Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Việt Nam tại ngã ba đường: Thập diện Mai phục

Washington hiện đang đứng trước ngã ba đường. Nguồn: internetTuy không biết ai dịch tên bộ phim “Thập diện Mai phục” (2004) của Trương Nghệ Mưu thành “House of Flying Daggers”, nhưng cái tên phim đó có vẻ hợp với thực trạng Việt Nam lúc này. Đất nước tại ngã ba đường, có quá nhiều rủi ro nguy hiểm, không chỉ có thiên tai mà còn nhân họa, không chỉ có thù trong mà còn giặc ngoài, rất dễ bị bắc thuộc.
Tai họa đến hẹn lại lên
Như đến hẹn lại lên, mỗi năm khi đến mùa bão lụt, cả nước lại rộ lên bức xúc trước những tai họa kinh hoàng, gây tổn thất nặng nề về người và của. Nhưng khi mùa bão lụt qua đi, người ta lại chóng quên, để rồi đến năm sau tai họa lại ập đến lớn hơn. Trong khi các quan chức mải mê thu hồi vốn vì “tư duy nhiệm kỳ”, thì người dân vẫn quen sống tạm bợ (như thời chiến). Trong khi các tượng đài hàng ngàn tỷ tại Sơn La, Lai Châu làm cạn kiệt ngân sách, thì các biệt phủ trăm tỷ tại Yên Bái góp phần làm người dân càng thêm nghèo đói.
Tuy thiên tai vẫn xảy ra tại nhiều nước (do biến đổi khí hậu) nhưng nhân họa tại Việt Nam nổi cộm hơn (do lòng tham và ngu dốt). Người ta hồn nhiên tàn phá rừng đầu nguồn đến cạn kiệt, và đổ xô đầu tư vào quá nhiều dự án thủy điện, làm thay đổi môi trường. Đến mùa bão lụt, người ta lại hồn nhiên xả lũ “đúng quy trình” và để cho đê vỡ “theo kế hoạch”. Không chỉ phá rừng đầu nguồn, người ta còn hồn nhiên định chặt hết cây xanh tại Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên mà viện Gallup (năm 2012) đã xếp hạng Việt Nam là một trong những nước vô cảm nhất thế giới. Người Việt không những hồn nhiên đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn, mà còn vô tư hủy hoại môi trường sống của mình và đồng loại, như phá rừng, gây ngập lụt bằng thủy điện, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước bằng nhiệt điện (như Vĩnh Tân) bằng khai thác bauxite (như Nhân Cơ), và siêu dự án thép (Formosa).   

Tài nguyên và lòng tin cạn kiệt
Nước Việt Nam nổi tiếng về “rừng vàng biển bạc”, người Việt nổi tiếng thông minh, cần cù, giàu lòng yêu nước. Nhưng tại sao đất nước vẫn tụt hậu? Trong khi rừng vàng bị phá gần hết, biển bạc ô nhiễm nặng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ngân sách quốc gia gần trống rỗng, thu không đủ chi, phải tận thu ngân sách, thì lòng tin của người dân cũng cạn kiệt. Cả quan lẫn dân đổ xô “tìm đường cứu nước” bằng cách chạy ra nước ngoài.    
Có những cái chết bất ngờ (đột tử) nhưng cũng có những cái chết từ từ (đẳng tử). Người dân chết do tai nạn giao thông (mỗi ngày trung bình 22 người), do lũ quét và sạt lở kinh hoàng (như tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình), do xả lũ “đúng quy trình” (tại “khúc ruột miền Trung”), do hạn hán và ngập mặn (tại đồng bằng Nam Bộ), do bệnh tật hiểm nghèo (như ung thư), do dịch bệnh nguy hiểm (như sốt xuất huyết), do ngộ độc thực phẩm hay tai nạn y tế vì nhầm thuốc và thuốc giả (như vụ Pharma), do bạo lực đường phố, học đường, và ngay tại các lễ hội truyền thống. Từ lừa đảo, trộm chó, trộm bò, đến cướp ngân hàng, đang làm xã hội bất an. Rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập người dân, mọi nơi, mọi lúc, như “Thập diện Mai phục”.
Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng thực trạng giáo dục khủng hoảng, văn hóa suy đồi, môi trường sống không an toàn, đang gây tâm lý bất an trong cộng đồng (cả dân lẫn quan). Chất lượng giáo dục thấp nên năm 2016 có 225.000.000 sinh viên có bằng cử nhân hay thạc sỹ bị thất nghiệp (theo Dân Trí, 2016). Do khủng hoảng giáo dục, nên các gia đình nghèo khó ở nông thôn cũng như các gia đình khá giả ở thành phố đều tìm mọi cách để chạy cho con vào “trường quốc tế” (như Vinschool) hay đi học nước ngoài (như chạy loạn).    

Bức tranh vẫn ảm đạm  
Tuy chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, nhưng có vẻ chững lại (tại TƯ 6), như có dấu hiệu thỏa thuận ngầm giữa các phe phái. Thế và lực của phe Tổng Bí thư tuy đã mạnh lên đáng kể, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức áp đảo đối phương. Cuộc chiến giữa các phe phái tuy căng thẳng nhưng vẫn chưa đến hồi kết (phải chờ TƯ 7). Tuy sức ép đòi đổi mới thể chế chính trị ngày càng mạnh, nhưng hồ sơ nhân quyền ngày một xấu.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số kinh tế của Việt Nam (năm 2017) tuy có dấu hiệu cải thiện (tăng trưởng quý 4 sẽ là 7,12%), nhưng không bền vững (lạm phát quý 4 sẽ vượt mức 4%) và bức tranh tài chính vẫn ảm đạm. Tình hình thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn nan giải, thu không đủ chi, dự trữ ngoại hối chỉ đủ trả nợ nước ngoài đến hạn. Tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (là 3%). Dư nợ Chính phủ (năm 2015) là $94,3 tỷ (chiếm 61% GDP), trong khi nợ nước ngoài là $39,6 tỷ.
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ công của Việt Nam (năm 2016) khoảng $431 tỷ (chiếm 210% GDP). Trong khi đó, các chủ trương lớn của “chính phủ kiến tạo” như đổi mới thể chế và “nhất thể hóa” bộ máy cồng kềnh tốn kém, cũng như cổ phần hóa và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bị thua lỗ), vẫn đang dậm chân tại chỗ và trì trệ như những khẩu hiệu suông. Nếu bán các doanh nghiệp hàng đầu, thì nguy cơ sẽ bị các doanh nghiệp Trung Quốc thôn tính.  

Phải đổi mới vòng hai
Về đối ngoại, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị, nhưng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ lại bấp bênh (vì Trump thắng cử, bỏ rơi TPP). Quan hệ đối tác chiến lược với Đức lâm vào khủng hoảng (sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh). Quan hệ đối tác chiến lược với Nhật ngày càng quan trọng (nhưng chưa thật vững chắc). ASEAN càng bị phân hóa và suy yếu (do Trung Quốc thao túng), Việt Nam càng cô đơn.
Về an ninh quốc phòng, nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt, có thể mất nốt chủ quyền tại Biển Đông ngày càng lớn, sau khi Trung Quốc dọa tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, buộc Repsol (Tây Ban Nha) phải rút khỏi mỏ dầu “Cá Rồng Đỏ” (lô 136/03). Nếu Trung Quốc tiến thêm một bước nữa, buộc OVL (Ấn Độ) rút lui khỏi dự án thăm dò dầu khí (tại lô 128), và buộc ExxonMobil (Mỹ) không được hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí “Cá Voi Xanh” (lô 118), thì Biển Đông sẽ thành cái ao của Trung Quốc.
Đất nước bị các phe nhóm tranh giành quyền lực và lợi ích, “ăn không từ cái gì”, gây tụt hậu và chia rẽ ngày càng nghiêm trọng, làm dân chúng mất hết lòng tin, phải “bỏ phiếu bằng chân”. Nếu không đổi mới thể chế và dân chủ hóa thì người Việt không thể hòa giải, và Việt Nam dễ trở thành miếng mồi ngon cho bắc thuộc lần nữa. Người Việt đang đứng trước ngã ba lịch sử, với “thập diện mai phục”, nên phải tỉnh ngộ để đổi mới vòng hai.
Nguyễn Quang Dy /(Viet-studies)
-------------

8 nhận xét:

  1. VN hôm nay đối diện với bất an vì nhiều khó khăn mà dụng từ chính trị cọng sản để hy vọng ắt không thể trở mình để tiến bộ .

    Bài trừ tham nhũng hối lộ chẳng cách nào giảm được vì con người CS hôm nay gắn liền với tư bản giàu có hơn người khác khi tư duy XHCN lại mờ ảo trong một xã hội phát triển đồng đều do đảng kiểm soát .

    Quan cao thì tiền quyền phải vượt trội hơn thiên hạ , tầng lớp quý tộc đảng phát sinh cho dù ông Tập đôi khi phải quay về hang đá tuổi thơ để mơ mộng kiếp nông dân hay ông Sang phải xắn quần xuống ruộng để dắt trâu cày trong dịp xuân nào .

    Khi con người CS đã mơ mộng giàu có thì nhãn hiệu công nông phải lu mờ và phải lấy cái tinh thần dân tộc điền khuyết . Mà dân tộc thì cần phải phát huy truyền thống , phải được giáo dục truyền thống . Khổ nỗi truyền thống dân tộc lại đối nghịch với truyền thống xây dựng đảng , đã từng bị thủ tiêu lừa bịp trong thời gian phát huy thế giới đại đồng cùng với tinh thần tôn giáo .

    Xây dựng một đất nước với một chế độ bưng bít , lừa dối chắc chắn sự rối loạn sẽ tiếp diễn liên tục trong chính quyền cho đến khi chế độ ấy tàn rụi . TQ và VN hôm nay cả hai chính thể đang ở trong cùng tâm trạng lo ngại khi muốn dùng chính bàn tay của đảng che lấp ánh sáng mặt trời để mặc sức rêu rao XHCN với động lực dân tộc .

    Chính nghèo đói bất cong đã phát sinh xã hội Cộng Sản và cũng chính nghèo đói bất công sẽ tiêu hủy chế độ cọng sản .

    Nói chung chính nội loạn tạo nên bất công nghèo đói , tiêu hủy tinh thần dân tộc tiến tới tiêu hủy chế độ hiện hữu .

    TQ lẫn VN đang đối diện với nội loạn , chính quyền chia bè phái thanh trừng lẫn nhau , sự cách biệt giàu nghèo quá mức tạo nên bất công dẫn đến cướp bóc bạo hành liều lĩnh bất tuân luật pháp .

    Thập diện mai phục không từ lực lượng bên ngoài . Một chế độ ung thư từ bên trong , thập diện mai phục từ bên trong , e không còn cách gì cứu vãn .

    Con đường duy nhất cho tất cả mọi Đảng cọng sản trên thế giới hiện nay chính là còn lãnh đạo ngày nào , còn cố gắng đấu đá nhau vơ vét ngày nấy .

    Mỹ đã khước từ lãnh đạo thế giới quay về an dân . Trong khi TQ muốn thay thế Mỹ và VN muốn biến thành Rồng . Đây chính là một bài toán tụt hậu cho những đất nước cọng sản còn sót lại trong thế kỷ 21 này .

    Nếu bạn là người TQ hay người VN bạn sẽ thích an dân hay vĩ đại ?

    Thức tỉnh

    Trả lờiXóa
  2. Nếu ai chú ý nhìn vào quá trình lịch sử mấy ngàn năm nay của VN, không thể không nhận thấy những đặc điểm này:
    Lịch sử VN luôn tuần hoàn theo những CHU KỲ SUY THỊNH: Khi đất nước độc lập, bọn vua chúa chỉ lo đè đầu cưỡi cổ, bóc lột, đàn áp nhân dân, ăn chơi trác táng... xã hội suy đồi, lòng dân oán ghét, loạn lạc khắp nơi, đất nước suy yếu, tạo điều kiện cho giặc ngoại xâm thôn tính. Khi đó, người dân một cổ hai tròng (giặc ngoại xâm và bọn Việt gian bán nước làm tai sai cho giặc), phải chịu cuộc sống lầm than cơ cực, không có con đường nào khác, phải đứng lên đấu tranh giành độc lập. Với sức mạnh của TOÀN DÂN TỘC, những cuộc đấu tranh đó đã giành được thắng lợi, đã quét sạch bọn giặc ngoài và lũ tay sai bán nước. Chiến công mới nhất của dân tộc ta là đã đánh đuổi được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn Việt gian bán nước ra khỏi bờ cõi. Về bản chất, cuộc kháng chiến của chúng ta vửa qua cũng giống như những cuộc chiến đấu của cha ông ta thời Trần, thời Lê hay Quang Trung Nguyễn Huệ, với mục đích cao cả là GIÀNH ĐỘC LẬP cho Tổ quốc.
    Chỉ tiếc là dân tộc ta không chỉ sản sinh ra các vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v... mà còn sinh ra cả những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Gia Long v.v... và v.v...
    Và theo "chu kỳ", một lần nữa lịch sử VN lại lập lại. Thời THỊNH ngắn ngủi của chúng ta đã qua rồi...

    Trả lờiXóa
  3. Rất nhiều người nhìn thấy vấn đề này. Các quan chức cũng vậy. Nhưng cái thói vô cảm ăn sâu vào trong đầu các lãnh đạo rồi. Những ghế ngồi quan trọng cũng do tq quyết định thì chủ quyền còn đâu nữa. Hơn nữa cứ con ông cháu cha thì vẫn len ào ào. Tài năng như lá rụng mùa thu vì không có chỗ dung thân . Nói và làm khác ý chỉ đạo bị coi là chống đối. Mù tịt phương sách cứu nước rồi. Về số liệu thì bạn Nguyễn Quang Dy chuẩn lại một tí. Ví dụ: Con số 225.000.000 thạc sỹ .... Thất nghiệp. Trong khi cả nước chỉ có khoảng 92.000.000 người.

    Trả lờiXóa
  4. Bộ Tài nguyên và môi trường đã hoàn thành một việc lớn là: Biến rừng già thành rừng trẻ. Bộ tttt thì soạn sẵn sàng các khẩu hiệu kêu gọi nhân dân quyên góp. Họ thì góp hay không chẳng biết. Các cấp khác nhau rất thông cảm với dân nhưng cũng chỉ đến thế là cùng.

    Trả lờiXóa
  5. Ước gì bài này được đọc trước Đại hội T Ư Đảng va Quốc Hội -

    Trả lờiXóa
  6. Người đứng đầu "chính phủ kiến tạo" suốt ngày bị mấy thằng đại gia "phá hại" gọi đi xúc đất động thổ các dự án đểu.

    Trả lờiXóa
  7. Đổi mới vòng hai có nghĩa là sẽ có đổi mới lần 3 lần 4 và tiếp diễn đổi mới như kiểu " rút kinh nghiệm "!.
    Thưa tác giả , phải ĐỔI MỚI LẦN CUỐI CÙNG mới đúng!

    Trả lờiXóa
  8. Tiền ngân sách, thuế của dân không tự nhiên chui xuống đất, không tự bay lên trời mà nó chỉ vào túi cá nhân một số người BÔ PHÂN KHÔNG NHỌ Của cụ Tổng thôi.

    Trả lờiXóa