Đó là các ngành/lĩnh vực: Cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bỏ chế tài hình sự với hoạt động báo chí.
Liên quan đến chủ đề phòng, chống tham nhũng (PCTN), những năm qua đã có hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát xã hội học được tiến hành bởi các tổ chức, đoàn thể, viện nghiên cứu. Nhưng cuộc khảo sát được Thanh tra Chính phủ cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN công bố kết quả ngày 20-11 là đặc biệt. Bởi tính từ năm 2005 - khi Ban Nội chính Trung ương lúc ấy tiến hành cuộc điều tra xã hội học quy mô lớn đầu tiên về tham nhũng, phục vụ cho việc xây dựng Luật PCTN thì đến nay, sau bảy năm, mới có một cuộc điều tra quy mô tương tự, do cơ quan nhà nước tiến hành. Vì thế, khảo sát năm 2012 này có ý nghĩa chính thống, so sánh được với các cảm nhận, trải nghiệm, đánh giá của cả người dân, doanh nghiệp (DN) và cán bộ, công chức (CBCC) về tệ nạn tham nhũng hiện tại so với trước khi Luật PCTN ban hành.
Biến DN thành đồng minh chống tham nhũng
Một cách tổng quan, nếu so với năm 2005 thì đất nước đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, khảo sát năm 2012 cho thấy một điều chưa thay đổi: tham nhũng, xét trên phạm vi cả nước, là phổ biến và nghiêm trọng.
Trong điều chưa thay đổi ấy có những khác biệt nho nhỏ. Chẳng hạn, theo khảo sát 2005, năm lĩnh vực người dân cảm nhận và trải nghiệm tham nhũng nhiều nhất được xếp hạng thứ tự gồm: quản lý đất đai, hải quan/quản lý xuất nhập khẩu, cảnh sát giao thông (CSGT), tài chính công và thuế, quản lý xây dựng. Đến 2012, tài chính công và thuế ra khỏi top năm này và được thay bằng ngành giao thông vận tải (theo ý kiến người dân, CBCC) và quản lý khoáng sản (theo ý kiến DN). Trong bốn lĩnh vực còn “trụ hạng” thì CSGT nhảy từ hạng ba lên hạng nhất, đẩy quản lý đất đai và hải quan xuống hạng hai và ba.
Buổi họp báo công bố báo cáo kết quả khảo sát xã hội học về tham nhũng tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Số liệu mới cũng cho thấy một số thay đổi tiêu cực. Nếu hỏi DN là họ đã làm gì khi đối mặt với hành vi tham nhũng của cán bộ công quyền thì câu trả lời là họ ít tìm đến sự can thiệp ở cấp cao hơn, cũng chẳng thưa kiện ra tòa hay nhờ báo chí vào cuộc. Thay vào đó, DN sử dụng giải pháp “trực tiếp đưa hối lộ cho cán bộ phụ trách”.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhận định: “Xu hướng hành xử này rất đáng lo ngại và nó nhất quán với các phát hiện khác trong cuộc khảo sát, rằng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để biến DN thành đồng minh trong cuộc chiến chống tham nhũng”.
Dự án kinh tế thì không cưỡng chế thu hồi đất
Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, được xếp hạng á quân trong khảo sát 2012, bao gồm cả những nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rất nhiều tiêu cực trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, các tác giả của khảo sát kiến nghị QH thảo luận sửa đổi Luật Đất đai lần này cần lưu ý những khe hở mà hệ thống quản lý đất đai làm nảy sinh tham nhũng. Cụ thể, cần hạn chế việc cưỡng chế thu hồi đất để giao cho những dự án mà thực chất là dự án tư nhân. Nói cách khác, với dự án kinh tế hoặc thương mại thì sự thỏa thuận giữa người dân có đất và nhà đầu tư cần được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, chứ không phải bằng quyền lực nhà nước để ép buộc người dân giao đất như cách làm lâu nay.
Nhóm lợi ích là khái niệm mới ở Việt Nam và được đưa vào khảo sát 2012. Đánh giá của người dân, CBCC và DN cho thấy những cảm nhận tiêu cực, tích cực khác nhau về hiện tượng này. Cụ thể, 37% doanh nhân được hỏi nói nhóm lợi ích giúp cộng đồng DN truyền tải được những khó khăn của họ lên nhà chức trách nhưng cũng tới 40% nhận xét nhóm lợi ích dùng quan hệ để trục lợi và 19% cho rằng nhóm lợi ích dùng tham nhũng để đạt mục đích của mình. Giải pháp then chốt để ứng phó với những thách thức đang nổi lên từ các nhóm lợi ích, báo cáo khảo sát kiến nghị là xây dựng thể chế giải quyết xung đột lợi ích, qua đó xác định chuẩn mực ứng xử của CBCC khi ra quyết định.
Bỏ chế tài hình sự với hoạt động báo chí
Sau khảo sát 2005, Luật PCTN được ban hành với chính sách trụ cột là công khai minh bạch. Tới khảo sát 2012 này, kết quả chỉ ra là những điều khoản khá tiến bộ về công khai, minh bạch chưa được thực hiện nghiêm túc. Chưa kể, quyền người dân được yêu cầu cung cấp thông tin mới chỉ trong phạm vi xã, phường nơi họ cư trú mà thôi. Vì thế, gợi ý mà 87% người dân, CBCC và DN đưa ra lần này là cần ban hành Luật Tiếp cận thông tin - dự luật đã khởi động dự thảo từ 2009 nhưng đến nay gần như bị đình lại.
Kết quả khảo sát cũng đưa ra nhiều kiến nghị khác, trong đó đáng chú ý là giải pháp trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan truyền thông. Trên 80% người được hỏi đánh giá báo chí phát hiện được nhiều vụ tham nhũng trước khi cơ quan chức năng vào cuộc và cũng ngần đó cho rằng đang thiếu cơ chế hiệu quả thúc đẩy sự tham gia của người dân và báo chí trong PCTN, trong khi chưa tới 1% chọn báo chí là một lĩnh vực tham nhũng nhất. Nghĩa là người dân, cộng đồng DN và cả cán bộ công quyền sẵn sàng chứng kiến báo chí đóng vai trò tích cực hơn.
Vì thế, kết luận khảo sát này kiến nghị sửa đổi luật pháp để những sai sót trong viết báo chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự. Bỏ đi chế tài hình sự sẽ giúp tăng cường quyền lực cho báo chí, để mạnh dạn hơn trong những điều tra tham nhũng ở mọi cấp.
Khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và CBCC” được thực hiện theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Được hỗ trợ kỹ thuật bởi Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) và WB, cuộc khảo sát được tiến hành ở quy mô khá lớn, tại 10 tỉnh, TP, với đối tượng khảo sát gồm 1.801 CBCC từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã; 1.058 đại diện DN và 2.601 người dân. Kết quả cuộc khảo sát đã được dùng để báo cáo với Hội nghị Trung ương 5 khi đánh giá sáu năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong PCTN, lãng phí và là cơ sở để nghiên cứu, sửa đổi Luật PCTN. |
NGHĨA NHÂN
(Theo báo Pháp luật T.p HCM)
---------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét