Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

> NGƯỜI GÁC KHU TẬP THỂ LINH HỒN


   * Ghi chép Minh Diện

              Ông già bảy mươi nhăm tuổi rồi, người khô đét như con mực nướng, mặt quắt lại, nếp nhăn sắp nếp, đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc, dáng đi lom khom nhẹ như cái lá dễ thổi bay. Ông  thứ bảy, tên Trường, nhưng ốm nheo ốm nhách, người ta gọi Bảy Ròm.
             Mỗi ngày ông Bảy Ròm chỉ ăn đúng ba chén cơm với rau luộc chấm mắm cáy. Rau tập tàng, dền cơm, mồng tơi, đọt củ mì  mọc quanh nghĩa trang, ông tự hái, mắm cáy cô cháu gái làm sẵn từ quê gửi vào, mỗi lần vài lọ sành, ông ăn dần.
               Ăn uống kham khổ thế mà ông Bảy Ròm it  bệnh, mắt vẫn tinh, tai vẫn thính, mỗi ngày đi  vài lần quanh  nghĩa trang. Nhờ thế mà ông đã bám trụ ở nơi heo hút này gần bốn mươi năm nay, chưa một ngày nào vắng bóng.
               - Anh em đồng chí  phù hộ cho tao có sức khỏe, để coi nhà cho họ và chuyện trò với họ cho vui đó mầy !
               Bằng cái giọng tưng tửng, ông Bảy Ròm nói thế. Từ dáng đi đến giọng nói của ông đều nhẹ tênh, như nắng, như gió, nhưng nghe cứ nhoi nhói như kim châm. Ông nói:
            - Gần một nghìn con người đổ máu xương vì đất nước, giờ nằm chen chúc trong  mảnh đất hẹp,  không bằng nửa vườn kiểng của Bí thư Tỉnh ủy đó mầy. Vậy mà vắng bóng tao là trâu bò, trẻ nít vô giày xéo, phá phách.
             Ông Bảy Ròm  nhớ tên, địa chỉ từng liệt sỹ, nhớ cả quê quán, người thân của nhiều người. Ông bảo mỗi ngôi mộ là một căn nhà riêng của liệt sỹ, và nghĩa trang này là “Khu tập thể linh hồn”. Ông chỉ một dãy mộ cạnh đài Tổ quốc ghi công, nói:
               - Đây là Liệt sỹ Lê Văn Tới, trước lúc hy sinh đã bắn cháy một chiếc mày bay trực thăng của Mỹ, đây là Liệt sỹ Hoàng Đức Kiên, hy sinh khi chưa kịp đọc lá thư cùa vợ vừa gửi tới, đây là liệt sỹ Tạ Hữu Lượng, quê tận Quảng Ninh, mới hôm qua hiện về báo mộng cho tôi bị sốt rét ác tính…
                Ông Bảy Ròm kể hàng chục tên liệt sỹ với đặc điểm riêng mỗi người trước lúc hy sinh, và cả những giấc chiêm bao ông gặp họ. Ông bảo, những người nằm dưới mộ trong nghĩa trang này, hàng ngày vẫn giao lưu với ông, vẫn dõi theo những người đang sống, họ cũng trăn trở nghĩ suy, vui, buồn  hờn,giận và hy vọng… Có một mối giao cảm thiêng liêng gắn kết ông với những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh!?
               Cũng vì mối giao cảm đó mà ông Bảy Ròm  không lấy vợ, sống độc thân cùng mấy con chó trong căn nhà cạnh nghĩa trang. Căn nhà nhỏ làm trên mảnh đất bố mẹ ông để lại,  ông cũng giành một phần cho liệt sỹ. Chính giữa nhà, ông kê một cái tủ, trong để  sơ yếu lý lịch liệt sỹ, trên làm bàn thờ, có tượng Phật Địa Tạng, có bài vị liệt sỹ, có bát nhang lúc nào cũng nghi ngút khói. Ông chọn loại nhang  đen Thái Bình, thơm ngát, đậu tàn, không xài loại nhang làm bằng lá tràm sợ khét, cay mắt các liệt sỹ. Ông  lấy ngày hy sinh làm giỗ cho từng liệt sỹ. Mỗi tháng ba mươi ngày, ngày nào cũng có giỗ, thậm chí có ngày giỗ tập thể bốn,năm người. Ông bẻ những bông hoa dại  quanh nghĩa trang cắm vảo bình,  trưng  đĩa trái cây, ly trà và đặt cái điếu cày có chân như khẩu súng cối cạnh gói thuốc lào. Rồi ông thắp nhang, khấn:
               - Việt Nam quốc, Nghĩa Trang thôn…Hôm nay, ngày….là giỗ kỵ của đồng chí…..Tôi Bảy Ròm, có chút hoa trái, kính mời  các linh hồn anh em đồng chí về dự ...
               Ông bảo:
              - Thình thoảng có thân nhân liệt sỹ mang hoa trái tới đây làm giỗ chung anh em, cũng vui.
              Trong một hộc tủ, ông Bảy Ròm xếp ngăn nắp những chồng thư của thân nhân liệt sỹ gửi cho ông, có những lá thư mới viết hôm qua, hôm kia, nét chữ còn tươi rói. Tôi đọc gần chục lá thư , có người  gọi ông Bảy bằng bố, có người gọi bằng chú, có người gọi bằng anh, người nào cũng thân tình.
             Tôi hỏi ông Bảy:
             - Sao đọc thư, thấy  hoàn cảnh ngưởi nào cũng khó khăn vậy chú?
             Ông Bảy cười hồn nhiên:
             - Người giàu có thân nhân ở đây thì họ cũng rước về quê lâu rồi!
              Ông Bảy Ròm bứt những bụi cỏ gai trên nấm mộ liệt sỹ Bùi Thế Vinh, bàn tay tay khẳng khiu của ông nổi rõ từng đốt xương dưới làn da trong suốt. Bàn tay phải chỉ còn ngón giữa và ngòn trỏ. Ngực ông Bảy một cái sẹo dài, vết khâu hằn sâu như vẫng cày trên thửa ruộng khô. Tôi hỏi ông:
            - Chú đi bộ đội năm nào mà bị thương chi chít vậy?
            - Ở Quảng Trị bảy hai đó  mầy ơi! Thôi,  nhắc lại làm gì?
            - Tôi nghe nói chú hay tâm sự với các liệt ?
            - Buồn thì nói chuyện với nhau chơi à mầy!
             Ông Bảy Ròm bảo, già rồi ít ngủ, nên đêm đâm thường ra nghĩa trang ngổi tới khuya. Mình  rủ rỉ nói chuyện một mình, nhưng có cảm giác như nói chuyện với người dưới mộ . Và rất  lạ, hễ nói chuyện với liệt sỹ nào,  thì y rằng vừa chợp mắt là  mơ thấy liệt sỹ đó.
             Ông kể, hôm giỗ liệt sỹ Nguyễn Văn Đại, quê Tam Nông, Phú Tho, ông thắp nhang ngồi cạnh mộ  tới khuya, nói với Đại:
            - Đại ơi! Hôm kia anh trai em vào thăm em đấy. Anh ấy vào kêu em về ăn giỗ.  Gia đình rất muốn đưa em về quê, nhưng kinh tế khó khăn quá, chưa đưa đươc. Thôi em cứ yên tâm ở đây với đồng đội cho vui Đại ạ!
           Ông vừa dứt lời thì một cơn gió nhẹ lướt tới và bó nhang trên mộ cháy bùng lên. Ông về lấy quyển lý lịch trích ngang của liệt sỹ Nguyễn Văn Đại ra, ghi lại chuyện vừa xảy ra rồi lên giường nắm. Ông vừa chợp mắt thì mơ thấy lúc Nguyễn Văn Đại hy sinh.
                Đó là một  buổi chiều mùa khô 1972, từ trên chốt, Đại gọi điện về báo cáo tiểu đoàn trưởng tình hình địch. Nghe báo cáo xong, tiểu đoàn trưởng hỏi:
             - Tư tưởng tụi bay thế nảo?
             - Báo cáo thủ trưởng  vững vàng ạ!
             - Vậy mày hát tao nghe một bài coi!
             - Thủ trưởng thích bài gì?
             - Cái bài có cô gái đẹp hái chè ấy! Anh nhớ quê ta quá Đại à! Em nhớ không?
              Tiểu đoàn trưởng bỗng hạ thấp giọng, như tâm tình với người lính trẻ đồng hương.
               Đại  kề miệng vào tổ hợp điện thoại, cất tiếng hất hát: “ Ơ…mênh mông rừng cọ, xanh xanh đồi chè! Ta nhớ làng ta đồi nương bát ngát! Cô gái đẹp hái che xanh bên sườn đồi! Cô ngắm đồi nương lòng thêm yêu đời! Quê làng ta…”. Giữa lúc đó một quả pháo từ chốt địch bắn ra, trúng căn hầm tổ Đại đang ngồi.
                Đại hy sinh  lúc mới 22 tuổi đời, hai tuổi quân. Tiểu đoàn trưởng ôm  cái thi thể nhàu nát của người lính cùng quê, tức tưởi: “ Đại ơi, lý lịch kết nạp đảng của em chi bộ duyệt rồi, hôm nay anh tuyên bố kết nạp  em vào Đảng Lao động Việt Nam. Anh thay mặt em thề  suốt đời vì nước vì dân, em nhé!”
              Mấy tuần sau người tiểu đoàn trưởng ấy cũng hy sinh trên cao điển 175, cách chỗ Đại chưa đầy một tầm đạn AK.
               Gia đình người chiến sỹ trẻ hồn nhiên, chết tức tưởi ấy, chỉ có một nguyện vọng đưa hài cốt anh về quê, mà gần  bốn chục năm rồi không thực hiện được, vì nghèo không có tiền.
                Tôi băn khoăn:
               - Đưa  hài cốt anh ấy từ đây về Phú Thọ, hết bao nhiêu tiền mà không làm được chú Bảy?
               Ông Bảy nói:
               - Mầy tưởng cho bịch xương vào ba lô đeo về là xong à? Còn truy điệu, lễ tang , rình rang lắm, ăn uống vài chục mân , tiền đâu ra?
                - Sao  bày vẽ ra thế?
                - Thành lệ rồi! Không làm thế thì cũng tủi thân liệt sỹ!
                 Ông Bảy Ròm cho tôi hay, hầu hết thân nhân liệt sỹ trong nghĩa trang này là người nghèo. Mới cách đây mấy hôm, cô con gái của liệt sỹ Vũ Văn Nhưng, quê Hòa Bình vào nhờ ông Bảy đọc cho bố nghe bức thư như sau:
              “Bố ơi con là Vũ Thị Hiền đây bố ạ! Bố có còn nhớ con không? Ngày bố vào chiến trường con mới ba tuổi, bố hôn con và nói, bố đi đánh Mỹ giành độc lập thống nhất đất nước, mang lại tương lai  hạnh phúc cho con ? Hạnh phúc đâu chả thấy bố ạ!  Hơn ba chục tuổi đầu con chưa được hưởng hạnh phúc một ngày, hai cháu ngoại của bố, thể kỷ 21 rồi vẫn mơ một manh áo đẹp. Tương lai,  hạnh phúc đâu  hả bố ! Gia đình mình nghèo lắm, mẹ bệnh  không có thuốc chữa. Chồng con là kỹ sư mà vẫn không có việc làm, giờ phải đi chợ lao động trên Hà Nội đấy bố ạ. Hôm nay con vào xin bố linh thiêng phù hộ cho con  để con đi sang Đài Loan làm osin kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi con con. Con phài bán ngôi nhà ông bà để lại cho bố mới có tiền thế chân  và đút lót để đi làm đầy tớ cho người ta đấy bố ạ! Có nơi nào trên thế giới này đi làm osin mà cũng phải đút lót không bố nhỉ ? Vậy mà hai đứa con con, tới trường, phài học thuộc những bài ca ngợi đảng, bác đấy bố ạ!?”
              Bà mẹ liệt sỹ  Nguyễn Văn Côi, mới tới đây vài ngảy. Bà có  hai người con là liệt sỹ  thời chống Mỹ,  bà từng là chỉ huy đội quân tóc dài, từng đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng.
             Năm 1970, Côi mới 15 tuổi,  làm giao liên cho huyện ủy. Một hôm Quốc dẫn  người bạn cùng nhóm về nhà chơi thì gặp trận càn. Côi nhường  cho bạn căn hầm bí mật, còn mình trốn trên nóc nhà, bị bắt. Côi  bị đánh chết đi sống lại, nhưng không khai bạn. Bọn lính thấy Côi còn con nít, không bắt mang theo. Bà phải lo thuốc thang cho con hai tháng trời mới lành. Vừa lành Côi đi bộ đội và hy sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mười tiếng đồng hồ.
              Người giao liên cùng tuổi Côi, được Côi nhường hầm,  bây giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhà cao cửa rộng, sống như vua. Mấy chục năm  anh ta không  ghé thăm gia đình người đồng đội cứu mình.
            Vừa qua gia đình mẹ hai liệt sỹ ây có 10 công đất vườn, bị chính quyền địa phương  thu hồi 8 công, chia nhau mở tiệm ăn, quán nhạc. Bà khiếu nại huyện không được, đành lên tỉnh. Bà tìm gặp ông Phó Bí thư, trình bày đầu cuối, nhờ ông chỉ đạo cấp dưới trả đất cho gia đình mình. Ông Bí thư không tiếp, cho thư ký ra nhận đơn khiếu nại. Mấy ngày sau, cái đơn ấy trả về huyện không có một chữ bút phê nào của kẻ từng đươc con bà nhường căn hầm bí mật năm nào.
            Bà nói với ông Bảy Ròm:
           - Hết chịu nổi bọn cán bộ đảng viên bây giờ rồi anh Bảy ơi! Tụi nó vô ơn bội nghĩa, tham nhũng, coi dân như cỏ rác! Hồi đánh Mỹ, chị Út Tịch nói , còn cái lai quần cũng đánh! Bây giờ tụi nó giựt  luôn cái lai quần của dân !
            Tôi hỏi ông Bảy Ròm:
            - Những chuyện ấy ông có  “nói” cho các liệt sỹ nghe không?
            - Nói, nói hết!
            - Họ bảo sao?
             Ông Bảy vuốt cái ngực lép kẹp, rồi ông kể:
             - Một đêm tôi nằm mơ thấy  ông tiểu đoàn trưởng của liệt sỹ Nguyễn Văn Đại về. Ông  đeo súng ngắn, khoác mảnh vải dù hoa, đứng ngay đầu giường tôi. Ông ấy đứng rất lâu, rồi nói:
               - Chúng tôi không tiếc máu xương vì tin sẽ có ngày đất nước hòa bình độc lâp, con cái chúng tôi ấm no, hạnh phúc. Không ngờ chúng tôi bị phản bôi! Tôi mà sống lại, tôi  sẽ bắn bỏ hết những đứa phản bội lời thề vì nước vì dân. Bắn bỏ hết !
              Nếu mà tôi sống lại!
              Vâng, nếu như anh sống lại!
              Nhưng đó là điều không thể.
               Gần một ngàn liệt sỹ nằm  trong nghĩa trang này, và hàng triệu liệt sỹ nằm trong các nghĩa trang khác, và hơn hàng trăm nghìn liệt sỹ đang còn  bị vùi dập giữa rừng sâu núi núi cao, tất cả đều không thể sống  lại được. Đó là nỗi đau khôn cùng.
              Nhưng ví phỏng các anh sống lại, thì số phận các anh có hơn ông Bảy Ròm, hơn tôi và mấy chục triệu người đang sống?
                Bởi thế, như liệt sỹ Nguyễn Văn Đại, chết giữa lúc đang  cất cao tiếng hát, tâm hồn đang bay bổng giữa rừng cọ,  đồi chẻ, với bóng dáng cô gái  xinh  đẹp, có lẽ còn thanh thản, hạnh phúc hơn những người phải sống cúi luồn giữa “một bầy sâu” hôm nay.
             Nếu bây giờ anh sống lại, mắt phải nhìn những phe những nhóm, những kẻ ăn hết phần dân, những kẻ đạp vào mặt dân khi dân đi biểu tình chống bọn lấn chiếm biển đảo của tổ quốc, tai phải nghe những lời dối trá, lừa mị, và  bỡn cợt  thì còn đau hơn  cái chêt!
             Ông Bảy Ròm cho tôi xem mấy đóng lưu bút của một vị tướng nghỉ hưu đến thăm nghĩa trang. Ông tướng ấy viết: “Niềm hạnh phúc nhất là chúng ta đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước! Năm tháng sẽ qua đi, rác rưởi, sâu bọ sẽ có ngày bị quét sạch trên mảnh đất thấm  máu chúng ta!
              Ngày đó bao giờ nhỉ? Tôi thầm hỏi vị tướng, hỏi anh, hỏi chị, hỏi tất cả chúng ta?
M.D   
 

3 nhận xét:

  1. Người ta có thể quét môt đống rác không thể quét một núi rác! Rác rưởi đảng cộng sản chất cao hơn núi, sinh ra sâu bây sâu đàn có sừng có mỏ đớp hết phần dân. diệt làm sao hỡi vị tướng lạc quan kia?

    Trả lờiXóa
  2. bài viết xúc động quá anh ạ , càng xem càng ứa nước mắt, ước gì lời nói của vong linh liệt sĩ ̣ tiểu đội trưởng thành sự thật : bắn bỏ hết những lũ sâu mọt hại dân hại nước đang sống kia đi cho người sống khỏi tủi hổ với những xương máu những người nằm xuống . sự phân hóa giàu nghèo bây giờ khủng khiếp lắm ...

    Trả lờiXóa
  3. TÔI CẢM THẤY NHƯ ĐANG NGỒI TRƯỚC NGHĨA TRANG VẬY .TÔI CẢM PHỤC VÔ CÙNG ÔNG GIÀ COI NGHĨA TRANG. MỖI NGÀY ÔNG LÀM MỘT ĐÁM GIỖ CHO LIỆT SỸ CAM ƠN ÔNG, CÁM ON TÁC GỈA VÀ ANH BUI VĂN BỒNG ĐÃ ĐUA BÀI NÀY.

    Trả lờiXóa