế xã hội. Trong mấy ngày đó chúng tôi đã có điều kiện góp ý trực tiếp và thẳng thắn với TBT. Phát biểu đầu tiên tôi nêu thắc mắc: Cùng với nhiều anh em khoa học, tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn chưa hiểu lý luận làm chủ tập thể là thế nào. Sau khi được TBT giải thích kỹ càng, tôi thưa lại: Tất cả sự giải thich ấy tôi đã được nghe trong nhiều cuộc thảo luận chính trị, song tôi vẫn băn khoăn một điều cơ bản: Ta nói làm chủ tập thể là hình thức dân chủ cao hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong lúc đó ngay dân chủ tư sản ta cũng chưa đạt được. Và để dẫn chứng tôi nêu ra nhiều việc và đọc lên cho TBT nghe mấy câu truyền miệng mà hồi đó khá phổ biến ở vỉa hè Hà Nội: “Năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ”. Hồi ấy lý luận làm chủ tập thể được coi là cơ sở lý luận và điểm mấu chôt trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, một sáng tạo lớn của Đảng, cho nên tôi hiểu rằng tôi đã chạm một điểm nóng, cực nóng, chưa biết rồi sẽ gặp phản ứng gì.
      “Hôm sau, TBT Lê Duẩn nêu câu hỏi: “Làm thế nào chống tiêu cực?” (hồi ấy tiêu cực là từ dành để nói tham nhũng). Tôi đáp: “Với cách quản lý kinh tế như ta, không thể chống tiêu cực được. Bởi công chức cán bộ lương quá thấp, không sống nổi thì họ phải xoay xở mọi cách để sống và khi xoay xở tất nhiên không tránh được tiêu cực. Bắt đầu là tầng lớp cán bộ công chức cấp thấp nhất, rồi leo dần lên cấp cao hơn vì kinh tế càng khó khăn thì cấp cao hơn cũng dần dần không sống nổi bằng lương. Cứ thế tiêu cực sẽ đi từ cấp thấp nhất lên cấp cao dần”.  Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, TBT Lê Duẩn dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện.
         “Sau đó một thời gian ngắn có Hội nghị TƯ thứ 6. Vào lúc đó tôi chuẩn bị đi Canada. Ngay trước ngày lên đường, tôi được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mời cơm và căn dặn mấy điều nhờ tôi nhắn nhủ với anh chị em trí thức Việt kiều. Thủ tướng cho biết: “Những ý kiến các anh góp vừa qua ở Đồ Sơn rất tốt, kỳ này chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh”…
         Gs. Hoàng Tụy nhấn mạnh rằng: Kể lại câu chuyện trên tôi muốn nói: Ngay khi khó khăn nhất, nếu lãnh đạo chịu khó lắng nghe những tiếng nói tâm huyết ngược với lời ca tụng thông thường thì không những lấy lại được niềm tin mà còn tìm ra được lối thoát. Còn như cứ thích nghe những lời tán tụng đường mật thì đó chính là con đường dẫn tới huỷ hoại niềm tin, mà mất niềm tin thì mất hết.
         “Điều làm tôi xót xa là cái thái độ thật sự cầu thị của các lãnh đạo ngày nào dường như ngày càng hiếm thấy trong bộ máy quyền lực. Trong khi đó tệ nạn tiêu cực, tham nhũng đã diễn biến đúng như dự báo, nghĩa là từ cấp thấp nhất đã leo dần lên mọi cấp và lan ra toàn xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải thốt ra: Căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót”.
Cho nên, thái độ cầu thị của các vị lãnh đạo được cần được thể hiện rõ nhất là: Trách nhiệm trước những lời đã hứa!
B.V.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét