Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Động binh, tịnh dân

* HUY ĐỨC  

Tôi không có ý kiến gì về việc các nhà lập pháp định cho trai tráng được đóng tiền thi hành nghĩa vụ quân sự thay cho nhập ngũ. Tôi cũng không phản đối quan điểm coi việc thi hành nghĩa vụ quân sự là nhằm để xây dựng "quốc phòng toàn dân". Nhưng tôi cho rằng, khi đất nước không còn "ngoại xâm" mà vẫn tổ chức bộ máy quốc phòng theo mô hình "chiến tranh nhân dân" thì không thể nào xây dựng Luật nghĩa vụ quân sự đúng đắn và phù hợp.
Cho dù "chiến tranh xâm lược" trong tương lai chắc chắn sẽ không còn diễn ra như thời người Pháp, người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, "chiến tranh nhân dân" vẫn có vai trò trong điều kiện một quốc gia bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. "Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh". Nhưng, chuẩn bị cho chiến tranh không có nghĩa là tổ chức bộ máy quốc phòng giống như đất nước đang ở giữa hòn tên mũi đạn.
Chiến tranh đã lùi xa một phần tư thế kỷ, bộ máy quốc phòng vẫn được tổ chức không khác gì thời chống Mỹ, trên có quân khu, tỉnh đội; dưới có huyện đội, xã đội. Không ai dám đặt vấn đề về tính thích hợp của mô hình này bởi chủ trương xây dựng "quốc phòng toàn dân" là theo đường lối" chiến tranh nhân dân" của Đảng (tôi không nói đến những đặc quyền khác).
Việc duy trì một lực lượng quân sự địa phương với một lực lượng lớn dân binh như vậy không những làm phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng hiện đại hóa lực lượng chính quy, mà còn làm suy yếu khả năng chiến tranh nhân dân trong điều kiện xảy ra chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh xâm lược (toàn cục) hiện chưa phải là một nguy cơ gần. Trong điều kiện đó, một quốc gia khôn ngoan cần chuyên nghiệp hóa lực lượng chính quy đồng thời tổ chức huấn luyện để trai tráng biết cầm súng khi xảy ra chiến tranh thực sự.
Lực lượng chính quy, với một quốc gia như Việt nam, bên cạnh hải quân, không quân - được tổ chức sao cho đảm bảo giữ gìn toàn vẹn biển đảo - nên tổ chức thành các sư đoàn độc lập và các quân đoàn chủ lực. Nguồn nhân lực cho lực lượng chính quy này được tuyển dụng dựa trên cơ sở tự nguyện. Binh nghiệp trở thành một nghề, một sự nghiệp của công dân.
Tất cả trai tráng còn lại, trong độ tuổi từ 18-25, bị buộc phải thi hành "nghĩa vụ huấn luyện quân sự". Họ được quyền sắp xếp thời gian thích hợp để đăng ký các lớp huấn luyện, có thể kéo dài tới 6 tuần, sao cho không ảnh hưởng đến việc học hành, làm việc của mình. Hết tuổi 25, ai chưa đăng ký sẽ bị phạt và bị cưỡng bức đưa đi huấn luyện.
Từ các khóa huấn luyện trở về, thanh niên phải đăng ký vào các sư đoàn quân dự bị được "biên chế" ở các tỉnh, thành. Chuyển sang tỉnh khác thì phải thông báo cho sư đoàn dự bị ở nơi mới biết. Sau khi đăng ký, họ có quyền trở về nhà làm ăn, sinh sống. "Động binh, tịnh dân".
Cách tổ chức bộ máy quốc phòng như vậy vừa giúp quốc gia khai thác nguồn nhân lực khoa học. Những người có khả năng cống hiến tốt hơn trên những lĩnh vực kinh tế, văn hóa... không bị giữ quá lâu trong các doanh trại. Những người yêu đời lính có thể coi đó là sự nghiệp của cuộc đời mình. Những người lính thiện chiến không phải rời cây súng sau khi làm xong nghĩa vụ. Cách tổ chức như vậy vừa giúp xây dựng hình ảnh "anh bộ đội" mạnh mẽ, đáng tin cậy, vừa giúp quốc gia có được một khả năng vận hành chiến tranh nhân dân hiệu quả hơn mà, trong thời bình, không phải duy trìmột lực lượng dân binh nhếch nhác và tốn kém.  
Làm chính sách quốc phòng thì trước hết phải nghĩ đến từng tấc đất của tiền nhân và sinh mạng của nhân dân. Làm chính sách quốc phòng mà chỉ tìm kiếm sự trung thành rồi cho cát cứ, rồi "ban sao", "đẻ ghế", thì chẳng những lãnh thổ quốc gia khó giữ được vẹn toàn mà bổng lộc cá nhân cũng không thể lâu dài thụ hưởng. 
(From: FB  của Huy Đức/quechoa)

6 nhận xét:

  1. "các nhà lập pháp định cho trai tráng được đóng tiền thi hành nghĩa vụ quân sự thay cho nhập ngũ." Có thể họ điều đình với quân xâm lược rằng, họ sẽ đóng góp tài nguyên cho chúng, để chúng hoãn xâm lược?

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết xứng đáng cho HỘI ĐỒNG QUỐC PHÒNG đứng đầu là Chủ tịch nước tham khảo, học tập!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì anh Huy Đức viết sách "Bên Thắng Cuộc", là một cuốn sách được Đảng liệt vào sách phản động nên Chủ tịch nước kiên quyết từ chối góp ý của "thế lực thù địch" đang âm mưu "diễn biến hòa bình" ở Việt Nam.

      (Chính xác hơn là chân rết trong Quốc phòng nhiều quá, làm theo lời anh nhà báo thế thì tiền đâu vô túi các ông bây giờ? Chi tiêu quốc phòng có bao giờ được công khai chính thức như tiêu bao nhiêu bao nhiêu đâu mà. Giống như bên anh Giáo dục thôi, 20% GDP cả nước mà éo biết nó tiêu thế nào).

      Xóa
  3. Huy Đức tuyệt vời không phải chí có "bên thắng cuộc" mà còn thể hiện một cây viết sắc xảo ngay cả bài viết này. Cái luận thuyết "QP toàn dân" chỉ hợp với ngày xưa thôi , khi mà con người còn u mê nên đầy nhiệt huyết. "Nó có súng , mình có dao găm" và kiên trì "oánh" là thắng đã đi vào dĩ vãng. Chính giờ đây phải học lại cụ Nguyễn Trãi : lấy ít địch nhiều . Vậy nên phải tinh nhuệ , "đồ" (vũ khí) phải hiện đại , người phải tinh nhuệ và càng ít càng tốt. Chiến tranh giờ không còn là chiếm đất , giữ đất như thời xưa nữa (ngoại trừ thằng Khựa) . Vả lại , ở VN anh nào cũng to nên chỉ chết dân lành thôi. Anh Quân Đội "to", đã đành. Anh CA cũng to, anh chính quyền cấp nào cũng "to". Không tin cứ xem truyền hình thì biết : kênh CA, Kênh QP ,kênh Du lịch , kênh thiếu nhi...loạn hết cả lên. Ngay cả ông Hùng "hói" CTQH cùng còn phải kêu nữa là dân chúng tôi. Có cảm tưởng như người VN ta chẳng cần làm ăn gì cả , chỉ có tối ngày TH thôi. Mong sao , VN lại nảy sinh một ông Đinh Bộ Lĩnh nữa mới yên chăng???

    Trả lờiXóa
  4. Bác Đức ơi!
    Vòng vo- rào đón.... chẳng qua vì xiền.

    Trả lờiXóa
  5. Hình như vẫn quyết liệt đòi thu tiền không đi NVQS đó. Nếu thanh niên muốn đi lính 100%, không lẽ cấm lòng yêu nước của họ?!
    Hết khôn dồn ra dại!

    Trả lờiXóa