Lăng mộ nhà thơ Phùng Quán |
* MINH DIỆN
BVB - Cận tết Ất Sửu 1985, tôi ra Hà Nội họp. Trước khi quay vào Sài Gòn, tôi tới thăm nhạc sĩ Hồng Đăng. Anh Hồng Đăng rủ tôi đi thăm nhà văn Phùng Quán (*).
Tôi chưa gặp nhà văn Phùng Quán, nhưng truyện“Vượt Côn Đảo” của ông tôi đã đọc từ khi mới học lớp bốn.
Tôi cũng thuộc bài thơ “Lời mẹ dặn” của ông, và nghe nói vì bài thơ ấy mà ông phải chịu bầm dập, nên khi anh Hồng Đăng rủ tôi nhận lời ngay. Tôi nói với anh Hồng Đăng:
- Để em mua chai Remy Martin biếu anh Phùng Quán!
Anh Hồng Đăng nói:
-Kiếm chai quốc lủi thôi! Còn tiền mua ký giò, anh Phùng Quán nghèo lắm!
- Thì cả Martin và giò!
Tôi có bà mợ đằng vợ, quê Quảng Nam, là nhân viên ở cửa hàng Tôn Đản, rất rành các loại rượu và giò chả cao cấp ở Hà Nội, tôi nhờ mua chai rượu, cân giò làm quà tết nhà văn Phùng Quán.
Chiến sĩ Về quốc quân Phùng Quán |
Khoảng ba giờ chiều 27 Tết, tôi và anh Hồng Đăng tới nhà anh Phùng Quán, cạnh Hồ Tây.
Nhà văn Phùng Quán đang ngồi lột vỏ những củ hành tím với vợ là chị Bội Trâm. Anh mặc chiếc áo bông cũ, cổ quấn khăn bù xù, làm khuôn mặt như tóp lại, nhăn nheo, hòa hợp với cái trán hói, mái tóc thưa đốm bạc, nhìn rất khắc khổ. Nghe anh Hồng Đăng giới thiệu, anh Phùng Quán cảm động nắm chặt tay tôi, nói :
- Từ Sài Gòn ra ư? Có lạnh không?
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà, uống trà, nói chuyện. Anh ở trong một trong một căn nhà như cái chuồng chim, mái lợp lá gồi, bị dột phải vá chằng vá đụp, vách thưng bằng những mảnh gỗ đóng thùng, trống huếch trống hoác, chênh vênh bên mé Hồ Tây do anh Phúng Quán tự làm. Dù sao nó cũng là tổ ấm của anh chị, hơn cái cảnh chồng một nơi vợ một nẻo mấy chục năm, kể từ khi anh gặp nạn “Văn nhân giai phẩm” mà bài thơ “Lời mẹ dặn” là một cái cớ để người ta đánh anh.
Tôi nói với Phùng Quán:
- Em nghe nói nhà thơ Trúc Chi viết một bài thơ rất dài đánh anh, có đúng không ?
Anh Phùng Quán cười buồn:
- Đúng đó em! Hơn trăm câu, dữ dội lắm!
Anh Phùng Quán đăm đắm nhìn ra mặt Hồ Tây, gương mặt se sắt, mắt như ướt lệ. Chị Bội Trâm rót trà mời khách, khẽ khàng nói:
- Mấy chục năm nay anh ấy vẫn muốn gặp tác giả bài thơ ấy mà chưa gặp được chú ạ.
- Thế không phải là nhà thơ Trúc Chi, từng có câu thơ “Trên cao vừa tắt đèn dù / Trời đêm trở lại tối mù như đêm!” bị báo Văn Nghệ “dọn vườn” là: “Tưởng đêm tối như gì. Hóa đêm tối như đêm. Ôi ví von dị kỳ. Xin phục người anh em!” ạ?
Nghe tôi hỏi, nhà văn Phùng Quán cười bảo:
- Không, không Trúc Chi mô! Anh ấy là người tử tế! Mỗi lần về Hà Nội đều tới thăm mình !
Anh Hồng Đăng nói:
- Phải công nhận tác giả bài thơ ấy suy diễn giỏi. Bài thơ Phùng Quán có mấy câu mà nó tán ra 112 câu.
Anh Hồng Đăng uống ngụm trà rồi đọc mấy câu trong bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán:
Yêu ai cứ bảo là yêu!
Ghét ai cứ bảo là ghét!
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng đừng nói yêu thành ghét!
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng đừng nói ghét thành yêu!
Nhà thơ Phùng Quán tiếp lời nhạc sỹ Hồng Đăng, đọc mấy câu thơ của tác giả Trúc Chi, suy diễn để đánh anh:
… “Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu nơi gác tía cao bồi,
Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó má chim mồi!
Liếm đường mật lưỡi không biết ngọt,
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi?”…
Chiều giáp tết lạnh lẽo, nghe giọng đọc của nhà văn Phùng Quán vừa buồn vừa cay đắng xót xa như từng cơn gió lạnh rót vào tim. Tôi là lớp hậu sinh so với hai anh, chưa từng trải, mà vẫn cảm thấy đắng chát vô cùng. Sao lại có một thời như vậy, một thời tạo ra những người cầm bút điêu ngoa, ác hiểm, biến ngọn bút thành gươm thành dáo đâm đồng nghiệp, bạn bè ?
Nhà thơ Phùng Quán 1992 |
Chị Bội Trâm cắt những khoanh giò bày ra đĩa, anh Phùng Quán trịnh trọng mở chai rượu Remy Martin, rót ra bốn chiếc ly con, và nói:
- Thôi năm hết tết đến rồi, cầu chúc những chuyện buồn qua đi, xin đừng quay lại nữa!
Gió rít qua khe ván phất phơ bay chòm râu thưa, mái tóc thưa phở phạc của một tài năng còn ba ngày nữa mới bước qua tuổi 53 mà già nua, cằn cỗi như một cây khô vì phải chịu quá nhiều cay đắng đọa đày!
Gió từ Hồ Tây thổi mạnh làm lật chiếc rá tre, trong có nửa cân thịt lợn, một nhúm đậu xanh, một nhúm gạo nếp, mấy bìa đậu, là tất cả tiêu chuẩn tết của vợ chồng nhà văn Phùng Quán và hai con anh chị.
Tôi và anh Hồng Đăng nâng li chúc tết vợ chồng nhà văn Phùng Quán Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, lăn trên má. Chị Bội Trâm an ủi tôi:
- Vui lên chú! Về Sài Gòn cho chị gửi lời chúc tết thím và các cháu!
Nhà văn Phùng Quan tiễn chúng tôi một đoạn, anh khoe anh mới câu trộm được một con cá chép nửa cân ở Hồ Tây.
Tôi biết anh nói thật lòng, càng thương anh, một nhà văn có tâm có tài sống giữa Thủ đô, hoạn nạn, đắng cay, nghèo đói đeo bám suốt đời.
Tôi kể lại chuyện tết ở nhả văn Phùng Quán cho bà mợ nghe, bà cười chua chát:
- Chả riêng gì nhà ông Phùng Quán ! Dân mình thế cả cháu ạ! Chỉ những quan to là sướng!
Tôi hỏi:
- Ví dụ tiêu chuẩn của Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Tố Hữu thì tết này được những thứ gì mợ?
Bà mợ tôi cẩn thận mở sồ, lật mấy trang, rồi nói:
- Các vị ấy được cung cấp theo nhu cầu. Các vị ấy cần thứ gì, số lượng bao nhiêu, đầu bếp ghi giấy mang ra là cửa hàng phải cung cấp đầy đủ. Đầu bếp nhà ông Tố Hữu hôm qua mới nhận 2 kg bóng, 2 kg vây, 03 lạng yến sào, 5 kg thịt lợn, 5 kg thịt bò, 4 kg cá lăng, 30 kg gạo tám thơm...Ngoài ra còn đường, sữa, kẹo, mứt, miến không kề hết được. Vua chúa thời trước không bằng đâu cháu ạ!
Ông Tố Hữu là cậu nhà văn Phùng Quán. Suốt mấy chục năm Phùng Quán gặp nạn, Tố Hữu không hỏi han gì. Ngược lại Phùng Quán cũng không một lần cầu xin ông cậu giúp đỡ giải oan cho mình.Và dù hàng chục cái tết đói khát, uống chén rượu suông với mấy hạt lạc rang, anh cũng không thèm bén mảng đến cổng ngôi biệt thự của ông cậu.
Nghe nói khi mất hết quyền lực, ông Tố Hữu rất cô đơn. Tết đến, ông cho mở toang cổng, đứng ngóng hoài mà không thấy ai tới chúc tết, cả những người trước kia coi ông là ân nhân. Ngược lại nhà văn Phùng Quán bạn bè xa gần tìm tới rứu tít, thấm đậm tình người. Cái lẽ đời khi không còn làm “đày tớ” nữa thường là thế.
Khổng Tử nói: “Đức bất cô, tất hữu lân!” - Người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn bè đạo đức như mình vậy.
M.D
----------------------
(*) - Phùng Quán (1932-1995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu, nhưng trong tác phẩm "Ba phút sự thật", thì ông nói rằng gọi "cậu" là do thói quen, thực ra Tố Hữu là bác của Phùng Quán theo cách nói của người miền Bắc.
Phùng Quán, sinh tháng 1 năm 1932 (1930?), tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên –Huế.
Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân, đoàn Văn công Liên khu IV.
Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị QĐNDVN (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
--------------------------------
+ Bài liên quan:
1. http://www.tienphong.vn/van-nghe/524499/Ngay-Phung-Quan-tro-ve-Hue-tpp.html
2. http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c135/n1387/Ban-truong-ca-Huyet-lua-chon-chung-va-mon-no-khong-chi-rieng-cua-nha-van-Phung-Quan.html
Tôi ở Đà Lạt. Ngày nào tôi cùng mở đọc trang Bùi Văn Bồng vài lần. Thấy những bài của các anh viết và chọn lọc có chủ đề, hấp dẫn, sát thực tế và nói hộ người đọc nhiều điều tâm tư. Anh Minh Diện và anh Bùi Văn Bồng đúng là "Song Kiếm hợp bích". Chúc năm mới các anh mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công.
Trả lờiXóaCác thé hệ lãnh dạo sau đừng để tái diễn kiểu như vụ "Nhân văn giai phẩm" mà gây tội ác, oan khốc, diệt cán bộ trung thực có tâm có tài. Nhất là đừng có chẻ chữ ra để bắt bẻ, suy diễn, áp đặt, quy chụp. Đã sang thời đại văn minh, cần loại trừ mông muội khỏi tư duy thấp hèn, ích kỷ và dối trá.
Trả lờiXóa"Yêu ai cứ bảo là yêu!
Trả lờiXóaGhét ai cứ bảo là ghét!
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng đừng nói yêu thành ghét!
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng đừng nói ghét thành yêu!"
> Một sự chân thật, trung chính đáng nể của Phùng Quán.
Nếu bây giờ có viết, tôi cũng viết như vậy.
Không hiểu sao ông Trúc Chi bẻ quẹo ác ý, áp đặt như thế!
Mà rồi cuộc đời "thơ nghiệp" của Trúc Chi cũng có ai nhớ được câu thơ nào đâu?
Ôi, quan tử sa cơ, tiểu nhân đắc chí!
"Quen học thói gà đồng mèo mả,
Trả lờiXóaHóa ra thân chó má chim mồi!
Liếm đường mật lưỡi không biết ngọt,"
- Những câu trên đây dành cho loại nịnh nọt, ton hót,
tâng bốc như Trúc Chi mới phải.
Nhà thơ như rứa là phá nền văn học nước nhà.
Tôi chỉ là độc giả của "tờ báo" Bùi Văn Bồng thời gian gần đây thôi,nhưng tôi đã ghiền "tờ báo" này rồi.Tôi khoái nhất là bài của tác giả Minh Diện,sau đó là của tác giả Bùi Văn Bồng.Theo tôi,đây là một "tờ báo"độc đáo,có một không hai trong làng báo hiện nay.Xin chân thành cảm ơn Ông Bùi Văn Bồng.,và tôi xin hứa:Tôi sẽ là độc giả trung thành trong thời gian sắp tới.
Trả lờiXóaBVB và thay cả Minh Diện cảm ơn lacquan đã đọc và chia sẻ. Tết Quý Tỵ. chúc lacquan và gia quyến năm mới mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc, không thiếu đói để lạc quan nhiều, nhiều hơn!
XóaHồi đó, ông Độ trưởng phòng của bố tôi có bà vợ là quản gia nhà ông Tố Hữu, thỉnh thoảng tôi cũng được ăn giò của nhà ông ấy. Bây giờ đọc bài của bác Minh Diện tôi mới biết Nhà thơ Phùng Quán là cháu ông Lành. Cám ơn bác Diện, bác Bồng.
Trả lờiXóaTrúc Chi trong bài viết không phải là nhà thơ Trúc Chi hiện đang sống ở Sài Gòn . Mà đó chính là tê đại Hán gian Hoàng Văn Hoan . Các bạn chớ có nhầm lẫn kẻo oan cho người tốt !
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Nguyen Hien, giờ mới biết Hoàng Văn Hoan ký tên Trúc Chi, sau này cuối đời hắn phản bội chạy trốn sang TQ núp bóng Tàu, vậy là hắn ta làm việc cho Tàu từ lâu rồi? Gián điệp Tàu chui vào nội bộ ta, truy dẹp những người có tâm huyết cách mạng, đánh người trung người tốt, dùng kẻ gian. Hu...hu...
Xóa- Vậy nên:
Trúc Chi là cái chi chi
Bỗng dưng Vu khống rồi Đì người ngay
Thương thân Phùng Quán tù đày
Thằng Hoan gian ác phơi bày mặt mo...
Sao tác giả (Minh Diện) không thông tin luôn cho độc giả biết rằng Trúc Chi chính là Hoàng Văn Hoan nhỉ. Thông tin này đã được công khai rõ ràng rồi mà.
Trả lờiXóahttp://www.baomoi.com/Bi-mat-30-nam-cua-Phung-Quan/152/3302903.epi
Học lớp 4, lớp 5 (theo hệ phổ thông 10 năm ở miến Bắc) vào những năm cuối 1950, mỗi lần tôi đọc VƯỢT CÔN ĐẢO cho mẹ tôi (một phụ nữ nhuộm răng đen thời đó, lại không biết chữ), hai mẹ con ôm nhau khóc ròng vì thân phận con người trong bể dâu cuộc đời...
Trả lờiXóaSau này, mỗi lần thấy nước mắt mẹ khóc, thay vì đòn roi, tôi đau đớn tận cùng... chứ bao đòn roi của cha mình - một người cha nóng tính, ít thời gian gần con cái nhưng quá bận công việc cách mạng.
Nếu hôm nay đứng trước mắt cha mẹ, các cụ đã đi xa với cái tuổi ngoài 100, tôi sẽ muốn nói "cái lý chỉ là cái lý. chỉ có tấm lòng, tình thương con người, đồng loại mới cho con cuộc sống hôm nay, biết phân định rạch ròi đúng-sai".
Đảng đã 83 tuổi, tôi cũng đã thuộc hàng U70 mà thấy cuộc đời con người Việt sao mong manh, cứ hi sinh phấn đấu mà chưa bao giờ thấy CNXH, CNCS nơi đâu...
Cảm ơn Nhà báo Minh Diện, Bùi Văn Bồng đã "chọc" đúng tuyến lệ của tôi hơn 50 năm qua.
Cảm ơn cuộc đời, kiếp người và đạo lý.
Với tôi, đạo lý là thống soái còn pháp lý, pháp luật chỉ là "trò chơi" của chính trị vô hồn, vô cảm.
Mong mọi người thứ lỗi trước tình cảm thực của tôi.
Chúc Dân tộc Việt Nam đón Xuân Quý Tỵ vạn an - tôi luôn mong cầu như vậy !
Anh Diện ơi có phải TH là Ly khách Thần kinh khong. sang đầu xuân anh Diện viết cho đôc giả xem .cảm ơn anh trước nhé.
Trả lờiXóaNăm 1995, khi nghe tin Phùng Quán mất, tôi đã "viếng" anh bằng một bài thơ tôi viết. Bài thơ đăng ở Ngàn Lau, Hoa Kỳ. Sau đó Văn UYển đăng lại. Nhân bài viết của Minh Diện, một nhà báo được mọi người mến mộ, tôi xin mượn tờ báo của bác Bồng như một diễn đàn để cùng xẻ chia lý tưởng tự do, cùng tôn vinh những con người đáng kính trọng.
Trả lờiXóaNgày tôi chưa ra đời
Anh đã tuổi đôi mươi
Đã sục sôi khí huyết trai trẻ
Đem đời dâng hiến quê hương.
Giữa đêm đen ý thức hệ cuồng ngông
Xã hội đảo điên
Luân thường rã nát
Trái tim anh nghẹn ngào xa xót
Anh mài bút- mài gươm.
Ấp vào ngực Lời mẹ dặn con
"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét"...
Giữa phong ba bão táp
Anh vẫn là cây thông.
Bốn mươi năm lao ngục, gió sương
Tóc tuyết pha mà máu tim vẫn đỏ
Thương một đời nghệ sỹ
Vách đá trổ hoa!
Lời di chúc trước lúc đi xa:
Anh đã viết suốt một đời tranh đấu.
Tôi khóc Anh
Nguyện sống nốt phần đời Anh gửi lại...
HK 1995
ĐỌC NHỮNG GÌ LIÊN QUAN ĐẾN BÁC PHÙNG QUÁN, TÔI ĐỀU MUỐN KHÓC. ĐÚNG NHƯ BÁC VIẾT: "Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi", LỚP HẬU SINH CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ NGHĨ RẰNG, CÓ MỘT THỜI, BIẾT BAO VĨ NHÂN CỦA ĐẤT NƯỚC ĐÃ SỐNG MỘT CUỘC SỐNG KHỐN CÙNG HƠN CẢ NHỮNG NHÂN VẬT CỦA NAM CAO, NGUYỄN CÔNG HOAN - MÀ ĐÓ LẠI LÀ NHỮNG "CON NGƯỜI VIẾT HOA" NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI...
Trả lờiXóaTuổi thơ tôi được đọc tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán, nhà văn đã truyền tình yêu đất Huế, văn hóa, con người Huế vào tôi, cơ duyên bây giờ tôi đang sống ở Huế. Sẽ đến thăm mộ cụ tại Thủy Dương Hương Thủy TT Huế để tri ân người đã truyền vào con người tôi một tình yêu như vậy, nếu con người không có yêu một điều gì đó sẽ là một thiếu sót.
Trả lờiXóa