Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

TẾT Ở TRƯỜNG SA



              Tháng Chạp, nắng rực vàng trải trên những bờ cát trắng. Khi những cánh én bắt đầu chao lượn trên nền trời xanh cũng là lúc con tàu HQ 996 chở quà tết đến với bộ đội Trường Sa. Vượt trùng khơi mênh mông, sau một đêm, một ngày rồi một đêm, tàu đến đảo đầu tiên - đảo Trường Sa Lớn - khi bình minh vừa ló dạng, trong sự chào đón nồng nhiệt của những người lính đảo.

Bộ đội  Trường Sa gói bánh chưng đón Tết
Toàn bộ quân dân trên đảo có mặt đón đoàn. Sau những cái bắt tay, cái ôm hôn thật chặt, rất nhanh, toàn bộ “cơ số” hàng là tấm lòng của đất liền đã được những người lính chuyển nhanh lên đảo bằng những chiếc xe cút kít rất đặc trưng của đảo.
Trong niềm vui ngập tràn không thể nào tả xiết, những người “khách” đất liền được nghe những người lính Trường Sa kể về tết ở đảo xa…
Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị của đất liền. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh mứt… và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, trong đó có cả mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân miền Bắc, hầu hết các đảo nổi đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh… nên thực đơn trong những ngày tết khá phong phú. 28 tết được coi là ngày tất niên của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ tập trung thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Trước đó, cán bộ chiến sĩ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, cùng chỉnh sửa lại biển bảng theo nề nếp chính quy, tổng vệ sinh doanh trại cho thêm phong quang, sạch sẽ…
Khác với đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông - một loại cây chỉ mọc và sống trên đảo. So với bánh chưng được gói bằng lá dong hay lá chuối, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông có hương vị rất riêng, rất đặc biệt. Vì ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý, Trường Sa đón ánh bình minh sớm nhất nên tết cũng đến sớm hơn đất liền. Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng trước bàn thờ Tổ quốc. Không khí lâng lâng chờ giao thừa cũng giống như ở đất liền và văn nghệ là điều không thể thiếu đối với bộ đội, đặc biệt là với bộ đội Trường Sa. Tất cả cùng hát cho nhau nghe. Hát với cây guitare bên ánh lửa bập bùng. Hát với giàn karaoke vừa mới được đưa ra từ đất liền… Ai cũng hát bằng cả tấm lòng, át cả tiếng sóng vỗ bốn bề, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, đồng thời động viên nhau vượt lên những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, cùng chắc tay súng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đặc biệt, để tết ở đảo không kém phần tươi vui như ở đất liền, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ tham gia, như thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, thi làm báo tường xuân, làm cành đào, cành mai đẹp… giữa đảo này với đảo khác, đơn vị này với đơn vị kia… tạo không khí tết vui tươi, đầm ấm cho cán bộ, chiến sĩ.
Những “cành đào”, “cành mai” được “sản xuất” tại đảo, anh em chiến sĩ lấy cành mù u hoặc phong ba “tạo thế” rồi cắt hoa giấy gắn lên giống như hoa thật. Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên đón tết tại đảo song không cảm thấy buồn vì tuy ở đảo nhưng cũng có đầy đủ hương vị của ngày tết cổ truyền. Đặc biệt, đã không còn cảnh phải canh cánh mong thư nhà để được đọc thư chung như những năm trước kia vì toàn đảo đã được phủ sóng Viettel; điện cũng đã sáng rực trên đảo lúc đêm về nên cán bộ chiến sĩ nào cũng cười tươi rạng rỡ như mùa xuân.
XUÂN HIẾU

----------------------------------

TẾT ĐẤT LIỀN RA ĐẢO XA

Như một lời hẹn ước của thiên nhiên đã có từ muôn thuở, khi ở miền Bắc xuất hiện những trận gió mùa Đông Bắc thì trên dải đất dọc eo biển miền Trung, những cơn gió chướng cũng bắt đầu thổi mạnh báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Với cán bộ, chiến sĩ Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), mùa xuân như đến sớm hơn. Bởi, trong những ngày này, Quân cảng đang khẩn trương tổ chức tiếp nhận, tập kết, vận chuyển lên tàu những món quà Tết nồng ấm, sâu nặng nghĩa tình từ đất liền gửi quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Tết trên đảo cũng đủ đầy như ở đất liền
              Hôm nay, không khí đón Tết vui xuân ở đất liền cũng lan ra tận Trường Sa. Các địa phương, đơn vị đã sớm lo Tết cho người lính giữ đảo. Năm 2012 là một trong những năm kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu tác động sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo Tết Nguyên đán Quý Tỵ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa, những ngày cuối năm, lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân liên tục thay phiên nhau túc trực ở Quân cảng Cam Ranh để kịp thời chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo đảm, tiếp nhận, tập kết, đóng gói cẩn thận hàng chục tấn hàng gồm: gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, dưa hành, ớt, tỏi, măng, miến, bánh, mứt kẹo và các loại thực phẩm tươi sống (lợn hơi, gà, bò…) chuẩn bị đưa xuống tàu vượt sóng, gió ra đảo. Là người nhiều năm liền ăn Tết ở Trường Sa, Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “ Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể quân và dân cả nước, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa vẫn được đón Tết rất đầy đủ, ấm cúng, với đủ nghi lễ như: mổ lợn, gà, gói bánh chưng, trang trí câu đối…, bày biện bàn thờ, mâm cỗ ngày Tết...”
                Thượng tá Ngô Văn Cải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân vui mừng cho biết: “Tết Quý Tỵ - 2013, mặc dù còn khó khăn nhưng khẩu phần ăn Tết năm nay của bộ đội Trường Sa có nhiều cải thiện hơn, đầy đủ những nhu yếu phẩm phục vụ ngày tết như bánh chưng, cà phê, nước ngọt, bánh mứt kẹo, bia lon... Năm nay, đơn vị quyết tâm phấn đấu bảo đảm cho bộ đội và nhân dân trên toàn đảo đều có thịt lợn, thịt bò, thịt gà tươi để ăn Tết. Để làm được điều đó, các tàu sẽ vận chuyển bò, lợn, gia cầm ra đảo để bộ đội và nhân dân tự giết thịt, góp phần tạo ra không khí vui tươi ngày Tết giống như ở quê nhà. Còn các loại vật chất hậu cần khác cũng bảo đảm không quá eo hẹp…”.
Vận chuyển hàng ra đảo Trường Sa Lớn
Những chuyến tàu “chở Xuân” ra đảo
             Trước khi làm nghề báo, tôi đã từng may mắn được là chiến sĩ Hải quân công tác tại Quần đảo Trường Sa và đã nhiều năm đón Tết trên đảo nên hiểu rõ tâm trạng của lính đảo khi đón Tết. Cứ vào khoảng những ngày cuối tháng 11 (âm lịch), lính Trường Sa bắt đầu háo hức mong ngóng đón tàu chở hàng Tết ra đảo. Cánh lính trẻ, từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn truyền nhau câu nói cửa miệng quen thuộc: “Tàu ra là Trường Sa vào Tết”. Đúng vậy, ngày tàu cập đảo, cả đảo rộn ràng hẳn lên, vui như mở hội. Tàu ra đảo trong dịp Tết cũng là lúc các đảo tổ chức luân chuyển quân số. Vì thế lính mới, lính cũ tay bắt, mặt mừng ôm nhau hàn huyên tâm sự. Chuyện đất liền, chuyện đảo, chuyện người đi, kẻ ở… xen lẫn những câu nhắn gửi rôm rả, râm ran; đâu đó lại thấy cất lên những câu thơ chứa đậm tình đồng chí, đồng đội mà lính đảo ai cũng thuộc: “Mai bạn về đất liền xa xôi /Chỉ còn đảo với người giữ đảo /Bao năm tháng nắng mưa và giông bão… Bạn để lại cho tôi chiếc áo bạc màu /Đôi giày cũ in vết mòn trên cát /Cây đàn gỗ một thời học hát /Quên sao trời mọc qua lúc hoàng hôn…”.
              Tuy nhiên, vui mấy thì vui, việc tập kết hàng lên đảo để nhanh chóng giải phóng tàu còn chuyển hàng đến các đảo khác vẫn phải ưu tiên số một. Sóng, gió, thời tiết thất thường, không khẩn trương, nhỡ trục trặc, chậm trễ là lính đảo đâu đó mất Tết như thường. Giáp Tết, biển càng động mạnh. Ở một số đảo như Cô Lin, Tốc Tan, Tiên Nữ, An Bang…để chuyển được hàng tấn hàng từ tàu lên đảo không phải đơn giản. Hàng Tết chở ra đảo cũng đủ loại, được lính đảo nâng niu đưa về kho quân nhu cất giữ cẩn thận. Riêng món lá dong (thứ hàng quý số một) để chuẩn bị cho gói bánh chưng, bao giờ cũng được cán bộ, chiến sỹ chăm chút hơn cả. Ở nhiều đảo, bộ đội còn bọc kín lá dong vào bao nilon ngâm xuống biển hoặc trong bể nước, với hy vọng đến ngày gói bánh lá vẫn còn xanh, còn đẹp.

Thiêng liêng Tết Trường Sa
               Có lẽ, chỉ những ai đã từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận hết được không khí thiêng liêng đặc biệt ở đây. Trong thời khắc chuyển mùa, sang Xuân, giữa mênh mông trời biển, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào kiêu hãnh là người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và cảm nhận ở phía đất liền hơi ấm của Tổ quốc, của người thân đang hướng về Trường Sa để sẻ chia, để thương nhớ… Mấy năm nay, phần lớn các đảo đều được trang bị vô tuyến và nhận được tín hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam nên mọi người ở đất liền và ngoài đảo xa đều xem được chương trình truyền hình trực tiếp không khí đón Xuân trên mọi miền Tổ quốc, làm cho Tết ở Trường Sa như gần gũi hơn với đất liền.  
            Cứ mỗi khi trên vô tuyến có hình ảnh vùng quê của một ai đó xuất hiện, người đó lại reo lên và khoe rối rít. Nhưng cũng có người quay mặt, cố giấu những giọt nước mắt như đang muốn trào ra… Nhiều đảo, đã thành lệ, trước thời khắc năm cũ chuyển năm mới ít phút, mọi người lại tề tựu đông đủ ra thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh trên đảo. Trong làn khói hương nghi ngút, nước mắt nhạt nhoà, cùng gọi tên những đồng đội đã ngã xuống nơi đây và tâm niệm: Sẵn sàng hiến dâng đến giọt máu cuối cùng vì Trường Sa - vùng đất mẹ thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.
              Nhớ lại lần đón giao thừa trên đảo Trường Sa Lớn năm trước, Thiếu úy Lâm Văn Lương xúc động: “Nếu chưa ra với Trường Sa thì cứ nghĩ rằng ở đây khô khan và đầy sóng gió. Nhưng ra Trường Sa rồi mới biết, có một thứ luôn luôn thắm thiết, đó là tình đồng chí, đồng đội và tình quân - dân trên đảo; đêm giao thừa là đêm ngập tràn cảm xúc nhất. Lính già, lính trẻ, lính mới, lính cũ cùng nhân dân quây quần như người một nhà. Những lời chào mời, chúc tụng xôn xao cùng giọng hát, tiếng đàn kéo dài mãi như không muốn dứt. Bây giờ, sóng điện thoại đã phủ hầu hết các điểm đảo, nên cảnh lính Trường Sa mong ngóng những dòng thư của người thân không nhiều như trước, nhưng tình cảm, sự gắn bó của cán bộ, chiến sỹ trên đảo thì không bao giờ phai nhạt”.
           Ai ai cũng có cảm giác mùa Xuân đang đến thật gần. Dù xa gia đình, xa quê hương, nhưng tình cảm đất liền càng củng cố thêm nghị lực, niềm tin và lòng quyết tâm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc của những người lính đảo Trường Sa.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét