Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Giàu, có tiền thì thoát tù; còn dân nghèo thì sao?

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề nghị tội phạm kinh tế nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ không bị phạt tù, nhưng bị rất nhiều Đại biểu Quốc hội phản đối.
Sáng 30/10, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Đáng chú ý, tại Điều 35 và Điều 36 dự thảo luật quy định theo hướng phạt tiền thay cho hình phạt tù với một số tội ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng…
Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Quyền
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
                                Ảnh: Tuổi trẻ
Bên lề kỳ họp sáng nay, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan điểm không đồng tình phạt tiền thay cho phạt tù: “Thứ nhất là việc này không quán triệt được tư tưởng trong cải cách tư pháp là chúng ta giảm các biện pháp phạt tù xuống.  Thứ hai là người dân sẽ cho rằng những người có tiền thì không phải đi tù, còn người nghèo không có tiền thì phải bắt vào tù”.
Như thế không đảm bảo công bằng.
“Trong xử lý hình sự, đảm bảo công bằng giữa các chủ thể là việc hết sức quan trọng. Quá trình áp dụng rất dễ phát sinh những kẽ hở. Quan điểm cá nhân của tôi là không đồng tình với việc chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù”, ông Quyền cho biết.
Cũng theo ông Quyền, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp được biết, ở một số nơi khi phát hiện hành vi tham nhũng mà chủ động khắc phục thì đình chỉ điều tra là sai pháp luật. 
Trong một số vụ án, Ủy ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra. Vì việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là để miễn trách nhiệm hình sự. 
Ông Quyền chia sẻ: “Cũng xuất phát từ thực tế thu hồi tài sản tham nhũng chiếm tỉ lệ rất thấp. Có một vấn đề là chúng ta đã mất người rồi (mất cán bộ rồi) chúng ta lại mất luôn tiền của Nhà nước. Một trong những điều mà pháp luật hình sự có thể góp phần vào việc thu hồi tài sản tham nhũng thì Bộ luật Hình sự có đưa ra quy định là: “khuyến khích chủ động khắc phục.
Một mặt đó là tình tiết giảm nhẹ nhưng chủ động khắc phục trước khi bị phát hiện thì có thể xem xét để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Đó là xuất phát từ tình hình thực tiễn là tỉ lệ thu hồi tài sản bị tham nhũng rất thấp”.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, nếu cho tội phạm kinh tế nộp tiền thay hình phạt tù là không hợp lý: “Ở đây, người phạm tội sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để nộp phạt, trong khi đó việc chứng minh người phạm tội thu lợi bất chính là rất khó khăn. Cho nên mức tiền phạt và mức thu lợi bất chính sẽ không đồng hợp, và người phạm tội sẽ sằn sàng tiếp tục phạm tội. Vì vậy không đảm bảo được tính răn đe của Bộ luật Hình sự, bản chất là hình phạt nghiêm khắc nhất.
Mặt khác, nếu quy định này được thực thi thì sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn về pháp luật để các cơ quan tiến hành tố tụng và người phạm tội lạm dụng.
Nhà nước có thể thu được một khoản tiền cho ngân sách, nhưng hậu quả pháp lý gây ra rất khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được.
Thí dụ, đó là các tội: Phá rừng, quản lý đất đai, trốn thuế... Vì vậy, tôi đề nghị không áp dụng hình phạt tiền với các tội nghiêm trọng về kinh tế”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như không phù hợp với chủ trương giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ theo định hướng cải cách tư pháp.
Không tử hình người phạm tội từ 75 tuổi trở lên
Qua lấy ý kiến nhân dân và thảo luận, nhiều ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội: Cướp tài sản (Điều 168); phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 304); chống mệnh lệnh (Điều 393); đầu hàng địch (Điều 398); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 420); chống loài người (Điều 421); tội phạm chiến tranh (Điều 422).
Một số ý kiến đề nghị, ngoài 7 tội như đề xuất của Chính phủ, đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình nếu đối tượng này phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc cầm đầu tổ chức, băng nhóm tội phạm nguy hiểm về an ninh quốc gia, tội phạm ma túy.
Đối với quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân (khoản 6 Điều 63) nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến. Một số ý kiến khác đề nghị vẫn quy định cho xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân sẽ làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt.
Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh một loại hình phạt mới (tù chung thân không giảm án), người bị áp dụng dễ nảy sinh tâm lý cực đoan, tiêu cực như chống phá trại giam, tự vẫn, bỏ trốn... vì không còn động cơ để cải tạo, phục thiện.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị người bị kết án tử hình được ân giảm xuống chung thân vẫn tiếp tục được xem xét giảm án khi đã chấp hành án phạt tù 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là tù ít nhất 30 năm. 
Ngọc Quang/GDVN
------------

8 nhận xét:

  1. Dọn đường cho đồng bọn hạ cánh an toàn. Quá hài...

    Trả lờiXóa
  2. Trước hết phải chỉ đích danh ai soạn thảo ra Luật hình sự này,phải chăng là những kẻ có tiền vì có lợi cho họ , thể như có tiền thì không đi tù, nhưng tiền lấy từ đâu ra?, rồi người trên 75 tuổi dù tham ô, tham nhũng đến mấy cũng không phải tử hình...họ chỉ lo cho số người đang có hành vi tham nhũng đang ở gần độ tuổi 75. Thật trớ trêu!

    Trả lờiXóa
  3. Một đứa trẻ ăn cắp triệu rưỡi bạc thì bị giam cầm tra tấn đánh đập đến chết. Còn đám quan chức có nhiều thằng trộm cắp hàng ngàn tỉ thì vô tội đúng là thể chế quái thai!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới "nghi" thôi. Chưa biết có ăn cắp hay không.

      Xóa
  4. Kinh tế thị trường định hướng .... tiền, không có tiền thì chết chứ sao (ra Hà Nội xem pháo hoa cho quên nghèo).

    Trả lờiXóa
  5. Cứ tham ô, tham nhũng mạnh lên, ào ạt lên các đ/c ta ơi ! Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, lọt ăn, không lọt bỏ tiền ra là thoát. Phẻ reeeeeeeee !

    Trả lờiXóa
  6. LUAT la Tao . TAO la LUAT. Ve ra du Li do Gam an va tha .Chu yeu la Rut kinh nguyet va xu li Noi bo.Chu ho dau ton trong phap luat nhu moi QG giay chet..Luat dung ra la phai ap dung cau : Vua pham phap cung nhat quyet xu nhu Thu Dan.,CS thi nguoc Lai

    Trả lờiXóa
  7. Chào bác Bồng. Cảm ơn bác cho đăng nhiều 'còm' để trao đổi, rộng đường dư luận. Tuy vậy có nhiều 'còm' viết chữ không dấu, viết hoa tùy tiện, câu cú lôm côm... làm cho người đọc bị ức chế và có cảm giác rất khó chịu. Bác có cách nào ngăn ngừa hiệu quả các loại 'còm' như trên thì bà con đọc trang này sẽ rất cảm ơn. Chúc bác mọi điều tốt lành.

    Trả lờiXóa