Hơn một năm kể từ ngày 3 sỹ quan của Công an Tiền Giang tham gia điều tra vụ án Năm Nam là Đại tá Ngô Thanh Phong, Thượng tá Nguyễn Văn Nên và Thiếu tá Nguyễn Văn Út bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, ngày 20/11, Cục Điều tra, VKSND tối cao tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam Trung tá Nguyễn Tuyến Dũng. Nhưng, liệu đã bị xử lý hết những người lợi dụng chức vụ trong vụ án Năm Cam?.
Bút tích chỉ đạo gửi tiền tiết kiệm |
Chụp mũ “đệ tử Năm Cam” cho người vô can
Ông Nguyễn Tuyến Dũng bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ việc khởi tố, bắt giam trái pháp luật đối với ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng và ép ông Bùi Mạnh Lân phải “thỏa thuận” với bà Huỳnh Thị Thu trong một tranh chấp dân sự về đất đai giữa ông Lân và bà Thu.
Sau đó, chính ông Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo ông Nguyễn Tuyến Dũng sử dụng 5,25 tỷ đồng mà đương sự trong vụ việc này “nộp” cho cơ quan điều tra để gửi tiết kiệm, lấy tiền lãi sử dụng. Về hành vi này, Cục Điều tra cũng đã khởi tố bổ sung đối với ông Nguyễn Văn Nên về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, ông Nên đã bị khởi tố về tội danh này vì chỉ đạo gửi tiền tang vật trong vụ án “Hùng xì-tẹc” buôn lậu xăng dầu để lấy tiền lãi chia nhau sử dụng.
Sự việc bắt đầu từ tranh chấp giữa các thành viên Công ty Gas Bình Dương là ông Nguyễn Văn Tạo với các ông Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng. Năm 2000, khi tranh chấp đang được tòa án giải quyết thì ngày 18/9/2000 đã xảy ra việc các thành viên trong Cty mâu thuẫn về quản lý tài sản khiến cho Công an xã Bình Hòa và Công an huyện Thuận An phải đến để giải quyết.
Theo biên bản sự việc do công an lập thì không có xảy ra xô xát xảy ra. Trong Biên bản, ông Bùi Mạnh Lân, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh ghi rõ, khi nghe tin báo có hiện tượng gây mất trật tự trong khu công nghiệp, tại trụ sở Công ty Gas Bình Dương, ông đã đến nhưng không thấy có hiện tượng gây rối ở đây. Ngay lúc đó cơ quan chức năng cũng đã giải tán những người có mặt để tránh sự việc gây mất trật tự công cộng xảy ra.
Thế nhưng, năm 2003, khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam), ông Nguyễn Văn Tạo đã tố cáo các ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân là “đệ tử” của Năm Cam đã gây ra vụ “gây rối trật tự công cộng” ngày 18/9/2000.
Bị chụp mũ “chân rết của Năm Cam” nên ngày 30/4/2003 ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đã bị “bắt khẩn cấp” để điều tra vụ “gây rối trật tự tại Công ty Gas Bình Dương”. Chính ông Nguyễn Việt Thành, “người hùng” trong việc phá vụ án Năm Cam đã chỉ đạo việc bắt giam đối với ông Lân và ông Hướng.
Ông Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Tuyến Dũng là điều tra viên của Công an tỉnh Tiền Giang được giao điều tra “vụ án” xảy ra tại Bình Dương. Ông Thành còn ghi rõ trong văn bản đề nghị phê chuẩn lệnh bắt giam ông Lân và ông Hướng là “nếu bắt sai sẽ chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi bắt tạm giam, sau nhiều lần đề nghị phê chuẩn việc bắt giam và cam kết “chịu trách nhiệm”, VKSND tối cao mới phê chuẩn việc lệnh tạm giam của CQĐT đối với ông Lân và ông Hướng.
Nhưng, do “vụ án” thực sự là oan sai nên, không lâu sau đó, VKSND tối cao đã hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Lân. Khi có quyết định hủy biện pháp tạm giam, ông Nguyễn Văn Nên đã không thực hiện mà tiếp tục giam giữ ông Lân 5 ngày với lý do là “điều tra vụ việc liên quan đến tố cáo ông Lân chiếm đoạt 23.383m2 tại xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương” theo tố cáo của vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu. Thực chất, việc giam giữ ông Lân là để ép ông Lân thỏa thuận giải quyết tranh chấp với bà Thu chứ thực sự không có vụ án nào xảy ra.
Can thiệp tranh chấp dân sự và trục lợi
Khi ông Bùi Mạnh Lân bị bắt giam, vợ chồng ông Nguyễn Văn Cư và Huỳnh Thị Thu cũng “tát nước theo mưa”, tố cáo ông Lân “chiếm đoạt sổ đỏ” lô đất 23.383m2 của bà Huỳnh Thị Thu mà hai bên đang tranh chấp.
Trong lúc ông Lân bị giam giữ, điều tra viên Nguyễn Văn Nên đã nhiều lần gợi ý, ép ông trả lại sổ đỏ cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu. Ngày 22/7/2003, Điều tra viên cho ông Lân “viết đơn” đề nghị gặp vợ chồng bà Thu để thỏa thuận. Ngày 7/8/2003, ông Nguyễn Văn Nên đã trích xuất ông Lân ra gặp vợ chồng bà Thu để giải quyết việc trả lại sổ đỏ, nhận lại tiền.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Cư đã đem 5,25 tỷ đồng nộp cho Cơ quan điều tra để “nhận lại sổ đỏ”. Điều tra viên Nguyễn Văn Nên đã trả lại sổ đỏ cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu. Vậy là không chỉ tiện thể giải quyết vụ án gây rối trật tự công cộng được tạo dựng trái pháp luật, ông Nguyễn Văn Nên còn khoác áo tội phạm cho tranh chấp dân sự giữa bà Thu và ông Lân rồi tự thụ lý giải quyết thay tòa án tranh chấp dân sự này.
Sau khi thu giữ số tiền 5,25 tỷ đồng mà ông Nguyễn Văn Cư nộp tại Cơ quan điều tra công an tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã giữ số tiền này. Cuối năm 2007, số tiền này mới được đưa vào tài khoản tạm giữ do Cơ quan điều tra mở tại kho bạc nhà nước và gần 5 năm sau, vào tháng 3/2008, ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng mới đến Công ty Hưng Thịnh đề nghị ông Lân nhận số tiền trên.
Thời gian giữ số tiền, ông Nên và ông Dũng đã sử dụng vào việc gì?. Trong một báo cáo liên quan đến sự việc Công an tỉnh Tiền Giang có giải thích rằng, ông Nguyễn Văn Nên giữ số tiền 5,25 tỷ đồng này tại “kho tang vật” của Công an tỉnh. Nhưng, giải thích này đã “lòi đuôi” vì Bộ Luật tố tụng hình sự thì “tang vật” là tiền mặt bắt buộc phải gửi giữ tại kho bạc, không thể để trong “kho vật chứng”. Hơn nữa, số tiền 5,25 tỷ đồng mà ông Cư nộp không phải là tang vật của vụ án vì không có vụ án nào xảy ra liên quan đến ông Nguyễn Văn Cư.
Do không phải là tang vật nên số tiền này không thể nằm ở kho tang vật mà thực chất trong thời gian đó, ông Nên đã chỉ đạo ông Nguyễn Tuyến Dũng gửi tiết kiệm tại ngân hàng để lấy lãi. Trong thời điểm đó, CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang còn điều tra một vụ án kinh tế khác và thu giữ vật chứng gần 20 tỷ đồng. Số tiền này cũng đã được ông Nên chỉ đạo gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn trong tỉnh để lấy lãi suất chia nhau.
Với sự thật được làm rõ thì việc cố tình lợi dụng chức vụ để bắt giam đối với ông Lân, ông Hướng trong một vụ án được tạo dựng bằng việc chụp mũ “đệ tử Năm Cam” rồi ép ông Lân phải thỏa thuận với đương sự nhằm giải quyết tranh chấp dân sự; lấy tiền của đương sự để gửi tiết kiệm nhằm hưởng lợi là những tội lỗi “tầy đình” của các cựu điều tra viên trong vụ án Năm Cam.
Hậu vụ án Năm Cam đình đám một thời này, những người từng vào trại giam hỏi cung bị can giờ đây lại ngồi trong trại giam chờ sự phán xét của pháp luật đối với hành vi coi thường pháp luật, "cậy" chức làm "bừa" để trục lợi của họ.
Bình Minh
(Báo Pháp luật Việt Nam)
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét