Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

> NHỮNG BÔNG MẬN HẬU

Mùa hoa mận trên biên giới Hà Giang                                          
* MINH DIỆN
                  BVB - Mười hai giờ đêm nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nghe máy. Một người đàn ông không quen biết nói với tối: “Tôi là Lê Văn Khương, cựu chiến binh, quê Nghệ An, trước ở Bộ đội biên phòng Vị Xuyên, Lào Cai, nay đang ở huyện Định Quán, Đồng Nai. Tôi vừa đọc bài: “Không thể  đập được tấm bia trong trái tim người”trên Blog của Đại tá Bùi Văn Bồng, nên gọi cho anh. Tôi cần gặp anh kể câu chuyện cho vơi bớt ân hận của bản thân tôi suốt ba mươi năm qua…
Tám giờ sáng hôm sau, anh Khương gặp tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh bảo sau khi gọi điện  chập chờn không ngủ được,  bốn giờ sáng vùng dậy phóng xe đi.
                  Sau đây là câu chuyện người cựu chiến binh Lê Văn Khương kể:
                Tiểu đội phó Thương vừa chớm tuổi 22, mái tóc dài chấm mắt cá chân; Hà 19 tuổi, gương  mặt  trái xoan, nước da trắng mịn như trứng gà bóc; Thoan 20, nụ cười lúng liếng hai lúm đồng tiền; Hiền 21, đôi mắt như vấn vương điều gì và Trang, em út tiểu đội nhưng tính nết lại già dặn hơn tất cả. Năm cô  gái đều có thân hình cân đối, với những đường cong đầy nữ tính, dù mặc bộ đồng phục lính cũng hớp hồn các chàng trai khó tính. Họ còn trinh trắng như những bông mận hậu mới nở đón mùa xuân. Đó là năm chiến sỹ thông tin vô tuyến trên chốt Thanh Thủy, Vị Xuyên, cách đây hơn 30 năm.
Nữ chiến sĩ thông tin (ảnh minh họa)

                  Tết Kỷ Mùi 1979, thủ trưởng điện lên cho phép mấy chị em thay nhau về thăm nhà. Tiểu đội phó Thương ưu tiên cho em út tiểu đội đi trước. Nhưng Trang nói:
                 - Chị Thương ở xa và là chị cả trong gia đình, chị về sớm giúp ba mẹ, em con út lại ở gần em về sau!
                 Nghe Trang nói có lý có tình, mấy chị em không cãi nhau nữa, phân công Thương ở chốt  trực máy, rồi bốn đứa Hà, Hiền, Thoan, Trang ríu rít kéo nhau  xuống chợ Vi Xuyên mua quà tết cho Thương.
                 Những đồng phụ cấp binh nhất, tích cóp bấy lâu của bốn chị em chỉ đủ mua hai cái áo len cho bố mẹ Thương. Nhận hai chiếc áo len, Thương rưng rưng  nước mắt hỏi:
                  - Thế mai kia đến lượt chúng mày lấy tiền đâu mua quà?
                  Năm cô gái mặt thoáng buổn. Rồi vẫn lại là đứa em út lên tiếng:
                 - Em nghĩ ra rồi! Em sẽ tặng mỗi chị một cành hoa mận hậu. Cắm cành mận hậu trắng tinh bên cành bích đào đẹp vô cùng, lại có ý nghĩa con gái mang mùa Xuân từ biên giới về cho cha mẹ!
                   Thoan cười tít mắt, hai lúm đồng tiền trên mà tròn xoay:
                - Ừ đúng rồi chị Thương ơi!
                 Hiền nhướng mắt nhìn những hạt mưa bay lất phất,  mơ màng:
                - Tết năm ngoái em đi chùa Hương bốc được quẻ xăm rất hay
- Xăm làm sao?
Hà hỏi. Hiền chờ cho mọi người dỏng tai lên hồi hộp chờ đợi rồi đọc:
                              Năm cô má đỏ hây hây
                     Năm nàng tiên nữ trên mây chống ề!
         Năm cô gái cùng cười khúc khích.
                 Vừa mới thoáng buồn, giờ  lại vui! Vui buồn cứ chợt đến, chợt đi trên gương mặt xinh đẹp của năm cô lính thông tin trẻ, như những bông mận hậu chợt tươi chợt héo mỗi cơn gió the thắt lướt qua.
                  Chiều 27 tết mấy chị em nấu kẹo lạc, nấu bánh chưng và bày bàn thờ Tổ Quốc. Tính con gái hay lo xa, lại muốn chị Thương cùng dự đón giao thừa trước cho đông đủ.
                Bàn thờ Tổ Quốc có mân ngũ quả, bánh chưng, kẹo lạc, có cả một chén mứt me chua chua ngòn ngọt đứa nào cũng thích. Nhưng đẹp nhất là cành mận hậu với những chùm hoa trắng muốt tinh khôi, như những giọt nắng Xuân, làm rực rỡ một góc hang sâu ẩm ướt và giá lạnh suốt mùa Đông.
                 Trong ánh lửa bập bùng có mấy anh biên phòng sang chung vui. Tiếng hát của Thoan, cô gái Kinh Bắc cất lên:
                  “ Người ơi! Người ở đừng về!
                     Người ơi! Người ở đừng về!
                     Người về em vẫn….(có mấy a) khóc thầm.
                     Đôi bên là song như vạt áo, mà để ướt đầm như mưa!...”
Thoan vừa dứt lời, vô duyên vô cớ, mấy chị em ôm nhau khóc rưng rức như trẻ con, làm mấy anh lính phát hoảng.
                   Đêm ấy cả tổ thức trắng, hết nói chuyện lại gói gém tư trang quà tết cho chị Thương sáng mai về quê.
                   Đúng lúc Thương khoác ba lô lên vai thì có lệnh cấm trại 100 %, không cho bất kỳ cán bộ chiến sỹ nào đi phép, đi tranh thủ, các đơn vị phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mấy chị em thẫn thờ nhìn nhau buồn rười rượi.
                  Thương phá vỡ sự im lặng :
                 - Tao ở lại ăn tết với chúng mày càng vui!
                  Tiếng cười gượng gạo không xóa được  nét tủi hờn trên những gương mặt chưa hết thời con nít.
                     Là những chiến sỹ thông tin liên lạc, năm cô gái trẻ hiểu tình hình biên giới đang căng thẳng. Từ khi Trung Quốc thổi bùng lên cái gọi là “nạn kiều” và kích động người Hoa ở các nơi ùn ùn kéo nhau về nước, biên giới Việt Trung hừng hực ngọn lửa chiến tranh. Năm cô gái đã nghe tin anh Lê Đình Chinh bị lính Trung Quốc giết hại ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, nghe kể về bọn lính biên phòng Trung Quốc  sang gây rối ở Bát Sát, và đã được cấp trên nhắc nhở cảnh giác trước âm mưu xâm lược của bọn bành trướng…Hàng ngày trên vị trí tiền tiêu này các cô truyền đi những mệnh lệnh của cấp trên. Tuy không có quyền hiểu nội dung những bức điện tuyệt mật, nhưng với giác quan thứ 6 rất nhạy của người lính thông tin vô tuyến các cô gái hiểu đất nước đang bị đe dọa…

Hang đá, nơi năm nữ chiến sĩ thông tin
bị quân Trung Quốc giết hại

                   Ba ngày tết vẫn  bình yên. Trên thị trấn Vị Xuyên cờ hoa vẫn treo, tiếng pháo vẫn nổ giòn. Thanh niên trai gái xã Thanh Thủy vẫn rủ nhau đi chùa Sùng Khánh, đền Cầu, vẫn tập trung trên sườn đồi chơi ném còn, đu quay, ném yến và hát giao duyên. Những chàng trai quấn quýt bên những cô gái Dao đỏ xinh tươi trong trang phục áo dài tứ thân màu chàm thêu thùa tinh xảo, cổ long lanh chuỗi hạt cườm tua đỏ, những cô gái H’mông khoe  đường cong và thân hình căng mẩy trong tà áo ngắn lật cổ và  bộ váy xòe xếp nếp rực rỡ…
                  Mùa Xuân biên giới, người và hoa  tươi rói sắc mầu trong không khí hòa bình.
                  Năm cô chiến sỹ thông tin, dù đã có ý thức cảnh giác, cũng như những chàng trai cô gái H’mông, Dao, Nùng… vùng biên giới giữa những ngày Xuân ấy không  ngờ cách họ không xa, những sư đoàn quân Trung Quốc đã ém sẵn, chĩa mũi súng sang Việt Nam chờ lệnh xuất kích. 
                    Và giờ phút đó đã đến.
                    Tám giờ 30 phút thứ Bảy, ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhằm ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, hơn nửa triệu quân xâm lược Trung Quốc với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1700 máy bay, 1020 khẩu súng cối cùng hàng vạn lừa, ngựa đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới gồm 6 tỉnh  Việt Nam theo lệnh Đặng Tiểu Bình : “Dạy cho Việt Nam một bài học”. 
                   Chúng muốn tạo sự bất ngờ không chỉ bằng việc đánh Việt Nam giữa ngày tết, còn  trương cờ Việt Nam, mặc quân phục giống quân đội Việt Nam, sơn màu xe tăng Trung Quốc giống màu xe tăng T54 của Việt Nam, được những tên đặc vụ nằm vùng và những tên lính biên phòng  trong đêm 13-2 còn sang xã Thanh Thủy xem  chiếu phim và  hát Then, dẫn đường…
                   Đoàn xe tăng Trung Quốc nghênh ngang hành quân vượt đường biên tiến sang Việt Nam qua cửa khẩu Thanh Thủy. Tên chỉ huy trên chiếc xe tăng đi đầu ưỡn ngực trên tháp pháo. Tiếng gầm rú của xe tăng, tiếng bánh sắt nghiến mặt đất rít lên như gió bão. Tên chỉ huy chém bàn tay ra lệnh cho lính bộ bịnh chuẩn bị tràn lên.
                  Lúc đầu Thương và các bạn nhìn màu xe, nhìn cờ và nhìn quân phục cứ tưởng quân ta, vì chúng nghi binh rất giống. Nhưng khi  lên cao quan sát kỹ, Thương  nhận ra bọn lính Trung Quốc, Thương lập tức lên mang báo cáo về Bộ chỉ huy và ra lệnh cho tiểu đội sẵn sàng chiến đấu.

Cửa khẩu Thanh Thủy hôm nay
                  Đoàn xe tăng Trung Quốc vẫn nghênh ngang tiến lên. Nhũng tên lính bộ binh theo xe tăng vừa đi vừa reo hò. Tên chỉ huy trên xe tăng chỉ thẳng cánh tay về phía trước.
                  - Đoàng!   
                  Thương nổ súng. Tên chỉ huy xe tăng gục xuống.
                  Đoàn xe tăng khựng lại. Những tiếng hô loạn xạ vang lên.  Bọn xâm lược Trung Quốc từ chủ quan chuyển sang bị bất ngờ.
                 Chúng hạ nòng pháo bắn như điên dại và bộ binh tràn lên.
                  Năm cô gái thông tin đối đầu với một đơn vị chính quy Trung quốc có xe tăng, súng cối, súng phun lửa hung hãn như lũ quỷ.
                  Hàng trăm tên địch tràn lên quyết bắt sống bằng được năm cô gái. Chúng vây kín miệng hang. Chúng xông vào hết tốp này tốp khác nhưng đều bị đánh bật ra sau khi để lại những xác chết.
                 Năm cô gái trẻ với năm khẩu súng Ak.
                 Hiền hy sinh đầu tiên. Em bị viên đạn xuyên vào ngực, chỉ kịp kêu “chị Thương ơi!” rồi gục xuống. Người thứ hai là Thoan, người thứ ba là Hà. Hà bị trúng đạn khi đang phá hủy điện đài không để rơi vào tay giặc.
                Còn lại hai người, Thương hỏi Trang:
                - Em có sợ không Trang?
                - Lúc đầu em sợ lắm nhưng giờ em không sợ nữa chị ạ!
                - Chị em mình chết sớm quá em có tiếc không?
                - Tiếc chị ạ! Em thương u em lắm!

Trắng trong hoa mận

                 Bọn Trung Quốc kêu gọi đầu hàng. Chúng đưa một tên người Việt gốc Hoa đến thuyết phục, nhưng Thương và Trang nhất định không đầu hàng. Bọn chúng tung lưu đạn cay, đeo mặt nạ xông vào, bắt sống Thương và Trang.
                    Chúng lột hết quần áo Thương, ném em  xuống đường cho chiếc xe tăng có tên chỉ huy bị bắn chết cán lên. Chúng  giữ chặt tay chân Trang, banh mắt, bắt em  nhìn cái chết thảm thương, đau đớn của đồng đội. 
                   Đơn vị bộ đội  vận động tiếp cận trận địa, đánh dạt bọn Trung Quốc ra xa, giành lại được Trang, nhưng em bị hai vết lê đâm thấu bụng. Em chỉ sống được nửa ngày rồi theo các chị ra đi. Em rất tỉnh. Em kể chuyện sảy ra rồi dặn:
                    - Các anh cho năm chị em em ở cùng chỗ với nhau các anh nhé!  Em ra đi lúc tuổi mười chín…
                    Anh Lê Văn Khương kể cho tôi nghe câu chuyện trên và anh khóc. Anh nói ngay sau khi Trang hy sinh anh bị thương được đưa về tuyến sau, không biết anh em ở lại chôn cất năm chiến sỹ thông tin gái ở đâu, và đó là điều anh ân hận suốt hơn ba chục năm qua.
Tôi cũng khóc khi ngồi suốt đêm viết lại cầu chuyện này. Trong tai tôi cứ như vang lên lời nói lúc sắp hy sinh của cô gái trẻ: “cho chị em ở cùng chỗ với nhau, các anh nhé!”. Và tôi muốn nói thật to, mong Thương, Hiền, Hải, Thoan, các anh cho chị em Trang nghe thấy và đáp lời tôi: “Giở này các em ở  đâu?”. 
Đã ba mươi ba mùa hoa mân hậu, ba mươi ba cái tết trôi qua. Hai cái áo len các em mua bằng mấy đồng phụ cấp binh nhất không kịp gửi về cho cha mẹ đồng đội. Xương thịt em bị nghiền nát dưới bánh xích xe tăng của quân xâm lược, đau đớn quá Thương ơi!
           Một mùa Xuân nữa lại đến. Lại một mùa  mận hậu Bác Hà trổ bông. Những chùm hoa trắng tinh khôi như những người con gái trinh trằng đã ngã xuống trên mảnh đất biên cương. Thương, Hiền, Hà, Thoan, Trang ơi, đồng đội tôi ơi!
                                                 Đêm Chủ nhật 15-1-2013
                                                                                   M .D                  

19 nhận xét:

  1. Xin kính cẩn nghiêng mình trước các chị em, xin linh hồn chị emđược yên nghỉ ngàn thu nơi vĩnh hằng, cầu mong cho phần mộ các chi em được tìm thấy để xum họp với người thân. Mối thù tầu chệt không bao giờ chúng ta quên. Sự hy sinh anh dũng của chị em và các chiến sỹ khác mãi mãi là tầm gương cho thế hệ đàn em. Hãy trả thù cho các chị em và các chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc nơi biên giới

    Trả lờiXóa
  2. Không thể cầm nổi nước mắt trước sự hy sinh bi tráng của các em.

    "Có thể nào quên từng viên đạn..." Tàu!
    Người cựu chiến binh còn nặng thương đau,
    Vì đất nước, vì nghĩa tình đồng đội
    Suốt cuộc đời còn in mối thù sâu!

    Sao có thể gọi chúng là đồng chí,
    Minh bạch ra: ân trả - oán đền
    Hãy ghi nhớ chuyện "Mỵ Châu, Trọng Thủy"
    Chớ bởi hư vô mà lẫn lộn đâòng - thau.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Minh Diện và bác Bùi Văn Bồng ơi, khi đọc những dòng này mắt tôi cũng lệ tràn các bác ạ.
    Không biết 34 năm đã trôi qua, các cô gái của chúng ta đã hi sinh anh dũng có được chôn cất tử tế không?
    Đã đảo quân xâm lược Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  4. Thật đúng là những nữ anh hùng nước Nam. Ngả mũ trước các chị, các chị hãy phù hộ sức mạnh cho dân tộc này. Tổ quốc và dân tộc là vĩnh viễn!

    Trả lờiXóa
  5. Sợ quá, đọc truyện của anh Minh Diện rất sợ!
    Nhưng nếu được một lần đi cùng anh lên thăm viếng, thắp nén nhang cho vong hồn các cô lính binh nhất thông tin cùng đồng đội ngã xuống trên chốt biên cương năm xưa, tôi sẽ đi, không sợ! Và như vậy mới mong đáp đền ân nghĩa của những người đã ngã xuống, mới quyết cùng nhau gìn giữ biên cương, như các bậc tiền bối đã làm!

    Trả lờiXóa
  6. Cam ơn anh Lê Văn Khương đã tìm tới nhà báo mà cũng là đồng đội kể lại câu chuyện trên. Còn bao nhiêu chiến sỹ như những cô gái thông tin đó nữa, người ta đã cố lờ đi để vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt Trung? Tôi cũng là một người linh tham gia chiến đấu ở Khánh Khê 1979, tôi cảm thấy bị phản bội. Xương máu của chúng tôi đổ xuống cho họ, con cháu họ ngồi mát ăn bát vàng còn chỉ tay năm ngón bắt chúng tôi còng lưng quanh năm. Bọn chúng không chỉ hèn mà khốn nạn, rúc đầu vào đít giặc hại dân, đáng lên án hơn cà Lê Chiêu Thống. Cám ơn anh Minh Diện Bùi Văn Bồng (Tôi Vũ Văn Hưng, Đô Lương, Nghệ An, nguyên thượng sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh Vũ Văn Hưng,anh là lớp cán bộ chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu,trong cuộc chiến chống lại sự sâm lược chớp nhoáng của quân bành trướng Trung Quốc vào nước ta.Lần thứ nhất vào ngày 17 tháng 2 năm 1979,Khánh Khê nơi đã từng nổ ra cuộc chiến quyết liệt của các anh nhằm ngăn chặn lũ sâm lược phương bắc.Dấu ấn không thể phai trong tôi,không phải là tấm bia nhỏ ghi lại diễn biến ngày lịch sử đó được dựng ở bờ bắc của cầu Khánh Khê.Mà là trong từng lớp sỏi đá vụn do trái phá hủy họai,bên bờ nam cầu Khánh khê,khi tôi từng làm nhiệm vụ ở đó.Mỗi lần bốc nắm cát,sỏi,đá vụn đó lên tay,người ta đều có thể thấy những mẩu kim loại xám đen hay đầu đạn bộ binh lẫn vào.....!
      Tôi là Hồ Đăng Phú nguyên thượng sĩ trung đội trưởng thuộc đại đội 1 tiểu đoàn 1 trung đoàn 2 sư đoàn 3 SAO VÀNG,tham gia cuộc chiến lần 2 bảo vệ biên giới phía bắc.Cuộc chiến lần 2 kéo dài và dai dẳng xuốt những năm đầu 198x cho đến 1989,vô cùng ác liệt nhưng không có thông tin nên dân ta không thể nắm được.Bản thân đã cùng trung đoàn 2 F3 đã sang Hà Tuyên trực tiếp chiến đấu với quân thù từ sau tết 1985 cho đến 22 tháng 1 năm 1986.Bị thương và sức ép của đạn pháo nhiều lần.
      Trong trang mạng
      www.vnmilitaryhistory.net
      ngày đang hội tụ được nhiều anh em từng tham gia trực tiếp chiến đấu,bảo vệ biên giới của tổ quốc lần 1 và lần 2 tham gia.Phần biên giới Lạng Sơn thời kỳ các anh trực tiếp chiến đấu,rất ít.Rất mong anh tham gia bổ xung,hầu mong có thêm tư liệu để lại cho lớp trẻ ngày sau được biết đến.
      Chúc anh khỏe.
      DPH
      cảm ơn chủ blog
      DPH

      Xóa
    2. Chào anh Vũ Văn Hưng,anh là lớp cán bộ chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu,trong cuộc chiến chống lại sự sâm lược chớp nhoáng của quân bành trướng Trung Quốc vào nước ta.Lần thứ nhất vào ngày 17 tháng 2 năm 1979,Khánh Khê nơi đã từng nổ ra cuộc chiến quyết liệt của các anh nhằm ngăn chặn lũ sâm lược phương bắc.Dấu ấn không thể phai trong tôi,không phải là tấm bia nhỏ ghi lại diễn biến ngày lịch sử đó được dựng ở bờ bắc của cầu Khánh Khê.Mà là trong từng lớp sỏi đá vụn do trái phá hủy họai,bên bờ nam cầu Khánh khê,khi tôi từng làm nhiệm vụ ở đó.Mỗi lần bốc nắm cát,sỏi,đá vụn đó lên tay,người ta đều có thể thấy những mẩu kim loại xám đen hay đầu đạn bộ binh lẫn vào.....!
      Tôi là Hồ Đăng Phú nguyên thượng sĩ trung đội trưởng thuộc đại đội 1 tiểu đoàn 1 trung đoàn 2 sư đoàn 3 SAO VÀNG,tham gia cuộc chiến lần 2 bảo vệ biên giới phía bắc.Cuộc chiến lần 2 kéo dài và dai dẳng xuốt những năm đầu 198x cho đến 1989,vô cùng ác liệt nhưng không có thông tin nên dân ta không thể nắm được.Bản thân đã cùng trung đoàn 2 F3 đã sang Hà Tuyên trực tiếp chiến đấu với quân thù từ sau tết 1985 cho đến 22 tháng 1 năm 1986.Bị thương và sức ép của đạn pháo nhiều lần.
      Trong trang mạng
      www.vnmilitaryhistory.net
      ngày đang hội tụ được nhiều anh em từng tham gia trực tiếp chiến đấu,bảo vệ biên giới của tổ quốc lần 1 và lần 2 tham gia.Phần biên giới Lạng Sơn thời kỳ các anh trực tiếp chiến đấu,rất ít.Rất mong anh tham gia bổ xung,hầu mong có thêm tư liệu để lại cho lớp trẻ ngày sau được biết đến.
      Chúc anh khỏe.
      DPH
      cảm ơn chủ blog
      Bài viết trên của các anh nói đến những địa danh,chính là nơi tôi và đồng đội đã từng chiến đấu vào những năm 1985,1986.Núi đá xám thành vôi,núi đất xục lỏ như ruộng chiêm chũng,độ cao bị san,hạ do đạn pháo đổ xuống quá nhiều và quá dầy.
      DPH

      Xóa
  7. Không thể cầm được nước mắt. Sao lại có người quên tội ác của trung quốc được chứ?

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn các anh Lê Văn Khương, Minh Diện và Bùi Văn Bồng. Đọc bài viết trên, tôi càng cảm phục, tiếc thương năm cô gái trẻ, đồng đội của chúng ta bao nhiêu thì lại càng căm thù đến tím ruột bầm gan lũ giặc bành trướng dã man, khát máu bấy nhiêu. Bản chất xấu xa của chúng không hề thay đổi, bây giờ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta.
    Thế mà lại có kẻ cố tình quên đi những sự kiện như thế mà không biết nhục nhã, hổ thẹn, thật đáng căm giận. Đồng bào mình biết cả đấy, không chờ sau này lịch sử mới phán xét đâu.
    Phan Liên Khê, thượng tá cựu chiến binh

    Trả lờiXóa
  9. Chúng Tôi Đã bi Tập đoàn Câm quyên Hà nội hiện nay Phản bôi !
    Có hàng triệu Quân và Dân trên BG phía Bắc vẫn ghi sâu Hân thù Bon Tàu Cộng.Những người Tân mắt chứng khiến cảnh Tàu Công nó Tàn sát Dân ta ra sao .Ta chỉ mới biết sự giã man của bon Pôn Bốt CPC, bon Tàu Công nó là Thầy của Pôn Bôt nó xông vào nhà ta đẻ dạy cho ta một Bài hoc . Chúng tàn phá Bán làng ,chúng dùng Đại pháo, xe tăng bắn thẳng vào Đám dân tay ko Chạy loạn...Người già ,trẻ con ko chạy kịp chúng cũng giết sach... Chúng thọc thẳng lưỡi lê vào hong cháu bé lên ba mà cháu chưa kêu tron hai tiêng Mẹ..ơi
    Có Đồn BP chỉ có vài chục tay súng mà cả ngàn quân Tàu Cộng vây chặt, Các anh đã chiến đâu ngoan cường . Điện cho tuyến sau chi viên , nhưng tuyến sau làm sao chi viên kip...Quân số thương vong dần, Đan cũng hết chỉ còn báng súng và lưỡi lê và lòng Tự Tôn Dân tôc...Trươc khi lao lên khỏi chiến hào quyết sống mái với Tàu Cộng bằng Lưỡi lê và báng súng của vài chiến sĩ ... dòng điện tín cuối cùng từ Ải Bắc truyền về Hà nội: VĨNH BIÊT TỔ QUÔC...TỔ QUỐC HÃY TRẢ THU CHO CHÚNG TÔI...
    Ấy mà, giờ đây Tổ quốc nay đang bi Nhà CQ bắt quay lưng với họ, quên đi những lời trăng trối cuối cùng của hàng chục ngàn Chiến sĩ đã ngã xuống trên biên cương
    Họ còn trắng trợn bắt cả Dân tôc này phải nhớ ơn,mang ơn Tàu Cộng
    Có sự Phản bôi nào Cao hơn sự Phản bôi này Ko ?
    Chua xót quá

    Trả lờiXóa
  10. nếu các chị có sống lại, nhìn thấy "16 chữ vàng và 4 tốt" chắc các chị lại phải chết thêm một lần nửa. Vong hồn các chị có linh thiêng xin hay giết chết hết những thằng bán nước, hại dân

    Trả lờiXóa
  11. Thưa anh Minh Diện,
    Liệu anh có thể hỏi anh Lê Văn Khương xem mộ phần các cô gái trẻ đó ở đâu để nếu ai có dip đi đến đó vào thắp hương cho các cô ấy không ạ? Nơi đó “Bình minh yên lặng” y như 1 bộ phim Xô Viết kể về những cái chết thật oanh liệt của 1 tiểu đội nữ thông tin Hồng quân. Cám ơn anh Lê Văn Khương đã cho biết về cuộc sống và sự hy sinh dũng cảm của các cô gái anh hùng mà đáng ra nhà nước phải tôn vinh họ

    Trả lờiXóa
  12. "Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
    Đất anh hùng của thế kỷ 20"
    Thế kỷ này...giờ đã khác rồi
    13 kẻ ươn hèn và ngu dốt
    Mồn xoen xoét 16 vàng, 4 tốt
    Rước voi về giày xéo mả cha ông
    Lầm lẫn văn chương, lạc lẽo tiếng "đồng"
    "Để trong nước lòng dân oán hận"
    Hỡi mấy đứa Hồ Cẩm và Tập Cận...
    Dân Nam ta biết tỏng dạ chúng bay
    Ai ơi hãy tỉnh giấc say
    Kịp thời cứu nước Nam rày, kẻo không...

    Trả lờiXóa
  13. Trong những ngày khốc liệt ấy, vẫn có những người sức dài vai rộng nhưng đứng ngoài cuộc chiến vì họ không phải mặc áo lính dù chỉ một ngày. Cho đến nay, họ vẫn là những kẻ "Ba không":
    - Không có công lao gì với đất nước
    - Không có đủ tài năng
    - Không có đạo đức tốt
    Nhưng họ lại có nhiều thứ, nhất là có quyền cao chức trọng... và ăn nói rất hồ đồ. Tôi đã thấy nhiều lần, trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây có người còn nói: "chiến tranh đã đi qua gần 40 năm...". Ô hay! họ lấy cái mốc 30-4-1975, trước ngày đó là có chiến tranh, sau ngày đó là có hòa bình cho đến tận bây giờ, không hề có cuộc chiến tranh ở Biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc à? Người ngủ mê cũng không nói thế!
    Trung Quốc vẫn thường xuyên đe dọa tấn công chúng ta một lần nữa. Nếu cuộc chiến xảy ra, họ có còn gọi bọn giặc phương Bắc là các "đồng chí Trung Quốc" nữa hay không, ai mà biết được?
    Chỉ có những kẻ vô ơn, vô liêm sỉ mới cố tình quên đi xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống để gìn giữ từng tấc đất biên cương của tổ quốc.
    Cảm ơn anh Khương, anh Diện và anh Bồng. Bài viết cảm động, đọc mà ứa nước mắt.
    CCB Trọng Nghĩa, TP Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa
  14. Thưa bác Bùi Văn Bồng,
    Bác Bồng ạ, một khi bác đã lập ra Blog và có phần cho người thăm viếng Blog của bác bình luận. Vậy, liệu bác có thể có thêm mục trả lời các yêu cầu của người bình không ạ? Các bài viết của bác và bác Minh Diện quả là rất ấn tượng, đó là những câu chuyện của những người đã đi qua chiến tranh, rất có tâm với những người đã tham gia những cuộc chiến đó và có trách nhiệm với họ, với đất nước. Tôi nghĩ, nếu có thể, đề nghị bác cho đăng những bài như bài “”Những bông mận hậu” lên các báo lề phải hoặc đài phát thanh đi (bởi không phải ai cũng vào các Blog để đọc, nhất là các bác đã qua chiến tranh). Những tấm gương hy sinh quá oanh liệt, quá dũng cảm của các cô gái trẻ hồn nhiên, vô tư nhưng quá anh hùng như vậy phải được tất cả mọi người biết đến, tưởng nhớ và lấy đó làm bài học cho cuộc đời minh. Và rất mong bác hỏi bác Lê Văn Khương về mộ phần của các chị ấy để nếu có dịp đi qua mọi người sẽ thắp cho các chị ấy nén hương

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn anh Khương, anh Diện và anh Bồng cung cấp cho chúng tôi bài viết trên. Thương các em nữ chiến sĩ thông tin quá, nước mắt cứ ứa ra.

    Ai lên Thanh Thủy, Hà Giang,
    Nhìn hoa mận hậu, lòng càng xót xa.
    Giặc Tàu sang cướp nước ta,
    Đầu rơi, máu chảy, cửa nhà tan hoang.
    Năm em dạ sắt, gan vàng,
    Hy sinh oanh liệt, vẻ vang giống nòi.
    Ba tư năm đã qua rồi,
    Hướng về biên giới, bồi hồi tiếc thương.
    CCB Trung Nghĩa

    Trả lờiXóa
  16. 5 nữ chiến sĩ hy sinh anh dũng sau khi đã tiêu diệt nhiều tên giặc tàu xâm lược. So với 10 cô TNXP tại ngã ba Đồng Lộc bị chết bom thì các cô cũng đáng được xây tượng đài lắm chứ. Chỉ tiếc răng kẻ thù của các cô đang được đảng và quân đội gọi bằng đồng chí 4 tốt nên các cô sẽ tiếp tục bị lãng quên

    Trả lờiXóa