Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Thế kỷ XIII, Nhật - Việt chiến thắng giặc Nguyên

CUỘC CHIẾN THẮNG MÔNG-CỔ LỪNG DANH THẾ GIỚI  VÀO THẾ KỶ XIII CỦA HAI DÂN TỘC: NHẬT-BẢN VÀ VIỆT- NAM
* GS. LÊ KIM NGÂN
Cứ mỗi năm vào dịp Tết Nguyên-đán, người Việt-nam chúng ta lại nhớ tới chiến công oanh liệt của vị anh hùng Nguyễn Huệ đã phá tan 20 vạn quân Thanh, cứu nước ta khỏi nạn xâm lăng của người phương Bắc. Vào dịp này đã có nhiều bài báo nói tới chiến công này.
Nhân đây chúng tôi xin nhắc lại một chiến công lừng danh thế-giới của dân tộc ta vào thế-kỷ XIII chống lại cuộc xâm lăng của Mông-cổ.  Chúng ta hãnh diện dùng chữ "lừng danh thế-giới" là vì, vào thời-đại này quân Mông cổ đã tiến quân xâm lăng rất nhiều quốc-gia trên thế-giới từ Á-châu tới Âu-châu.  Không một nươc nào trên thế-giới cản được bước tiến quân của đoàn quân Mông-cổ.  Chỉ có hai nước đánh bại được quân Mông-cổ, bảo tồn được nền độc lập của họ là Việt-nam và Nhật-bản.
Nói tới cuộc chiến thắng oanh-liệt này, một số người Việt-nam nghĩ rằng chỉ có Việt-nam mới là nước độc nhất chiến thắng quân Mông-cổ vào thời-gian này.  Thực ra, không phải vậy.  Cùng chiến thắng đoàn quân bách chiến bách thắng của Mông cổ với chúng ta vào thời này, còn có dân-tộc Nhật-bản.  Tài liệu về cuộc chiến thắng này của nước Nhật rất nhiều và rất phổ-biến.  Các bạn nếu muốn tìm hiểu về cuộc chiến thắng này của người Nhật, có thể tới các thư-viện tại Canada, tại Hoa-kỳ..., tìm mục "Lịch-sử Nhật-bản" (History of Japan).  Cuộc chiến thắng Mông-cổ của người Nhật vao thế-kỷ XIII như thế nào ? So với Việt-nam, cuộc chiến thắng này tương-đồng và dị biệt ra sao?
Bài này sẽ gồm 3 phần:
I.  Cuộc chiến thắng quân Mông-cổ của Nhật vào thế-kỷ XIII
II.  Cuộc chiến thắng quân Mông-cổ của Việt-nam vào thế-kỷ XIII
III. Nhận-định tỉ giảo (so sánh hai cuộc chiến thắng này)
Cuộc chiến thắng quân Mông-cổ của Nhật-bản vào thế-kỷ XIII.

Tàu Nhật Bản tại cảng Cam Ranh (Việt Nam) 11-2015
Vào thế-kỷ XIII, quân Mông-cổ đã hai lần đổ bộ xâm lăng Nhật-bản: lần thứ nhất vào năm  1274 và lần thứ hai vào năm 1281.
1.      Cuộc xâm-lăng của quân Mông-cổ lần thứ nhất (1274)
Vào năm 1268, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, là Hốt Tất Liệt (Khubilai), là vua nhà Nguyên, sai đặc sứ sang Nhật, đòi phải đầu hàng, nếu không thì sẽ có chiến-tranh.  Bấy giờ thực quyền tại Nhật nằm trong tay phủ Tướng quân Hojo tại Kamakura.  Tướng quân Hojo Tokimune bác bỏ sự đe dọa của vua Mông-cổ, ra lệnh đuổi sứ-giả Mông-cổ về nước, và chuẩn bị chiến sự và quân tình để đối phó với đoàn quân Mông-cổ.
Vào tháng 11 năm 1974, hạm đội Mông-cổ gồm 450 chiến thuyền và 25,000 quân Mông-cổ và Cao-ly (theo LEONARD, 61, thì trong số này có 15,000 quân Mông-cổ) đổ bộ lên hai đảo nhỏ của Nhật là Tsushima và Iki.  Quân Nhật trú đóng tại đây đã anh dũng chiến đấu và bị giết chết hết.  Sau đó, hạm đội Mông-cổ đổ bộ lên bờ phía bắc của vịnh Hakozaki(cũng viết Hakata) ở phía Bắc của đảo Kyushu (MORTON, 72).
Quân Mông-cổ là đoàn quân thiện chiến, có kỹ-thuật rất cao trong việc điều động và tấn công bằng đoàn kỵ mã, lại sử dụng những cỗ máy phóng đá phóng  những bom lửa để công phá thành trì, trong khi đó, quân Nhật chỉ có kiếm và cung tên để chống đỡ với đoàn quân Mông-cổ hung bạo và tân tiến này(JANSEN, 112). Tuy nhiên, với lòng ái quốc mãnh liệt, với tinh thần chiến đấu quyết-liệt, không quản mạng sống để bảo-vệ sứ sở, quân Nhật đã cầm chân được một phần nào bước tiến quân của quân Mông-cổ.
Khi màn đêm phủ xuống, quân Nhật rút lui vài dặm, núp vào những công sự đã xây dựng bằng đất trước kia để chờ chống cự lại những đợt tấn công sắp tới vào ban ngày của quân Mông-cổ.  
Đêm đó, một trận bão nổi lên, làm đắm nhiều chiến thuyền của Mông-cổ, và nhiều quân binh Mông-cổ và Cao-ly bị chết đuối trong trận bão này.  Theo lời khuyên của các thủy thủ Cao-ly, quân Mông-cổ bèn rút chiến thuyền về.
Như vậy, trong trận xâm lăng này, quân Mông cổ mới chỉ đánh nhau với quân Nhật có một ngày, rồi vì bị bão mà phải rút quân về.
Sau trận thất bại này ít lâu, Hốt Tất Liệt lại sai sứ sang Nhật, ra lệnh cho vua Nhật phải sang chầu tại Bắc-kinh.  Đây là một tối hậu thư.  Tướng quân Nhật cương quyết bác bỏ yêu sách của Mông-cổ, lại còn cắt đầu sứ-giả Mông-cổ.  
Biết rằng làm như vậy thì thế nào vua Mông-cổ cũng sẽ cử quân sang đánh nước Nhật nữa, nên Tướng quân Nhật đã động viên tinh thần quân dân Nhật sẵn sàng chờ đợi cuộc tấn công thứ hai của quân Mọng-cổ.  Và đồng thời Tướng quân Nhật ra lệnh xây một bức tường đá bao quanh vịnh Hakozaki, nơi dự đoán là quân Mông-cổ sẽ đổ bộ.  Nhật cũng cho làm rất nhiều chiến thuyền nhỏ, dễ dàng lưu động để đối phó với những chiến thuyền lớn của Mông-cổ.
Quả nhiên, 5 năm sau, quân Mông-cổ lại qua xâm lăng Nhat-bản.
2.      Cuộc xâm lăng Nhật-bản của Mông-cổ lần thư nhì (1281).
Vào năm 1281, vua nhà Nguyên Hốt Tất Liệt sai một hạm đội lớn nhất từ trước tới giờ tại Nam Hải, gồm 150,000 quân, trong đó có 50,000 quân Mông-cổ và 100,000 quân Trung-hoa, chiến thuyền lên tới trên một ngàn chiếc, tiến vào nước Nhật.
Vào tháng 6 năm 1281, những toán quân Mông-cổ đầu tiên đổ bộ lên nhiều bờ biển phía bắc của vịnh Hakozaki, kể cả nơi có bức tường chống đỡ tại vịnh Hakozaki. Toán thứ hai đổ bộ về phía tây sau đó ít lâu.  Với tinh thần liều chết bảo vệ tổ quốc, quân Nhật lập tức tấn công quân Mông-cổ.  Những chiến thuyền nhỏ của Nhật đã gây nhiều thiệt hại cho chiến thuyền Mông-cổ.  Những thủy quân Nhật đã liều mạng xông lên các chiến thuyền chuyên chở vũ khí và máy phóng đá của Mông-cổ, đốt phá chúng. Những cỗ máy bắn đá và phóng bom lửa của Mông-cổ đã làm kinh hoang thế-giới vào thế-kỷ XIII này, đã bị quân Nhật làm cho vô hiệu (LEONARD,63).
Toàn nước Nhật đã sôi sục lửa căm hờn và tinh thần chiếu đấu rất cao độ.  Đại quân Nhật đã được huy động lao vào cuộc chiến.  Các vị lãnh-đạo hiệp-sĩ tranh nhau tiến ra chiến trường.  Vua Nhật chủ trì công việc cầu nguyện, ngày đêm cầu khẩn trong các đền thờ Thần-đạo và các chùa Phật-giáo.
Quân Nhật sau sự khích-động trong cuộc tấn công khởi đầu của quân Mông-cổ, đã lấy lại được ưu thế trong việc trường-kỳ kháng chiến (LEONARD, 63).  Đoàn quân tiếp viện khắp nước Nhật tiếp tục đổ vào chiến trường, khiến cho quân Mông-cổ không thể tiến thêm được bước nào trên đảo Kyushu .
Cuộc chiến kéo đã kéo dài hơn 50 ngày, từ tháng sáu tới tháng tám.  Bất thần một trận bão khủng khiếp đã xẩy ra trong hai ngày 15 và 16 tháng tám.  Khi trận bão chấm dứt, người ta thấy hầu hết chiến hạm của Mông-cổ bị đánh đắm, gần hết thủy thủ đoàn bị chết đuối.  Đoàn quân Mông-cổ trú đóng trên đảo mất hết tinh thần, đã bị quân Nhật tiến ra giết chết gần hết.
Trận bão này được người Nhật gọi là "trận gió thần" (kamikaze) đã xuất hiện để đáp ứng lời cầu nguyện của toàn dân Nhật.Trận bão thần này đã chấm dứt cuộc xâm lăng thứ nhì của quân Mông-cổ trên đất Nhật.
Sau đây chúng ta thử ngược dòng lịch-sử Việt-nam để ôn lại tranh sử oai-hùng của tiền nhân chúng ta đã chiến thắng quân Mông-cổ như thế nào.
Cuộc chiến thắng quân Mông-cỏâ của Việt-nam vào thế-kỷ XIII.
Vào thế-kỷ XIII, quân Mông-cổ đã sang xâm lăng nước ta cả thẩy ba lần:
- lần thứ nhất vào năm 1257
- lần thứ hai vào năm 1284
- lần thứ ba vào năm 1287
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani thăm vùng 4 Hải quân 
tại quân cảng Cam Ranh
1. Cuộc xâm lăng của Mông-cổ vào Việt-nam lần thứ nhất (1257)
Vào năm 1257, tướng Mông-cổ là Ngột-lương-hợp-thai (Wouleangotai) sai sứ sang dụ vua Trần Thái-tông về thần-phục Mông-cổ. Vua Thái-tông không chịu, bắt giam sứ-giả Mông-cổ và sai Trần Quốc Tuấn đem binh lên miền Bắc chống giữ.
Từ Vân-nam (Trung-hoa), Ngột-lương-hợp-thai tiến quân vào nước ta.  Trần Quốc Tuấn quân ít, không cản được quân Mông-cổ, phải lui quân về đóng ở Sơn-tây. Vua Trần Thái-tông phải ngự giá thân chinh, cũng không chống nổi với quân Mông-cổ, phải bỏ kinh-đô Thăng-long, chạy về Thiên-mạc (Hưng-yên).
Từ đó quân nhà Trần tránh dụng độ với quân Mông-cổ ngõ hầu bảo toàn lực lương, chờ cơ-hội mới ra quân.  Quả nhiên, ít lâu sau, quân Mông-cổ không quen thủy thổ nước ta, bị mỏi mệt (TRẦN TRỌNG KIM, 127).  Biết vậy, vua Thái-tông mới tiến binh lên đánh ở Đông-bộ-đầu (phía đông sông Nhị-hà, thuộc huyện Thượng-phúc).  Quân Mông-cổ thua to, phải rút về Vân-nam.
2.      Cuộc xâm lăng lần thứ nhì của quân Mông-cổ vào nước ta (1284)
Năm 1277, Thái-thượng-hoàng (tức vua Trần Thái-tông) mất.  Năm sau, vua Thánh-tông nhường ngôi cho Thái-tử Khâm, lên làm Thái-thượng-hoàng.  Thái-tử Trần Khâm lên ngôi, tức là vua Trần Nhân-tông.
Vua nhà Nguyên nghe tin này, bèn sai sứ-giả Sài Thung sang nước ta hạch hỏi sao không xin phép vua nhà Nguyên về việc lập vị, và buộc vua Trần Nhân-tông phải qua chầu hầu vua nhà Nguyên. Vua Trần từ chối và sai người chú họ là Trần Di Ái sang chầu vua Nguyên thay cho mình.  Vua Nguyên không chịu, lại phong cho Trần Di Ái làm An-nam Quốc-vương, sai Sài Thung đem 1000 quân đưa bọn Trần Di Ái về nước.  Vua Trần Nhân-tông liền sai tướng dẫn quân lên ải Nam quan, đón đường đánh quân Nguyên. Sài Thung bị trúng tên mù mất một mắt, bỏ chạy về Tàu; còn bọn Trần Di Ái bị bắt, phải chịu tội đồ làm lính. Được tin này, vua nhà Nguyên tức giận, bèn phong cho con là Thoát Hoan làm Trấn-Nam-vương, cùng với các tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi, thống lĩnh 50 vạn quân, giả tiếng mượn đường nước ta để đi đánh Chiêm-thành. Vua Trần Nhân-tông bèn hội các bô lão tại điện Diên-hồng để hỏi ý-kiến dân nên hoà hay nên đánh. Các bô-lão đồng thanh xin đánh. Từ đó toàn dân tòan quân nước ta dốc lòng sửa soạn nghênh chiến với quân Mông-cổ.
Hưng-đạo-vương Trần Quốc Tuấn chia binh đóng đồn để chặn bước tiến của quân Mông-cổ.  Nhưng các đồn ải đóng quân của nhà Trần đều bị quân Mông-cổ phá vỡ.  Hưng-đạo-vương bèn thu thập quân binh, được hơn 20 vạn, lập chiến tuyến tại Vạn-kiếp. Thoát Hoan tiến đánh Vạn-kiếp, quân ta không chống nổi, phải bỏ chạy.  Những trại phía nam ngạn sông Hồng của quân ta cũng bị súng đại bác của quân Mông-cổ bắn phá tan tành, quân sĩ khiếp sợ phải bỏ chạy hết (TRẦN TRỌNG KIM, 143). Thoát Hoan thẳng đường tiến vào kinh đô Thăng-long của nhà Trần. Vua tôi nhà Trần phải bỏ kinh thành chạy giặc.
Đạo quân thứ hai của quân Mông-cổ là quân thủy do Toa Đô chỉ huy, tiến vào đánh Chiêm thành, nhưng quân nước Chiêm giữ vững các nơi hiểm yếu, Toa Đô đánh mãi không được, bèn quay ra chiếm đánh Nghệ-an. Quan trấn-thủ Nghệ-an của nhà Trần là Trần Kiện đem cả nhà ra hàng quân Mông-cổ.
Biết rằng đương trường lập thành chiến trận đối địch với quân Mông-cổ thì sẽ bị đánh bại, Trần Hưng Đạo vương bèn rút vào thế đánh du-kích, chia quân ra lập thành những đồn trại nhỏ, luôn luôn tập kính quân Mông-cổ rồi rút lui, để chờ mùa hè tới, và chờ tới khi quân Mông-cổ cạn lương, tinh thần sa sút, thì mới xuất đại quân đánh phá.
Quả  nhiên ít lâu sau đó, quân Toa Đô luôn bị quân Trần Quang Khải phục kích, Toa Đô đánh mãi không được, mà lương thực thì mỗi ngày một cạn. Toa Đô bèn cùng Ô Mã Nhi kéo thủy quân ra Bắc để hợp cùng quân Thoát Hoan.  Được tin này vua Nhân-tông liền sai Trần Nhật Duật  đem quân chặn đánh Toa Đô, không để cho Toa Đô kéo ra Bắc hợp với quân Thoát Hoan.  Bấy giờ tinh thần quân Mông-cổ đã sa sút, lại thêm lam sơn chướng khí cùng cái nóng ghê người  vào mùa hè của miền Bắc Việt-nam làm cho chúng bị mỏi mệt, không còn tinh thần chiến đấu nữa. Do đấy Trần Nhật Duật đã đánh bại Toa Đô, khiến Toa Đô không tiến quân ra Bắc được nữa, phải lui về đóng ở cửa Thiên-trường.
Thừa thắng, vua Trần Nhân-tông sai Trần Quang Khải kéo binh ra Bắc, tiến đánh Thoát Hoan.  Thoát Hoan bị đại bại, phải bỏ thành Thăng-long rút về Kinh-bắc.
Toa Đô từ Thiên-trường lui về đóng quân tại Tây-kết, hy-vọng liên lạc được với Thoát Hoan, nhưng liền đó Toa Đô bị quân ta tiến đánh.  Toa Đô bị trúng tên chết. Ô Mã Nhi phải một mình lẻn xuống một chiếc thuyền nhỏ chạy thoát về Tàu.
Được tin Toa Đô tử trận, Ô Mã Nhi đã chạy trốn về Tàu, quân sĩ lại bị mắc bệnh dịch-tễ chết hại khá nhiều, Thoát Hoan buộc phải ra lệnh rút quân về nước.  Hưng Đạo-vương biết vậy, liền sai các tướng phục binh trên đường rút quân của quân Mông-cổ, đánh phá chúng tan tành. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để lên xe kéo chạy mới thoát được tên bắn của quân ta.
Bấy giờ nhà Nguyên đang sửa soạn  chiến thuyền định đưa sang đánh Nhật-bản lần thứ ba.  Thấy bọn Thoát Hoan thua chạy trở về, vua nhà Nguyên tức giận, ra lệnh đình chỉ việc đánh Nhật, cho đóng thêm 300 chiến thuyền nữa để sửa soạn sang ta đánh báo thù (TRẦN TRỌNG KIM, 151-152).
3.      Cuộc xâm lăng của quân Mông-cổ vào nước ta lần thứ ba (1287).
Năm 1287, vua nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan qua Việt-nam xâm lăng.  Thoát Hoan phá vỡ chiến tuyến của quân nhà Trần tại Vạn-kiếp, tiến lên đánh Thăng-long.  Lần này Trần Hưng Đạo-vương giữ vững được kinh-thành Thăng-long, không để lọt vào tay quân Mông-cổ.  Đánh không được Thăng-long, Thoát Hoan lui quân về trấn đóng tại Vạn-kiếp.  Đóng mãi tại Vạn-kiếp, quân Mông-cổ dần dần cạn lương.  Thoát Hoan bèn sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân ra cửa bể Đại-bàng (thuộc tỉnh Hải-dương) để đón thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Được tin này vua Trần cử Trần Khánh Dư chặn đường Ô Mã Nhi, nhưng bị quân Ô Mã Nhi đánh tan. Tuy nhiên sau đó Trần Khánh Dư đã thành công trong việc cướp phá thuyền chở lương-thực của Trương Văn Hổ.
Bấy giờ mùa hè lại sắp tới. Quân Mông-cổ sẽ phải chịu cái nóng bức khó chịu của nước ta, phần lại không còn lương thực dự-trữ nữa, nên phải tính kế rút quân.
Quân Mông-cổ chia làm hai đường rút quân: mặt thủy thì do Ô Mã Nhi chỉ huy, theo ngả sông Bạch-đằng rút về trước, mặt bộ sẽ để cho Trình Bằng Phi chặn hậu tính sẽ rút về sau. Được tin này, Hưng-đạo-vương liền sai Nguyễn Khoái dẫn binh lẻn đường tắt tới mé thượng-lưu sông Bạch-đằng cắm cọc giữa dòng sông, rồi phục binh chờ đến khi nước thủy triều lên che hết cọc, thì đem quân ra khiêu chiến, nhử cho quân Mông-cổ đuổi theo qua chỗ cọc đóng, mới quay lại đánh.
Trên đường rút quân qua ngả sông Bạch-đằng, Ô Mã Nhi bỗng thấy chiến thuyền quân ta do Nguyễn Khoái dẫn đầu kéo đến đánh.  Ô Mã Nhi liền thúc thuyền đánh đuổi.  Bấy giờ nước thủy triều lên, che hết đám cọc giữa dòng sông. Chờ cho chiến thuyền quân Mông-cổ đuổi theo thuyền quân ta, qua bãi cọc rồi, Nguyễn Khoái mới ra lệnh cho quân ta quay thuyền lại  đánh quân Mông-cổ.  Vừa lúc đó đại quân của Hưng-đạo-vương kéo tới tiếp viện. Quân Mông-cổ thấy thế-lực quân ta đông, mạnh, bèn quay thuyền bỏ chạy, tới chỗ khúc sông có đóng cọc, thì nước thủy triều vừa rút xuống, thuyền quân Mông-cổ bị vướng mắc vào bãi cọc, đắm vỡ rất nhiều.
 Các tướng Mông-cổ là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị quân ta bắt sống. Được tin thủy quân đã bị phá tan, Thoát Hoan liền đi đường bộ bỏ chạy.  Trên đường tháo chạy, quân Mông-cổ bị quân ta phục kích,các tướng và quân binh của Mông-cổ bị giết khá nhiều. Thoát Hoan chạy thoát về Tàu. Từ đó quân Mông-cổ không còn sang quấy nhiễu dân ta nữa.
Nhận-định tỉ giảo
So sánh hai cuộc chiến thắng quân Mông-cổ của dân tộc Việt-nam và Nhật-bản, chúng ta có những nhận định sau đây:
(1) Cả hai nước đều sử-dụng lợi-khí thiên thời làm khí giới tối hậu để đánh bại quân Mông-cổ:
- Người Nhật vốn biết rằng vào tháng tám là mùa bão tại bể Nhật-bản. Bởi vậy họ đã liều chết giữ vững chiến tuyến ngay gần bờ biển, không để cho quân Mông-cổ tiến sâu vào nội địa.  Như thế hậu tuyến của quân Mông-cổ vẫn phải đặt trên các chiến thuyền đậu trên mặt biển.  Nếu để cho quân Mông-cổ tiến sâu vào nội địa, thì họ có thể thiết trí các đồn quân trên đất liền, khi bão đến, sự thiệt hại của họ sẽ không là bao nhiêu.  Vì bị chặn ngay tại bờ biển,  nên đại quân Mông-cổ vẫn phải sử-dụng các chiến thuyền làm chỗ trú quân.  Bởi vậy khi gặp bão, thuyền đắm, quân lính mới bị chết đuối nhiều.
- Chiến lược của quân ta lại khác.  Khi thấy không cản được bước tiến của đoàn quân dũng mãnh Mông-cổ, Hưng-đạo-vương bèn bỏ ngỏ đất nước cho quân Mông-cổ tiến vào sâu trong nội địa, và chuyển qua đánh du-kích làm tỏân-hao lực lượng của địch quân, và chờ tới mùa hạ khí trời nóng bức và bệnh dịch hoành hành sẽ làm quân địch hao mòn cả tinh thần lẫn vật-chất. Bấy giờ quân Mông-cổ sẽ phải tính kế rút lui.  Khi địch rút lui, thì quân ta xuất hiện đuổi theo đánh giết địch. Cả hai lần đại phá quân Thoát Hoan của Trần Hưng-đạo-vương đều theo chiến lược này.
(2) Khi đánh Nhật-bản, quân Mông-cổ phải sử dụng tới các chiến thuyền, đây là một nhược điểm của quân Mông-cổ.  Quân Mông-cổ mạnh là nhờ kỹ-thuật sử-dụng kỵ-binh.  Nên khi tới bờ biển Nhật, kỵ binh Mông-cổ không phát huy được toàn khả-năng ưu thế của nó.  Trái lại tại Việt-nam, kỵ binh Mông-cổ tung hoành rất mạnh. Do đấy, quân ta đã khó thể khống chế được sức tiến vũ bão của đoàøn kỵ binh Mông cổ trên chiến-trường nước ta. May mắn chúng ta có được thiên-tài quân sự Trần Hưng-Đạo đưa ra chiến thuật du-kích, dùng nhu thắng cương, mới đánh đuổi được quân Mông-cổ, một nước ngay sát ta.
KẾT-LUẬN
Năm 1976, trên đường tị-nạn Cộng-sản, tôi được tầu Nhật vớt, đưa về Đông-kinh.  Tại đây, chúng tôi gặp một số nhà nghiên cứu lịch sử Nhật-bản. Họ nói rằng: trước kia, người Nhật vẫn cho rằng chỉ có dân-tộc Nhật mới là nước duy nhất trên thế-giới đánh bại được đoàn quân bách chiến bách thắng Mông-cổ. Nhưng vào cuối thế-kỷ XIX, họ tình cờ có được bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Việt-nam. Do cuốn này họ mới biết rằng ngoài họ, còn có dân-tộc Việt-nam chiến thắng được quân Mông-cổ.
Tưởng cũng nên ghi chú rằng: bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư khởi đầu do Lê Văn Hưu, một sử gia đời Trần (1225-1440) biên soạn. Đến đời Lê Thánh-tông (1460-1497), Ngô Sỹ Liên được lệnh vua Lê tăng bổ và khảo đính lại, và sau cùng, vào thời Lê Trung-hưng, các sử thần nhà Lê duyệt lại và tục biên, đến năm 1697 thì hoàn tất và cho in.Vào cuối thế-kỷ XIX, một bản chép tay của bộ Đai Việt Sử Ký Toàn Thư này lọt vào nước Nhật.   Một người Nhật là Ông Hikida Toshiaki đã cho in cuốn này vào năm 1884, và từ đó cuốn này được phổ-biến trên thế-giới.
Gs. LKN/HungsuViet.us
-------------------
SÁCH THAM KHẢO:
- JANSEN, Marius B.  and SMOTH, Bradley , JAPAN, A History In Art,  Gemini Inc. Hongkong, 1994 LEONARD, Jonathan NORTON, Early Japan, Time-Life Books, New York, 1968MORTON, Scott W. , JAPAN, Its History and Culture, McGraw-Hill Book Company,  New York,1984.
- NGÔ SĨ LIÊN và CÁC SỬ THẦN TRIỀU LÊ, Đại Việt Sử-ký Toàn Thư, bản in của  HIKIDA TOSHIAKI, Tokyo,  1884.
- TRẦN TRỌNG KIM, Việt-Nam Sử Lược, Trung-tâm Học liệu, Saigon, 1971.
(http://www.hungsuviet.us/Links/MongCoLeKmNgan.html)
------------

6 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 07:31 8 tháng 11, 2015

    Cám ơn Nhà báo, Đại tá Bùi Văn Bồng.
    Nhật bản và Việt Nam là hai nước đánh bại được quân Nguyên Mông lúc chúng đã chiếm được Trung Nguyên ( TQ ) và đã tràn sang một số nước Châu Âu. Còn một số bài viết khác Người Nhật đã ghi nhận công lao của Đức Trần Hưng Đạo đã có công lớn giúp người Nhật tránh được họa xâm lăng của quân Mông Cổ.

    Chỉ có nhà nước Cộng sản TQ lại hết lời ca ngợi Đế quốc Mông Cổ và coi Thành Cát Tư Hãn là anh hùng của mình. Họ không những dựng phim ca ngợi mà còn làm nhiều điều xằng bậy khác

    Nhân nói đến Nguyên Triều.
    Tôi muốn nhắc lại Tuyên bố của Bộ ngoại giao TQ ngày 8/2/2014 về Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc TQ từ thời Nhà Tống.
    Đây là chuyện bịa đặt hoàn toàn.

    Vào thế kỷ 12, Đế quốc Nguyên Mông xâm lược Trung Nguyên, Nhà Tống tan rã.
    Tàn quân nhà Tống kéo nhau sang lánh nạn trên đất Đại Việt.

    Năm 1284 Quân Nguyên sang đánh nước ta lần thứ 2, họ lấy cớ "Mượn đường" đi đánh Chiêm Thanh để đánh chiếm nước ta.
    Nếu lúc ấy các quần đảo NAM SA TÂY SA đã là của Nhà Tống mà họ chiếm được, tại sao họ không đi BẰNG ĐƯỜNG BIỂN để đánh Chiêm Thành mà lại "Mượn đường" qua đất ĐẠI VIỆT?

    Câu trả lời là vào thời điểm đó, đất Trung nguyên của người Hán còn bó hẹp ở phía Tây Bắc TQ, nhờ có quân Nguyên Mông khai phá họ tràn xuống phía Nam và ra gần biển, nhưng họ chưa có Hải quân, họ chưa có khái niệm về các quần đảo NAM SA TÂY SA như họ nói hôm nay.....

    Còn các chứng cớ?
    Họ bịa đặt hoàn toàn.

    Thậm chí ngay cả Triều Thanh ở thế kỷ 18, 19 cũng chưa có quyền về các quần đảo này?
    Tất cả các tài liệu này, tại Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha..và cả thế giới đều đã có

    Trả lờiXóa

  2. Nhắc tới chuyện xưa thấy buồn thêm . Trận đánh của Nhật đâu có trực diện , đánh cho tan tác , cho chui ống đồng như VN .
    Một truyền thống hào hùng , hãnh diện được tạo từ bao xương máu của tiền nhân , kéo dài hàng ngàn năm , nay đã biến mất .
    Chỉ còn lại cái tiếng tăm văng vẳng rất xa xăm , còn thực tế ngày nay thì hầu như không còn nữa .
    Bằng chứng ngày nay học trò Trung Học không hiểu nhiều về Lịch Sử , Truyền thống dân tộc .
    Mà họ chỉ biết ở VN có 1 người Tướng trong 10 danh tướng lừng danh nhất trong lịch sử loài người . Đó là ông Tướng của nhà nước CS VN :
    http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1307808
    Đáng tiếc , vì thời đại internet , nên người ta dễ biết thêm có ông tướng bên Tàu viết sách bảo là chính ổng mới là người có công đánh Pháp . Không biết ông đó là ai trong 3 ông : Vi Quốc Thanh , Lã Quý Ba , Trần Canh , có mặt trong trận Điện Biên Phủ .
    https://www.facebook.com/phuc.vo.583/posts/596407037133740?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NV-Facebook+(Facebook)

    Thực tế VN ngày nay là 1 bộ phận không thể tách rời của TQ , 2 Đảng tuy 2 mà một :

    "Âu đành quả kiếp nhân duyên,
    "Cũng người một hội, một thuyền đâu xa!

    Cú lừa quá tuyệt vời , thành công quá mỹ mãn , chỉ bằng lợi dụng truyền bá CNCS , Tàu đang thu tóm VN ở giai đoạn chót , không còn lối thoát .
    Lần này thì thành công hơn lần của Trọng Thủy , Mỵ Châu .

    Trả lờiXóa
  3. lòng tham khó đổi, thậm chí chờ cơ hội đánh đến 3 lần, khó mà tin vào mấy chữ tốt , chữ vàng

    Trả lờiXóa
  4. Nhật-Việt lần này tập trung đánh cho Tập chạy mất dép đi, buộc hắn phải đầu hàng đau đớn ê chề hơn quân Nguyên ngày xưa:
    Việt Nam đồng ý cho tàu chiến của Nhật Bản ghé quân cảng Cam Ranh để được tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm hoặc sửa chữa. Ngoài ra hải quân hai nước cũng sẽ tham gia diễn tập chung trên biển. Vấn đề này mang ý nghĩa gì đối với Việt Nam trong sách lược Biển Đông của mình.
    Thỏa thuận vừa đạt tới vào hôm thứ sáu 6/11/2015 tại Hà Nội trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Theo Reuters, việc tàu chiến Nhật sắp tới ra vào quân cảng Cam Ranh, khá gần với vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa có thể làm Trung Quốc khó chịu. Mới đây Hoa Kỳ đã đưa tàu chiến máy bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không ...

    Trả lờiXóa
  5. Dân tộc anh hùng kháng quân Nguyên thì cũng nhiều, nhưng chiến thắng oanh liệt thì có Việt Nam, Nhật và Miến Điện. Dân Tây tạng có truyền miệng một bài hát dân ca đại ý như sau: Ở xứ man xa xôi, ở xứ đó có cây chuối ăn quả, có một dân tộc nhỏ bé, những con người nhỏ bé, mà đánh thắng được giặc thát....thật tự hào biết bao...
    Dân tộc anh hùng nhưng đôi khi có sản sinh ra một vài vị cầm đầu kém cõi nên dân ta vẫn đang xây dựng và phát triển kinh tế đất nước với tốc độ rùa bò. Dù chúng ta luôn hô hào đi tắt đón đầu, chẳng hiểu đón đầu kiều gì mà các nước khác ngày càng bỏ xa ta về kinh tế quốc phòng, dân chủ...

    Trả lờiXóa
  6. Dân oan thời đạilúc 10:43 8 tháng 11, 2015

    Người Việt Nam có rất nhiều thói xâu, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên đất Nhật như ăn cắp, buôn lậu, trồng cần sa, tham nhũng , nói dối, ích kỷ, mất trật tự, vô tổ chức....đó là những thói xấu mà người Nhật rất ghét.
    Nhưng chính phủ nhật vẫn quyết tâm
    ĐÒAN KẾT & HỢP TÁC TOÀN DIỆN VỚI VIỆT NAM.

    Tại sao"
    Tại vì chính phủ Nhật và Nhân dân Nhật hiểu để TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN, hai nước rất cần hợp tác.
    Tại vì những thói xấu mà Việt Nam đang mắc phải đều do chế độ XHCN đẻ ra.
    Tại vì bản chất người việt Nam vốn hiền lành, nhân hậu, chăm chỉ, thật thà.
    Người Nhật vốn có thiện cảm với người VN từ xưa,
    Người Nhật muốn giúp VN bảo vệ đất nước, từ đó sẽ từ bỏ ĐCSVN và sớm trở thành đất nước tin cậy của người Nhật.

    Trả lờiXóa