Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

"Cung điện" BO CÚNG



Đi săn phát hiện hang động tuyệt đẹp ở Thanh Hóa

(ĐVO) - Một đêm như thường lệ, ông già  Lương Văn Thương, người dân tộc Thái vác súng vào chân núi để săn thú rừng. Nhưng lần này thật kỳ lạ, con thú dù bị trúng đạn vẫn đủ sức lết vào một lỗ hang nhỏ bị cây dại phủ lấp. Lần theo dấu vết, ông bàng hoàng nhận ra mình đang lạc vào trong một “cung điện” kỳ vĩ được tạo bởi nhũ đá…

Giữ làm bí mật cho riêng mình, mãi đến gần 20 năm sau mới tiết lộ, câu chuyện phát hiện ra động Bo Cúng ở Quan Sơn – Thanh Hóa của ông già người Thái đã gây xôn xao, chấn động lớn trong dư luận.

Chuyến đi săn nhớ đời

Từ đường Hồ Chí Minh, rẽ vào quốc lộ 217 đi qua các huyện miền Tây Thanh Hóa, sau nhiều giờ, xe máy chúng tôi cũng đến được huyện vùng biên Quan Sơn. Được coi là huyện nghèo nhất Thanh Hóa, nhưng bù lại, phong cảnh ở đây lại vô cùng nguyên sơ.
Dọc các xã Sơn Điện, Mường Mìn, Na Mèo, Sơn Thủy… vẫn thấy bà con dân tộc chiều chiều xuống suối bắn cá, vớt nòng nọc (rụng đuôi thành ếch), hái rau “pặc cát nặm” (tiếng Thái là cải suối) về nấu canh. Đặc biệt, vào các bản có địa phận giáp Lào thì chúng tôi lại càng được chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của núi rừng. Vào buổi sáng, ta có thể nghe được tiếng gà rừng gáy dõng dạc, thỉnh thoảng vẫn được nghe vượn hót lảnh lót trên vách đá.
Ông Lương Văn Thương
Ông Lương Văn Thương
Trong những ngày ngao du ở Quan Sơn, đi đâu chúng tôi cũng nghe bà con bàn tán xôn xao về cái hang động mà ông Thương, người bản Chanh (xã Sơn Thủy) phát hiện ra đã được tỉnh công nhận là khu di tích danh lam thắng cảnh.
Tò mò về những lời kể ấy nên ngay lập tức, chúng tôi lên đường tìm đến bản Chanh. Đường lên bản quả thật đẹp huyền ảo bởi phía trên thì có đại ngàn rợp bóng, phía dưới là dòng suối Xỉa đẹp mê lòng. Câu chuyện phát hiện ra động Bo Cúng do dân bản và chính ông Lương Văn Thương kể ra đầy hấp dẫn, nhuốm màu bí ẩn của ngàn sâu.
Sự hoang sơ của bản Chanh bây giờ không thấm vào đâu so với thời điểm năm 1984. Ngày ấy, cả bản mới chỉ có vài nóc nhà, cây rừng bạt ngàn, thú rừng nhiều vô kể. Chính vì lẽ này mà trai bản muốn đi săn đều phải tụ họp với nhau cùng đi để tránh bị thú dữ tấn công. Riêng chàng trai dũng mãnh tên Thương luôn thích đi săn một mình.
Hôm đó đang là mùa hè, trăng giữa tháng bắt đầu nhú ra khỏi núi – đây cũng chính là lúc thú rừng rủ nhau đi kiếm mồi nhiều nhất. Vượt qua con suối Xỉa, ông Thương nhẹ nhàng tìm đến gốc một cây vả đang thời điểm quả chín rồi lên đạn, nín thở chờ thú đến ăn.
Không phải chờ đợi quá lâu thì một bầy cày lon (nơi đây vẫn gọi là con lon) sột soạt kéo đến. Nhằm đúng vào chỗ lũ cày lon tập trung đông nhất, ông Thương bóp cò. Đoànhhh! Tiếng súng hoa cải khét lẹt vang vọng cả khu rừng. Chỉ có hai con lon trúng đạn, một con chết ngay tại chỗ, còn một con chỉ bị thương nên ra sức lết vào rừng sâu. Lần theo vết máu con thú, ông Thương đến trước một lỗ hang bị đất đá, cây rừng che khuất.
Động Bo Cúng ở Quan Sơn – Thanh Hóa
Động Bo Cúng ở Quan Sơn – Thanh Hóa
Ban đầu cái lỗ chỉ vừa một người chui qua nhưng càng đi vào sâu, lòng hang càng rộng. Khi tìm đến nơi con lon kiệt sức nằm bên hồ nước cạn trong vắt cũng là lúc ông Lương sững người vì cảnh vật trước mặt hiện ra đẹp như cõi tiên.
Qua ánh đèn săn mờ ảo, những nhũ đá rủ xuống như mây trời, suối tóc hiện ra lung linh. Ông Thương quên cả việc lượm con thú mà cứ thế mê mẩn lần theo những lối hang bất tận. Khi chiếc đèn săn gần hết pin thì ông Thương mới sực tỉnh và tìm lối quay lại khi chưa kịp khám phá hết hang động. Đến lúc ra cửa hang thì trời đã gần sáng, gà rừng đã bắt đầu gáy le te rồi.
Về đến nhà nhưng ông Thương vẫn không thể ngủ được vì choáng ngợp trước cảnh đẹp mà mình phát hiện ra. Chuyến đi săn kỳ lạ hôm đó ông Thương không kể cho ai mà giữ cho riêng mình, thỉnh thoảng ông lại bí mật tìm vào hang để chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt mỹ.
Mãi đến 18 năm sau, năm 2002, khi có dịp ra trung tâm huyện xem ti vi, ông Thương mới biết đến việc một người ở Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) tìm thấy Hang Ma nên ông cũng đi báo UBND xã về hang động tuyệt đẹp mà mình phát hiện ra. Tin báo của ông Thương nhanh chóng được lan rộng khắp vùng. Xã vào xác minh xong báo ngay lên huyện rồi lên tỉnh. Các đoàn nghiên cứu liên tục lên bản Chanh đánh giá hang động. Đến năm 2009 thì động Bo Cúng chính thức được tỉnh Thanh Hóa công nhận là khu danh lam thắng cảnh và cần có phương án quy hoạch, bảo vệ ngay lập tức.
Khi hang không còn là “của riêng”
Sau khi ông Thương đành lòng chia sẻ bí mật về động Bo Cúng, các cơ quan hữu quan đã lên thăm dò, đánh giá một cách khoa học. Tổng chiều dài của động lên tới gần 2 km, chiều rộng có nơi lên tới cả trăm mét.
Trong hang động có hàng trăm cảnh đẹp kỳ vĩ với những dòng nhũ đá chảy từ trên xuống tựa như lâu đài tráng lệ. Dọc lối đi trong hang, thỉnh thoảng ta lại giật mình với những hình thù kỳ lạ. Đặc biệt là những ruộng bậc thang bằng đá, những hồ nước cạn trong vắt không giống bất kỳ hang động nào khác.
Về phần ông Thương, sau khi báo tin tìm ra động Bo Cúng xong trong lòng mừng lắm. Bởi ngay sau đó rất nhiều du khách từ các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, rồi Hà Nội, có cả “Tây ba lô” cũng kéo về bản Chanh để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cái hang mà ông tìm ra.
Lãnh đạo huyện, tỉnh cũng về thăm nhưng chẳng ai ghé thăm ông cả, dù nhà ông chỉ cách cửa hang nửa quả núi. Dường như họ đã quên mất người tìm ra cái hang động đẹp tuyệt mỹ là ai. Năm 2003, bà con bản Chanh ngỡ ngàng khi UBND xã Sơn Thủy cử người đến trông hang. Người ta làm nhà ngay bên cửa động, đầu tư làm thủy điện bên dòng suối Xỉa rồi thu tiền du khách đến thăm quan. Dẫn chúng tôi vào thăm cái hang mà mình đã tìm ra, ông Lương Văn Thương đau xót: “Vẫn may là người ta nể tôi là người bản địa nên không bắt mua vé vào thăm hang!”.
Ừ thì hang là của núi rừng này, của Nhà nước mình nhưng ông vẫn thấy tủi thân: “Động Bo Cúng giờ xấu đi nhiều lắm. Khách đến chơi đạp đổ nhũ đá mang về. Bản Chanh giờ nai hoẵng cũng bỏ đi hết”. Việc bảo vệ, quy hoạch Bo Cúng trở thành khu danh lam cũng khiến ông già hiền lành người Thái ngỡ ngàng.
“Người dưới xuôi lên xây hai ban thờ rồi đặt hai thùng công đức hai bên để du khách bỏ tiền vào. Cái hang đó tôi tìm ra mà, có thần linh nào canh giữ đâu” – ông Thương ngậm ngùi. Chưa hết, Bo Cúng cũng thường xuyên bị bọn săn đá cảnh đến lấy trộm nhũ đá bán lấy tiền triệu. Để bù vào chỗ đó, người ta dùng… xi măng để gắn lại. Ông Lương Văn Thương tự trấn an bản thân bằng việc hằng ngày vẫn đến thăm hang và nhặt rác mà du khách vứt lại.
Hiện tại, bản Chanh dù sao vẫn còn rất đẹp, đậm nét hoang sơ. Trong bữa cơm tối nấu bằng gạo nếp nương ăn với tôm suối Xỉa, ông già người Thái hiền như bột, tâm sự:
“Nhiều người cứ bảo sao tôi không đòi cán bộ tuyên dương vì tìm ra hang nhưng tôi bảo tôi không cần. Tôi chỉ muốn Bo Cúng, muốn bản Chanh được nhiều người biết đến nhưng vẫn giữ được những nét đẹp hoang sơ như trước kia. Còn nếu việc tôi công bố tìm thấy hang mà khiến động ngày càng xấu đi, cây già bị chặt, lợn lòi bỏ trốn thì tôi cảm thấy có lỗi rất nhiều với núi rừng, với bà con dân bản!”.
  • Minh Phương

1 nhận xét:

  1. Vâng, thật đáng tiếc, Việt Nam mình chưa có kinh nghiệm bảo tồn những khu thiên nhiên hoang sơ dành cho du lịch. Buồn nhất là chỗ nào cũng xây bệ thờ rồi đặt hòm công đức...

    Trả lờiXóa