Theo thông tin báo chí đưa ngày 6.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đặt câu hỏi nghe rất lạ, rằng: “Tại sao vào viện, người dân cứ phải có cái này cái nọ để “bôi trơn”?
Hiểu đây là dạng hỏi để trả lời thì e không đúng bởi không ai nghi ngờ am hiểu của Bộ trưởng về căn bệnh chung mọi người gọi là “vấn nạn phong bì”. Ngay tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 14.11, bà thừa nhận y đức, vấn nạn phong bì trong ngành y là “sự thật đau lòng, phũ phàng”. Còn nếu Bộ trưởng hỏi muốn bệnh nhân trả lời, thì xin đừng khoét thêm nữa nỗi đau, sự giận dữ, nỗi nhục của biết bao con người bệnh tật nghèo, bị coi thường, không được bảo vệ. Họ phải đứt ruột đưa những đồng tiền thấm đầy mồ hôi, nỗi nhọc nhằn, những đồng tiền vay mượn để “bôi trơn” cho y bác sĩ bởi không muốn tính mạng bị đe dọa hoặc ít nhất không bị giật băng, chọc kim tiêm đau đớn, bị quát mắng - những thứ “không trơn” như chính bà từng gọi là “thái độ không thân thiện” của các vị mang nghiệp cứu người.
Nếu Bộ trưởng hỏi mà không cần trả lời tức là câu mang tính đổ lỗi, trách cứ. Càng không ổn. Không thể biến những nạn nhân vật vã ở các bệnh viện thành thủ phạm của nạn phong bì. Bộ trưởng nhắc: “Trước Quốc hội, tôi nói nhân dân không đưa tiền, quà cho bác sĩ, bác sĩ cũng cương quyết từ chối”.
Vâng, cử tri thậm chí nhớ bà từng đề nghị mọi người gọi điện, chụp ảnh, ghi tên những y bác sĩ nhận phong bì. Đưa tiền còn chưa yên thân huống hồ chụp ảnh họ, ai dám liều mạng vậy? Người dân chia sẻ với những khó khăn mà Bộ trưởng đang gánh gồng bởi “di sản” các bậc tiền nhiệm để lại nặng nề quá. Dân cũng hoan nghênh và hy vọng quyết tâm thay đổi bộ mặt ngành y tế của Bộ trưởng. Nhưng cách đặt vấn đề như trên là không ổn.
Bảo bệnh nhân không đưa phong bì trong khi chuyện sống chết phụ thuộc thái độ y bác sĩ; bảo gọi điện cho Bộ trưởng, giám đốc khi gặp y tá trực cũng khó khăn; bảo chụp ảnh người nhận tiền khi vợ mình không biết đẻ ngược hay xuôi; bảo tiếp sức cuộc đấu tranh giữa cái thiện - cái ác trong một xã hội dừng đèn đỏ cũng bị chửi...
Bộ trưởng còn đưa ra cách chấm điểm các bệnh viện như các trường học. Bệnh phong trào, hình thức. Điểm khó nhất mà ngành nhắc tới là sự hài lòng của bệnh nhân. Không chỉ ngành y tế. Văn hóa ứng xử đang là điểm đen lớn nhất trong lối sống của người Việt. Liệu có đạt tới sự hài lòng của bệnh nhân khi chính Bộ trưởng vẫn nghĩ: Dư luận biến những thứ cá biệt thành phổ biến, cho rằng đạo đức ngành y xuống cấp? Không nắm chắc bệnh thì không thể chữa bệnh. Đó là nguyên lý.
Đ.N (Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét