Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

NỮ ANH HÙNG LẠI BỊ ‘CẤM VẬN’ (!?)


Bà Ba Sương gửi đơn CẦU CỨU BỘ
CÔNG AN
* QUỐC HUY
VnN - Bị nhiều kẻ xấu ngăn chặn, khống chế trong quá trình trở về điều hành ở Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương đã làm đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến Tổng Cục An ninh 2 (Bộ Công an) và Công an TP. Cần Thơ nhờ can thiệp.
Sau hơn 3 tháng trở về làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), lập Ban kiểm soát nội bộ - bà Trần Ngọc Sương đã phanh phui ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Tấn Thanh lúc còn làm Giám đốc điều hành doanh nghiệp này đến các cơ quan chức năng.
Theo đơn tố cáo, ông Nguyễn Tấn Thanh được bổ nhiệm làm GĐ Sohafood từ tháng 2/2012, sau 18 tháng làm chủ tài khoản, điều hành doanh nghiệp này thì bị các thành viên trong HĐQT phế truất.
Báo cáo kết quả kinh doanh dưới thời ông Thanh làm giám đốc cho thấy, số tiền mà Công ty Sohafood bị âm thêm gần 70 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của Sohafood chỉ có 45 tỷ đồng (sau 3 lần tăng vốn).
Chỉ ra hàng loạt sai phạm
Tài liệu có được cho thấy, ông Thanh một lúc làm chủ 2 tài khoản, đại diện theo pháp luật cho Công ty Sohafood và Công ty TNHH MTV hải sản Thái Bình Dương, tại TP.Cần Thơ.
Ngoài ra, ông Thanh còn làm GĐ Công ty TNHH MTV hải sản Phước Hải, do Phòng đăng ký kinh doanh TP.HCM cấp ngày 10/10/2011.
Theo Luật doanh nghiệp 2005 thì một cá nhân không được điều hành, đứng chủ tài khoản 2 doanh nghiệp trở lên.
Theo bà Sương, từ 2/2012, ông Thanh được Chủ tịch HĐQT cũ bàn giao chủ tài khoản rồi chỉ đạo Phòng kinh doanh Sohafood lập khống các chứng từ chi hoa hồng, rút tiền bất hợp pháp của doanh nghiệp vào tài khoản cá nhân.
Ban kiểm soát đã chỉ ra số liệu, trong thời gian 18 tháng điều hành, ông Thanh đã kê khống và kê chi 2 lần số tiền hơn 8 tỷ đồng. Số tiền này đã chuyển vào ít nhất 3 tài khoản cá nhân trên 4 tỷ đồng.
Những ngày gần cuối tháng 7, trong quá trình bàn giao lãnh đạo Sohafood, ông Thanh tiếp tục chỉ đạo lập khống số tiền chi hoa hồng hơn 58.000 USD (gần 1,3 tỷ đồng) đã được Chủ tịch HĐQT mới ngăn chặn kịp thời.
Chứng cứ sổ sách từ phòng kinh doanh, kế toán Sohafood còn ‘vạch mặt’ ông Thanh trong việc mua bán lòng vòng ở các doanh nghiệp vị này trực tiếp làm giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT để thu lợi bất chính.
Cụ thể, Công ty Sohafood bán hàng cho 3 doanh nghiệp “dưới trướng” điều hành của ông Thanh gồm: Công ty TNHH hải sản Thiên Việt; Công ty hải sản Phước Hải và hải sản Thái Bình Dương tổng cộng số tiền gần 115 tỷ đồng; Sohafood cũng mua lại của 3 doanh nghiệp trên tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng.
Bà Sương chỉ ra, trong những thương vụ mua bán này giá cả đều bất lợi cho Sohafood, nhiều số liệu chênh lệnh và nghi ngờ có hóa đơn đầu vào nhập khống.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Sohafood trong 18 tháng qua kinh doanh không mang lại hiệu quả, doanh thu đi vào túi một số cá nhân trục lợi.

Ngoài ra, hàng loạt vi phạm khác của ông Thanh bị Ban kiểm soát Sohafood chỉ ra như: Nhập khống thức ăn nuôi cá để làm thủ tục nhận hoàn thuế giá trị gia tăng; Lập quỹ thu mua cá nâng giá mua từ 1.000 đồng/kg đến 1.500 đồng/kg; Lập phiếu nhập cá tra nguyên liệu khống để hợp thức hóa mua hàng không có hóa đơn đầu vào…
Chủ tịch HĐQT tố bị ‘giam lỏng’
Bà Trần Ngọc Sương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của giám đốc điều hành - ông Nguyễn Tấn Thanh. Do đó, các thành viên trong HĐQT đã phế truất ông Thanh.
Khoản nợ dưới thời ông Thanh để lại là gần 55 tỷ đồng tiền cá của bà con nông dân và nhiều tỷ đồng vay nợ các tổ chức tín dụng
Bà Sương về điều hành 2 tháng, đã chi trả được 10 tỷ đồng số nợ nói trên. Nhiều ngày qua, bà Sương ngược xuôi từ Cần Thơ ra Hà Nội để tìm các nhà đầu tư, đối tác ‘xoay chuyển’ tìm nguồn tài chính trả nợ cho người bán cá.
Trong khi đó, ông Thanh yêu cầu tiến hành Đại hội cổ đông để cho bà Trần Ngọc Sương từ chức. Ông Thanh cam kết, trong vòng 5 năm sẽ điều hành Sohafood kiếm tiền trả nợ cho nông dân, tuy nhiên điều kiện là HĐQT không được tham gia điều hành trong suốt thời gian này.
Bà Sương còn đệ đơn, lúc về điều hành Sohafood, một số thành phần hành xử theo kiểu “xã hội đen”, vào công ty uy hiếp, chửi bới cá nhân bà và ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp.
“Cá nhân tôi là Chủ tịch HĐQT nhưng bị khống chế một ngày, đêm tại công ty. Nhóm người của ông Thanh bắt ký nhiều văn bản trái với pháp luật và điều lệ của công ty. Nhưng tôi không ký và yêu cầu chờ Đại hội cổ đông xem xét” – trong đơn bà Sương ghi rõ.
Dự kiến, ngày 11/11, Công ty Sohafood sẽ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường lần thứ 3, sau hai lần tổ chức đại hội bất thành.
Q.H (theo VnN)
---------------------

NHỮNG DỰ ĐỊNH MỚI
Sau những sóng gió, người phụ nữ ấn tượng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày đêm dồn tâm, trí lực thực hiện di nguyện của người cha già quá cố.
LTS: Sau khi được khôi phục sinh hoạt Đảng, bà Trần Ngọc Sương đã trở về Nông trường Sông Hậu theo  lời mời của các thành viên trong HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), cùng 'chung lưng đấu cật'  để vực dậy doanh nghiệp ở Nông trường Sông Hậu tiếng tăm đang trên đà tuột dốc..
Căn phòng nhỏ nhắn, chật hẹp là nơi bà Ba Sương dùng giường ngủ làm bàn làm việc, tính toán cho công việc ngày mới. Trong câu chuyện với Tuần Việt Nam, bà Sương hào hứng chia sẻ những dự định mới.
"Tôi đã không có gì trong tay"
 - Sau khi đình chỉ vụ án, tháng 2/2012 bà được khôi phục trở lại sinh hoạt Đảng và đồng thời bà cũng đã  khăn gói lên Sài Gòn. Khi đó,  bà có ý nghĩ sẽ có ngày trở lại Nông trường Sông Hậu?
Tôi vốn đã coi Nông trường Sông Hậu và tập thể bà con Nông trường viên, cán bộ nhân viên như là máu thịt trong gia đình. Tuy  không còn trực tiếp chỉ đạo nhưng thâm tâm tôi vẫn luôn đau đáu về những ước mơ của ba mà tôi chưa kịp thực hiện.  Đó là ước mơ xây dựng một Khu Nông nghiệp sản xuất công nghệ cao.

Vì những trăn trở đó, tôi vẫn giữ mối liên hệ với bà con, vẫn thường xuyên đi về sinh hoạt ở Đảng bộ Nông trường Sông Hậu và vẫn luôn ước muốn là hễ có dịp thì sẽ đóng góp sức lực, kinh nghiệm, trí tuệ cho nông trường.  
- Vậy thời điểm đó, bà ấp ủ những kế hoạch gì, nếu một ngày nào đó trở về nông trường?
Khi bước chân ra khỏi Nông trường Sông Hậu thì tôi không có gì ở trong tay nữa ngoài mớ tài liệu, va ly đựng quần áo. May mắn được bạn bè thuê nhà dùm hoặc có thời gian ở nhờ nhà em dâu.
Sau đó, do điều kiện sức khỏe không tốt, bệnh nặng thường xuyên tái phát, tôi buộc phải lên Sài Gòn thuê nhà để ở gần bệnh viện, tiện đi lại trong thời gian trị bệnh; vừa đi tới đi lui đến cơ quan pháp luật, vừa phải tự kiếm tiền mưu sinh.
Cũng trong thời gian này tôi đã cùng vài cộng sự nghiên cứu, chế biến được một số mặt hàng nông sản và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận độc quyền với thương hiệu mang tên "Cô Ba Sương". Bao gồm các sản phẩm: chanh dây, dưa muối, bắp hạt, bắp non đóng hộp, chôm chôm, xoài...
Cây ngay không sợ chết đứng
-Trong suốt thời gian từ 2008 đến 2012, cơ quan hành pháp quy kết cho bà là "lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu với mức án 8 năm tù. Bà tiếp tục kháng cáo và sau cùng thì Viện kiểm sát Cần Thơ ra quyết định đình chỉ vụ án.  Nhớ lại quãng thời gian này bà có suy nghĩ gì?
Sự trong sạch, tính liêm khiết của cha con tôi tất cả chỉ vì đất nước và nhân dân không có gì tư lợi riêng.
Cụ thể là cha tôi (ông Trần Ngọc Hoằng - PV) và tôi đã được các lãnh đạo địa phương cũng như Trung ương quý trọng.
Cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án và khôi phục sinh hoạt Đảng trở lại cho tôi. Đó là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến. Tôi có niềm tin trở lại để đối diện với những thử thách mới phía trước.
Nhưng phải nói rằng, tôi rất cảm ơn cơ quan thông tấn báo chí, ban ngành đoàn thể và các bậc lão thành luôn kề vai sát cánh ủng hộ.
- Thưa bà, đến thời điểm hiện nay khi bà trở về, còn bao nhiêu doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Nông trường vẫn hoạt động?
Lúc rời Nông trường thì 6 công ty cổ phần đã chọn được Ban giám đốc mới . Có 5 người trong ban giám đốc còn trẻ. Nhưng rất tiếc những người giỏi này lại không được trọng dụng và đã nghỉ hết.
Còn tới bây giờ có một doanh nghiệp bị phá sản, 3 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp cổ phần 'giãy chết. Một doanh nghiệp khác đang được tôi củng cố để tái cấu trúc.
-Năm 2008, trước khi rời khỏi Nông trường Sông Hậu bà đã để lại một mô hình sản xuất và kinh doanh theo phương thức nào?
Thời điểm trước 2008, chính UBND TP.Cần Thơ đã đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến công tác tại đây, xin đề nghị Nông trường Sông Hậu xây dựng "Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao". Đây cũng là một trong 3 mô hình, mà hai mô hình còn lại là ở Láng Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu sản xuất công nghệ cao ở TP.HCM.
Chúng tôi đã cùng các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp xây dựng mô hình. Bởi, ở Nông trường Sông Hậu, việc xây dựng mô hình cũng sẽ không tốn nhiều thời gian vì có cơ sở sản xuất gọi là  "Cánh đồng mẫu lớn".
Hiện nhiều nơi trên cả nước đang xây dựng mô hình này.
Cánh đồng mẫu lớn ngoài kết hợp trồng lùa còn nuôi trồng thủy sản, rừng trồng phân tán và các  nông sản. Nghĩa là mô hình đa canh đa cư, đa dạng hóa các loại hình sản xuất.
Nông trường Sông Hậu từng được lãnh đạo TP.Cần Thơ đề nghị Chính phủ xây dựng mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao.
Thời điểm đó Nông trường có một đội ngũ cán bộ dạn dày kinh nghiệm, được đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư lên đến hàng trăm người trong tổ chức sản xuất, quản lý sản xuất.
Cơ sở hạ tầng, nhà máy chế biến mà chúng tôi đã cổ phần hóa được 6 Công ty gồm có: Nuôi trồng thủy sản; chế biến thủy sản; chế lương thực; chế biến nông sản và đặc biệt là Nhà máy chế biến gỗ.
Từ gỗ trồng được trong Nông trường với 4,5 triệu cây. Đây là một nguồn nguyên liệu ổn định để phục vụ khâu chế biến gỗ ngay tại chỗ.
Tôi thường nói đùa là: Chúng tôi có một Lâm trường 4 ngàn héc-ta nằm ngay trong Nông trường rộng 7 héc-ta. Tuy nhiên không mất bất kỳ một diện tích đất canh tác nào cả. Tại vì tận dụng trồng cây ngay trên bờ đê bao của Nông trường để trồng lên 4,5 triệu cây bạch đàn.
Đây gọi là trồng rừng phân tán. Tôi luôn tâm niệm rằng, mô hình này nếu chúng ta áp dụng cho cả ĐBSCL thì sẽ rất tốt. Bởi vùng sông nước Cửu Long có nhiều đê bao, kênh rạch, ven tuyến đường sông và lộ lớn đem trồng. Tôi nghĩ vùng này sẽ có một diện tích rừng trồng phân tán rất lớn mà không mất diện tích canh tác.
Bộ Nông nghiệp đã từng 2 lần tổ chức Hội thảo tại Nông trường Sông Hậu để nhân rộng mô hình sản xuất này.
Chính mô hình này đã được Chính phủ công nhận là mô hình phá bỏ cơ chế độc quyền xuất gạo nhập phân. Tức là tự sản xuất, chế biến và tự xuất khẩu. Do đó, mô hình này là Chính phủ mở rộng cho tất cả các thành phần được xuất khẩu gạo từ năm 1997 – 1998.
Những dấu mốc sóng gió của nữ Anh hùng Lao động
- Bà Trần Ngọc Sương (SN 1949), làm việc tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1981. Năm 1990, đón nhận Huân chương lao động hạng ba. Đến năm 1995, được đón nhập tiếp Huân chương lao động hạng nhì và năm 1999, tiếp tục được đón nhận Huân chương lao động hạng nhất.
- Năm 2000, bà được bầu làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu và cũng năm này được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
- Đến năm 2002, được vinh dự nhận danh hiệu "Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương kèm theo 10.000 USD. Số tiền này đã được bà trao lại cho Ủy ban ảo vệ bà mẹ và trẻ em TP. Cần Thơ...
- Tháng 4/2008, Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can bà Trần Ngọc Sương về hành vi "lập quỹ trái phép".
- Tháng 8/2009, phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Cờ Đỏ tuyên phạt bà Sương 8 năm tù về tội danh nêu trên. Và đến 11/2009, phiên tòa phúc thẩm TAND TP.Cần Thơ tiếp tục tuyên y án sơ thẩm.
- Tháng 5/2010, bà Sương tiếp tục kháng cáo và TAND tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Trần Ngọc Sương buộc Công an điều tra lại.
- Đầu năm 2011, Công an TP.Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra vụ án. Ngày 19/1/2012, Viện KSND TP. Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án "lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu.
- Một tháng sau, bà Trần Ngọc Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng.
- Tháng 8/2013, các thành viên trong HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) đã mời bà Trần Ngọc Sương từ Sài Gòn trở về Nông trường Sông Hậu để nắm giữ chủ chốt trong HĐQT và điều hành doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn nhất.
Q,H ( theo TuanVietNam)

----------------------
Gần 50 tỷ đồng tiền nợ cá của nông dân chưa được chi trả. 
Trong khi đó lãnh đạo cũ đang 
tranh giành quyền để điều hành Sohafood.

BỊ ‘TRANH’ CHỨC GIÁM ĐÔC !?
 Từ khi bà Ba Sương trở lại Nông trường (NT) sông Hậu, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của ‘bộ máy’ điều hành cũ. Thế nhưng, vì sao ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên GĐ) lại muốn trở lại nắm quyền điều hành…
Bà cũng đã đệ đơn gửi Bộ Công an và GĐ Công an TP.Cần Thơ đề nghị khởi tố vụ án hình sự, điều tra các sai phạm đã có chứng cứ. Với mục đích là bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước và các cổ đông trong Sohafood.
‘Bỏ nợ chạy lấy người’!
Khi bị “tỷ phú nông dân” vây nợ, ông Trần Thanh Long (Chủ tịch HĐQT) đã làm đơn từ nhiệm. Còn ông Nguyễn Tấn Thanh (Giám đốc) cũng làm đơn thoái thác đến các thành viên trong HĐQT, kêu khó khăn vì không thể điều hành Sohafood trước bờ vực phá sản.
Ngày 4/7, ông Long gửi “tâm thư” đến các cổ đông trong Sohafood tha thiết xin “rủ bỏ chức vụ, quyền hạn”
“Tôi không thể tiếp tục, mong quý cổ đông thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Việc nắm giữ công ty là lực bất tòng tâm và tôi hoàn toàn không thể” - trích tâm thư ông Long.
Ông Long cũng chỉ rõ nguyện vọng, trách nhiệm liên quan trước đó của Sohafood, đồng thời sẽ hợp tác, giải trình vướng mắc khi các cổ đông và HĐQT yêu cầu.
Ngày 29/7, ông Nguyễn Tấn Thanh - GĐ điều hành Sohafood cũng có văn bản gửi đến các thành viên trong HĐQT, các cổ đông và chủ nợ Ngân hàng.
“Trong 2 năm giữ vị trí Giám đốc điều hành. Tôi đã tìm mọi cách giúp đỡ công ty vượt qua khó khăn do chính nguồn vốn tôi huy động được. Tuy nhiên, thời gian vừa qua hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức độ tồn tại.
Đến nay tôi không thể duy trì được nữa vì không thể tiếp tục bơm vốn vào công ty” -  trích văn bản của ông Thanh.
Ông Thanh chỉ ra hàng loạt khó khăn của công ty như: Nguồn vốn tiếp tục bị thâm hụt; nợ không thu được; Ngân hàng rút vốn…
Trước tình thế khó khăn ở trên, ông Thanh đề nghị các cổ đông, thành viên HĐQT gấp rút tìm hướng giải quyết.
Ngày 1/8, để cứu lấy tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của Sohafood. Các thành viên chủ chốt trong HĐQT đã triệu tập cuộc họp tại TP.HCM, chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Trần Thanh Long - Chủ tịch HĐQT, đồng thời tạm đình chỉ chức vụ giám đốc của ông Nguyễn Tấn Thanh.
Ngay sau đó, các thành viên HĐQT thống nhất bầu bà Trần Ngọc Sương (SN 1949) nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Sohafood.
Sau gần 3 tháng trở lại Sohafood, bà Trần Ngọc Sương đang tìm cách trả nợ tiền cá cho nông dân và ngân hàng.
Bất ngờ, mới đây ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên GĐ điều hành) gửi đơn yêu cầu, mong muốn các thành viên trong HĐQT, cổ đông bãi nhiệm bà Trần Ngọc Sương để trở lại điều hành.
Khổ như nông dân bán cá
Còn nhớ thời điểm Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa, mô hình sản xuất ở Nông trường Sông Hậu được chuyển hóa thành 6 doanh nghiệp có khả năng tự chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm do chính bà con nông dân sản xuất để nâng cao giá trị thành phẩm.
Kế nhiệm người cha già quá cố là ông Trần Ngọc Hoằng (tự Năm Hoằng), bà Ba Sương đã cố gắng đưa những người nông dân chân chất tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật để trở thành những “công nhân nông nghiệp” thực thụ.
Còn nhớ, hồi tháng 4/2008, bà dính vào lao lý. Lúc này những tâm huyết vì dân, vì hàng ngàn “công nhân nông nghiệp” đang ở giai đoạn chuyển mình bị “vụt tắt”.
Một trong 6 doanh nghiệp sống sót còn lại ngày nay là Sohafood, và cũng ở trước bờ vực phá sản.
Đây cũng là lúc bà Ba Sương xuất hiện, cố tìm cách cứu doanh nghiệp và kiếm tiền trả nợ cho nông dân.
Tiền cá nông dân, nợ vay các tổ chức tín dụng đã khiến bộ máy Sohafood (những người vừa từ nhiệm) gần như “tê liệt”, không tìm ra cách giải bài toán nhằm vực dậy Sohafood.
Đến cuối tháng 10/2013, Sohafood đang nợ tiền cá của ít nhất 43 hộ nông dân ở TP.Cần Thơ, với số tiền lên đến gần 50 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% khoản nợ tiền cá trên đều dưới thời hoạt động của ông Trần Thanh Long và ông Nguyễn Tấn Thanh
Trở lại vấn đề ban đầu, trước khó khăn, ông Nguyễn Tấn Thanh và Trần Thanh Long (GĐ và Chủ tịch HĐQT cũ) tìm cánh bỏ rơi Sohafood. Tuy nhiên khi bị “lật tẩy” nhiều hành vi vi phạm thì giám đốc cũ này tìm cách quay lại để phục vụ mục đích gì (?!)
Câu hỏi này, bà Ba Sương đang mong chờ cơ quan chức năng trả lời.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Trần Ngọc Sương cho biết, việc trở về Nông trường Sông Hậu là tâm huyết muốn tìm cách trả nợ tiền cá cho nông dân; nay đã trả được 10% số nợ và sẽ trả hết vào dịp Tết âm lịch.
“Chuyện ông Nguyễn Tấn Thanh muốn trở lại điều hành Sohafood là để xóa dấu tích sai phạm mà trước ngày 1/8 chưa thực hiện được” - bà Ba Sương cho biết.
Q,H
-----------------------


Chồng đại gia thủy sản THAY BÀ BA SƯƠNG QUẢN LÝ SOHAFOOD
Sau hơn 3 tháng về điều hành Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu - Bà Trần Ngọc Sương đã chính thức xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
Sáng 11/11, Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) tiến hành Đại hội cổ đông và đã bầu ra được Chủ tịch HĐQT, giám đốc mới nhằm mục đích tìm ra phương án trả nợ tiền cá cho nông dân và các cổ tổ chức tín dụng.
Chủ trì Đại hội là bà Trần Ngọc Sương (tự Ba Sương), các thành viên trong HĐQT, hơn 40 chủ nợ là nông dân bán cá và một số nhà đầu tư vào doanh nghiệp Sohafood.
Một điều rất đặc biệt, trong buổi Đại hội là sự xuất hiện của ông Trần Văn Trí (chồng đại gia thủy sản Diệu Hiền) là người được một cổ đông chiếm giữ 26% thị phần của Sohafood ủy quyền đến dự.
Bà Ba Sương cho biết, sau hơn 3 tháng trở lại doanh nghiệp ở Nông trường Sông Hậu đang lúc ngập ngụa trong khó khăn nợ nần; trở về là với tâm nguyện giúp đỡ nông dân nợ cá tìm được nhà đầu tư để trả nợ.
“Phải nói thật là tôi không ham hố gì chuyện về giữ chức vụ lãnh đạo Sohafood. Về mà ở trong đống nợ thì ai dại gì nhảy vào làm gì, phải không? Chỉ có điều là thấy doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần, nông dân bán cá không được trả tiền.
Tôi đã lặn lội ra Hà Nội và nhiều nơi khác để tìm nhà đầu tư có tâm huyết về trả nợ. Và thật sự nay tôi đã tìm được, đó là ông Trần Văn Trí và một số nhà đầu tư khác” - bà Ba Sương cho hay.
Do doanh nghiệp Sohafood mới chỉ có 4 thành viên HĐQT, nên Đại hội đã tiến hành bầu thêm 3 thành viên HĐQT mới. 
Tại Đại hội, ông Trần Văn Trí đề xuất bà Trần Ngọc Sương tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, riêng ông Nguyễn Tấn Thanh sẽ trở lại giữ chức vụ Giám đốc điều hành Sohafood.
Tuy nhiên, với điều kiện ông Thanh phải tiến hành làm các thủ tục cần thiết để từ nhiệm giữ chức vụ giám đốc của 2 Công ty thủy sản khác mà VietNamNet đã phản ánh.
Có rất nhiều người đã đồng ý với đề xuất của ông Trí, bởi số nợ cá của nông dân còn khoảng 55 tỷ là dưới thời ông Nguyễn Tấn Thanh điều hành ký hợp đồng mua cá và bán cá. Việc đề xuất ông Thanh trở lại điều hành được phần lớn hộ nông dân bán cá đồng tình.
Thế nhưng, người đại diện cho ông Thanh cho biết, trường hợp ông Thanh trở lại làm giám đốc Sohafood thì bà Trần Ngọc Sương phải từ nhiệm Chủ tịch HĐQT.
Ý kiến này đã gặp nhiều phản đối của các cổ đông, cũng như một số nông dân bán cá. Bởi, trong hơn 2 tháng về điều hành Sohafood, bà Ba Sương đã trả được hơn 10 tỷ đồng (chiếm 10% số nợ). 
Có ý kiến cho biết, việc ai nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT là phải do các cổ đông trong Sohafood tự bầu ra.
Trong buổi sáng, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung thêm 3 thành viên vào HĐQT và nâng lên là 7 thành viên, trong đó có ông Trần Văn Trí.
Ngay sau khi bầu đủ 7 thành viên HĐQT, bà Trần Ngọc Sương đứng dậy hứng khởi tuyên bố, xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Sau khi hội ý, các thành viên trong HĐQT đã bỏ phiếu, thống nhất bầu ông Trần Văn Trí làm Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Tấn Thanh sẽ quay trở lại làm GĐ Sohafood (khi làm hết thủ tục cần thiết) và bà Trần Ngọc Sương sẽ giữ chức vụ làm cố vấn cho Chủ tịch HĐQT mới đảm nhiệm.
Bà Ba Sương chia sẻ sau khi Đại hội kết thúc: “Việc tìm ra được Chủ tịch HĐQT có đủ điều kiện tài chính trả nợ cho nông dân và các tổ chức tín dụng. Đây là điều tôi rất vui và coi như tâm nguyện tôi đã hoàn thành. Khi nhìn thấy Sohafood khó khăn, thực sự tôi không nỡ lòng nào nhìn doanh nghiệp bị phá sản, nông dân bán cá khổ sở”.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Trí - người vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sohafood, cho biết, được các cổ đông của Sohafood bầu làm Chủ tịch HĐQT là một điều bất ngờ.
“Tôi muốn các thành viên trong HĐQT, cổ đông phải đoàn kết lại và sẽ lên phương án trả nợ sớm nhất cho nông dân. Những nông dân bán cá có tâm nguyện muốn trở thành cổ đông của Sohafood thì sẽ tạo điều kiện về mọi mặt.
Còn chị Ba (Ba Sương - PV) sẽ vẫn là thành viên của HĐQT làm trợ lý cho tôi. Chị Ba còn tâm huyết muốn cống hiến, chúng tôi sẽ có chế độ chính sách đối đãi đặc biệt với nữ Anh hùng lao động mà nhiều người tin tưởng và quý trọng” - ông Trí thông tin với PV VietNamNet sau khi đại hội.
Quốc Huy – Thọ Đức
------------------

11 nhận xét:

  1. Kinh tế định hướng Xuống Hố Cả Nút- kêu ca nỗi ghề....???

    Trả lờiXóa
  2. Trích "Một tháng sau, bà Trần Ngọc Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng"

    Tôi thấy, lãnh đạo doang nghiệp, có lãi, với là đảng viên cộng sản VN, hay không, không có LIÊN QUAN với nhau!

    Trả lờiXóa
  3. Hoan nghênh BVB lại cho nhân dân biết thêm 1 con sâu nữa cần phải loại trừ, đó là Nguyễn Tấn Thanh

    Trả lờiXóa
  4. Hoan nghênh BVB lại cho nhân dân biết thêm 1 con sâu nữa cần phải loại trừ, đó là Nguyễn Tấn Thanh

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là chỉ khổ cho Bà
    Hy sinh chẳng được ...chính quyền vỗ tay
    Bởi vì chúng đã phá rồi
    Bà đòi xây lại ...chúng đầy hoài nghi ...

    Trả lờiXóa
  6. Đây là bức tranh xinh động không phải cá biệt. Nếu công tâm cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhưng sợ rằng vì trước đây truy tố bà Sương không thành, các cơ quan này vì động cơ không trong sáng mà không RA TAY, mặt khác người thẳng thắn vì lẽ công như bà sương E RẰNG các công bộc và các cơ quan tố tụng lại lãng tránh. Cách tốt nhất là các cổ đông của công ty và nhân dân cũng như các nhà báo chân chính vì lẽ công mà giúp họ lên tiếng một cách thiết thực đẻ các công bộc phải làm rõ. Theo tôi dù ÁN TẠI HỒ SƠ nhưng cứ như thông tin bài báo này nêu về ông Thanh thì có dấu hiệu phạm tội . Nếu công tâm thì chỉ cần một số chứng cứ ban đâu mà yêu cầu ông Thanh báo cáo ... chỉ cần xác định một số hành vi, hâu quả đủ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can sau đó mở rộng điều tra. lý lẽ thông thường là thé nhưng liệu có khó khăn gì không??? hay sợ dứt dây lại động rừng?

    Trả lờiXóa
  7. "Sau khi được khôi phục sinh hoạt Đảng, bà Trần Ngọc Sương đã trở về..."
    Lại cuốn trong vòng xoáy vô nghĩa.
    Tưởng bà thoát khỏi u mê rồi...

    Trả lờiXóa
  8. Xin đổi lại là : Bà Ba Xương ?

    Trả lờiXóa
  9. Bà Ba Xương ?

    Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng ?

    Trả lờiXóa
  10. Cô Xương tội nghiệp wá.............
    Ko biết lúc trước cô có "ân oán" giang hồ gì với lũ ấy ko???

    Trả lờiXóa
  11. Khó lắm cô Ba Sương ôi ! Mãnh hổ nan địch quần hồ .

    Trả lờiXóa