Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

KHÁT VỌNG HOÀ BÌNH TRONG THƠ HẢI NHƯ

HẢI NHƯ 
TÔ THỊ
Ta không buồn khi mất nàng Tô Thị
Lòng sắt son hóa đá đứng chờ chồng
Bởi không muốn ngợi ca hoài chung thủy
Còn chiến tranh vợ mòn mỏi xa chồng...
Đào xứ Lạng – Cảm ơn bông nở muộn
Đón khách thơ. Ta đi với người tình
Từ nửa nước phía nam lên ải bắc
Nàng Tô Thị không còn – cầu chúc hành tinh!
Có phải hai dân tộc đã nhìn ra quá khứ
Đáng rủa nguyền – xương máu rải đầy non
Nàng Tô Thị cảm thấy cần vắng bóng
Cho vĩnh viễn hòn Vọng phu ta, bạn không còn...
Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi.

Biên giới là gì? Lòng người không biên giới
Cột mốc dựng chia chẳng ngăn nổi tìm nhau
Hội Lùng tùng mở Đồng Đăng trai Bằng Tường băng tới
Ta cảm thông hai mảnh đất địa đầu!

Ta không buồn khi mất nàng Tô Thị
Chiều Lạng Sơn soi bóng nước Kỳ Cùng
Ồ em nhỉ - ta theo dòng chảy ngược
Làm một cuộc du hành. Biên giới vốn cùng chung...
                            (Lạng Sơn – Bằng Tường mùa xuân 1992)
                      / Rút trong tập “Nỗi buồn hoa bất tử”
của Hải Như, nhà xuất bản Lao Động, 1994.
/
LỜI LIỆT SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
                                                           “Nhĩ lai bất quý sát nhân công”
                                                                                Nguyễn Du
Cảm ơn các bạn không quên chúng tôi
Đã ngã xuống trong 81 ngày đêm chấn giữ Thành cổ.
Hàng năm các bạn vẫn đến thả đèn hoa trên dòng Thạch Hãn.
Chiến tranh là gì?
Là nước mắt – chia ly, là máu đổ
Là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”
Thời của thế hệ chúng tôi không nên dùng mỹ từ “Thời hoa lửa”
Bất hạnh cho dân tộc ta – một dân tộc hiếu hòa.
Phải chấp nhận trận chiến kéo dài không muốn – phần ba thế kỷ
Chúng tôi mong được các bạn mỗi lần đến cho biết:
Giấc mơ về một “xã hội nhân văn” chúng tôi mang theo vào trận đánh
Các bạn hôm nay phấn đấu thực hiện đến đâu rồi?
                                               (Nhà vườn Thạnh Lộc – Quận 12 – Sài Gòn
                                                                    Tháng 8 – 2011
-----------------
** Chú thích: Câu thơ chữ Hán trên của thi hào Nguyễn Du trong bài Pháo đài, dịch nghĩa là: Từ nay việc giết người không còn coi là có công.
-----------------------

THƠ VIẾT TRƯỚC THỀM THIÊN NIÊN KỶ MỚI

GẤU TRÚC ATA

Loài gấu trúc ATA tưởng đâu tuyệt chủng
Vừa được các nhà khoa học Trung Hoa phát hiện còn – ghi Sách Đỏ
Cả hành tinh bước vào thiên niên kỷ mới giữa tin vui
Nhưng con người với con người – Em có thấy không? – đêm đêm trên màn ảnh nhỏ
Vẫn chĩa súng vào nhau. Và... vẫn thản nhiên cười (?).
                                                          (Sài Gòn, ngày 1 tháng 12 năm 1999)
-------------------

VẾT NHƠ THẾ KỶ

“Chúng mình có 10 năm yêu nhau Admira! Vịn chắc vai anh...
Vượt 20 mét cuối cùng. Chỉ còn 5 phút nữa thôi! Cố lên em. Nào – cố nữa...”
Bosko dìu người yêu chưa kịp nói hết lời
Từ hai phía Serbi – Bosnia đạn xối xả lạnh tanh cùng – lúc – nổ
Thế kỷ 20 khép lại rồi. Các nhà thơ – đừng quên mắc nợ
Chuyện tình “Romeo – Juliette” mới: vết nhơ thế kỷ
Bên cầu Sarajevo máu đổ vẫn còn tươi...
                                                      (Sài Gòn, ngày 2 tháng 12 năm 1999)
....................
*** Bosko người Serbi, Admira người Hồi giáo Bosnia khác nhau sắc tộc. Nhưng vượt qua mọi tị hiềm, họ yêu nhau thắm thiết hàng chục năm ròng. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của họ bên cầu Savajevo – thành phố bị phong tỏa – vào một ngày tháng 5 năm 1993. Cái chết của hai người tình Bosko và Admira đã làm nhói đau trái tim những người có lương tri toàn nhân loại là một vết nhơ của thế kỷ 
 
--------------------

** KHÁT VỌNG HOÀ BÌNH TRONG THƠ HẢI NHƯ                        
                                                       - Lời bình của TRẦN MỸ GIỐNG
Tượng nàng Tô Thị từ lâu đã trở thành biểu tượng người vợ lính chờ chồng mòn mỏi đến hóa đá. Ngày 27 tháng 7 năm 1991 tượng nàng Tô Thị bị bọn xấu phá đổ để lấy đá nung vôi. Dư luận quần chúng bất bình xôn xao, báo chí miền Bắc thi nhau lên án Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ tượng nàng Tô Thị. Người ta thông tin đưa ra kiểm điểm một vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn để xoa dịu dư luận bất bình của quần chúng. (Sau này người ta đắp lại tượng nàng Tô Thị bằng xi măng cốt thép).
Mùa xuân năm 1992, nhà thơ Hải Như cùng phu nhân từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã lên thăm Lạng Sơn. Trước sự việc tượng nàng Tô Thị bị phá và dư luận bất bình của quần chúng, nhà thơ Hải Như đã sáng tác bài thơ “Tô Thị” thể hiện rõ cái nhìn và quan điểm của mình. Qua bài thơ ông muốn lý giải rằng dân tộc Việt Nam vốn hiếu hòa chứ không hề hiếu chiến như lâu nay phương Tây vẫn hiểu không Đúng. 
Khi về Hà Nội, nhà thơ Hải Như có đưa bài thơ cho nhà viết kịch Tào Mạt đọc. Nhà viết kịch Tào Mạt đọc xong, chép ngay lại bài thơ và cho rằng bài thơ rất cần được công bố. Nhưng rất tiếc, bài thơ đã không được công bố trên báo chí. Sau này nhà thơ Hải Như đưa bài thơ vào tập “Nỗi buồn hoa bất tử” (Nhà xuất bản Lao Động, 1994).
Tạp chí Nhà văn số ra tháng 12 – 2011 và báo Đà Nẵng tháng 8 – 2012 có đăng bài “Lời liệt sĩ thành cổ Quảng Trị” của nhà thơ Hải Như. Nhà thơ đã thay lời các liệt sĩ trong 81 ngày đêm máu lửa bảo vệ thành cổ Quang Trị (trong đó có con trai nhà thơ) nói rõ cái mà các liệt sĩ mong muốn là xây dựng một “xã hội nhân văn”, chứ không phải chiến tranh, bới chiến tranh “Là nước mắt – chia ly, là máu đổ / Là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Phải chấp nhận cuộc chiến tranh không hề mong muốn kéo dài một phần ba thế kỷ là một sự bất hạnh. Vì thế không nên dùng những mỹ từ nói về nó như “Thời hoa lửa”... Viết đến đây tôi không thể không nhớ lại những ngày trên đường ra trận vào năm 1972 đầy gian khổ, bom đạn ác liệt, hy sinh mất mát lớn lao của đơn vị và đồng đội. Chúng tôi ra trận ở thế bắt buộc chứ đâu có thích thú gì mà có nhà thơ, nhạc sĩ lại viết “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” Tôi may mắn được sống sót trở về, còn hàng vạn đồng đội tôi đã nằm lại chiến trường. Hàng vạn bà mẹ trở thành bất hạnh. Biết bao người vợ mòn mỏi chờ chồng hóa đá như nàng Tô Thị. Hơn ai hết, người lính chúng tôi mong muốn trên đời không còn cảnh những người vợ chờ chồng như nàng Tô Thị. Và tôi hiểu, trân trọng tư tưởng và góc nhìn khác thường, chân thực về chiến tranh của nhà thơ.
Từ quan điểm tư tưởng và cái nhìn đối với chiến tranh thể hiện ở hai bài thơ vừa nêu, nhà thơ Hải Như lên án “Nhưng con người với con người”, “đêm đêm trên màn ảnh nhỏ”, “Vẫn chĩa súng vào nhau. Và... vẫn thản nhiên cười (?)” (Gấu trúc Ata). Và, ông coi sự kiện đôi tình nhân Bosko và Admira vượt qua mọi tị hiềm để giữ vững tình yêu và bị bắn chết vào năm 1993 là “Vết nhơ thế kỷ”.
Cái nhìn ấy, tư tưởng, quan điểm ấy của nhà thơ bắt nguồn từ tình yêu hòa bình, truyền thống hiếu hòa của dân tộc Việt Nam. Có yêu hòa bình mới căm ghét chiến tranh. Nhà thơ Hải Như đã thể hiện rõ tình yêu hoa bình – không, với hai bài thơ trên, tình yêu hòa bình ở nhà thơ đã vượt lên thành KHÁT VỌNG HÒA BÌNH.
TMG
-----------------

5 nhận xét:

  1. Lính cựu binh F312lúc 20:10 29 tháng 11, 2013

    Những bài thơ hay quá và lời bình của Trần Mỹ tuyệt vời làm tôi nhớ đến bài hát Nga thời kỳ Đức phát xít tấn công đang bao vây Leningrad:Người Nga biết chiến đấu nhưng người Nga không muốn có chiến tranh.Người Việt Nam cũng vậy:Biết cầm vũ khí nhưng người Việt không muốn có chiến tranh.Hồi bé nhớ mãi bài thơ trong Tập đọc lớp 3:Đạp quân thù xuống đất đen
    Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa...

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta khao khát hòa bình
    Nhưng không thể chịu :" của mình...bạn xơi..."

    Trả lờiXóa

  3. THÀNH PHỐ HOA PHƯỢNG ĐỎ


    http://www.youtube.com/watch?v=tcoC5um2a80



    Thơ Hải Như.



    "Ơi thành phố tháng năm hoa phượng đỏ quê hương, ta mang Tình yêu giữa trái tim ta ...."

    Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ
    Ơi Hải Phòng thành phố quê hương
    Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất.
    Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
    Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm,
    Những Bến Bính, Xi-măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên...
    Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt
    Ôi thân thiết Hải Phòng quê hương.

    Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt
    Chưa trọn nghĩa Sài Gòn, Đà Nẵng
    Ta tạm biệt xa nhau chào phố cảng thân yêu.
    Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu
    Trăm trận đánh quê ta kiên cường
    Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ mai ta đã thấy rộng dài rực sáng
    Sánh vai cùng Sài Gòn - Đà Nẵng quê hương.

    Ơi thành phố tháng năm hoa phượng đỏ quê hương
    Ta mang Tình yêu giữa trái tim ta.

    Trả lờiXóa
  4. Người dân Việt Nam , với người dân Trung quốc , người dân Mỹ , Pháp chẳng thù hằn gì nhau đâu bác Hải Như ạ.Bác chẳng nên bình:Có phải hai dân tộc dã nhìn ra quá khứ? làm gì.Chỉ có :
    A.Q túm đánh Chí Phèo
    Để hai anh lính nhà nghèo vạ lây thôi bác ạ.
    Còn thằng Mỹ nữa.Việt nam mắc nợ cha mẹ chúng nó gì mà đến đánh ta?Có bài hát
    "Dù rằng đời ta muốn Hòa bình
    Kẻ thù buộc ta không buông súng "đấy bác ạ.

    Trả lờiXóa

  5. cảm ơn anh những lời thơ khát vọng
    cũng chẳng làm gì...để gió cuốn bay đi

    Trả lờiXóa