Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Ân hận vì..."để tung tóe hết"

Ông Vũ Khoan và 3 điều tiếc nuối khi đương chức

(ĐVO) - Trong một dịp đối thoại về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam với nhóm Kiến trúc xanh A+G diễn ra những ngày sát tết Nguyên đán Quý Tỵ, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã nói về “những điều ân hận chưa làm được, hoặc có góp ý mà không thành công lắm” khi ông đương chức.


“Để tung toé hết”
Việc chưa làm được đầu tiên, ông Vũ Khoan nói là về kiến trúc Hà Nội.
“Lúc bấy giờ anh Khải có sai tôi đi họp ở Bộ Xây dựng. Lúc đó tôi đã kiên trì đề nghị đừng xây nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội, nhưng nghe chừng không được. Lỗi của ai thì tôi không biết, nhưng việc đó đẻ ra tình trạng tràn lan như thế này” – ông Vũ Khoan nói.
Việc kiến trúc Hà Nội trở thành “ân hận đầu tiên” có lẽ vì thời trẻ ông Vũ Khoan từng mơ ước trở thành kiến trúc sư – như ông tâm sự trong một cuộc giao lưu  với sinh viên Hà Nội hơn 4 năm trước.
“Ân hận” thứ hai của ông Vũ Khoan là về đường hướng phát triển các khu kinh tế và khu chế xuất. “Lúc bấy giờ có khu Chu Lai, Vân Phong. Từ kinh nghiệm nước khác Tôi cũng đã đề xuất là muốn phát triển khu chế xuất, anh phải có “ắc quy” – năng lượng nạp vào thì mới bùng phát. Nếu anh bỏ bao nhiêu tiền ra mà không có năng lượng đó thì khu đó cũng chết thôi”.
“Giờ nhìn khu Chu Lai thì thấy. Lúc bấy giờ có đồng chí hăng hái lắm – tôi không tiện gọi tên ra, giờ cũng lên cao lắm rồi – muốn lặp lại Thâm Quyến.  Tôi bảo Thâm Quyến có “ắc quy” là Hồng Công, còn ông lấy ắc quy ở đâu. Tiền đâu ông đổ vào đấy, rồi tiền đâu rút ra? Chỗ Vân Phong chẳng hạn, một số nhà khoa học cũng bảo là khu trung chuyển quốc tế. Vì Thái Lan sẽ đào kênh Kra, tàu bè sẽ không đi qua eo Malaca nữa mà thông qua ….đi thẳng vào ta. Khi đó tôi bảo Thái Lan bỏ kênh… từ lâu rồi.
Tàu bé nó điên mà đi giữa đừng để rẽ vào đây trung chuyển? Diện tích thì hẹp, lại chả có khu kinh tế nào cả. Kết quả giờ thế nào thì mọi người cũng biết rồi”, ông Vũ Khoan kể. (Kênh đào Kra là một dự án tham vọng của Thái nhằm biến Nam Thái Lan trờ thành cửa ngõ huyết mạch xuyên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thay vì tàu bè quốc tế phải vòng qua Singapore, Malaysia, dễ gặp hải tặc. Tuy nhiên dự án này ước tính tới 20 tỷ USD – PV).
“Bây giờ tôi thấy hứng khởi nhưng cũng rất lo ngại là việc biến Phú Quốc thành đặc khu kinh tế mới. Nghe thì phấn khởi, nhưng cũng băn khoăn lắm, vì lúc tôi ra, khi đó tôi còn phụ trách cả mảng du lịch nữa – mang theo quy hoạch của Tổ chức Du lịch quốc tế WTO thì người ta đã phá nát rồi.
 

Ông Vũ Khoan tại buổi đối thoại. ảnh VA
Lúc bấy giờ tôi là Phó Thủ tướng mà Chủ tịch huyện Phú Quốc không gặp tôi từ đầu chí cuối. Tôi không tự ái nhưng thấy là lạ làm sao Phó Thủ tướng ra mà Chủ tịch huyện không thèm gặp mặt. Lúc đó tôi có hỏi nhỏ Bí thư tỉnh uỷ thì được bảo “ông đó sợ anh quá nên không dám ra gặp”. Vì khi đó ông đấy cắt đất chia lô, bán hết rồi. Sau đó tôi đề nghị truy tố, bắt tù anh đó”, ông Vũ Khoan thêm.
“Một việc tôi đề nghị rất nhiều là phân cấp cho địa phương về đầu tư nước ngoài nói riêng và đầu tư nói chung. Tôi nghĩ hơi chủ quan là phải phân cấp thôi, nhưng phân cấp phải đi theo quy hoạch chung và năng lực cán bộ – đó là hai điều kiện cần có. Điều này tôi tính không hết mà chỉ thấy cần gỡ bỏ những thứ quá tập trung, quan liêu, tiêu cực… Để cho kinh tế năng động lên thì phải phân cấp, nhưng mình nhìn không ra là để có được điều đó cần quy hoạch tổng thể rất chặt và năng lực nguồn nhân lực phải rất cao, để đâm ra bây giờ tung toé hết”, ông Vũ Khoan nói về “ân hận” thứ ba.
“Tôi còn nhiều chuyện sai lầm không kể hết, nhưng kiểm điểm như theo Nghị quyết TƯ4 ở đây không tiện” – ông Vũ khoan đùa.

“Mấy việc làm được”

“Kiểm lại tôi thấy có mấy việc làm được, mấy việc được chấp nhận” – ông Vũ Khoan kể về những điều “tâm đắc” khi còn đương chức.
“Một là đóng góp vào hội nhập về kinh tế, từ vào ASEAN đến APEC. ASEM (Diễn đàn hợp tác Á – Âu) là tôi trực tiếp thực hiện, đề xuất và được chấp nhận, đi vào cuộc sống,  góp phần nhỏ bé vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”.
“Thứ hai là ký BTA (Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa kỳ). Tôi không phải là người khởi đầu nhưng là người kết thúc. Phải đề xuất nhiều việc, cũng không đơn giản đâu, cuối cùng cũng ký được. Việc này đưa kim ngạch buôn bán của Việt Nam với Hoa Kỳ từ 700 triệu USD đến 2012 là 19 tỷ USD. Việc này tạo công ăn việc làm cho “nhiều người”, ông Vũ Khoan đánh giá.
Có hiệu lực vào cuối năm 2001, BTA được xem không chỉ mở ra thị trường khổng lồ cho các mặt hàng chủ lực, mà là bước đột phá về hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho Việt Nam đàm phán nhanh hơn gia nhập WTO.
“Việc thứ ba là góp phần giải quyết một loạt vấn đề về biên giới lãnh thổ như trên bộ với Trung Quốc, vịnh Bắc Bộ, vùng chồng lấn với Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Việc này cũng góp phần giải quyết được vấn đề không gian, cương vực của đất nước để quản lý”.
“Điều thứ tư tôi thấy mình làm được là đề xuất mở rộng quan hệ quốc tế, cả song phương lẫn đa phương. Cụ thể là tôi đã tiếp cận với Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc tôi cũng trực tiếp phụ trách thực hiện. Tôi cũng thực hiện việc mở rộng quan hệ với với Úc, Nhật. Với Nhật, tôi là người đi đàm phán đầu tiên, mà còn bí mật, để nhận ODA đầu tiên của họ về”, ông Vũ Khoan kể.
“Có một việc nữa tôi đã cố gắng đề xuất là  xúc tiến thương mại. Trước đó, thời bao cấp, ta cứ ngồi chờ khách hàng đến mua. Khi về làm Bộ trưởng Bộ Thương Mại, tôi ngạc nhiên sao ta lại cứ ngồi chờ thế này. Kinh tế thị trường thì phải đi chào hàng chứ. Mà chào hàng khi đó chưa ai phụ trách, nên từ đó mới đẻ ra xúc tiến thương mại, tiếp đến là xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch”, ông Vũ Khoan nói.


Kinh tế sẽ “nhúc nhích lên”
Tại cuộc đối thoại, nói về về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới, ông Vũ Khoan cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi cơ bản, cả mô hình lẫn cấu trúc. Sức mạnh các quốc gia đang thay đổi.
“Chiến lược phát triển kinh tế đang thay đổi. Chiến lược hướng ra xuất khẩu không còn hiệu nghiệm. Thường sau khủng hoảng sẽ đẻ ra một nền kinh tế mới. Sau khủng hoảng năng lượng năm 1973 là nền kinh tế tiết kiệm năng lượng.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế 1982 và 1997 đẻ ra kinh tế công nghệ thông tin và truyền thông. Cuộc khủng hoảng này trùng với vấn đề biến đổi khí hậu đang nóng lên sẽ đẻ ra nền kinh tế xanh. Sau 2008, cả Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu đều tung tiền cho công nghệ xanh, tiếc là Việt Nam thì không. Sau này, hàng xuất của Việt Nam sẽ các nước bị áp tiêu chuẩn công nghệ xanh để không bán được” ông Vũ Khoan nói.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013, ông Vũ Khoan cho rằng “chúng ta có thể hy vọng, khó khăn kéo dài trong 5 năm rồi, bắt đầu từ đây có thể nhúc nhích đi lên.  Tuy nhiên tôi nói có thể sai, cũng chỉ là đoán mò thôi” .
Đánh giá nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam đang gặp khủng hoảng, theo ông Vũ Khoan, do sự mất cân đối giữa cung và cầu; giữa thu và chi ngân sách.
“Bội chi làm mất cân đối ngân sách và đẻ ra lạm phát. Năm 2007 chúng ta bội chi ngân sách, để mức lạm phát lên tới 9%.  Mất cân đối nữa rất cơ bản là vừa rồi chúng ta đưa ra nhiều tiền quá. Thời chúng tôi còn làm, ông Sáu Khải quản việc này rất chặt”, ông Vũ Khoan nói.
 

“Thế hệ chúng tôi có hai điều: Một là niềm tin, hai là có chỗ để tin”. “Sở dĩ chúng tôi có niềm tin sắt đá là đất nước phải được độc lập, Tổ quốc phải thống nhất là chính do Bác Hồ với Đảng khơi dậy, nắm trúng tâm tư của người dân, giương cao ngọn cờ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chúng tôi thấy thức dậy một động lực rất mạnh mẽ, rất tự nhiên, không cần phải nói nhiều, giáo dục gì nhiều.
Thứ hai là trước mặt mình có những tấm gương rất sáng: họ nói thế nào thì làm đúng như thế. Bác Hồ bảo “chịu khó học tập” thì chính bản thân Bác học.  Thành ra chúng tôi học theo.  Thời đó niềm tin là có thật, mà người kêu gọi niềm tin cũng thật. Cái đó quan trọng lắm.
Tôi xin chia sẻ một điều riêng tư: Tôi là gia đình công nhân thôi. Nhờ Đảng, Chính phủ cho đi học, cũng nhờ thế mà quen nhà tôi là con giáo sư Hồ Đắc Di, hiệu trưởng trường ĐH Y, giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam mới. Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng lấy chị gái vợ tôi.

Hồi tôi quen nhà tôi ở Liên Xô phải bí mật lắm – vì lúc ấy luyến ái là bị kỷ luật. Nhưng khi đi làm việc thì công khai quan hệ. Về Hà Nội, nhà tôi mới đưa tôi về xem mặt để cho gia đình xem ông rể tương lai thế nào. Vào nhà mới thấy sợ quá, toàn những ông chỉ nghe đã khiếp rồi, thấy cả GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục thời bấy giờ. Tôi mới ngạc nhiên, tại sao toàn những người danh gia vọng tộc lại theo Đảng, theo Bác Hồ như thế? Nếu họ theo chế độ cũ thì giàu sang phú quý có thừa.

Mình nhận thấy hai điều: Họ theo Bác Hồ vì ai cũng muốn độc lập. Các lãnh đạo thời đó như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nhà thường xuyên các ông ấy. Mà đến chơi là kiểu bạn bè chứ không phải đến thăm tết rồi cầm gói quà hay thiếp chúc tết. Đến là nói chuyện anh tôi, mà toàn nói với nhau bằng tiếng Pháp cả. Tức là lãnh đạo bấy giờ cư xử với trí thức bằng tấm lòng thực chứ không phải nghi thức”.
Bích Ngọc ghi

3 nhận xét:

  1. Quan nhất thời
    DÂN VẠN ĐẠI

    Trả lờiXóa
  2. RẤT TIẾC ÔNG VŨ KHOAN KHÔNG LÀM THŨ TƯỚNG

    Trả lờiXóa
  3. Vâng, bác Vũ Khoan là con người thông minh, năng động, quyết đoán. Bác vừa làm vừa học và học rất giỏi, là tấm gương cho lớp kế cận. Bác có nhiều đóng góp cho ngành Ngoại giao, Ngoại thương và cho đất nước nói chung. Những người làm việc dưới quyền bác đều rất kính trọng bác, và thích thú vì học hỏi được ở bác nhiều điều...Chồng tôi là một trong số đó.

    Trả lờiXóa