Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Cuộc cạnh tranh chi phối trật tự khu vực của Mỹ - Trung Quốc

Tầm nhìn về trật tự khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ là khác nhau. Với Trung Quốc thì đó là một trật tự dựa trên những khía cạnh văn hóa độc đáo của Châu Á và mang tính linh hoạt. Với Mỹ thì đó là trật tự dựa trên những cam kết và luật lệ chặt chẽ trên cơ sở mạng lưới đồng minh. Chính sự khác biệt này đã và đang dẫn đến những cạnh tranh giữa hai quốc gia.
Nằm trong loạt bài phỏng vấn với các chuyên gia và học giả nghiên cứu về sự trỗi dậy và cạch tranh nhằm thay đổi trật tự khu vực của Trung Quốc, bài phỏng vấn lần này với giáo sư Choo Jae-woo, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Kyung Hee trên Korea Herald sẽ bình luận về tầm nhìn trật tự khu vực của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong tương lai ở khu vực.
- Có phải Trung Quốc đang cố gắng thách thức trật tự hiện tại và xây dựng trật tự mới phù hợp với lợi ích của mình?
- Chúng ta cần xem xét riêng rẽ các vấn đề kinh tế và phi kinh tế. Xét tới trật tự kinh tế, Trung Quốc khó có thể bác bỏ các thể chế và trật tự hiện tại để xác lập cái mới. Cơ cấu quản trị của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) cũng tương tự như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhiều tổ chức khác. Điều này có thể là do Trung Quốc gặp khó khăn trong xác lập trật tự tài chính mới. Trong lĩnh vực thương mại, hệ thống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã xác lập chỗ đứng quá vững chắc nên khó có thể bị thay thế.
Về khía cạnh an ninh và quân sự, về dài hạn Trung Quốc có khả năng sẽ thách thức trật tự an ninh hiện tại. Khi xem xét vấn đề an ninh của Trung Quốc, không nên quên rằng Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Mặc dù Trung Quốc hiện tự coi mình là cường quốc biển song nước này từ trước đến nay vẫn luôn là cường quốc lục địa. Đối với cường quốc lục địa, cấu trúc và môi trường an ninh khu vực là hết sức quan trọng. Cường quốc lục địa cần có môi trường xung quanh ổn định để trỗi dậy một cách vững chắc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về Giấc mộng Trung Hoa, hàm ý việc Trung Quốc giành lại vinh quang trong quá khứ, nói cách khác là “đại chấn hưng dân tộc Trung Hoa”. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng đây đích thực là trật tự Trung Quốc đang hướng tới. Trung Quốc muốn tái thiết lập trật tự khu vực trong qua khứ. Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, người Trung Quốc đã nói rằng “các nhân tố bên ngoài” không được hiện diện tại khu vực. Các nhân tố bên ngoài trước đây có nghĩa là Nhật Bản và hiện tại là Mỹ. Trung Quốc từ lâu đã muốn thiết lập trạng thái ổn định trong cục diện an ninh khu vực, trong đó ưu tiên là trục xuất các nhân tố bên ngoài.
Mỹ đã duy trì sự hiện diện tại khu vực thông qua mạng lưới đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc từ lâu đã nhìn nhận tiêu cực về mạng lưới này như nhân tố chính gây mất ổn định trong khu vực. Tóm lại, Trung Quốc hướng tới trật tự an ninh khu vực Đông Á trong thế kỷ 21 không có “các nhân tố bên ngoài” và có thể do Trung Quốc dẫn dắt. Trong lĩnh vực kinh tế, sẽ cần tương đối nhiều thời gian để Trung Quốc thay đổi trật tự hiện hành, mặc dù có thể xuất hiện những chuyển biến nếu đồng Nhân dân tệ (NDT) được quốc tế hóa toàn diện.
- Đâu là những nguyên tắc về đối ngoại của Trung Quốc trong tiến trình hướng tới môi trường an ninh ổn định?
- Người Trung Quốc đã luôn nhắc đến môi trường an ninh khu vực từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhấn mạnh cần thiết lập “khu vực hòa bình” quanh Trung Quốc và trung lập hóa các nước láng giềng. Đây là lý do Trung Quốc đã tích cực tham gia Hội nghị Băng-đung năm 1955 và góp phần vào “Năm Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” được thông qua tại hội nghị này.
Trung Quốc, với tư cách cường quốc lục địa, cho rằng các thế lực bên ngoài sẽ trở thành nhân tố gây mất ổn định một khi xâm phạm vào khu vực hòa bình hoặc tác động tới các nước láng giềng. Điều này lý giải vì sao Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói rằng các vấn đề của Châu Á cần do người Châu Á giải quyết. Năm 2014, Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng khái niệm an ninh Châu Á mới tại hội nghị CICA với nội dung phù hợp với ý tưởng của Chủ tịch Mao. Một loạt các dự án hiện hành của Trung Quốc như “Một vành đai một con đường”, AIIB và Tổ chức Hợp tác Thương Hải (SCO) rõ ràng đang được thúc đẩy theo tầm nhìn và mục tiêu an ninh nêu trên của Trung Quốc.
- Có phải Trung Quốc vẫn đang theo đuổi mục tiêu xây dựng khu vực hòa bình như trong thập kỷ 50?
- Đúng vậy. Cả Trung Quốc và Mỹ luôn theo đuổi tầm nhìn về an ninh được khởi xướng từ thập niên 1950, thể hiện ngay trong các chiến lược hiện hành. Trung Quốc không thể hiện thực hóa tầm nhìn an ninh trong những giai đoạn trước đây do hạn chế về nguồn lực. Hiện tại, Trung Quốc đang hướng tới tầm nhìn này bằng những hành động cụ thể và thể hiện vai trò lãnh đạo, ví dụ qua việc kêu gọi thiết lập cấu trúc an ninh khu vực – một bước đi nhằm xây dựng khu vực hòa bình.
Mỹ cũng bắt đầu triển khai tầm nhìn an ninh từ thập niên 1950, bao gồm xây dựng phiên bản Châu Á của khối NATO. Chiến lược này tỏ ra không hiệu quả do các đồng minh không hành động như Mỹ trông đợi. Ngay cả Nhật Bản cũng không phát huy nhiều vai trò do bị ràng buộc bởi hiến pháp hòa bình do chính Mỹ áp đặt. Tuy nhiên, hiện tại Nhật Bản đã điều chỉnh hiến pháp với sự thúc đẩy bên trong của Mỹ.
- Có phải Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới những cấu trúc hoặc trật tư an ninh khu vực khác biệt?
- Chúng ta cần xem xét mô hình chủ nghĩa khu vực hai cường quốc này hướng tới. Mô hình của Trung Quốc mang tính mở, không ràng buộc pháp lý, dựa vào đồng thuận và không có chế tài. Thành viên của các cơ chế khu vực chỉ bao gồm các nước Châu Á do Trung Quốc muốn ngăn ngừa “các nhân tố bên ngoài”. Đây là điển hình của “Phương cách Châu Á”.
Mỹ có cách tiếp cận khác biệt. Mô hình chủ nghĩa khu vực của Mỹ có tính thể chế và pháp chế cao. Điều quan trọng với Mỹ là cấu trúc khu vực cần bao gồm các nước thành viên chia sẻ những giá trị chung như tự do và nhân quyền. Quá trình hoạch định chính sách mang tính chặt chẽ và có chế tài xử lý những vi phạm. Cấu trúc khu vực của Mỹ đòi hỏi mức độ cam kết cao từ các nước thành viên, trong khi mức độ cam kết trong mô hình của Trung Quốc có phần yếu hơn.
- Mục tiêu Mỹ và Trung Quốc hướng tới thông qua cấu trúc khu vực là gì?
- Nhiều người có thể quan điểm khác, song tôi cho rằng Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc. Nếu Mỹ chỉ muốn “kiểm soát” quan hệ với Trung Quốc thay vì kiềm chế, Trung Quốc sẽ vượt ra khỏi khả năng kiểm soát. Vì vậy, dường như Mỹ trước hết muốn kiềm chế Trung Quốc, sau đó mới kiểm soát quan hệ và can dự với Trung Quốc. Trong tiến trình này, Mỹ có vẻ muốn thay thay thế cấu trúc “trục – nan hoa” bằng hệ thống quan hệ đồng minh và cuối cùng là tạo dựng cấu trúc an ninh tập thể trên cơ sở cam kết từ các đồng minh.
Trung Quốc đang theo đuổi cấu trúc đa phương phù hợp với đặc trưng văn hóa Châu Á. Người Châu Á không thích bị kiềm chế hoặc buộc phải ứng xử trên cơ sở các quy định hoặc thủ tục pháp lý chặt chẽ. Văn hóa Châu Á nhấn mạnh sự linh hoạt và mềm dẻo.
- Trung Quốc đã tập trung triển khai ngoại giao láng giềng, thậm chí đã nhắc đến tầm nhìn về “cộng đồng chia sẻ vận mệnh chung”. Ý định của Trung Quốc là gì?
- Việc thiết lập cộng đồng phù hợp với chính sách theo đuổi khu vực hòa bình và trung lập theo năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Những nguyên tắc này đóng vai trò là nền tảng ý thức hệ đối với tầm nhìn về trật tự khu vực của Trung Quốc.
Bên cạnh những nguyên tắc trên, Trung Quốc đã đưa ra ba nội dung mới. Trung Quốc nói rằng thế giới là xã hội đa dạng, đa thành phần trên khía cạnh trình độ phát triển, văn hóa và hệ thống chính trị. Vì vậy, Trung Quốc nhấn mạnh cần coi trọng tính đa dạng và đa thành phần. Một nội dung khác Trung Quốc nhấn mạnh là tôn trọng lợi ích cốt lõi. Nội dung thứ ba là thế giới cần tìm kiếm những lợi ích chung để thúc đẩy cùng phát triển và thình vượng nhằm hướng tới cộng đồng chia sẻ vận mệnh. Những nội dung này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc muốn có những thay đổi trong thế kỷ 21, bao gồm thiết lập cấu trúc quốc tế mới hậu Chiến tranh Lạnh.
Ý định đằng sau cộng đồng chia sẻ vận mệnh liên quan trực tiếp tới quan niệm về an ninh của một cường quốc lục địa, với ưu tiên về sự ổn định trong khu vực lân cận trước khi mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Triết lý của đạo Khổng mô tả rõ ý định của Trung Quốc, đó là cần tu dưỡng bản thân, sau đó là quản lý gia đình rồi đến cai trị quốc gia và thế giới.
- Trung Quốc sẽ xử lý các tranh chấp tại Biển Đông như thế nào?
- Các bản tin truyền thông về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chủ yếu đề cập tới tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, các thách thức đối với vận tải biển hay “tự do hàng hải” theo cách gọi của Mỹ, cũng như nguồn tài nguyên tại các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, những thông tin này không phản ánh động cơ chính đằng sau hành động của Trung Quốc.
Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã có những trải nghiệm tiêu cực về vùng Biển Đông, khi các nhân tố bên ngoài can thiệp để kiểm soát và kêu gọi quyền tự do hàng hải tại đây. Từ giai đoạn Chiến tranh Nha phiến 1840-1842, các nhân tố bên ngoài, bao gồm Mỹ, đã đặt ra những yêu sách khi tiến vào lãnh thổ Trung Quốc và tiền lệ này xảy ra không chỉ một lần theo cách nhìn của Trung Quốc. Sau Chiến tranh Triêu Tiên, Mỹ đã tiến hành phong tỏa hàng hải kéo dài trong khoảng hai thập kỷ vào thời điểm Trung Quốc đang thực hiện tái kiến thiết, do đó có nhu cầu sử dụng đường biển để nhập khẩu năng lượng và nguyên vật liệu.
Đối với Trung Quốc, ký ức về sự can thiệp của các nhân tố bên ngoài bằng đường biển vẫn hiện hữu. Các nhân tố bên ngoài, với quyền tự do hàng hải, được cho là có thể vi phạm luật pháp mà không bị trừng phạt nhờ quyền miễn trừ. Vì vậy, Trung Quốc tỏ ra đặc biệt nhạy cảm đối với những tranh chấp trên biển do hệ lụy của các vấn đề lịch sử.
- Nhật Bản đóng vai trò gì trong tiến trình xây dựng trật tự khu vực phù hợp với lợi ích của Trung Quốc?
- Trung Quốc và Nhật Bản hiểu rõ nhau, nghĩa là hai bên đều nhận thức được những điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Điều thú vị là Trung Quốc có mặc cảm tự ti đối với Nhật Bản, và Nhật Bản cũng có đặc điểm tương tự.
Mặc dù Trung Quốc ủng hộ chính sách không liên kết, nước này đã từng thiết lập quan hệ đồng minh trong ba trường hợp, tất cả đều với Nga (và Liên Xô cũ). Hai trường hợp đầu nhằm kiềm chế Nhật Bản. Nhật Bản cũng có mặc cảm tự ti với Trung Quốc do những trải nghiệm lịch sử từ giai đoạn phong kiến.
Một điều thú vị nữa là chính các học giả Nhật Bản đã khởi xướng thảo luận về “mối đe dọa Trung Quốc” vào đầu thập niên 90, trong khi trước đó các học giả Trung Quốc đã đề cập đến “mối đe dọa Nhật Bản” vào thập niên 70. Khi đó, người Trung Quốc cảnh báo rằng Nhật Bản sẽ trỗi dậy về mặt quân sự nhờ có sức mạnh kinh tế. Hai thập kỷ sau đó, Nhật Bản đã châm ngòi cho các giả thuyết chống lại Trung Quốc với cùng một logic.
Những thực tế này cho thấy hai bên hiểu nhau quá rõ và cho rằng bên kia là mối đe dọa an ninh. Vì vậy, hai bên có thể sẽ thiết lập giới hạn mà họ không muốn vượt qua. Họ không thể vượt qua giới hạn này, xét đến cái giá phải trả và các hệ lụy kèm theo. Lịch sử cho thấy mỗi khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước, một bên sẽ phải chịu hậu quả hết sức nặng nề. Sau chiến tranh Trung - Nhật 1894, Trung Quốc đã suy sụp trong khi Nhật Bản cũng từng phải gánh chịu những tổn thất hết sức nặng nề sau phong trào kháng Nhật tại Trung Quốc từ năm 1937. Vì vậy, hai bên sẽ cố gắng không vượt qua giới hạn, cho dù mâu thuẫn song phương sẽ tiếp tục do sự đối địch lâu dài giữa Bắc Kinh và Tokyo. (NghiencuuBienĐong)
 
-------------

5 nhận xét:

  1. Cạnh tranh gì thì cạnh tranh,gì thì gì,nhưng chủ nghĩa cộng sản nhất định phải bị loại bỏ,VÌ,nó quá tàn độc,đi trái lại với nhân tính,nó tiêu diệt loài người quá man rợ,mầm độc của nó 1000 năm chưa rửa sạch !

    Trả lờiXóa
  2. Lịch sử của TQ là lịch sử chiếm đất của người khác.
    Gần 100 năm nay, ĐCS TQ phát huy "truyền thống" đó dưới khẩu hiệu mỹ miều hơn là QUỐC TẾ CỘNG SẢN.
    Thối nát
    Xưa cũ
    Man rợ
    TQ vẫn là bọn sống mông muội như thú dữ

    Trả lờiXóa
  3. 2 ông bạn Nặc danh 16:46 & Ghêt Tàu Khựa 17:55 nói rất chính xác !

    Trả lờiXóa
  4. Cạnh tranh là sao? Người TQ lũ lượt chạy qua Mỹ!

    Trả lờiXóa
  5. Bành trướng chiếm đất,chiếm biển bằng những khái niệm vùng nước lịch sử trời ơi chứ cạnh tranh gì?

    Trả lờiXóa