Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

> SUY NGẪM CUỐI ĐÔNG Ở VIỆT BẮC



Ts. HOÀNG KIM
             BVBNăm nay rét đậm. Việt Bắc đêm lạnh ngủ chẳng an. Năm trước ra Đông Bắc, tôi đã thấm cái rét cắt da của đêm thiêng Yên Tử khi nửa đêm khởi hành từ chùa Hoa Yên đi bộ lên chùa Đồng và ngộ được đức lớn của Trần Nhân Tông khi Người dấn thân từ bỏ ngôi vua lúc 35 tuổi lên tu hành thiền Trúc Lâm trải mười bốn năm.
Năm nay về Việt Bắc, tôi thấm thía cái lạnh thấu xương của thời giao mùa ở chợ Đồn Bắc Kạn, Yên Lãng núi Hồng trong chuyến khảo sát tạo hạt sắn lai tại vùng này và lòng thêm thấu hiểu, yêu kính nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh “bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh” khi Người trãi mười bốn năm gian khổ ở chiến khu Việt Bắc với năm năm gầy dựng Việt Minh (1941- 1945) và chín năm lãnh đạo chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), tiếp đó Bác là biểu tượng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt ba mươi năm (1955-1975) để giành toàn vẹn độc lập chủ quyền và thống nhất Tổ Quốc. Hôm nay giữa mênh mang trời đất vào xuân, tôi bồi hồi ngắm dấu xưa núi cao hoang sơ “đầu nguồn” Pác Bó “sớm ra bờ suối tối vào hang/cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”; ... “xem sách chim rừng vào cửa đậu / phê văn hoa núi ghé nghiên soi ”. Ký ức thời gian lần lượt trở về trong những ký sự ảnh và ghi chép của những lần về Việt Bắc đến Nghĩa Lĩnh, đền Hùng, núi Hồng, hồ Ba Bể, sông Công núi Cốc,… Nơi đây là tình yêu đầu đời và tuổi trẻ của tôi, nay về thăm lại khi tôi trạc tuổi Người của những năm đầu gian khổ kháng chiến. Lòng tôi bâng khuâng nhớ Bác. Tôi chép lại những suy ngẫm về Tản Viên, Tam Đảo, Nham Biền, vó ngựa trời Nam và chuyện tình Hồ trên núi, câu chuyện “qua đèo chợt gặp mai đầu suối” bài thơ kỳ lạ của Bác “Tầm hữu vị ngộ” (tìm bạn không gặp) và câu chuyện bức trướng của năm vị lão thành cách mạng Nga. Tôi tin đó là lời dặn kín đáo, sâu sắc của Người với sự minh triết còn mãi với thời gian. Năm nay nước ta có vận hội gì mới? Tùy cơ, tùy vận, tùy thiên mệnh, tùy thời, tùy thế, lại tùy nghi. Dĩ bất biến ứng vạn biến. (Ảnh Ngọc phương Nam: Đền thiêng trên Nghĩa Lĩnh. Giếng ngọc dưới trời Nam. Chén cơm truyền con cháu. Non nước Việt muôn đời)

QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI

“Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/ Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/ Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/ Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành”. Tôi biết bài thơ “Qua đèo chợt gặp mai đầu suối” của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà ít thấy sách báo nào nhắc đến cho đến xuân 2013 đã trãi hơn sáu mươi ba năm.
Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và xe của ông Nguyễn Tư Thoan bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ bình bài thơ trên.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ “Trung Nam Hải” từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới, lời dịch sát nghĩa chữ Hán hơn so với bản tự dịch thoáng ý của chính Bác lại có khác MỘT chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp”? hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ “Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”, đó là sự gặp gỡ một minh quân, một minh chủ, một chủ thuyết chứ không đơn giản là “Tìm bạn không gặp”. Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại “phải biết tranh thủ thời cơ, tận dụng sự ủng hộ và chi viện quốc tế nhưng giành được thắng lợi là phải dựa vào sức mình là chính” . Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam “chiến đấu trong vòng vây”; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.


Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai. Học minh triết trong quan điểm chiến lược của Bác “dựa vào sức mình là chính đồng thời tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ quốc tế”. Trăng, suối nguồn, hoa mai là biểu tượng và đối sách quốc gia mà Bác nhắn gửi. Đó là phong thái thung dung, điềm tĩnh, bản lĩnh gan góc bất khuất, dám giành độc lập, giữ độc lập tự do để mưu cầu hạnh phúc cho dân, đám đánh và biết đánh thắng.

TÂM HỒN BÌNH DỊ CHÍ ANH MINH

“Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh / Khuất núi hồn THƠM quyện đất lành / Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy? / Tâm hồn bình dị CHÍ anh MINH”. Bài thơ tứ tuyệt này được thêu trên bức trướng do năm nhà cách mạng lão thành Nga gửi đến tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh Phan Chí Thắng đã gửi cho tôi tư liệu quý trên đây cuối tháng ba năm 2008 với lời nhắn: “Gửi Hoàng Kim. Cách đây mấy ngày, trong một cuộc tiếp xúc nhiều người, tôi vô tình được nói chuyện với anh H. – cháu nội người đỗ đầu khoa Hội cùng năm với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Dì ruột của anh H lấy anh cả của ông Lê Đức Thọ. Anh H. kể là được nghe trực tiếp từ ông Lê Đức Thọ về bài tứ tuyệt được thêu trên trướng do 5 nhà cách mạng lão thành Nga gửi đến tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ nghe một lần mà anh H. thuộc lòng cho đến bây giờ, thật xứng danh cháu nội cụ Hội Nguyên. Tôi xin chép lại vào đây để Hoàng Kim tham khảo. Có vài điểm thắc mắc: 1. Làm sao mà các nhà cách mạng Nga lại làm được thơ tứ tuyệt? Hay là họ nhờ ai đó làm giúp theo ý họ? 2. Các chữ viết hoa trong bài tứ tuyệt được thêu chữ hoa, nghĩa là có dụng ý. Ba chữ là lấy từ trong “Hồ Chí Minh”. Còn chữ “Thơm” có phải đó cũng là tên hoạt động của Bác Hồ trong thời gian công tác cùng với 5 nhà cách mạng Nga kia? Hay là một tên gọi khác của Bác mà rất ít người biết? Sơ bộ như thế đã, các nhà nghiên cứu sẽ tìm câu trả lời.

"Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969" đã nhận định về Bác: Hồ Chủ Tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hoà Dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi” đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm đắc. Hồ Chí Minh là con người bình dị và quang minh lỗi lạc với tám chữ tâm niệm Bác đã mẫu mực thực hành suốt đời đó là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Giáo sư Trần Văn Giàu đúc kết bảy phẩm chất cơ bản của Bác Hồ được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca đối với "Nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh": 1) Ưu tiên đạo đức; 2) Tận tụy quên mình; 3) Kiên trì bất khuất; 4) Khiêm tốn giản dị; 5) Hài hòa kết hợp; 6) Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; 7) Yêu thiên nhiên hòa hợp với thiên nhiên. Lệ thần Trần Trọng Kim có tác phẩm Một Cơn Gió Bụi và Lê Mai có bài viết Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh góp thêm tư liệu quý chân thực về trí tuệ bậc Thầy “anh hùng hồ dễ nên nghiệp ấy”.

“Tâm hồn bình dị chí anh minh” và “Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh” là hai câu thơ khái quát được nhân cách, bản lĩnh và tầm vóc của chủ tịch Hồ Chí Mính. Người chủ của bài thơ hay này phải là người hiểu được bình sinh của Bác đủ nhân trí dũng dám đánh và biết đánh thắng địch mạnh, dám đối diện mặt trời đỏ, hiểu được bản chất nhân văn của một tâm hồn bình dị chí anh minh và sành văn chương, khéo khái quát được thần thái của Bác trong vỏn vẹn bốn câu thơ. Manh mối đầu tiên trong logic của “thần thám Địch Nhân Kiệt” là vậy. Tôi ngờ rằng đây chỉ có thể là thơ của chính Bác, cũng có thể là thơ của ông Lê Đức Thọ đã khéo léo dàn dựng một cách tài tình. Ông Trường Chinh Sóng Hồng và Xuân Thủy cũng giỏi thơ, ông Phạm Văn Đồng giỏi văn chương nhưng không thể là tác giả. Ông Lê Đức Thọ là có thể vì bình sinh ông ưa làm Trần Thủ Độ, ông có chí lãnh tụ, từng muốn làm tổng bí thư, mưu sâu kế hiểm từng làm liệt vị tướng Giáp, khéo xuất hiện như các vị tướng cầm quân trong các chiến dịch lớn Mậu Thân, Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới Tây Nam, khéo lộ diện trong ngoại giao đánh đàm hai tay trường kỳ với Mỹ Thiệu tại Paris, ông là người sắp xếp nhân sự, cũng thích làm thơ và khéo dựng chuyện sâu xa... Giải mã câu chuyện do chính ông nêu ra kỳ bí như xem phim Võ Tắc Thiên cần đi từ chính những người trong cuộc biết rõ. Ngày xuân lưu lại điều này trong DẠY VÀ HỌC, DANH NHÂN VIỆT để tiếp tục nghiên cứu. Nhiều sự thật lịch sử cần đủ thông tin, đúng người, đúng việc, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Tôi đã đưa bài thơ này lên trang đầu xuân mỗi năm suốt sáu năm qua để tìm thêm chỉ dấu của các bậc hiền minh nhằm sáng tỏ câu chuyện.

Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh! Hồ Chí Minh nghe nói cũng có thơ viết ở đền Trần trong đó có câu “Tôi bác xưa nay vẫn anh hùng” tự cho mình nối tiếp công việc tiền nhân của Trần Hưng Đạo. Người cũng đã dùng cụm từ “kẻ phi thường” thay cho cụm từ “bậc phi thường” khi nói về thân thế và sự quyền biến của Nguyễn Huệ và Lý Công Uẩn trong hai câu “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường” và “Công Uẩn là kẻ phi thường” tại tác phẩm Lịch sử nước ta (Hồ Chí Minh tuyển tập tập 1, trang 596, 598), mặc dù Bác biết rất rõ cụm từ “bậc phi thường” vì Bác là bậc Thầy về chữ nghĩa và rất cẩn trọng ngôn ngữ nhưng Người vẫn viết vậy. Bác coi trọng lịch sử, đánh giá công bằng mà không rơi vào sự giáo điều mê tín bất cứ ai. Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản ngày 12 tháng 7 năm 1940 do Hồ Chí Minh sọạn thảo là cẩm nang đón trước thời cơ “nghìn năm có một” của Tổng khởi nghĩa tháng 8 và Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tài liệu tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, sâu sắc hiếm thấy nhưng cực kỳ súc tích chỉ vắn tắt 12 trang. Đó là một trong số những thí dụ rõ nhất về thiên tài kiệt xuất của Hồ Chí Minh dám chớp thời cơ giành chính quyền và biết thắng. Hãy nghe Hồ Chí Minh phân tích tình thế và đưa ra mưu lược hành động thật quả quyết: “Tóm lại, những điều kiện khách quan cho phép chúng tôi có hi vọng thành công. Song, lực lượng chủ quan- lực lượng của Đảng còn quá yếu. Như trên đã nói, một đảng mới mười tuổi lại trãi qua hai lần khủng bố lớn, số cán bộ có kinh nghiệm đấu tranh hiện còn đang rên xiết trong tù ngục, khiến đảng viên và quần chúng như “rắn mất đầu” không thể tận dụng cơ hội tốt “nghìn năm có một”. Chúng tôi liệu có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh đó, khắc phục khó khăn đó, giúp Đảng hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó hay không? Có. Chúng tôi nhất định không thể từ trong đánh ra. Chúng tôi chỉ có cách từ ngoài đánh vào. Nếu chúng tôi có được: 1) Tự do hành động ở biên giới; 2) Một ít súng đạn; 3) Một chút kinh phí; 4) Vài vị cố vấn thì chúng tôi nhất định có thể lập ra và phát triển một căn cứ địa chống Pháp, chống Nhật – đó là hi vọng thấp nhất. Nếu chúng tôi có thể mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức, có thể lợi dụng mâu thuận giữa các nước đế quốc thì tiền đồ tươi sáng là có thể nhìn thấy được. Tôi rất hi vọng các đồng chí giúp tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề này. 12.7.40.” (Hồ Chí Minh Toàn tập t. 3 tr. 162-174).
Bảy mươi năm sau nhìn lại, càng đọc càng thấm thía nhiều điều sâu sắc.
Đầu xuân này chúng ta đang thảo luận bổ sung và điều chỉnh Hiến Pháp, vậy hãy nghe Lê Mai kể lại một trích đoạn trong Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh:
Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vào ngày 9. 11. 1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên mà sự tiến bộ, mẫu mực, dân chủ của nó cho đến nay – không những làm chúng ta mà còn làm cả thế giới thán phục. Trong bản Hiến pháp dân chủ ấy, ngoài việc thiết kế một thiết chế chính trị mẫu mực, đã quy định quyền hạn của Chủ tịch Nước rất rõ ràng, đó là người thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, ban bố các đạo luật, đặc xá, ký hiệp ước với các nước, tuyên chiến hay đình chiến …
Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Dĩ nhiên, dấu ấn của Hồ Chí Minh hết sức đậm nét trong bản Hiến pháp đầu tiên. Sự thông minh xuất chúng, hiểu nhiều, biết rộng của Hồ Chí Minh đã làm Võ Nguyên Giáp – một người tài ba, một cộng sự rất gần gũi Hồ Chí Minh kinh ngạc. Ông kể, gần như làm bất cứ việc gì, ông đều thấy Hồ Chí Minh đã tiên liệu, suy nghĩ vấn đề đó từ rất lâu rồi. Bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ là vài dẫn chứng sinh động.
Đối với những tình huống đột xuất thì sao? Những ứng phó của Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài đầy rẫy càng làm chúng ta khâm phục.
Ngay sau cái Tết Bính Tuất năm 1946 – Tết độc lập đầu tiên sau tám mươi năm trời nô lệ, Hồ Chí Minh đã có một cuộc nói chuyện dài với tướng Raun Xalăng. Xalăng – một sỹ quan Pháp, người đã từng ăn cơm lam chấm mắm ngóe miền thượng nguồn, ăn mắm tôm vắt chanh ở miền xuôi của VN. Tướng Xalăng đang rất hung hăng, điều này dễ hiểu, vì bấy giờ, Pháp ỷ vào sức mạnh nên coi thường Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng, ông ta có vẻ bối rối khi hiện ra trước mắt mình là một nhà hiền triết phương Đông với phong thái ung dung tự tại tỏa ra từ đôi mắt sáng, chòm râu thưa, mái tóc pha sương, nước da dãi dầu mưa nắng, một cốt cách thanh cao khắc khổ ẩn tàng sức mạnh siêu quần được dấu kín trong bộ quần áo kaki cổ đứng không cài cúc.

- Mời tướng quân xơi nước.
Tướng Xalăng nâng chén nước lên theo lời mời của Hồ Chí Minh và nói:
- Thưa ngài Hồ Chí Minh…
Lập tức, Hồ Chí Minh ngắt lời ông ta:
- Tôi đã mời “tướng quân” xơi nước chứ tôi không mời “ngài” Raun Xalăng…
Raun Xalăng mất chủ động, lúng túng xin lỗi, mặc dù dụng ý của ông ta rất rõ ràng: không công nhận chức Chủ tịch của Hồ Chí Minh, cũng tức là không công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Sau những lời xã giao, thăm hỏi, trao đổi về tình hình chung, bỗng Raun Xalăng chuyển câu chuyện. Ông ta nói:
- Chủ tịch thử nghĩ xem, nên để chúng tôi khôi phục trật tự ở nước này, vì chúng tôi đủ lực lượng và rất nhiều phương tiện. Theo ý tôi, nếu được như vậy đất nước này sẽ biết ơn Chủ tịch, vì Chủ tịch là người đứng đầu Chính phủ có uy tín tuyệt đối với nhân dân. Nếu Chủ tịch để chúng tôi đưa quân vào đây không gặp trở ngại nào thì đó là sự chứng minh trước thế giới Chủ tịch biết kiềm chế quân đội của mình và điều đó thể hiện uy quyền của Chủ tịch là vô song.

Phải công nhận lời nói của Xalăng rất khôn khéo mà hiểm độc. Hồ Chí Minh bình thản chế thêm nước trà vào chén mời Xalăng:
- Tướng quân uống nước đi. Hút tiếp một hơi thuốc lá thơm, giọng nói trầm hùng của Hồ Chí Minh phắt căng lên:
- Tôi không thể làm như lời tướng quân, nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Tướng quân nên nhớ rằng, chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ. Nước Pháp có binh hùng, có nhiều tướng giỏi, nhiều vũ khí tối tân. Một Pháp có thể giết 10 VN, 10 VN có thể chỉ diệt được một Pháp nhưng toàn dân VN đều một lòng kháng chiến chống Pháp.
- Chúng tôi rất mạnh. Cuộc đổ bộ của chúng tôi đã sẵn sàng. Vì sao Chủ tịch không chịu thừa nhận điều hiển nhiên ấy?
Giọng Hồ Chí Minh như có lửa:
- Nếu quân Pháp lại đổ bộ đến đây, chúng tôi không chặn đứng được ngay, nhưng sẽ đổ máu, những người dân Pháp sẽ bị chết. Đó là điều bất hạnh cho cả hai bên. Chúng tôi không bao giờ mong điều đó xảy ra. Nhưng chúng tôi không chịu làm nô lệ một lần nữa.
Câu chuyện trên về Hồ Chí Minh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, vấn đề xử lý mối quan hệ Việt – Trung, các cuộc biểu tình của người dân yêu nước phản đối sự gây hấn của Trung Quốc, sự ngăn cấm của nhà cầm quyền…Hơn ai hết, tấm gương sáng của Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh, người lãnh đạo một dân tộc bất khuất đang nhắc nhở chúng ta.

Chữ “THƠM” và chữ “HỒ” trong bài thơ tứ tuyệt giúp ta liên tưởng Nguyễn Huệ (Hồ THƠM) và Nguyễn Ái Quốc (HỒ Chí Minh). Cụ Hồ Sĩ Tạo (ông nội ruột của Hồ Chí Minh) với cụ Hồ Phi Phúc (cha của Nguyễn Huệ) là quan hệ dòng tộc. Có giả thuyết cho rằng tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ theo chân chúa Nguyễn vào lập nghiệp miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê – Trịnh tới Nghệ An (năm 1655). Ông cố của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753 còn có tên là Hồ Thơm hay Quang Bình, Văn Huệ. Cụ Hồ rất coi trọng lịch sử nên sự lien hệ giữa câu chuyện có thật trên đây và bài thơ có thể là một giả thuyết. Chữ “Thơm” cũng có thể là tên hoạt động của Bác Hồ trong thời gian công tác cùng với 5 nhà cách mạng Nga kia, hay là một tên gọi khác của Bác hoặc cũng có thể là người yêu thương của Bác như vĩa than núi Hồng của tình yêu Yên Lãng.

VỀ VIỆT BẮC ĐÊM LẠNH NHỚ BÁC

“Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”. Rét đài là đợt rét cho cây trổ hoa; rét lộc là đợt rét khi cây nẩy mầm non; rét nàng Bân là đợt rét muộn nàng Bân may áo lạnh cho chồng. Tôi về Việt Bắc tháng giêng rét đài lúc trời rét đậm, vận nước vần vũ với cái lạnh thấm thía đến thấu xương của thời giao mùa. Tôi đi mang mang giữa vùng núi cao mà lòng bâng khuâng nhớ kỹ niệm cũ. Nơi đây là tình yêu đầu đời và tuổi trẻ của tôi. Nay về Việt Bắc khi tôi trạc tuổi Bác của các năm đầu gian khổ kháng chiến, đêm lạnh nhớ Bác và thương sự dấn thân vì nước của Người.

Việt Bắc gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên (gọi tắt là Cao - Bắc – Lạng - Hà- Tuyên Thái). Đó là căn cứ địa đầu não của Đảng Lao Động Việt Nam trong thời trước khởi nghĩa (1941-1945) và là nơi trú đóng của chính phủ Việt Minh thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Cao Bằng có hang Pác Bó (Cốc Bó) tiếng Tày nghĩa là “đầu nguồn” được chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở khi Bác về nước lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bác Hồ đã đặt tên suối Pác Bó là suối Lê Nin và ngọn núi cao kia là núi Các Mác. Cử đầu hồng nhật cận. Đối ngạn nhất chi mai (Ngẩng đầu mặt trời đỏ, Bên suối một nhành mai) là hai câu thơ của Bác Hồ trong bài "Lên núi" làm ở Lũng Dẻ năm 1942, mấy tháng trước khi lên đường đi Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam ẩn chứa nhiều điều sâu sắc. 

Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó định cắt đứt mạch nguồn này nhưng núi cao, suối lớn, mạch vững nên chỉ có thể chặn không có thể hủy. Người đời sau sẽ bàn sâu hơn về đúng sai của mỗi bên nhưng thời Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh rõ ràng là tình bạn hữu nghị tin cậy và không hề xẩy ra sự cố nào. Ngày nay hang Cốc Pó đã được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan. Cao Bằng là đất đầu nguồn của dòng Bách Việt (bộ tẩu) đi về phương Nam “tẩu vi thượng sách”, né địch mạnh để dựng nghiệp lớn. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) là nhà tiên tri, nhà giáo, nhà thơ triết lý, nhà văn hoá lớn của thời Lê - Mạc. Lúc nhà Mạc sắp mất sai người đến hỏi ông. Ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Bắc Kạn là tỉnh vùng núi cao, có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất và kinh tế chưa phát triển, nơi “Việt Bắc cho ta vay địa thế”(1), có hồ Ba Bể một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam và Vườn di sản ASEAN. Đó cũng là nơi có căn cứ địa cách mạng ATK Chợ Đồn nổi tiếng, một trong những khu căn cứ của Hồ Chí Minh và các cán bộ cấp cao của Đảng Lao Động Việt Nam cùng các nhân sĩ trong chính phủ kháng chiến của cụ Hồ, nơi mà hồn thiêng của cụ Phán Men Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bị giặc Pháp giết hại ở rừng thiêng Việt Bắc đến nay vẫn chưa tìm được xác (2). Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của phía Bắc, nơi hiện có hai cửa khẩu quốc tế, bốn cửa khẩu quốc gia và bảy chợ biên giới Việt Trung, nơi đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh và có nhiều thắng cảnh nổi tiếng Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh, nơi có nhiều dòng sông, ấn tượng nhất là sông Thương, sông Kỳ Cùng, qua sông Thương gửi về bến nhớ tôi nhiều năm đóng quân với bao kỷ niệm (3). Tuyên Quang có khu di tích văn hóa, lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Địa bàn chính tại xã Tân Trào trong thung lũng nhỏ ở Đông Bắc huyện Sơn Dương được bao bọc bởi núi Hồng ở phía Đông, núi Thoa, ngòi Thia ở phía Nam, núi Bòng ở phía Tây. Đây là tâm điểm của thủ đô kháng chiến chín năm, địa chỉ đến của những chuyến du lịch về nguồn. Đất và người Tuyên Quang có rất nhiều điều cần nghiên cứu luận bàn. Thái Nguyên là tỉnh trọng điểm phía Bắc Hà Nội về quốc phòng - kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là vùng đất địa linh của tam giác châu giữa lòng của vòng cung Đông Triều, trường thành chắn Bắc Đây là vùng thiên nhiên trong lành, suối nguồn tươi trẻ, lưu dấu tích anh hùng, mỹ nhân trong vầng trăng, bóng nước giữa rừng Hồ trên núi. nơi có núi Cốc, sông Công, hồ núi Cốc – vịnh Hạ Long, Hồ trên núi – với diện tích mặt hồ khoảng 25 km2. Đền Hồ Chí Minh trên rừng Yên Lãng, đỉnh đèo De dưới là mỏ than núi Hồng giữ ngọn lửa thiêng, vùng huyền thoại chuyện tình yêu thương mà tôi đang hết lòng lưu giữ huyền thoại cũ và mới. Đảo Cái lưu những cổ vật đặc biệt quý hiếm về Chùa Vàng và đền bà chúa Thượng Ngàn nổi tiếng. Hà Giang là một thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để thấy chủ tịch Hồ Chí Minh tinh tế đến ngần nào khi xác định Việt Bắc trong địa giới hành chính với tư cách là một là một cấp hành chính. Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) là cao nhất làm ta nhớ đến bài thơ của Hồ Chí Minh “Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”. Sáu tỉnh Cao Bắc Lạng Hà Tuyên Thái là bài học lớn nhưng tiếc chưa có tác phẩm địa chí lịch sử văn hóa Việt Bắc nào xứng tầm với vùng này.

Liên khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp gồm 17 tỉnh : Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Quảng Yên, Hải Ninh, Đặc khu Hồng Gai và huyện Mai Đà của tỉnh Hòa Bình. Liên khu Việt Bắc là địa thế chiến lược lui có thể thủ, tiến có thể công, là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tam giác châu Bắc Bộ tâm điểm Hà Nội được bảo vệ bởi hai dãy núi: Đông Bắc là dải Tam Đảo với 99 ngọn Nham Biền chạy xuống Đông Triều có non thiêng Trúc Lâm Yên Tử oai trấn Đông Bắc; Tây Nam là dải Tản Viên nối 99 ngọn núi hùng vĩ chạy dọc sông Đáy tới Ninh Bình kết nối Trường Sơn xương sống của đất Việt tại vùng Thần Phù- Nga Sơn với câu ca dao cổ nổi tiếng “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” (4). Việt Bắc là vùng đất đứng chân mở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà với nhãn quan thiên tài, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 127-SL ngày 4-11-1949 thiết lập Liên khu Việt Bắc là cấp hành chính, trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10. Từ năm 1949 đến năm 1954, Thượng tướng Chu Văn Tấn làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính. Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Liên khu Việt Bắc. Khi vùng Tây Bắc được giải phóng, khu tự trị Tây Bắc được thành lập theo Sắc lệnh số 134-SL của Chủ tịch Chính phủ ngày 28-1-1953, gồm bốn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và khu tự trị Việt Bắc được thành lập ngày 1-7-1956 gồm sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau này những nhà địa lý lịch sử văn hóa chắc chắn sẽ còn quay lại nhiều lần với quyết sách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều rất rõ ràng là khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị Tây Bắc là hai khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, cần có những chính sách đối xử và ưu tiên phát triển riêng phù hợp cho mỗi vùng.

Đêm lạnh ở Việt Bắc tôi thấm thía nhất về Bác ba điều: Thứ nhất là bộ đội cụ Hồ, thứ nhì là trọng dụng hiền tài, thứ ba là tiên liệu và quyền biến. Bác xây dựng được một đội quân cách mạng “bộ đội cụ Hồ” thực sự được dân tin yêu quý trọng. Nhiều câu chuyện cảm động mà anh Phạm Hồng nay 85 tuổi, người có 5 cha con ra trận với bài thơ “Mừng tuổi 80 năm 2008” (3) xúc động giản dị như người lính Nguyên Phong của đức Nhân Tông xưa. Bác Hồ coi trọng hiền tài và hiền tài không phụ Bác. Kẻ sĩ chết cho người tri kỷ . Bao tấm gương sáng nhân sĩ hết lòng vì nước và vì cảm tấm lòng tri ngộ của Bác mà đã ra sức chung tay gánh vác việc nước trong thời buổi gian nan. Cả một trời sao nhân sĩ chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thái Mai, Nguyễn Lân,.... Tôi trích bài viết nghĩa cử của cụ Hồ khóc cụ Nguyễn Văn Tố (2) người bị Pháp giết tại Bắc Kạn để thấy Bác đối với trí thức và trí thức đối với Bác. Việc tiên liệu và quyền biến của Bác đã có quá nhiều tư liệu. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của chủ nghĩa Mác Lê Nin với sự chắt lọc tinh hoa từ Tôn Dật Tiên qua ba tiêu ngữ ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc’. Sự vận dụng những nguyên lý phổ quát trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cùng với những vận dụng sáng tạo mưu lược, kế sách dựng nước, giữ nước của Việt Nam phù hợp với điều kiện cụ thể của chính dân tộc mình thể hiện đậm nét nhất qua tên Nước và tên Đảng. Bác rất coi trọng thực tiễn, coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giỏi tiên liệu và quyền biến “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Về nhân cách và phẩm chất của người cán bộ cách mạng, Bác là tấm gương thực hành suốt đời của tám chữ: “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” trao lại cho đời sau. Bác viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".

Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bác. “Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng Hạnh phúc, Tự do thì Độc lập cũng không có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh). Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là năm vùng đất trấn biên, vừa là phên dậu, vừa là yết hầu của Tổ quốc. Cuộc sống người dân ở đó, sau sáu mươi năm giải phóng Thủ Đô và gần bốn mươi năm sau Việt Nam thống nhất tuy đã đổi mới nhiều nhưng gian khó, tiêu cực vẫn còn nhiều lắm. Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, di nguyện của Người để lại trong di chúc lịch sử “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.” (5)
Năm nay nước ta có những vận hội mới nào? Tùy cơ, tùy vận, tùy thiên mệnh, tùy thời, tùy thế, lại tùy nghi. Dĩ bất biến ứng vạn biến.
H.K
(Nguồn:
http://hoangkimlong.blogspot.com/2013/02/ve-viet-bac-em-lanh-nho-bac.html )

2 nhận xét:

  1. Giọng văn của bác rất chân thật và mộc mạc, gợi nhớ về vùng đất đầy gian khổ trong cuộc kháng chiến chống thực đân.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác đã chia sẻ!

    Trả lờiXóa