Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 1

 Không chỉ có Moskva: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Âu và Bắc Việt thời kì hậu Stalin
·                                                   *  TRỊNH ÁNH HỒNG
                                       + Lê Quỳnh dịch
[Thư của tác giả Trình Ánh Hồng (Yinghong Cheng) gửi độc giả Việt Nam ] 
Tôi rất cảm kích công sức mà ông Lê Quỳnh đã dành cho bản dịch này. Kể từ đầu năm 2006, chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với nhau để chia sẻ ý kiến và thông tin về Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt từ cái nhìn lịch sử. Tôi cũng học được nhiều từ thân mẫu của dịch giả về kiến thức lịch sử và vấn đề dịch thuật Trung - Việt. 
Tôi muốn bổ sung một vài ghi chú quan trọng cho tiểu luận mà nay được dịch sang tiếng Việt. Tiểu luận của tôi viết trong giai đoạn 2002-2003, nhưng kể từ đó, tôi đã phát hiện thêm nhiều và đi đến một số kết luận quan trọng. Một bài viết khác của tôi sẽ được in trong Modern China Studies (một tạp chí học thuật Hoa ngữ đặt ở Mỹ, số mùa Xuân 2007) – bài này dựa một phần từ tiểu luận tiếng Anh đầu tiên, nhưng các phân tích và kết luận về Việt Nam được làm rõ hơn. 
Nói chung, tôi cho rằng từ 1955 đến 1957, những sự kiện ở Trung Quốc và Việt Nam là phản ứng thách thức học thuyết và những hành động Mao-it, nhiều hơn là một sự giải ảo Stalin. Khi tôi được đọc nhiều hơn những tư liệu về sự phản kháng của trí thức Việt Nam, tôi đi đến kết luận rằng họ trực tiếp chống đối một biến thể của chủ nghĩa Mao ở Việt Nam, chứ không phải là biến thể của chủ nghĩa Stalin (về mặt lịch sử, áp dụng đúng hơn cho Đông Âu.) Biến thể Mao-it này chủ yếu gồm ba khía cạnh: cải cách ruộng đất, cải tạo tư tưởng, và các chính sách và thể chế nhằm kiểm soát và lung lạc nghệ sĩ, nhà văn nhằm mục đích ý thức hệ và chính trị. Cả ba yếu tố này, trong chừng mực phát triển ở Việt Nam, hầu như không tìm thấy trong chủ nghĩa Stalin hay hiện thực ở Liên Xô thập niên 1950, nhưng chúng đã hiện diện ở Trung Quốc của Mao từ thập niên 1940. Trung Quốc của Mao, hay cụ thể hơn là cách tiếp cận Mao-it về một chính thể độc đảng và về sự chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần được xem là đã chịu trách nhiệm cho nhiều thảm trạng ở Việt Nam thập niên 1950. 
Tôi chỉ muốn dùng một ví dụ về cải cách ruộng đất. Theo các nguồn gần đây của Trung Quốc, người cộng sản Trung Quốc bắt đầu thúc các đồng chí Việt Nam thực thi cải cách ruộng đất (xúi giục đấu tranh giai cấp, loại bỏ địa chủ và trừng phạt những ai có cảm tình với họ, chia lại ruộng đất, và thậm chí để những tay du thủ du thực quá khích ở làng nắm quyền sinh sát) ngay từ mùa Hè 1949, khi Lưu Thiếu Kỳ bí mật gặp Hồ Chí Minh ở Moskva. Ông Hồ đã ngần ngừ, vì ông cho rằng Bắc Việt đang trong giai đoạn cách mạng dân tộc (tức là chống Pháp) vì vậy tầng lớp tinh hoa nông thôn cần được đưa vào mặt trận dân tộc. Lưu Thiếu Kỳ kể lại cho Stalin về thái độ của Hồ và Stalin đã khiển trách Hồ. Vì chuyện này, các lãnh đạo Trung Quốc đã quy cho ông Hồ là “kẻ cơ hội cánh hữu lạc hậu”. Chính Lưu Thiếu Kỳ đã tiết lộ tình tiết này trong một cuộc gặp năm 1962. 
Bài viết sắp tới của tôi bằng tiếng Hoa là một ghi chép và phân tích chi tiết về việc làm thế nào ba yếu tố Mao-it kể trên (cải cách ruộng đất, cải tạo tư tưởng và các chính sách với trí thức) đã được phản ánh ở Bắc Việt từ cuối thập niên 1940 và sau đó bị trí thức Việt Nam chống đối từ năm 1955 (các hoạt động do Trần Dần dẫn đầu) đến mùa hè 1957. Còn bài tiểu luận dưới đây về căn bản thể hiện suy nghĩ của tôi vào năm 2003. [1] 
*
Năm 1956 và 1957 đánh dấu cuộc khủng hoảng trầm trọng đầu tiên trong khối cộng sản toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh với nhiều sự kiện quan trọng. Bài nói chuyện mật của Nikita Khrushchev tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô tháng Hai 1956 tiết lộ những tội ác của Stalin đã gây sốc cho thế giới cộng sản và châm ngòi cho giai đoạn hạ bệ Stalin, mà không lâu sau đó đã tạo nên những thách thức cho chính hệ thống cộng sản, qua những cuộc nổi loạn ở Ba Lan và Hungary tháng 10 và tháng 11 năm 1956. Tại các nơi khác ở Đông Âu, mặc dù nhìn chung không nổ ra các phản kháng chính trị quyết liệt, nhưng những tranh luận trong nội bộ Đảng và bất bình của trí thức diễn ra phổ biến, đi kèm là những cuộc biểu tình và bãi khoá lẻ tẻ của công nhân và sinh viên. Ở các nước cộng sản châu Á, sự bất bình trong giới trí thức và phê phán Đảng trở nên dễ thấy ở Trung Quốc, đặc biệt vào mùa xuân 1957, khi có phong trào Trăm hoa Đua nở và thời kì Chỉnh huấn, kèm theo là một số vụ đình công của công nhân và bãi khoá của sinh viên. Ở miền Bắc Việt Nam, người trí thức đã trực tiếp thách thức Đảng trong phong trào gọi là Nhân văn - Giai phẩm (tên của hai ấn phẩm chỉ trích Đảng) trong giai đoạn mùa Thu 1956, gắn liền với biến cố nông dân nổi loạn ở tỉnh Nghệ An và bất ổn tại các đô thị. Cách mạng Hungary bị đàn áp tháng 11-1956, và môi trường ở Liên Xô và Đông Âu trải qua những thay đổi đầy kịch tính. Tuy nhiên, vì các trí thức Trung Quốc vẫn còn được khuyến khích chỉ trích Đảng vào mùa Xuân 1957, trí thức ở Việt Nam lại một lần nữa mở cuộc chỉ trích chính quyền. Nhưng vào tháng Sáu 1957, Trung Quốc mở chiến dịch chống quan điểm hữu khuynh và chấm dứt thời kì “giải phóng”, và Việt Nam cũng làm như vậy khi bước vào năm 1958. Và như thế cuộc khủng hoảng trong thế giới cộng sản được giải quyết xong.
Khi kể lại và phân tích các sự kiện trên, các sử gia đã chủ yếu dựa vào một sườn diễn giải lấy Moskva làm trung tâm. Đa số các nhà sử học lấy Moskva – đặc biệt là Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô – làm trung tâm của thay đổi chính trị trong khi đặt các nước cộng sản khác ở đường biên. Những nhà nước ở ngoại vi này ban đầu có phản ứng bị sốc và lúng túng trước Moskva, nhưng rồi nhiều nước đã nhanh chóng sử dụng cơ hội để khẳng định tư tưởng cải tổ của họ, tư tưởng mà bình thường sẽ khó mà biện hộ được. Cái sườn diễn giải lấy Moskva làm trung tâm này nhìn chung phản ánh sự thật lịch sử vì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của Liên Xô trong cộng đồng cộng sản thời kì ấy và còn vì thứ tự thời gian căn bản của các sự kiện. Nhưng khi áp dụng một khung diễn giải bao quát cho lịch sử, ta cần cảnh giác trước những nhược điểm của nó. Nhược điểm chính của các diễn giải lấy Moskva làm trung tâm là khuynh hướng bỏ qua và đánh giá thấp những điểm gốc tạo nên thay đổi chính trị ngoài những điểm gốc ở Moskva cùng những liên hệ và sự tương tác không nhất thiết tập trung ở Moskva. Trong một số trường hợp, điều này đưa đến sự giản lược hoá một hoàn cảnh lịch sử phức tạp và diễn giải sai lầm những liên hệ và sự tương tác giữa các nước cộng sản. 
Bài viết này xem xét tiến trình phê phán Stalin, hay còn hiểu là giải phóng, từ góc nhìn dựa vào sự liên hệ với Trung Quốc tại Đông Âu và Việt Nam – một góc nhìn đã hoặc bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ qua trong những phân tích lấy Moskva làm chính [2] . Thuật ngữ “sự liên hệ với Trung Quốc” có ý nghĩa là một ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc hoặc những diễn biến song song giữa các nước này và Trung Quốc. Bài viết này giới thiệu và liên hệ hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số nước Đông Âu, và thậm chỉ cả ở Liên Xô, từ 1955 đến 1958. Thứ hai là sự thách thức chính quyền của các trí thức Việt Nam và phản ứng của chính quyền, cả hai cho thấy những sự tương tự thú vị giữa hai quốc gia. Sự liên hệ với Trung Quốc ở cả trường hợp Đông Âu và Việt Nam cho thấy rõ là có một nguồn gốc khác góp phần vào quá trình hạ bệ Stalin và thậm chí gợi ý về một khung thời gian mở rộng của các biến cố ngay từ đầu năm 1955 (tức là trước “Báo cáo mật” của Khrushchev) đến tận cuối 1958 (một năm sau khi Liên Xô dập tắt cuộc nổi dậy ở Hungary), và như thế giúp làm giàu thêm hiểu biết của chúng ta về cuộc khủng hoảng cộng sản toàn cầu nhờ các nguồn rộng hơn và khung thời gian dài hơn. 
 *          *           *
Trường hợp Đông Âu 
Đối với đa số các sử gia, ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc tại Đông Âu sau cái chết của Stalin bắt đầu với vai trò của nước này trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị ở đó vào tháng 10 và 11 năm 1956[3] . Nói ngắn gọn, khi Moskva quyết định dùng vũ lực dập tắt cuộc nổi dậy của công nhân Ba Lan vào giữa tháng 10-1956, Bắc Kinh đã phản đối quyết định này với lý do là vấn đề Ba Lan xảy ra không phải vì âm mưu chống chủ nghĩa xã hội của phương Tây mà chủ yếu là do “chủ nghĩa sôvanh nước lớn” (ám chỉ sự kiêu ngạo và can thiệp của Moskva vào công việc nội bộ của các nước). Ngược lại, khi Moskva còn nhùng nhằng giữa việc dùng vũ lực hay để yên trước cuộc khủng hoảng Hungary vào cuối tháng 10, Bắc Kinh đã thúc giục Moskva gửi quân vào Budapest. Theo một số nguồn tư liệu Trung Quốc được công bố vào cuối thập niên 1990, từ ngày 19 đến 31 tháng Mười 1956, thời điểm khi cuộc khủng hoảng Ba Lan – Hungary lên đến cao trào, liên lạc và thảo luận giữa Moskva và Bắc Kinh cũng liên tục và dồn dập đến bất thường. 
Ngày 19-10, sau khi Đảng Cộng sản Ba Lan chọn Wladislaw Gomulka, người mà Kremlin xem là có thái độ đáng ngờ với Moskva, làm lãnh đạo mới, thì Pavel Yudin, đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc, đã thông báo cho Bắc Kinh về tình hình gay go ở Warszawa, ám chỉ khả năng quân đội Liên Xô sẽ can thiệp ở Ba Lan. Mao Trạch Đông tức khắc mở cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng và quyết định không đồng ý với sự can thiệp quân sự do Moskva dẫn dắt. Ngày hôm sau, Mao gặp Yudin và yêu cầu ông thông báo cho Moskva về quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay tức thì và “đúng từng chữ”. Ngày 21-10, Mao lại triệu đại sứ Liên Xô đến, một lần nữa bày tỏ lo ngại, và cũng cho biết sự không hài lòng trước việc Khrushchev công kích Stalin, điều mà phía Trung Quốc cho là đã tạo nên khủng hoảng. Cùng lúc đó, tình hình ở Hungary trở nên căng thẳng hơn và Moskva không còn nghĩ rằng kênh đại sứ là đủ hiệu lực. Vì thế, theo yêu cầu của Moskva, một phái đoàn Trung Quốc do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình dẫn đầu đã đến Moskva ngày 23-10 và ở lại đó đến 31-10, khi mà xe tăng Nga tiến vào Budapest. Trong thời gian ở lại, phái đoàn Trung Quốc được thông báo về diễn biến ở Hungary và mỗi ngày đều nhận được sự tham vấn từ Khrushchev và các lãnh đạo khác của Liên Xô. Các thành viên trong đoàn thậm chí đã tham dự các cuộc họp khẩn của đoàn chủ tịch Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24 và 26-10 ...
(còn tiếp)
----------------
Chú thích:
[1]Ghi chú của talawas: Do sự chậm trễ từ phía chúng tôi, bản dịch của Lê Quỳnh đã được hoàn thành từ lâu, nay mới có thể công bố trên talawas. Xin chân thành cáo lỗi cùng tác giả và dịch giả.
[2]Ví dụ, các sách tiếng Anh The Rise and Fall of Communism (tác giả Richard H. Hudelson, New York: Westview, 1993), The Communist Movement Since 1945 (Willie Thompson, Oxford: Blackwell, 1998),Eastern Europe Since 1945 (Geoffrey Swain và Nigel Swain, New York: St. Martin's, 1998) và The Rise and Fall of Communism in Eastern Europe(Ben Fowkes, New York: St. Martin's, 1993) không nhắc đến vai trò của Trung Quốc trong giai đoạn hạ bệ Stalin và giải quyết khủng hoảng Ba Lan – Hungary trong khi vẫn bám vào cách diễn giải nhấn mạnh đến Moskva. Việt Nam lại càng không nằm trong khuôn khổ phân tích lấy Moskva làm chính, và nhiều sử gia cộng sản thậm chí không biết tới trường hợp Việt Nam trong giai đoạn hạ bệ Stalin. Một tác giả viết rằng “Rõ ràng không đảng nào ở Nam Á hay Đông Nam Á bị rối loạn vì sự kiện hạ bệ Stalin, có lẽ vì cách nhìn của họ, vì là các tổ chức chủ yếu dựa vào nông dân và không dính đến Phòng Thông tin Cộng sản Quốc tế, ít gắn bó hơn với thái độ của Liên Xô hoặc sự quan trọng của ký ức về Stalin so với các đảng Đông Âu…” Phát ngôn này rõ ràng tách Việt Nam khỏi cuộc khủng hoảng trong thế giới cộng sản năm 1956-1957 chỉ vì cách mạng Việt Nam dựa vào nông dân và ít chịu ảnh hưởng hơn từ Moskva. Willie Thompson, The Communist Movement Since 1945, trang 77.
[3]Một ví dụ trong các tác phẩm ban đầu mang quan điểm này là “China and the Communist 'Thaw” của G. F. Hudson. Đây là lời bạt cho quyểnThe Hundred Flowers Campaign and the Chinese Intellectuals của Roderick Macfarquhar (New York: Praeger, 1960), trang 299. Một ví dụ gần đây của quan điểm này là quyển Mao's China and the Cold War của Jian Chen (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001), trang 145.

(Nguồn: Yinghong/Talawa, bản tiếng Việt)
------------------

3 nhận xét:

  1. Ui.... xa xưa, xa xôi quá....., đọc cho zui thoy....
    3 xe hơi nối đuôi nhau, chạy như bay, bụi bốc mù mịt.
    Dẫn đầu là anh xô, đến ngã 3, có cái biển chỉ dẫn: rẽ phải CNTB, rẽ trái CNXH.
    Đ/c thủ lái xe, hỏi nhỏ anh tổng ngồi cạnh: Anh, rẽ bên nào?
    - HỪm..thes mà cũng hỏi, xi nhan trái, rẽ trái.
    Xe sau, anh khựa, đ/c thủ cũng lái xe, hỏi đ/x tổng ngồi cạnh: Thưa anh, đi thế nào ạ?
    - Xi nhan trái, rẽ phải.
    Xe cuối, anh vệ, anh thủ lái xe, cũng xin ý kiến anh tổng.
    Anh tổng đang lơ mơ ngủ, giật mình nghển đầu lên, rồi phán:
    - Xem thằng trước đi thế nào, đi theo nó...
    - ..?!?!?!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - ...hay là ta rẽ phải, định hướng theo rẽ trái?
      - Anh nói vậy, tôi biết lái làm sao? Thảo nào tình hình tai nạn giao thông ngày càng phát triển cao và ổn định!

      Xóa
  2. LIÊN XÔ cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản ,thành trì của xã hội chủ nghĩa thế mà bị tiêu vong.VIỆT NAM thế nào đây?....

    Trả lờiXóa