* Việt Anh
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chỉ ra 4 loại sai phạm mà chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra: Sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng, sai thẩm quyền và sai trình tự, thủ tục hồi đất.
Ông Vở nhấn mạnh chính những sai phạm này trong quản lý nhà nước về đất đai là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện và xung đột thời gian qua.
Dự án luật Đất đai (sửa đổi) đã đốt nóng không khí thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường vào chiều qua (19/1). Nhiều đại biểu vẫn tiếp tục giữ quan điểm khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đề cập vấn đề giao đất, cho thuê đất ở, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đồng tình dự án luật sửa đổi theo hướng thu hẹp các đối tượng giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất, xóa bao cấp trong sử dụng đất, từng bước bãi bỏ giao đất không thu tiền sử dụng đối với các tổ chức sự nghiệp. Đại biểu cho rằng đây là chủ trương tiến bộ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, song đối với tổ chức sự nghiệp nên có lộ trình và có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất hoặc theo đặc thù để quản lý sử dụng đất phù hợp tiết kiệm…
Ngoài ra, bổ sung các quy định về chế tài xử lý những trường hợp đất đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không đúng mục đích, lãng phí đất công, đầu cơ đất để chuyển nhượng nhằm nghiêm trị những sai phạm và thiết lập lại kỷ cương trong thực thi pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, bổ sung các quy định về chế tài xử lý những trường hợp đất đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không đúng mục đích, lãng phí đất công, đầu cơ đất để chuyển nhượng nhằm nghiêm trị những sai phạm và thiết lập lại kỷ cương trong thực thi pháp luật về đất đai.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi quy định các tổ chức, cá nhân phải bù bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất, vì ở nhiều nơi sau khi lấy diện tích đất lúa thì lấy diện tích đất ở chỗ nào để khai hoang làm ruộng nước. Mặt khác, để thành đất chuyên trồng lúa nước phải có các điều kiện khác như về thủy lợi, độ màu mỡ của đất. Chẳng hạn như hiện nay việc trồng lại rừng bị mất đi do làm thủy điện cũng đã rất khó khăn mà đất để trồng rừng thì dễ hơn là đất để khai hoang ruộng chuyên trồng lúa nước. Đại biểu Nguyễn Công Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cũng chỉ ra, hiện đất phi nông nghiệp ngày càng gia tăng cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong tương lai đất xây dựng đô thị sẽ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì vậy, đại biểu này đề nghị trong phân loại đất của dự thảo sửa đổi lần này cần làm rõ, cơ cấu rõ thành phần của loại đất này. Đại biểu cho rằng hiện tại trong dự thảo nghiên cứu còn rất mờ nhạt, và nên dành một mục riêng cho loại đất này.
Thảo luận về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu Hà Văn Khoát (Bắc Kạn) cho rằng hiện tại chúng ta đang thực hiện và dự thảo luật mới cũng quy định là giá đất tính để đền bù theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua không ít trường hợp khi thu hồi đất là đất nông nghiệp, đất vườn, đất ruộng hoặc đất khác. Sau khi thu hồi bằng một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển sang đất ở làm cho giá đất tăng lên vài chục lần. Người được bồi thường mặc dù được ưu tiên tái định cư ngay trên đất cũ của mình nhưng số tiền được bồi thường không đủ để mua mảnh đất đã được cấp, gây thắc mắc lớn ở nhiều địa phương. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo lưu ý vấn đề này.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu đồng tình về đền bù đất phải phản ánh được tổn thất về sinh kế và các chi phí tái định cư của đồng bào dân tộc, nhất là tái định cư vùng thủy điện. Cũng nên lưu ý đến giá trị của thị trường đất đai khi chúng ta thu hồi đất. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng giá trị thị trường phải được xác định bằng cách sử dụng các cơ quan có chuyên môn độc lập khách quan và phải do hai bên lựa chọn. Mặt khác, đại biểu thống nhất quyền sử dụng đất phải được đối xử như các quyền về tài sản.
Về hạn mức giao đất và hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân, đại biểu Bùi Sỹ Lợi có ý kiến đất nông nghiệp của nước ta hiện nay đánh giá chung là bị chia nhỏ thành những mảnh ruộng rất hẹp. Đại biểu dẫn chứng, theo Tổng cục thống kê là 10,4 triệu hộ gia đình nông dân, chúng ta 70% là có dưới 0,5 ha, chỉ có 3% là hơn 3 ha, có nơi hộ gia đình sở hữu từ 4 - 6 mảnh đất không liền nhau. Điều này cho thấy giới hạn hiện tại về diện tích sử dụng đất là quá thấp. Cho nên sinh kế không bền vững và đang như là một rào cản nỗ lực của sự cố gắng của các hộ gia đình để thoát nghèo, đói.
Đại biểu đề nghị bỏ bớt các hạn mức sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi để cho tích tụ đất đai trên quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình nông dân cá thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân làm ăn hiệu quả, tích tụ đất và cũng tạo cơ hội cho những nông dân làm ăn kém hiệu quả chuyển giao đất, tìm kiếm con đường làm ăn mới. Tuy nhiên, phải đi cùng với chính sách sử dụng các công cụ thuế, công cụ chính sách để tránh bóc lột công dân.
Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu ý kiến, dự thảo luật sửa đổi quy định đối với các trường hợp Nhà nước sẽ thu hồi là đất được Nhà nước giao cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư không sử dụng trong thời gian 12 tháng liền và tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ đã ghi trong quyết định đầu tư và không được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì Nhà nước sẽ thu hồi, và đặc biệt Nhà nước chỉ cho một lần chấp thuận là không quá 12 tháng thì Nhà nước thu hồi. Đại biểu cho rằng đây là điểm rất hợp với lòng dân và lập lại trật tự kỷ cương. Việc thu hồi đất như thế nào thì còn quy định chung chung, do đó cần giao cho Chính phủ quy định thêm trong luật nhằm cụ thể hóa nội dung này.
Đóng góp ý kiến về thời hạn giao đất nông nghiệp, đại biểu Y Mửi (Kon Tum) cho biết, qua tiếp xúc cử tri thấy đại đa số cử tri mong muốn Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sử dụng ổn định lâu dài không quy định thời hạn với hạn mức giao đất nông nghiệp trên 30 ha trở lên, như vậy mới nhằm tạo sự an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài, nhằm góp phần ổn định an ninh nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu thấy quy định này phù hợp với miền núi và đặc biệt là vùng Tây Nguyên bởi nó sẽ hạn chế được việc mua bán, chuyển nhượng đất ồ ạt làm xáo trộn và thu hẹp không gian phát triển của đồng bào Tây Nguyên. Thực tế cho thấy từ xưa đến nay đồng bào Tây Nguyên chưa di cư ra khỏi vùng Tây Nguyên mà tồn tại và phát triển trên không gian đất đai, rừng núi vùng Tây Nguyên. Bởi vậy, giới hạn này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của Tây Nguyên và phù hợp với chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, đối với các vùng khác thì Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm trong việc giới hạn mức chuyển quyền vì Hiến pháp cũng như Luật dân sự không giới hạn tài sản hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình. Bởi vậy đại biểu đề nghị giới hạn này chỉ áp dụng cho miền núi, đặc biệt vùng Tây Nguyên.
Ngày mai 20/11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật dự trữ quốc gia, Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật xuất bản (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).
V.A
---------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét