Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

ANH S., BẠN TÔI - Nguyên Ngọc


ABS - Đôi lời: Nhà văn Nguyên Ngọc vừa gửi tới bài viết từ 7 năm trước, nhưng vẫn còn tính thời sự, nhân đọc bài 1606. Từ Hiệp định Paris đến “Bên Thắng Cuộc” (Diễn đàn/ BS) của GS Nguyễn Ngọc Giao. Ông đánh giá bài viết “rất đàng hoàng, rõ ràng, chặt chẽ, đúng mức và cần thiết để hiểu đúng bản chất của sự thật lịch sử, từ đó mà có suy nghĩ và hành động đúng”. Tuy nhiên, ông đã rất bức xúc khi đọc một số phản hồi chỉ trích bài viết đó và cá nhân GS Nguyễn Ngọc Giao.
Không phải chỉ nhà văn Nguyên Ngọc có tâm trạng này, mà một số trí thức khác cũng có cảm giác tương tự. Có điều, dường như họ chưa hiểu lắm về … Internet, nơi mà có những đề tài chỉ lôi cuốn nhiều những người đầy thù hận không sao quên được, cùng lẫn lộn những “dư luận viên” của tuyên giáo trà trộn trong đó tham gia bình luận. Trong số độc giả trên dưới 100.000 lượt truy cập vào trang Ba Sàm mỗi ngày, họ chỉ là con số rất nhỏ nhoi, tiếng nói yếu ớt; những phản hồi thiếu lịch sự cũng có tác dụng tốt cho độc giả hiểu thực trạng xã hội và tập cọ sát với mọi thái độ khác nhau từ công luận.
           Nhưng ngược lại, những người bị chỉ trích, dù là lối chỉ trích thiếu văn hóa đi nữa, cũng cần ít nhiều tự xem lại mình, rằng mình đã thực sự hoặc có được bao nhiêu sự “lột xác”, “sám hối”, đã “tỉnh” hẳn chưa, nếu như từng một thời mê muội, tiếp tay cho những quyết định sai lầm đem lại hậu quả to lớn cho cả Dân tộc. Họ cần học những tấm gương, trong đó ít nhất, theo thiển ý của chúng tôi, có Nhà văn Dương Thu Hương.
Anh S., bạn tôi
*  NGUYÊN NGỌC
Tôi quen anh S. rất tình cờ, nhưng rồi về sau, khi đã thân, chúng tôi thường cười nói với nhau: Chẳng ngẫu nhiên hoàn toàn đâu, có duyên trời cả đấy. “Trời” đây là cuộc thế mấy mươi năm nay của đất nước ta, với bao nhiêu uẩn khúc trầm luân, đưa con người đi theo những con đường chẳng ai ngờ trước, tạo nên trong số phận từng người nhiều bi kịch, mà lắm khi may mắn cũng nhiều.

Tôi từ Boston bay đi Washington DC và có việc cần ở lại DC năm bảy ngày. Người quen ở Boston nhiều, nhưng ở DC tôi lại chưa hề biết ai. Anh bạn tôi ở Boston bảo: “Tôi gửi anh cho anh S. ở DC nhé, nhà anh ấy rộng, rất yên tĩnh, nhưng quan trọng hơn, anh ấy là người rất hay. Khéo các anh lại trở thành thân thiết cũng nên”. Tôi chú ý chữ “hay” anh bạn tôi dùng. Tôi có nghe tên anh S. nhưng chưa gặp lần nào, có đọc đôi bài của anh, chủ yếu về phê bình văn học, cảm giác chung là một cây bút sâu sắc, cả sắc sảo nữa, nhưng không ồn ào, gây cho người đọc một cảm giác tin cậy và nể trọng. Và đọc văn tôi thường thích thử đoán người, tôi hình dung một con người trầm tĩnh, dấu tâm huyết nồng cháy dưới một bề ngoài có thể hơi chút gì đó cứ tưởng chừng dửng dưng…
Anh đón tôi ở sân bay Baltimore, hôm ấy sân bay không hiểu sao có khá nhiều người Việt đón người thân, vậy mà tôi nhận được ra anh ngay, và anh cũng nhận ra được tôi ngay. Tức cái cảm giác của chúng tôi về nhau bước đầu vậy là không sai.
Anh S. bây giờ hầu như ở nhà chỉ một mình, các con anh đều đã trưởng thành và ra ở riêng, chị ấy thì hết đi nuôi cháu này lại đi nuôi cháu khác. Chúng tôi tự nấu ăn với nhau, và ngoài những lúc anh đi làm hay những hôm anh đưa tôi đi xem DC, hai chúng tôi thường ngồi với nhau, nói đủ thứ chuyện. Những đêm ngồi với anh S., nhiều đêm đến gần suốt sáng, tôi cứ thầm nghĩ: tôi đang đối diện, tôi không muốn dùng chữ to tát đâu nhưng mà sự thật đúng là vậy, tôi đang đối diện với một phần máu thịt của dân tộc ta, mà những trầm luân của cái thế giới và cái thời đại vừa tuyệt vời vừa khốn nạn này đã chia cắt ra, từng đưa đến đối mặt sống còn với nhau, và bây giờ xa cách nhau đến hàng vạn cây số, muốn đến với nhau đi về phía Tây hay phía Đông đều phải qua cả đại dương mênh mông, và có vượt qua đại dương rồi cũng chẳng thể đến ngay với nhau được thật dễ dàng đâu, bởi những ngăn cách kỳ quặc mà người ta gọi là ngăn cách ý thức hệ. Mà cái phần máu thịt ấy nào có ít đâu, những gần ba triệu người, riêng ở Mỹ gần hai triệu. Có ai đó đã nói: trên thế giới có hai dân tộc lưu vong nhiều và lâu trong lịch sử, dân Do Thái và dân Trung Quốc (có lẽ phải kể cả người di-gan nữa). Còn đây là lần đầu tiên người Việt Nam mới biết đến lưu vong. Người Việt chúng ta là một dân tộc không có kinh nghiệm lịch sử lưu vong. Vậy mà bây giờ đó là một thực tế, và một thực tế lớn. Ta đang tạo ra những kinh nghiệm mà cha ông ta từ nghìn đời trước chưa biết đến bao giờ…
Tôi không muốn nói rằng anh S. là đại diện cho cái phận máu thịt bị cắt ra đó, cắt ra một cách giả tạo. Và chắc chắn anh ấy cũng không bao giờ muốn nhận vai trò đó. Nhưng một cá nhân, bằng nhân cách đặc biệt của mình, đôi khi lại có thể cho phép ta qua họ mà hiểu ra được nhiều điều cần hiểu và ta lại không hiểu về một bộ phận người không nhỏ nào đó do những hạn chế khó tránh của cái góc độ mà cuộc đời đã đặt ta vào đấy nhiều chục năm dài. Anh S. theo tôi là một cá nhân như vậy. Tôi cám ơn số phận đã cho tôi gặp anh, cám ơn anh đã cho tôi hiểu thêm về cái phần dân tộc mà hoá ra tôi vốn hiểu rất ít, thậm chí hầu như chẳng hiểu gì, nếu không nói là từng hiểu chẳng ra làm sao cả.
Để tránh dông dài, tôi xin phép nói rất vắn đôi điều về cuộc đời anh, như anh đã tâm sự với tôi trong những đêm dài. Hoá ra con đường đời của hai chúng tôi suýt chút nữa đã có thể găp nhau từ nửa thế kỷ trước, thậm chí cùng đi với nhau một nhịp từ ấy đến giờ. Anh quê ở một thành phố biển đẹp nhất miền Trung, trong một gia đình theo tôi là một gia đình khá giả và trí thức. Người chị cả của anh là sinh viên khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Gia Định. Tôi có được gặp chị hôm chị từ Cali lên thăm anh và các cháu. Chắc chắn hồi trẻ chị là hoa khôi của thành phố quê hương, năm nay đã 90 mà nét đẹp vẫn hầu chưa phai, sắc sảo mà thuần hậu, thanh nhã và cao quý. Nhà anh S. treo nhiều tranh của chị, hiện đại đến không ngờ. Một người chị thứ hai của anh thì tôi biết rất rõ, từ hơn nửa thế kỷ trước: chị đã bỏ thành phố bị chiếm của mình ra tham gia kháng chiến, và ở cùng đơn vị bộ đội với tôi nhiều năm, thuộc lớp tuổi đàng chị của tôi, và tôi nhớ chị rất đẹp, nổi tiếng một thời ở vùng kháng chiến chúng tôi. Về sau, do hoàn cảnh gia đình, chị không đi tập kết … Ba anh S. thì, theo như anh kể, hồi đầu kháng chiến chống Pháp từng lên chiến khu tham gia sản xuất vũ khí, rồi sau đó cũng vì những điều kiện gia đình, trở về thành phố, một người trí thức yêu nước thầm lặng … Vậy đó, cuộc thế với những sắp xếp cứ như thật tình cờ và nhỏ nhoi đã đặt cái gia đình trí thức nền nếp và yêu nước đó đứng về cái phía mà chúng ta gọi là “phía bên kia của cuộc chiến”, khi đất nước bị chia đôi và đi vào chiến tranh lần thứ hai.
Anh S. lớn lên trong hoàn cảnh gia đình và đất nước đó. Anh học giỏi, yêu văn chương nghệ thuật, là một thanh niên tài hoa. Anh hiểu kháng chiến, nhưng anh không thích cộng sản và những người cộng sản, anh nói rõ với tôi như vậy. Vì sao? Vì cái hệ thống lý thuyết của nó mà anh không tán thành, cái hệ thống theo anh đã đưa đến một sự mô tả giả về tình hình giai cấp ở ta rồi lại từ đó tổ chức một cuộc đấu tranh giai cấp thật tàn bạo và chia rẽ dân tộc một cách vô lý. Anh biết điều đó qua những câu chuyện về cải cách ruộng đất tệ hại do những người di cư từ miền Bắc vào sau năm 1954, trong đó có những văn nghệ sĩ tài năng và nổi tiếng nhất ở miền Nam bấy giờ mà anh quen và thân kể lại, … rồi sau này nữa khi những người cộng sản chiến thắng tiến vào Sài Gòn và lặp lại cái công cuộc cải tạo tư sản ở đấy. Cả trong việc họ giam giữ, hành hạ, làm nhục kéo dài đối với những người thuộc chính quyền và quân đội Sài Gòn cũ … Tất cả những ấn tượng nặng nề ấy ám ảnh anh, nhưng đối với anh, điều còn nguy hiểm và gây cho anh nhiều đau đớn hơn là tất cả những cái đó đã tàn phá những nền tảng văn hoá đạo đức lâu dài, bền vững nhất của xã hội, làm băng hoại con người. Anh nhìn xã hội và cuộc thế dưới cái nhìn của một nhà văn hoá, và những gì của đất nước hiện ra dưới cái nhìn ấy khiến anh không nguôi quằn quại tận tâm can.
Sống ở miền Nam thời bấy giờ, anh đã chọn một nghề anh cho là trong sạch nhất: anh đi dạy học, ở một trường đại học nhỏ mà có tiếng ngay tại thành phố quê hương. Cũng có bị bắt lính vài năm, nhưng rồi xoay xở thoát được, lại trở về ngôi trường thân yêu của mình…. Sau năm 1975, khi đã định cư ở Mỹ, anh đã có mấy lần về nước, thăm lại ngôi trường của anh, gặp lại thầy xưa, bạn cũ, sinh viên cũ của mình. Anh có cho tôi xem một số ảnh và một số đoạn phim quay cảnh bạn bè thầy trò cũ gặp lại nhau, và tôi nhận ra: rõ ràng anh được tất cả những con người ấy, nay đang sống và làm việc ở nhiều cương vị khác nhau tại Việt Nam, cũng có người có cương vị khá cao, hết sức quý trọng, thật sự kính yêu. Một nhà giáo dục tâm huyết, mẫu mực và tài hoa. Một con người trung thực, giàu sức hấp dẫn, một người trí thức chân chính.
Anh sang Mỹ ngay sau năm 1975, không phải do nợ nần gì với cách mạng, mà do không đồng tình với hệ tư tưởng nay đang trở thành thống trị trong xã hội, anh thấy sẽ rất khó sống trong không khí xã hội ấy. Vợ con anh lần lượt đi theo sau, nhiều lần vượt biên không thành, bị bắt lên bắt xuống, đến lần sau cùng đi được là do có sự giúp đỡ của một cán bộ rất cao cấp nay đang làm việc trong một ngành liên quan đến đối ngoại, nhưng ngày trước, trong kháng chiến chống Pháp lại là cán bộ quân sự từng có quen biết người chị đã ra tham gia bộ đội ở đơn vị tôi lúc bấy giờ, thậm chí cũng rất có thể anh ấy đã từng thầm yêu chị, tôi không sợ đoán nhầm lắm đâu, ngày đó anh ấy là sinh viên Hà Nội Nam tiến, tài hoa và lãng mạn, đánh giặc giỏi và đẹp trai, còn chị thì như là hoa khôi ở vùng kháng chiến chúng tôi. Vậy mà khi được giúp đi Mỹ, thì cả gia đình anh S. đi hết, riêng chị lại ở lại, nay vẫn sống ở Sài Gòn. Trong cuộc đời, làm sao hiểu hết được những níu kéo riêng tư đối với từng con người…
Có dịp làm quen với nhiều người Việt ở Mỹ, tôi mới thật sự hiểu ra những năm đầu sang đấy họ đã chịu bao nhiêu gian nan ghê gớm và đã can trường vượt qua khó khăn đến chừng nào. Mỗi cuộc đời làm lại trên đất khách là cả một sự tích kỳ diệu, mà lắm trường hợp gọi là anh hùng cũng không quá đáng đâu. Chẳng hạn, tôi có được làm quen với một người chủ hiệu sách tiếng Việt ở Cali. Anh ấy từng là chủ xuất bản một nhà sách nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây. Anh không viết lách gì, nhưng yêu và tôn sùng sách như một tín đồ của một tôn giáo nhiều khi đến cực đoan. Sang Mỹ sau 1975 với hai bàn tay trắng, anh liều mình lên tận vùng Alaska sát ranh giới Bắc cực, 10 năm làm nghề đánh cá mà anh chưa từng biết chút gì, chắt chiu nhịn nhục âm thầm gom góp, 10 năm ròng vật lộn đầm mình trong băng tuyết, để cuối cùng có được chút vốn trở xuống Cali lập lại một nhà xuất bản, lấy lại đúng tên nhà xuất bản ở Sài Gòn trước đây của anh, in những quyển sách thật quý, thật đẹp, thật sang trọng …. chủ yếu để mà ngắm chứ nào có bán được mấy đâu. Tôi đến mua sách của anh lần đầu năm trước, năm sau trở lại, đã thành bạn quen, anh ra chào tôi, rồi lấy xuống từ kệ sách một cuốn Lược Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê anh mới in lại, bìa cứng, thanh nhã, tuyệt đẹp, ký tặng tôi: “Tặng anh cuốn sách cuối cùng của nhà xuất bản VN”. “Cuốn sách cuối cùng”, vì cái nhà xuất bản mà anh đã phấn đấu như một người anh hùng để khôi phục trên đất khách, bất chấp tất cả hy sinh to lớn của anh, đến nay cũng phải đành đóng cửa thôi. Lớp người Việt đọc được tiếng Việt trên đất Mỹ ngày càng mòn mõi đi. Thế hệ một, thế hệ một rưởi, rồi thế hệ hai, thế hệ ba … Rồi sẽ đến lúc hầu như không còn người gốc Việt biết nói và đọc tiếng Việt nữa. Biết làm sao được, cuộc sống là vậy…
Anh S. cũng từng trải qua những vật lộn ghê gớm chẳng kém để tồn tại và tìm được một chỗ đứng trong cái đất nước và xã hội mới, đầy hứa hẹn mà cũng lắm dữ tợn này. Cũng như rất nhiều trí thức đã bỏ nước ra đi những năm ấy, anh đi làm đủ thứ công việc, không từ cả nghề khuân vác, gác gian …Và ra sức học, học như lao vào một cuộc chiến sinh tử. Không chỉ để tìm chỗ đứng cho chính anh, mà còn để chuẩn bị cho vợ và các con anh sẽ sang sau nữa. Anh hùng và thông minh, cực kỳ tài năng, anh trở thành kỹ sư, rồi trở thành nhà nghiên cứu khoa học, làm chuyên viên kỹ thuật trong một cơ quan khoa học hàng đầu của nước Mỹ, và cũng có thể của cả thế giới ngày nay… Ba mươi năm. Vợ và các con anh sang sau, nay cũng đều đã ổn định và trưởng thành. Cả năm người con anh, con gái con trai, đều đã là tiến sĩ. Còn anh, anh bảo tôi năm nay anh sẽ xin nghỉ hưu. Anh muốn trở về với công việc yêu thích nhất của anh: viết và vẻ. Và lang thang đây đó, nhìn ngắm và suy nghĩ về cuộc đời …
Trong những đêm trắng ngồi với anh giữa ngôi nhà mênh mông ở DC, nhâm nhi rượu vang đỏ mà anh có đầy cả một tầng hầm, chúng tôi nói với nhau lang bang không biết bao nhiêu chuyện về đủ thứ trên đời, từ văn học nghệ thuật, cả triết học phương Đông và phương Tây, về các bạn bè cũ mà hoá ra chúng tôi bằng con đường này hay con đường khác đều cùng quen biết, thậm chí thân thiết, số phận khác nhau của từng người, cho đến chuyện chính trị nước Mỹ, nước Tàu, nước Nga, rồi nước mình … Nhưng rồi hầu như bao giờ cũng vậy, cứ như bằng một sức hút nam châm vô hình mà có thực và dai dẳng, câu chuyện cuối cùng bao giờ cũng lại dắt chúng tôi về một đề tài, một trăn trở không sao dứt ra nổi, và không biết rồi có bao giờ hoàn toàn dứt ra được không: Vì sao chúng tôi, những người như anh và tôi, từ trong sâu thẳm mỗi chúng tôi, chúng tôi gần nhau đến thế, có thể gặp nhau ở vô số điểm và đều là những điểm căn cốt nhất của nhân sinh … lại bổng bị chia cắt ra xa nhau đến thế, và bây giờ nói cho thật chân thành thì con đường đến lại với nhau cũng không hoàn toàn đơn giản và suông sẻ. Vẫn có một rào cản nào đó mà chúng ta, chúng tôi đang cố gắng vượt qua, mong rằng sẽ vượt qua được, nhưng quả thật chẳng hoàn toàn dễ dàng.
Anh S. thường kể với tôi về cuộc sống của anh và các bạn anh, những người anh thật sự thân thiết và quý trọng, trong đó có những người là nhà văn, là nghệ sĩ, là nhà giáo, mà cũng có một số người là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn trước đây. Và dần dần tôi nhận ra điều này, mà trong một đêm tôi cũng đã thẳng thắn nói với anh: hoá ra tôi, chúng tôi, những người kháng chiến chống Mỹ, chủ yếu lăn lộn ở trên rừng những năm tháng ấy, chúng tôi quả thật không hề biết rằng trong các thành phố miền Nam ngày ấy còn có một bộ phận đời sống như thế, với những con người như thế. Trong hình dung của chúng tôi, ở các thành phố ấy bấy giờ chỉ có hai tình trạng đối lập nhau: một cuộc sống bức bối, ngạt thở, hết sức đen tối về tinh thần, và cả nhầy nhụa nữa cũng nên, dưới gót dày chiếm đóng của người Mỹ thô lỗ và hống hách; và mặt khác một cuộc chiến đấu căng thẳng, lặng lẽ và vô cùng anh hùng của những người nằm vùng chống lại ách chiếm đóng ấy. Chúng tôi không biết có những người như anh, không phải chỉ từng người cá lẻ mà là cả một tầng lớp, một bộ phận xã hội đáng kể, yêu nước và cả chống Mỹ nữa, một lòng yêu nước đáng kính trọng dù con đường để thực hiện lý tưởng đó có khác con đường chúng tôi đã đi; và chống Mỹ, ghét Mỹ, khinh bỉ Mỹ một cách đầy bi kịch vì lại phải dựa vào Mỹ để chống lại cái hệ ý thức mà họ nghĩ là có thể gây hại lâu dài cho đất nước, dân tộc… Và họ không chỉ có một đời sống tinh thần như vậy, mà thật sự cũng đã tạo ra được một không gian xã hội không quá nhỏ bé đâu, để chẳng hạn làm sinh nở cả một trào lưu văn học và nghệ thuật, một đời sống văn hoá tinh thần trong đó có những giá trị không nhỏ chút nào … Có lẽ chính cái khoảng không gian lớp người ấy từng dũng cảm tạo được đó đã tạo điều kiện để có thể có được chẳng hạn một nhạc Trịnh chắc sẽ còn sống lâu dài lắm với chúng ta. Trịnh mà tất cả chúng ta đều yêu, và chắc chắn sự nghiệp nghệ thuật của anh là một phần tài sản tinh thần từ nay không thể thiếu của dân tộc. Và cả những giá trị văn học nữa mà tôi nghĩ đến một lúc nào đó, cũng không nên để chậm trễ quá nữa, cần được đánh giá công bằng và khôi phục lại, bởi vì nói cho đúng đấy cũng đều những tài sản văn hoá quý báu của đất nước, chẳng ai có quyền tước đi mất của nhân dân… Giá như ngày ấy chúng tôi, chúng ta hiểu thêm được thành phố như thế thì tình hình đã có thể khác, cho lúc bấy giờ, và cho cả bây giờ … Nhưng, ở đời là vây, “giá như” tức là “nếu”. Mà lịch sử thì không có “nếu”. Lịch sử, khi nó đang còn là hiện thực tức thì diễn ra trước mắt chúng ta, không bao giờ cho chúng ta nhìn thấy được tất cả bức tranh toàn cục của cuộc thế. Nó che lấp đi rất nhiều mặt, trong đó rất có thể có cả những mặt thật sự rất quan trọng .
Tôi đã nói với anh S. suy nghĩ đó của tôi, và tôi cũng đã nói với anh rằng về phần anh, các anh cũng vậy, các anh ngày ấy cũng bị cái gọi là lịch sử cụ thể đó che lấp đi một mảng rất lớn của hiện thực. Các anh chủ yếu sống ở thành phố, hầu như không biết chút gì về nông thôn mênh mông của chúng ta cả. Mà tội ác của chính quyển miền Nam và của Mỹ thì chủ yếu lại diễn ra ở nông thôn, bên ngoài xa lắc các thành phố hào hoa và cũng khá phồn thịnh và tương đối yên bình thời ấy. Một hôm ở Texas, tôi tình cờ gặp một người cùng quê, trước đây từng làm tỉnh phó tỉnh Quảng Nam, đúng thời chính quyền Ngô Đình Diệm, giữ một chân phụ trách phần hành chính gì đó hình như cũng không quan trọng lắm. Anh ấy rất thản nhiên bảo tôi rằng theo chỗ anh ta biết một cách chắc chắn thì đạo luật chống cộng khét tiếng 10-59 đúng ra chỉ giết có mỗi hai người thôi! Tôi không nghĩ anh ta cố tình nói dối. Anh nói đúng điều anh biết: đạo luật ấy đúng là đã đưa ra xử tử hình hai người trước toà án công khai của chính quyền Sài Gòn. Còn hàng ngàn, hàng vạn người bị tàn sát, đày đoạ ở khắp nông thôn miền Nam những năm tháng ấy trong các chiến dịch tố cọng diệt cộng trả thù những người kháng chiến chống Pháp, anh không biết và không nói đến. Tôi có nói với anh ấy rằng chính người cậu ruột tôi, quê ở thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, vùng đất mà anh ấy chắc chắn biết rất rành rọt, đã bị giết chết trong cái chiến dịch khốn nạn ấy, ngay từ 1955, bị giết vô cùng dã man bằng cách dùng một cấy đũa tre vót nhọn đâm xuyên qua tim khi đã bị trói chặt tay chân. Sau năm 1975, người con trai của ông, tức người anh con cô con cậu của tôi, đã hằm hằm về tìm đúng tên ác ôn đã sát hại cha mình, quyết trả thù, và chính tôi đã giật lấy khẩu súng trong tay anh, ngăn hành vi manh động của anh… Quả thật đã có hận thù, quá nhiều hận thù chồng chất từ cả hai phía, tôi nói với anh S. Vấn đề bây giờ là, nếu quả thật dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng, thì sự anh hùng bây giờ là hãy anh hùng “bước qua lời nguyền” lịch sử để lại ấy đi, để đến với nhau, mà tôi tin là hoàn toàn có thể đến với nhau được, như tôi và anh, chúng tôi đã đến với nhau và đã tìm thấy ở nhau vô số điều đồng cảm, từ những buồn vui nhỏ nhặt đời sống hằng ngày cho đến những nghĩ suy sâu xa và mong ước thống thiết, cả tin tưởng nữa ở số phận dân tộc. Tôi cũng nói với anh rằng tôi thật lòng cảm phục những người như anh, và không ít những người bạn khác tôi gặp và được quen ở Mỹ, đã vượt qua được cái bước khó khăn ấy để có một thái độ ôn hoà và một lòng mong muốn hoà giải thật sự giữa những bộ phận máu thịt của dân tộc đã bị lịch sử chia cắt ra, mặc dầu còn rất nhiều bất đồng ở phía bên này cũng như phía bên kia. Tôi biết các anh cần nhiều sự dũng cảm hơn chúng tôi để làm cho được việc ấy, vì trong cuộc chiến vừa qua chúng tôi đã là người chiến thắng, mà đối với người chiến thắng lẽ ra thái độ và hành động hoà giải phải chủ động và dễ dàng hơn nhiều. Nếu chúng tôi không chủ động và thấy dễ dàng hơn trong việc này, thì quả thật chúng tôi rất kém cõi và hết sức đáng trách…
Đêm ngoại ô DC yên tĩnh một cách khác thường. DC thật đẹp, nhất là ở những khu ngoại ô này, ở thành phố mà cứ như ở trong rừng, và rừng thì bao giờ cũng vậy, dễ gợi cho người ta vừa sự bình tâm sâu xa lẫn những suy tư có thể thăm thẳm. Khuya lắm rồi đêm ấy, anh S. trầm ngâm rót đầy ly vang cho tôi rồi cho anh, chúng tôi lặng lẽ cụng ly với nhau, lại im lặng rất lâu, rồi anh nói, rất chậm và nhỏ: “Nhiều lúc tôi có suy nghĩ thật vớ vẫn, anh ạ. Tôi nghĩ giá như trong cuộc chiến vừa qua, miền Nam thắng, thì có lẽ sẽ tốt hơn … Nhưng mà miền Nam thì chắc chắn không thể nào thắng được, làm sao mà thắng được, hở anh. Vì vô số nguyên do và đều là những nguyên do có tính chất cơ bản, quyết định cả. Vậy đó! …”
Tôi đã có lần đọc câu này của anh trong một bài anh trả lời phỏng vấn. Và tôi hiểu anh: Anh muốn nói đến những nền tảng cơ bản nhất của văn hoá và đạo đức xã hội, mà chúng ta, trên con đường mà chúng ta đã chọn để đi đến chiến thắng, do éo le và áp lực từ chính con đường bắt buộc phải chọn ấy, và do cả những lỗi lầm lẽ ra cũng có thể tránh được của chúng ta nữa, chúng ta để cho băng hoại mất đi. Tổn thất đó rất lớn, có những điều thuộc về nền tảng cơ bản và lâu dài. Ở miền Nam, trong một chừng mực nào đó và trong những phạm vi nào đó, anh và những người như anh đã cố gắng gìn giữ nó tốt hơn. Ý nghĩ đó của anh chắc là còn phải được cân nhắc kỹ và tinh tế lắm nữa để nhận ra cho thật rành rẽ chỗ đã phải chỗ chưa hoàn toàn phải. Nhưng có điều chắc chắn, chỉ một người yêu đất nước mình và nền văn hoá của đất nước mình lắm mới có thể nghĩ và nói đến những điều như vậy. Thổ lộ ra những suy nghĩ như vậy, một cách đau đớn, đến chừng rớm máu. Riêng tôi nghĩ, không biết tôi có sai không, có “mất lập trường” quá không, tôi, một con người đã cầm súng kiên định suốt ba mươi năm ở phía bên này của cuộc chiến, tôi thật sự muốn lần ra một phần lẽ phải, dù là nhỏ thôi nhưng mà cần thiết lắm, trong điều anh nghĩ và chân tình và đau đáu nói với tôi…
Tôi có gặp các con anh., cả các cháu nội ngoại của anh. Trong gia đình anh, bây giờ phân tán từ bắc đến nam nước Mỹ, có một quy định nghiêm ngặt: mọi người phải biết và nói giỏi tiếng Việt. Anh bảo gia đình anh sẽ giữ điều đó cho đến đời chắt, đời chít của anh chị. Nhưng rồi có hôm anh hỏi tôi, trăn trở và đau đớn: “Nếu ở thế hệ này của chúng ta, trong nước với ngoài nước chúng ta không thật sự hoà giải được với nhau, thì rồi đến thế hệ sau, thế hệ sau nữa, sẽ ra sao đây? Những người ở bên này lúc ấy có còn là một bộ phận máu thịt thống thiết của Tổ quốc chúng ta, như chúng tôi bây giờ nữa hay không?”.
Dân tộc Việt chúng ta trong lịch sử là một dân tộc không có kinh nghiệm lưu vong, trong khi người Do Thái, người Trung Hoa từng có kinh nghiệm lịch sử lâu dài đó, và đã biến thực tế đó thành một sức mạnh nhiều mặt, thậm chí vô giá của đất nước và dân tộc họ trong tồn tại và phát triển.
Còn chúng ta?
Câu hỏi ấy đặt ra đương nhiên cho những người Việt đang ở cả hai bên đại đương, nhưng cũng đương nhiên trước hết cho chúng ta, vì chúng ta đã là người chiến thắng và đang có trong tay cả đất nước và chịu trách nhiệm về đất nước ấy.
Tháng 11-2005
N.N.
(Theo ABS)
-------------------------

1 nhận xét: