Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

QUYỀN DÂN CHỦ TRONG HIẾN PHÁP



Trong Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 1992 của giới trí thức đã ghi rõ: “Lời nói đầu của Dự thảo không đáp ứng được các yêu cầu trên nên chúng tôi đề nghị bỏ và thay bằng: Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân, vì một xã hội dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai, chúng tôi, nhân dân Việt Nam, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này”.
 Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội. Hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc; đồng thời đoàn kết toàn dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển bền vững của dân tộc; phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước…
Lịch sử đấu tranh về nhân quyền và dân quyền trên thế giới đã ghi nhận bản ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ , bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 là văn bản nền tảng của các mạng dân chủ nhân dân, trong đó qui định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả  các giai cấp là bình đẳng. Bản Tuyên ngôn này chịu ảnh hưởng bởi học thuyết các quyền tự nhiên, các quyền con người là bình đẳng, có giá trị tại mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất của chế độ chính trị-xã hội mà họ đang sống. Văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, nó được coi là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế. Điều 21, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, cũng nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của đất nước mình...Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền”.
Dân chủ luôn luôn là ước vọng chính đáng của con người trong mọi thời đại, mọi dân tộc. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh biết bao xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại.
Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Hơn thế, dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng phát triển hướng tới công bằng, văn minh và thực sự bền vững.
Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, toàn Đảng toàn dân ta cũng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa, văn minh hóa một xã hội đang phấn đấu vươn tới hiện đại hóa. Nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng nhận thức về dân chủ hóa hay quá trình hiện thực hóa những mơ ước, những giá trị dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Những vấn đề về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức và phương pháp; nguyên nhân, kinh nghiệm, nguyên tắc, phương châm và bước đi của dân chủ hóa luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ, cần sự hợp lực rộng lớn để chuyển biến, thay đổi từ tư duy, nếp nghĩ, thói quen, lối sống đến những hành động tổ chức thực thi.
Hiến pháp 1946 đã quy định quyền tự do dân chủ của mỗi người dân Việt. Thế nhưng, một thực tế phải ghi nhận là các vụ xảy ra với hành động điều công an bất chấp pháp luật trấn áp dân thẳng tay như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, lình sình kéo dài như Dương Nội, rồi biết bao vụ người dân có đất, thậm chí ông bà để lại cả chục nghìn m2 đất, nhưng nay rơi vào cảnh bị trắng tay, oan ức, thiệt thòi đi kiện chán đành về cam chịu cảnh không đất, không nhà, đi làm thuê, đi ở cho nhà giàu để kiếm sống, vậy nền dân chủ xã hội mang tiếng là tốt đẹp nay ở đâu?
Chính quyền làm sai Luật Đất đai rành rành, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo làm nhanh, vậy mà đã hơn một năm rồi, thành phố Hải Phòng chần chừ, ngâm vụ việc, giải quyết cục bộ, bênh che nhau, lựa chiều như giải pháp tình thế, từng bước đối phó, vụ việc bị câu dầm, và đi vào quên lãng. Sự vi phạm dân chủ trắng trợn vẫn coi như “không có gì xảy ra”(!?). Trong khi những cán bộ có chức có quyền từ thành phố đến cấp huyện, xã chỉ xử lý nhẹ tênh, lấy lệ, rất hình thức, vừa xử lý vừa mở lối thoát cho nhau, thì ông Vươn vẫn phải  nằm nhà giam và nhắm vào tội giết người.
Theo Luật đất đai 2003, và theo các chính sách khuyến nông, khuyến ngư của Nhà nước, lẽ ra trường hợp từ tay trắng, phải vay vốn ngân hàng cả mấy tỉ đồng,  mà khai hoang nên vùng đầm ven biển như gia đình ông Vươn phải được biểu dương tấm gương tự xóa đói giảm nghèo, tự vươn lên trong sản xuất, là nông dân-cựu chiến binh làm ăn giỏi, nhưng nay lại bị cưỡng chế thu đất, thu đầm thủy sản, trong khi chủ nhân đứng ra thuê đất đang có nhu cầu sử dụng để tiếp tục mở rộng sản xuất, như thế thi dân chủ ở đâu?  Cũng theo Luật Đất đai 2003, đất bãi bồi thuộc đất nông nghiệp nhưng có đặc trưng riêng là quyền được phép khai hoang, thuê đất, sử dụng đất theo hợp đồng không bị phụ thuộc nhiều vào “hạn điền”. Trong mục 2, điều 80 của Luật này cũng ghi rõ: “Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng”. Ông Vươn có đề xuất nguyện vọng tiếp tục sử dụng đất để sản xuất mở rộng. Đúng ra, những vùng đất bãi bồi hoang hóa như thế này, khi người dân khai hoang và sản xuất có hiệu quả, nên chuyển từ thuê đất sang mô hình trang trại. Thế mà cách làm trong vụ này của chính quyền huyện Tiên Lãng vẫn ngang nhiên trái luật, vi phạm dân chủ nghiêm trọng.
Trong vụ thực hiện lệnh cưỡng chế để giải quyết đất đai quá mạnh tay và liều lĩnh, vi phạm dân chủ nghiêm trọng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cả việc thực thi dân chủ và sử dụng quyền dân chủ đều đặt ra những vấn đề cần xem lại. Thử đặt vấn đề: Nếu như một mình ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và nếu thêm một vài cán bộ chức quyền nào đó có làm được chuyện cưỡng chế “quá nặng tay” gây tai tiếng này hay không?
 Trước hết, những sĩ quan công an và quân đội chấp hành lệnh cưỡng chế này có cả đảng viên. Lại thêm Đảng ủy xã Vinh Quang có bao nhiêu đảng viên? Chẳng lẽ ai cũng đồng tình với việc làm sai trái của huyện hay sao? Trong vụ này, Hội đồng nhân dân huyện và xã, một loại hình hệ thống do dân bầu cử, cơ quan đại diện cho quyền lợi của người dân đã  thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò đến đâu? Rồi các đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên cộng sản, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…tai sao không ai lên tiếng, tại sao không ai phản đối? Đã có quyền dân chủ, được Hiến pháp thừa nhận, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người ta tự đánh mất quyền dân chủ. Có khi phê bình nhau lại sợ “đụng chạm”.
Cấp dưới phê bình, đấu tranh với cái sai của cấp trên sợ bị trù dập, bị đì, sợ mất chức vụ, mất ghế, sợ không được cất nhắc, lên lương, lên cấp chức. Sự “dĩ hòa vi quý” đó là vì cá nhân bản thân họ, không vì dân chủ, không vì cộng đồng, “cái tôi” quá lớn đã che lấp hết. Lối an phận thủ thường vô hình trung đã thủ tiêu công lý, đánh tráo khái niệm đúng-sai, phải-trái, trắng-đen.
           Nhận thức của các cán bộ, đảng viên cấp thừa hành và tại cơ sở về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thế nào? Tại sao một mệnh lệnh sai trái, một hành động sai pháp luật rành rành mà không ai lên tiếng? Vũ khí đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ chân lý ở đâu? Thừa hành mệnh lệnh mà gây ác, hoặc lờ đi trước tội ác cũng là tiếp tay cho tội ác. "Chuyên chính vô sản" là chuyên chính với kẻ thù, dân chủ với nhân dân, bảo vệ nhân dân, nhưng "thế lực thù địch của nhân dân" lại thẳng tay chuyên chính với nhân dân để chiếm đất đai, dùng uy quyền và thế lực tranh đoạt quyền lợi với nhân dân, dùng áp lực mạnh cướp đoạt của dân.
Những đảng viên là sĩ quan công an, quân đội, những chỉ huy dân quân là đảng viên, trước hết phải tự xem xét cái chất đảng, bản lĩnh người đảng viên thế nào, có còn xứng đáng hay không? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là: “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.
Vụ ở Tiên Lãng, riêng cá nhân ông Chủ tịch huyện có quyền và đủ toàn quyền ra chủ trương được không? Mà khi chủ trương, mệnh lệnh sai, có hại cho người dân, thì các đảng viên thừa hành nhiệm vụ xử trí thế nào? Trong vụ này, Ban Thường vụ Huyện ủy có trách nhiệm gì không? Đã có ai dám phản ứng khi chủ trương, mênh lệnh sai, vi phạm pháp luật và dân chủ một cách nghiêm trọng?
Giữa ban ngày mà tung lực lượng, cả máy ủi, máy xúc đập phá nhà dân, giữa ban ngày mà công khai kéo hàng chục tấn cá trong hồ của dân, thế mà cũng gọi là “thi hành công vụ” ư? Người nào đó đọc lại câu ca dao chống xâm lược, chống phong kiến: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, liệu có đúng với hiện trạng vụ việc này không? Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, ai đã gây ra sự phản ứng quyết liệt của anh em họ Đoàn để bảo vệ nhà cửa, đất đai của mình?
Sự né tránh, nhịn nhục của người dân không dám mạnh dạn đấu tranh chống lại những việc làm sai trái của chính quyền, công an cũng do mất dân chủ sinh ra.  Cho dù khi biết người đại diện cho chính quyền, mấy anh công an làm sai trật lấc, không đúng đường lối, ngược chính sách của Đảng, không đúng pháp luật, nhưng lại ít có bản lĩnh, không biết hợp sức bà con đồng lòng đoàn kết lại để đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ của mình, cứ im lặng ngó qua cho xong chuyện, thậm chí căn răng mà chịu và tự khuyên nhau: “Họ có quyền, có thế, là người Nhà nước, dân mình thấp cổ bé họng, làm sao cho lại?”. Những cán bộ, đảng viên cấp dưới thuộc quyền thì như “thiên lôi”, chỉ đâu đánh đấy, thậm chí còn hành động như muốn lập công với cấp trên, thể hiện cái gọi là “ý thức phục tùng”. Sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh ấy đã dẫn tới tạo điều kiện buông cho cái sai được dịp sai nặng hơn, cái ác thêm lộng hành, cửa quyền càng phát sinh. Rồi cuối cùng, người dân bị tước quyền dân chủ một cách trắng trợn.
Dư luận xã hội đã rất phổ biến một thực trạng là: “Hiện nay, it có ai quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ, mà chỉ nặng về thủ (giữ) cho cá nhân”. Chữ “thủ” ở đây là giữ cho riêng mình, có lợi cho riêng bản thân mình. Cá nhân chủ nghĩa thể hiện trong lối “thủ” này rất rõ nét. Cán bộ có chức có quyền do động cơ, lối sống “thủ cá nhân” mà thẳng tay vi phạm dân chủ, dọa nạt, ức hiếp, trù dập, trả thù những người dân dùng quyền dân chủ để tố cáo sai phạm. Những người này rất sợ, rất ái ngại dân chủ, tìm cách né tránh dân chủ. Bởi vì, theo đường lối dân chủ thì họ không dễ dàng qua mặt quần chúng để “thủ lợi” cho cá nhân và nhóm lợi ích. Nói về dân chủ, Hồ Chủ tịch đã dạy rất chân tình, giản dị và dễ hiểu: “Dân chủ là hãy để cho người dân mở miệng”, nhưng các vị đương chức đương quyền đã “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống” chỉ lo tìm cách bịt miệng dân, dối trên lừa dưới. Thế là thủ tiêu dân chủ. Thực tế trong các thể chế chính trị đã có nhiều bài học đau xót do mất dân chủ, đàn áp dân chủ, độ chênh lệch về công bằng xã hội tạo sự phân hóa lớn.
Còn trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo “thủ” cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Do đó, sức manh đoàn kết cộng đồng bị dần dần yếu đi, thậm chí như bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hành xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, đấu tranh-tránh đâu, nói có ăn nhằm gì.
Không ít người do an phận thủ thướng mà ngoảnh mặt làm ngơ: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng quyền lực họ đang nắm trong tay, dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti là dân không quyền hành nên không dám lên tiếng là rất phổ biến và tai hại. Có những cán bộ, đảng viên biết là nói sai, nói và làm sẽ có hại cho dân, sẽ ảnh hưởng uy tín Đảng, nhưng ỉ vào cấp trên, nịnh cấp trên, muốn cái lợi trước mắt gì đó, mà vẫn cố tình nói liều, nói ẩu, làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự nhiều khi rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Những biểu hiện đó, suy cho cùng là chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng chưa phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ cho sự  vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái nạn đến với chính mình, rồi cũng đành phải cam lòng gánh chịu.
          Nếu như mọi cán bộ, đảng viên và người dân biết hưởng quyền dân chủ đã được Hiến pháp cho phép và bảo vệ, biết và dám sử dụng quyền dân chủ, có bản lĩnh, ý chí đấu tranh chống mọi sự bất công thì sẽ tạo sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để vươn tới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có như vậy mới tránh được nguy cơ sụp đổ của chính quyền và những trở ngại khác đối với một cuộc sống công bằng và đoàn kết với cơ hội sống an khang, thịnh vượng cho tất cả mọi người. Chỉ có sự tham gia công bằng, tự do và dân chủ vào đời sống chính trị- xã hội và kinh tế của một nhà nước hay một cộng đồng mới có thể tăng cường an ninh cho cuộc sống và mỗi con người. Chỉ có đảm bảo đầy đủ các quyền con người, tôn trọng dân chủ, quản lý nhà nước có sự tham gia của người dân thì mới có an ninh cho mỗi cá nhân và cộng đồng, mới đi tới phát triển xã hội thực sự “dân chủ, công bằng, văn minh”.         
Để có một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân, bảo đảm đầy đủ các quyền con người thực sự đi vào cuộc sống, cần tỉnh táo đề phòng và kiên quyết chống lại những biểu hiện dân chủ giả hiệu, mị dân, lừa dân, hô khẩu hiệu một chiều mà tự xưng lên là tôn trọng dân chủ. Dân chủ xã hội càng đi vào lòng người thì đó là nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng ngày càng vững chắc một đất nước phồn vinh, có sức trường tồn bền vững.
BVB

2 nhận xét:

  1. Thiên hạ đang bàn luận nhiều về việc Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. "Sửa" là để cho "Tốt" lên. Nhưng nếu không tốt lên thì thà không sửa. Tôi thấy nếu cứ thực hiện được đúng những gì đã từng được ghi trong bản Hiến pháp 1946 đã tốt lắm rôi; Nghĩa là người ta phải thực thi Quyền tự do báo chí, Quyền tự do hội họp, lập hội, Quyền tự do tư tưởng và biểu tình. Nếu được như vậy thì kể cả chưa cần phải tranh cãi việc bỏ hay để điều 4.

    Trả lờiXóa
  2. Cam on ca nhan anh Bong , cung nhu tat ca nhung bloger co tam huyet , co dao duc va co tri thuc , da dung cam noi len su that ,thuc trang xa hoi ,dat nuoc ta va ca noi tran tro cua nguoi dan (thap co be hong , duoc dan cho cai nhan "dan tri thap") . Chuc cac anh chi luon luon vung vang , kien dinh . Nhan dan luon dong hanh cung tieng noi chinh nghia cua cac anh ,chi ! (Cho bao nhieu dao thuyen khong kham . Dam may thang gian but chang ta . ) cu Do Chieu

    Trả lờiXóa