* MINH DIỆN
Mẹo vừa được bổ sung vào đơn vị tôi đúng ba ngày. Ngay buổi đầu tôi đã có cảm tình với anh lính mới hai mươi bốn tuổi, có trình độ đại học, người dong dỏng cao, da trắng, dáng thư sinh. Mẹo nói quê Sài Gòn nhưng theo cha ra Bắc tập kết năm 1954 khi mới 5 tuổi.
Nhưng ngay trận đánh đầu tiên có Mẹo tham gia, hắn đã làm tôi thất vọng!
Đơn vị tập kết chốt Bù-Na, tiêu diệt gọn một đại đội địch. Mẹo cầm khẩu B40 bắn được hai phát thì một phát trệch mục tiêu vì hắn cứ run cầm cập. Đồng đội nhiều người chê Mẹo nhát, tôi nghĩ hắn chưa quen…
Sau trận đánh, điểm danh thiếu hắn, tôi ra lệnh cho tiểu đội trưởng dẫn hai chiến sĩ quay lại trận địa tìm. Nghĩ hắn bị lạc hay quá sợ đã rúc vào xó nào?
Tiểu đội trưởng đi một lát quay về bảo tôi:
- Anh ơi, ra mà xem thằng Mẹo nó kỳ cục lắm!
Tôi cùng tiểu đội trưởng chạy lên trận địa. Đêm khuya, trăng sáng vằng vặc. Chiến hào, ụ súng, tháp canh nhấp nhô dưới ánh trăng, toát lên vẻ rờn rợn lạnh lùng… Tôi nhìn thấy dáng Mẹo chập chờn như một bóng ma giữa những bao cát, thùng đạn, và mảnh tôn rách nát sau trận chiến. Tôi nhẹ nhàng tiến lại… thấy hắn hì hục cào bới, tìm kiếm những cái xác trong đổ nát ấy. Hắn rọi đèn pin vào mặt từng cái xác đối phương, rồi cởi nút áo soi mói tìm kiếm gì đó trên cổ, trên ngực tử thi, móc cả túi quần túi áo người chết. Hắn làm công việc bẩn thỉu đó một cách bình tĩnh như có chủ đích háo hức gần như mê muội mà không để ý gì hết. Đến nỗi khi tôi đến gần - cách hắn chưa đầy năm mét mà hắn vẫn chưa biết. Tôi tức giận thét:
- Mẹo! Đồng chí làm cái trò gì đó?
Nghe tiếng thét, hắn giật mình như sực tỉnh cơn mê, hốt hoảng rồi vùng bỏ chạy…
Nhiều năm lăn lộn chiến trường, tôi đã từng tham gia chiến đấu với hàng trăm chiến sĩ mà chưa hề gặp ai như Mẹo. Hắn moi móc bới xác đối phương làm gì nhỉ? Nếu không ngoài mục đích tìm kiếm tiền bạc hoặc những thứ quý giá mà đối phương đã vơ vét được trong các cuộc hành quân? Một người lính kiếm ăn trên xác đồng loại - dù là xác địch như vậy thì xấu xa bỉ ổi hèn hạ quá! Khác gì loài kên kên?
Tôi tổ chức họp kiểm điểm Mẹo một cách gay gắt… Hắn cúi đầu im lặng, không thanh minh, cũng không nhận tội. Hắn cắn môi gục mặt xuống đầu gối như câm, như điếc khiến tôi phát bực!
Sau cuộc họp, chính trị viên đại đội gọi Mẹo lên gặp riêng. Hắn ngồi im như tượng nghe chính trị viên thuyết chán, rồi lặng lẽ ký vào giấy nhận mức án kỷ luật cảnh cáo, hứa sẽ không tái phạm.
Nhưng Mẹo không giữ lời hứa. Trận đánh sau hắn lại phạm kỷ luật y như trận trước. Kể cả những trận sau Mẹo vẫn chừng nào tật ấy. Thật hết chỗ nói!
Có ý kiến đưa Chu Văn Mẹo ra Tòa án binh. Anh em trong đơn vị đặt cho hắn biệt danh “kên kên”. Mẹo không phản ứng gì, gần như chấp nhận biệt danh thối tha của loài chim chuyên rình cơ hội rỉa xác chết. Dù bị anh em khinh bỉ, châm chọc, trong sinh hoạt hàng ngày Mẹo vẫn vui vẻ hòa đồng và hết sức nhẫn nhịn.
Thời gian nặng nề trôi đi. Biết không thể cảm hóa được gã kên kên lì lợm này, tôi nhiều lần đề nghị cấp trên chuyển Mẹo qua tuyến khác để khỏi bị ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị.
Giữa lúc cấp trên đang chuẩn bị điều Chu Văn Mẹo về tuyến sau để kỷ luật thì đơn vị tôi nhận được lệnh đánh chốt Bù-Bông. Mẹo năn nỉ tôi: “Anh cho em tham gia trận này, rồi hãy chuyển em đi, hoặc kỷ luật em thế nào cũng được…” Tôi nghĩ: À! Thằng kên kên này lại muốn “kiếm chác” nữa đây…
Trận đánh diễn ra suốt hai ngày đêm. Năm lần đại đội tôi chiếm được chốt lại bị đánh bật ra. Lần thứ sáu Mẹo xung phong dẫn đầu một tổ đánh tạt sườn tạo thuận lợi cho đơn vị chiếm cao điểm thắng lợi.
Khi chúng tôi chiếm được chốt thì Mẹo bị trúng đạn giữa ngực rất nặng! Nhìn vết thương, tôi biết Mẹo khó qua khỏi nhưng vẫn quyết tâm đưa Mẹo đi quân y tuyến trên.
Trước khi đưa Mẹo đi quân y, anh em trong tiểu đội sắp xếp, kê khai quân tư trang cho Mẹo. “Chắc hắn có nhiều món đồ giá trị lắm đây” - Anh em nói với nhau. Nhưng lạ thay, trong cái ba-lô con cóc xẹp lép của Mẹo chẳng thấy gì ngoài tăng võng và hai bộ quân phục. Món “đồ cổ” duy nhất của Mẹo là một mảnh khánh bạc và tấm ảnh gia đình đã phai mầu…
Tôi đặt Mẹo nằm lên võng, trấn an:
- Yên tâm đi điều trị nghe Mẹo. Lành vết thương rồi về đơn vị với anh em.
Vết thương trên ngực Mẹo vẫn tuôn máu... Da Mẹo đã xám ngắt. Mẹo cầm tay tôi, thều thào:
- Chắc em không sống nổi đâu!... Em xin thú thật với anh một chuyện…
Chúng tôi đỡ Mẹo ngồi dậy. Mẹo xin uống nước, rồi bảo đưa cho Mẹo mảnh khánh và tấm ảnh. Bàn tay Mẹo run rẩy cầm hai vật kỷ niệm đó ấp vào ngực mình. Cất giọng nghẹn đắng khó nhọc thoát ra từ đôi môi nhợt nhạt:
- Tấm ảnh này… ba má chụp ngày ba tôi đi tập kết… Ba dẫn tôi đi theo… Còn má và hai em tôi ở lại… Má chia ba chiếc khánh cho ba anh em tôi để lấy phước… Tôi ra Bắc học hết cấp 3… rồi được học Cao đẳng sư phạm… Nhưng tôi muốn về Nam tìm má và các em… Tôi xin đi bộ đội… Trước ngày đi B… Ba tôi nhận được thư của má tôi… do người bạn từ Nam ra chuyển giúp… Má cho biết hai đứa em của tôi đều bị bắt quân dịch… đi lính Việt Nam Cộng Hòa… Vậy là anh em tôi trở thành những kẻ đối đầu giữa hai chiến tuyến!... Tôi cứ nghĩ có ngày nào đó… tôi hoặc đồng đội sẽ bắn chết em mình!… Vì vậy nên sau trận đánh nào… tôi cũng lén đi tìm… xem có xác em tôi không?... Tôi không dám nói thật với các anh về chuyện này…
Mẹo nấc lên rồi thều thào:
- Nhưng bây giờ thì!...
Mẹo không nói hết câu thì tắt thở, bàn tay nắm chặt mảnh khánh bạc…
Tôi bật khóc. Tôi khóc vì mừng khi hiểu sự thật người đồng độ của tôi không phải loài “kên kên” như tôi hiểu lầm. Tôi khóc vì thương Mẹo, thương những người đồng đội. Tôi khóc vì thương tôi, thương dân tộc tôi trong thời binh lửa oán thù chồng chất trân vai cả những con người cùng chung khúc ruột Mẹ sinh ra.
Tôi muốn hét lên: Trời ơi! Có sự thật nào phũ phàng đau đớn như thế này không?.
M.D
----------------
> Ký ức
----------------
> Ký ức
Ta bỏ bầy sáo sậu
Trên cành đa chín mồi
Bỏ que khăng lỗ đáo
Bỏ chỗ hẹn chân đồi …
Bỏ ngọn đèn trang sách
Bỏ bàn tay nắm vội gửi trao
Bò ước mơ giảng đường đại học
Nhận khẩu súng đảng trao…
Bàn tay ta bao lần vuốt mắt
Những người lính măng tơ
Mặt ta chai lại như thớ đá
Trái tim quên hẹn hò !
Ngày đêm , năm tháng…
Khói lửa nhập nhòa
Vô tình nhìn mảnh gương vỡ
Thương nửa đời người phôi pha!
Ta về gốc đa tìm con sáo sậu
Bầy chim sáo đã sang sông
Ôi, lời ngày xưa hẹn ước
Rơi vào khoảng trống mênh mông !
MINH DIỆN
Đối với tôi, truyện "KÊN KÊN" là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất viết về chiến tranh, về lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam. Cám ơn anh Minh Diện!
Trả lờiXóaĐau đớn quá anh Minh Diện à. Xin phép anh cho copy bài này về F.B
Trả lờiXóaMột tác phẩm rất lính và đầy tính nhân văn. Tôi chỉ nói một lời cám ơn Minh Diên Búi văn Bồng những người đống đội của tôi!
Trả lờiXóaSao anh không cho biết Ba, mẹ, hai em của Kên Kên hiện nay như thế nào. Ba của Kên Kên có giống Lưu Quý Kỳ và Doãn Nho ở Bên Thắng Cuộc không?
Trả lờiXóaĐây là một truyện ngắn của Nhà báo Minh Diện bác Bun Thoong ạ(có thể hoặc không có thật), cho dù có phần kết có hậu(gia đình Mẹo còn sống cả và được đoàn tụ)thì theo tôi hiểu cũng không thay đổi được bản chất của vấn đề mà TG muốn đề cập:nỗi đau vô cùng mà chiến tranh để lại.
XóaVậy chúng ta thế hệ đi sau hãy công tâm và thận trọng trước tất cả những đau thương , mất mát do chiến tranh để lại, cùng hướng đến một giải pháp tối ưu với ý nghĩa đích thực của sự hàn gắn.
Trân trọng!
Mới đầu, đã mượng tượng ra chuyện tìm bà con...
Trả lờiXóaĐọc xong, nổi hết gai ốc !
Đánh Mỹ là đánh cho LX, Trung + hu hu hu