Cán bộ, nhân dân Đà Nẵng tìm hiểu về vùng biển và quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: HC |
Theo thông tin trên một số báo, "Quy định quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa" vừa được UBND TP Đà Nẵng ban hành gồm 3 chương và 17 điều (cũng có báo đưa tin là gồm 5 chương, 20 điều), chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa.
Bao gồm: Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản; hoạt động giao thông đường thủy; bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò, khảo sát, khảo cổ; ứng phó sự cố môi trường; tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ; hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo…
Thông tin trên một số báo cho rằng quy định này ra đời nhằm góp phần bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường biển, khai thác huyện đảo Hoàng Sa có hiệu quả, lâu dài và bền vững. Đồng thời là cơ sở bảo đảm cho sự quản lý thống nhất của UBND TP Đà Nẵng và trách nhiệm trực tiếp của UBND huyện Hoàng Sa, sự phối hợp liên ngành, liên vùng giữa các ngành, địa phương của TP Đà Nẵng với địa phương có liên quan đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cũng các thông tin trên nhận định việc TP Đà Nẵng cụ thể hóa hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa, hướng đến kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển huyện Hoàng Sa với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của PV Infonet, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu khẳng định UBND TP Đà Nẵng chưa hề chính thức ban hành quy định như nêu trên. Ông cho hay, hiện quy định này chỉ mới là dự thảo và vừa được Sở TN-MT Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan hôm 12/12 nhằm hoàn thiện trước khi trình UBND TP Đà Nẵng.
Tại cuộc họp đó, nhiều ý kiến đánh giá bản dự thảo đã đưa ra khá đầy đủ các quy định, nguyên tắc về quản lý tài nguyên môi trường biển Hoàng Sa, đặc biệt là trong hoạt động du lịch, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản; giao thông đường thủy; bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò, khảo sát khảo cổ; ứng phó sự cố môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, và cả các hoạt động bị nghiêm cấm...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng góp ý dự thảo cần nêu thêm những chính sách quy định hỗ trợ cụ thể hơn nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác tài nguyên biển Hoàng Sa. Tên gọi của quy định, một số từ ngữ, câu chữ và một số nội dung cũng được các đại biểu tập trung thảo luận, cân nhắc.
"Dự thảo này sẽ còn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhiều lần nữa, không chỉ với các ban, ngành địa phương mà còn ở cấp trung ương. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Chi cục Biển và hải đảo thuộc Sở TN-MT Đà Nẵng sẽ phối hợp cùng với UBND huyện Hoàng Sa và Sở Tư pháp hoàn thiện dự thảo lần cuối trước khi trình UBND TP xem xét, ra quyết định chính thức ban hành" - ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh.
Thú thật tôi không hiểu huyện Hoàng Sa nầy có còn của VN không?Khi mà TQ chiếm đoạt nó từ năm 1974 thì CP nước VNDCCH đã công nhận nó rồi.Bây giờ bày vẻ ra những chuyện nầy để làm gì?
Trả lờiXóa