Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

> ĐỪNG NHƯ NHỮNG CON VẸT

* Bùi Văn Bồng
Trong chuyện kể ở nước Nga, có câu chuyện “Con vẹt quý”. Một nhà kia nuôi con vẹt, chỉ dạy cho nó nói rất thạo hai từ конечно, tạm dịch ra La tinh ngữ: “ka'nhets'ner” (nghĩa Việt là tất nhiên). Con vẹt suốt ngày chỉ nói được hai từ “tất nhiên” (конечно), khá rõ ràng, nghe rất hóm hỉnh và có khí chất như là cũng thông minh. 
Thấy khách đến nhà, nó vội hót lên: “Tất nhiên”. Khách chửi nó là đồ ngu, nó cũng gật cái đầu có lông ngũ sắc rất sặc sỡ: “Tất nhiên”. Khách bảo: “Vặt lông mày bây giờ”, nó cũng: “Tất nhiên”. Ông chủ có lúc bí tiền, đem con vẹt ra chợ bán. Có một ông khách sộp đến mua. Chủ hàng giới thiệu: “Ông mua đi, hơi đắt một chút, nhưng con vẹt của tôi khôn lắm, hỏi cái gì nó cũng biết”. Khách hàng nhìn như xoáy vào con vẹt, hỏi: “Đúng không mày, cái gì mày cũng biết hả?”. Con vẹt phát âm: “Tất nhiên”. Ông khách mừng quá, đồng ý mua với giá cao. Ông chủ khoái chí nhét tiền vào túi.
          Đó là câu chuyện ngụ ngôn con vẹt ở nước Nga xa xôi. Chuyện ở xứ Việt ta, lại thế này: Ông Bảy Nhị giật mình vì hiện tượng con vẹt. Tôi được nghe câu chuyện do Ts. Tô Văn Trường kể lại: Ông Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch kỳ cựu của UBND tỉnh An Giang kể lại rằng, một đoàn cán bộ Trung ương về An Giang, rất sâu sát cơ sở, làm việc có trách nhiệm và hăng hái. Sau khi làm việc ở tỉnh, về huyện, rồi về xã, lại gặp cả đảng viên thường ở xóm, ấp. Hỏi về chuyện gì, thấy các cán bộ, đảng viên từ tỉnh xuống tận cơ sở đều nói rất giống nhau. Không thấy ai nói khác.
Trước khi rời An Giang, ông trưởng đoàn cán bộ Trung ương khen: “Công nhận ở Đảng bộ An Giang có tính thống nhất rất cao, hỏi từ trên xuống dưới, thấy vấn đề gì cũng thấu đáo, thống nhất từ dưới lên trên”. Lúc đó, ông Bảy Nhị cũng mừng thầm. Nhưng đoàn đi rồi, nghĩ lại lời khen đó, ông Bảy Nhị mới chợt giật mình: “Thôi chết, không khéo mình đang chỉ đạo, điều hành cả một “lũ vẹt”. Cán bộ, đảng viên đã rất “ngoan Đảng” nói không sai với những phổ biến của trên. Trên đã nói sao, đi học tập, bối dưỡng, tập huấn về, cứ y nguyên thế mà phát ra, không ai dám nói khác. Dù họ có nghĩ thật đến mấy, thực tế có khác đến mấy, nhưng khi phát ngôn, họ đều nhất nhất nói đúng với ý chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là với các đoàn kiểm tra xuống, với nhà báo, phải phát ngôn đúng như hướng dẫn. Thế thì nguy, ai mà nắm được thực trạng, thực tế, nắm đúng bản chất thực tế, thực trạng để giải quyết”. Khi đó, với cương vị đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bảy Nhị đã biết giật mình đúng cái việc, cái chuyện phải giật mình, Vậy cũng mừng.
          Mừng bởi vì có những người lãnh đạo như anh Bảy Nhị, rất cần và tôn trọng sự chân thực, cần cái vốn có trong tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của mỗi người. Cuộc sống trong mỗi chúng ta, làm gì có ai giống ai. Từ nhìn nhận, xem xét, đánh gia một vần đề gì đó, bên cạnh sự thống nhất chung, nhận diện chung, còn có cái riêng, mỗi người có cách ghi nhận tầm mức, đặc tả, phân tích vấn đề khác nhau. Vậy mới là xã hội. Ngay trong gia đình cũng vậy, ruột thịt đấy, nhưng đâu phải ai cũng như ai, kể cả anh chị em sinh đôi. Và ngay trong mỗi con người cũng vậy, luôn luôn có diễn biến tự mâu thuẫn thực thể. Tức là mọi sự, kể cả nhận thức, đâu phải lúc nào cũng  y hệt nhau. Đó là quy luật của phép biện chứng, đứng im chỉ là tạm thời, vận động là liên tục. Tư tưởng con người là đồ thị biến thiên không ngừng, luôn luôn mở theo hình xoáy trôn ốc. Tư duy con người là hình nón, đâu phải hình que? Cái duy lý, duy ý chí, rập khuôn, khô cứng cũng là do nếp quen không mang tính cách mạng, là trên nói sao, dưới phải nghe vậy, rồi nói cho dưới nữa cùng phải như vậy. Thế nên, đi đâu, đến đâu, gặp ai, tình huống, bối cảnh nào cũng nói một kiểu không đổi, thì là con vẹt chứ còn gì (?!). Tuy là xã hội đã tiến tới thời đại văn minh, hiện đại, nhưng cái lối ngu trung từ thời phong kiến xa xưa cũng từ đó xuất hiện trở lại và tồn tại. Thật là tai hại, kìm hãm sự phát triển tự nhiên, hạn chế năng động, khó đổi mới.
          Tháng trước, ngồi uống cà phê với một vị đương chức là Phó Ban tuyên giáo thành ủy. Tôi hỏi: “Cái vấn đề (này, kia) hôm trước ngồi mấy anh em thân thiết, ông nói khác, tại sao trong hội nghị không thấy ông nói ra được những cái hay như thế?”. Nhà Tuyên giáo nói: “Anh ơi, đó là chuyện nói ở bàn trà, nó thật lòng như thế, nhưng nói ở Hội nghị, với bàn dân thiên hạ phải nói theo chỉ đạo của trên. Nếu như nói trật, có mà gay”.
Tôi hỏi: “Gay, là sao?” Vị cán bộ nọ nhìn quanh quất trước, sau, rồi mới nói: “Nói phải đúng như chỉ đạo, nói sai bị phê bình đấy, mà còn dọa cách chức hoặc điều chuyển việc khác”…
          Lần này, lại đến tôi giật minh. Ô, hóa ra Đảng ta vẫn đặt ra đường hướng là làm cách mạng phải sâu sát thực tế, đi sát cơ sở, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến và những phát sinh mới từ trong thực tiến. Qua đó cần biết tự chủ phát huy nội lực, tự thân vận động, nỗ lực chủ quan của mỗi người là rất cần thiết, khuyến khích và đề cao sáng tạo ở mỗi con người, mỗi cơ sở. Nghị quyết, chủ trương là vạch đường, chỉ lối, còn đi thế nào, làm cách nào cho có hiệu quả, đạt chất lượng cao thì mọi người (mỗi thực thể cá nhân, mỗi ngành, địa phương, cơ sở)  phải biết phát huy sảng kiến, mạnh dạn sáng tạo, lấy hiệu quả, chất lượng cuối cùng làm trọng. Đó cũng là Nghị quyết, là đường lối của Đảng, chứ có khác gì đâu?
Tại sao tư duy và phát ngôn của cán bộ, đảng viên ta lại bị rơi vào sự “khung kín”, bị rập khuôn, máy móc như thế? Đi họp, dự các hội nghị lại ít tập trung theo dõi, không vận hóa tư duy, lười suy nghĩ đóng góp ý kiến (nhiều vị thậm chí cũng không bết nên góp ý kiến thế nào). Họ cứ ngồi, hỏi thì nói mỗi hai từ quen thuộc: “Nhất trí”, cần thì giơ tay biểu quyết, cho xong việc. Họp xong, về không lắng đọng được bao nhiêu, không cần suy nghĩ nhiều, lo việc khác cần hơn, mọi việc đã có bộ máy cơ quan, có các trợ lý, có văn phòng. Nếu có cán bộ nào hỏi: “Làm như thế liệu có được không anh?” -  “Tât nhiên, cứ thế mà làm”. Đi họp như thế quả là việc nhẹ nhàng. Xem ra, con vẹt, dạy sao, chỉ biết phát ngôn như vậy, khó mà hơn được. Chẳng lẽ miệng con người mà lại không hơn được mỏ vẹt?
          Có ông cán bộ cấp Trung ương, trong các cuộc đi thăm, đi dự hội nghị, dự các lễ lạt ở các tỉnh, thành, đến các Bộ, ngành, ở đâu cũng phát biểu rất chuẩn, không cần chính: “Chúng ta phải luôn nhớ lời Bác dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đúng như vậy, nhưng có gì mới đâu. Các cháu học sinh tiểu học đã thuộc lòng câu nói quý báu đó, cũng như chân lý rồi. Mọi người dân ai cũng thuộc nhằm lòng. Thế mà từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, ở đâu ông ta cũng nói vậy. Suốt nhiện kỳ vị quan khách ấy giữ chức, đài truyền hình cũng tường thuật y nguyên vậy hàng trăm lần, bạn xem đài cũng phát phì cười: “Biết ngay mà, thể nào ông ta cũng nói câu ấy, không khác được”. Thấy ở dưới nhiều người cười, ông ta tưởng hay, cứ cái đà đó nói hoài.
Lẽ ra, cũng nói về đoàn kết, rất cần, nhưng khi đến mỗi nơi có hoàn cảnh, đặc điểm riêng, phải chỉ ra cần đoàn kết ở chỗ nào, thống nhất về vấn đề gì, làm thế nào để đoàn kết tốt hơn và từ đoàn kết phat huy sức mạnh. Có những địa phương nội bộ đang đoàn kết, đâu cần phải nói điều đó. Nhưng cái “chất vẹt” trong ông ta cũng còn di chứng đâu đó, nên ông ta không nói thế, cho là điều trọng yếu không thể thiếu khi phổ truyền nghị quyết Đảng, thể hiện tiếng nói lãnh đạo, chắc ngoài ra không biết nên nói gì. Mà thậm chí có hiểu cơ sở đượcmấy mà biết nói gì để đi vào cuộc sống, đi vào lòng người?
          Lại có những nhà giáo suốt đời dạy ở trường chính trị, giáo án soạn cả mấy chục năm trước, thuộc lòng, nói không cần nhìn sách vở mà cứ vanh vách. Ngay như những câu kinh điển của các triết gia, của các lãnh tụ, nhà cách mạng  nổi tiếng ông ta nói không sai một chữ. Học viên nghe mà phục thầy, giỏi thế, những câu mình học trần thân khó thuộc mà ông ta nói giỏi thật. Nhưng lớp nào, khoa nào, ở đâu cũng vậy, giảng và thuyết có mở ra được gì mới đâu. Lớp trước tiếp thu sao, lớp sau học lại đúng bài như thế. Nếu cần minh chứng từ thực tế, và nếu hỏi trong thực tế có chuyện như thế, khác lý luận như thê, ông giải thích sao? Thầy giáo giỏi kia đành bó tay, không biết giải thích, phân tích thế nào.
Thế mà năm nào ông ta cũng là giáo viên dạy giỏi, còn được nhân vinh danh Nhà giáo ưu tú, cứ thế theo thời hạn được tăng lương ngon lành. Hết việc về nhà lo việc riêng, nghỉ ngơi, đi chơi, không cần đọc báo, ít nghe đài, ti vi mở ra thì phim hay mới xem. Nhàn hạ lắm. Đời được thế là lên hương. Ôi, thật tai hại cái bệnh giáo điều, sách vở. Thế nên, bài bản lý luận trở thành thứ lương khô, lúc nào, ở đâu cũng đem ra xài được.
Nhắc lại, ông Bảy Nhị nói đúng quá, chuyện gì mà cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều đồng loạt nói giống nhau thì báo động sự đứng im trơn lì của một khung hệ thống chính trị kém vận động, thiếu năng động, ít sáng tạo. Mà đó lại chính là nguyên nhân tạo ra động thái gò ép, bắt buộc kiểu “dậm chân tại chỗ” như tập điều lệnh đội ngũ của anh lính binh nhì, trái ngược hoàn toàn với nhu cầu của động lực phát triển xã hội. Tự do tư tưởng, nói thẳng nói thật, quyền bộc lộ chính kiến của mỗi con người trong nền tảng xã hội đã mang bản chất tốt đẹp tự do, dân chủ, mà vẫn khó như vậy sao?
BVB

15 nhận xét:

  1. Hóa ra chuyện "trên bảo dưới không nghe" là không đúng à ? Thế mà cứ tưởng dưới bầy hầy nhưng trên rất sáng suốt, bây giờ mới biết trên dưới đều bầy hầy như nhau cả .

    Vụ Tiên Lãng chắc là làm đúng chỉ thị của chính phủ đây .

    Trả lờiXóa
  2. NGOAN VỚI ĐẢNG ĐÃ THÀNH HỆ THỐNG VÀ CÓ TỪ LÂU RỒI.

    Trả lờiXóa
  3. Ông Biện có "chứng" nói như vẹt, đi đâu cũng đem mớ lý luận giáo điều, cũ rích, bốc mùi ra. Nói về chống tham nhũng cũng phải "khách quan và biện chứng" nói về biển đảo cũng "biện chứng". Tóm lại biện chứng rất chi là biện chứng. Chỉ có dân là vô phúc mới gặp những quan vẹt.

    Trả lờiXóa
  4. Lũ vẹt và các đảng viên CS BỊ GIỐNG nhau: Cứ hót Tất nhiên, ta cho hạt mạch; ĐVCS hát NHất trí, đảng lại cho LƯƠNG và BỔNG!
    Sự sống loài chim và loài CS nó vẫn chưa tách nhau đcj là thế!

    Trả lờiXóa
  5. Có thể gọi là "tư duy con vẹt" hoặc là tư duy "robot" Bác Bồng nhỉ? Trên đây là bác nói chuyện "nói", lại còn chuyện..."viết" nữa . Nhớ có lần em đang viết báo cáo tổng kết công tác XD Đảng của Đảng bộ, một cậu cán bộ cấp dưới bước vào, thấy tôi có vẻ căng thẳng, suy tư...,cậu ta hỏi: Anh đang viết gì mà có vẻ "căng" vậy? Tôi nói: Đang viết báo cáo tổng kết..., nghe xong cậu cán bộ cấp dưới cười vang và nói: "...Trời ơi! Anh chậm đổi mới tư duy thế, cứ lôi báo cáo năm ngoái ra mà...thay đổi số liệu, ngày tháng năm và sửa chữa tí chút thế là bác có một báo cáo mới toanh, ngon lành. Em biết là bác không bao giờ làm như em nói, nhưng bác cứ nghe em đi cho nó khỏe thân, với lại có thằng nào nó...đọc đâu mà bác phải cầu toàn thế? Thôi, cất bản thảo đi, đi nhậu đã..." Ngẫm lại "lời dạy" của tay cán bộ cấp dưới cũng có lý, thực ra báo cáo của anh ta gửi lên, mình cũng có bao giờ đọc đâu, có chăng chỉ lật lật xem có tí số liệu nào không thôi. Chắc mà lục tìm hs lưu của nhiều đảng bộ chắc thấy rõ điều này Bác Bồng nhi? TR.HOAI

    Trả lờiXóa
  6. Cái lũ vẹt được cho ăn và rồi lặp lại một cách máy móc, không phân biệt đúng sai, những gì người ta "dạy" chúng.
    Trước đây nhà tôi nuôi một con vẹt. Chúng tôi chỉ dạy cho nó chào khách, rất lễ phép. Nhưng từ khi tôi cho ông bạn chính con vẹt này, mỗi lần qua chơi, gặp lại nó, nó chửi tục kinh khủng. Ông bạn phân trần, vì hàng xóm có mấy đứa nhỏ quậy phá, chuyên dạy nó chửi thề, nên "tình hình nó xấu như vậy".
    Nay nó đã chết rồi, khỏi phải nghe và lặp đi lặp lại những lời bậy bạ mà nó không biết rằng mình "vẹt" lại một cách đần độn. Dù sao cầu cho linh hồn của nó được siêu thoát.
    Kiếp sau xin chớ làm vẹt,
    Cũng đừng làm cây huê đứng giữa trời mà bị "băm"!

    Trả lờiXóa
  7. Con màu đỏ là ca sĩ hát nhép hàng đầu Tp HCM

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết hay quá bác Bồng ơi.
    Tôi là người An Giang xin làm nhân chứng cho ông Nguyễn Minh Nhị.

    Giang Nam lãng tử

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết hay quá bác Bồng ơi.
    Tôi là người dân An Giang xin làm nhân chứng cho ông Nguyễn Minh Nhị.

    Giang Nam lãng tử

    Trả lờiXóa
  10. Mình thấy cái bệnh công thức này rất điển hình ở các bác trong bộ máy công quyền; những người như ông Nhị cũng có nhưng hiếm. Những người vì dân, được dân ghi nhớ công lao họ đều có tư tưởng tự do, suy tư độc lập, nói viết hay làm đều bằng cái đầu của mình, thậm chí có lúc họ tự phủ định mình nữa. Không ít người bị trả giá, nhưng họ thật đáng nể. Còn gặp những "con vẹt" trên TV là mình bấm "Mute" hoặc chuyển kênh. Không biết những người làm truyền thông có biết hiệu ứng ngược đó không.

    Trong khoa học công nghệ thì những "con vẹt" ít đất sống hơn. Đơn giản là vì những nhà khoa học đích thực đã gài vào bộ nhớ phương pháp suy nghĩ độc lập; khó mà gỡ ra được. Vì vậy họ cứng cổ, nói thẳng, "trực ngôn nghịch nghĩ". Ví dụ: Sông Tranh 2; Đồng Nai 6, 6A đấy. Vấn đề là người có trách nhiệm có dám nghe hay không. Không thì hỏng việc là cái chắc. Kонечно !.

    Trả lờiXóa
  11. hồi xưa thì có vậy, bây giờ khác rồi các bác ơi! hiện nay trên nói dưới không nghe, dưới nói trên cũng không nghe, quan nói dân không nghe, dân nói quan cũng không nghe, thầy dạy trò không nghe,cha mẹ nói con cũng không nghe,báo lề trái nói khác , báo lề phải nói khác,người nói đi biểu tình là yêu nước,người nói không phải,người khen, người được khen nói không cần.tòa xử nhẹ nói không nghiêm minh.xử nặng thì nói vậy là không đúng.chồng đi nhảy đầm nói văn minh vợ nói sa đọa, masa nói cho khỏe,người noi mại dâm trá hình.(rối quá)

    Trả lờiXóa
  12. bây giờ cán bộ vô gặp dân ở Cà Mau mịêt u minh ,năm căn về te t ua hết chứ nói theo còn lâu.

    Trả lờiXóa
  13. Cứ coi là bài viết của quý ông BVB là thật đi, trong cuộc chiến tiêu cực, cần công khai, minh bạch, liệu quý ông BVB có dám nêu tên thật của vị Phó ban tuyên giáo Thành uỷ nói trên không, chứ lại nói chung chung, chẳng khác có đồng chí X, lại vì lý do tế nhị, nhân văn nên giấu tên....Nếu không dám nêu ra thì bài này chỉ cũng chỉ là nói xuông, chẳng khác gì những bài viết, câu nói của lề phải mà các vị đả phá cả

    Trả lờiXóa
  14. Chuyện xưa như trái đất: trong Tam quốc chí có xếp loại: Nho tiểu nhơn và nho quân tử, bọn vẹt là bọn nho tiểu nhơn, thuộc rất nhiều câu của Mác Lê, Bác .... Đây là điểm đáng buồn cho giáo dục Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  15. La hoi truong hoi cha me hoc sinh cua mot truong tieu hoc o tp Ba Ria, co dip duoc du buoi tong ket nam hoc 2012 - 2013. sau khi mot hoc sinh lop 5, thay mat cho khoi 5 (hsinh cuoi cap 1) len phat bieu cam tuong. toi thay em cam 1 to giay va doc rat troi chay. toi biet do la thay co chuan bi bai phat bieu cho em nay chi viec len doc. cuoi buoi tong ket den luot vi pho chu tich phuong len phat bieu, toi cung thay vi pct cam mot to giay len doc, nhung lai ngac ngu khong troi chay bang em hoc sinh lop 5. toi nghi bai phat bieu cua vi pho chu tich cung la do thay co chuan bi cho va chi cam len doc. tuy nhien em hoc sinh lop 5 doc dien cam va troi chay hon. toi chot nho tren ti vi co tro choi truyen hinh "ai tgong minh hon hoc sinh lop 5". va rat nhieu nguoi lon thu hoc sinh lop 5. toi chot nghi, vi pho chu tich nay cung khong hon hoc sinh lop 5, tham chi la kem hon. HOANG HIEP

    Trả lờiXóa