Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Có hay không 'Tập đoàn tư bản, nhóm lợi ích thân hữu'?


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nguồn: Zing

Từ chuyện đại gia Vũ Văn Tiền…Cuối tháng Tám vừa qua, truyền thông Việt Nam, cả “lề đảng” lẫn “lề dân”, đều xôn xao trước thông tin đại gia Vũ Văn Tiền, ông chủ tập đoàn Geleximco, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng sân bay Long Thành trong thời gian 3-5 năm.

Việt Nam vốn đã có quá nhiều bài học xương máu trong chuyện “hợp tác” với Trung Quốc. Các dự án do Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng chất lượng thấp, đội vốn, chậm tiến độ… và đặc biệt là tiềm ẩn những mối đe doạ về mặt an ninh, quốc phòng. Chính vì thế, đề xuất của đại gia bí hiểm Vũ Văn Tiền đã gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận.
Dù vậy, trong bài “Phi trường Long Thành sẽ thuộc… Trung Quốc?”, tác giả Thiền Lâm (bút danh của một nhà báo tên tuổi trong nước), lại nhận định: “Rất nhanh, nhanh đến mức kỳ lạ, chỉ ít ngày sau việc đại gia Vũ Văn Tiền, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco và ông Chen Yi Long, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang của Trung Quốc, đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải là Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chính thức xuất hiện với chỉ đạo ‘giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi thông qua rồi mới có cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư’.”
Và lý do của cái sự “nhanh đến mức kỳ lạ” đó, theo tác giả Thiền Lâm, chính là vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người được dư luận xem là “thân” với ông Vũ Văn Tiền.
…đến hai tỷ phú Lê Viết Lam và Phạm Nhật Vượng
Vũ Văn Tiền cùng đề xuất xây dựng sân bay Long Thành không phải là vụ việc duy nhất gắn với một “đại gia” trong giới tư bản thân hữu khiến dư luận bàn tán xôn xao mà người ta thấy lấp ló đằng sau bóng dáng của đương kim Thủ tướng Việt Nam.
Chỉ một hai ngày sau đề xuất gây sửng sốt của đại gia Vũ Văn Tiền, công chúng lại phải đón nhận thêm một thông tin đầy thất vọng: Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương xây cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Và cái tên đứng đằng sau dự án khiến dư luận bất bình này không phải là ai xa lạ mà chính là “kẻ huỷ diệt thiên nhiên” Sun Group.
Vài thông tin dưới đây hẳn sẽ khiến người ta phải đặt câu hỏi là liệu Sun Group có “tác động” đến ngài Thủ tướng hay không:
1) Năm 2014, tỉnh Quảng Bình từng thông báo về dự án đầu tư tuyến cáp treo từ Phong Nha vào cách cửa động Sơn Đoòng 300m của Sun Group. Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của dư luận, chủ đầu tư đã rút lui. Một năm sau, bản quy hoạch Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến năm 2030 đã không đề cập đến việc xây dựng cáp treo.
2) Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thân chinh đến dự lễ động thổ dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy của Sun Group tại Đông Anh, Hà Nội.
3) Ngày 27/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo của Sun Group tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
4) Ngày 13/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm khu nghỉ dưỡng do Sun Group làm chủ đầu tư tại Phú Quốc. Tại đây, ông hồ hởi: “Hôm qua, đoàn công tác Chính phủ có lên dự hội nghị ở Lào Cai và tôi đã lên đỉnh cao Fansipan, đỉnh cao nhất Đông Dương, 3.143 m bằng cáp treo hiện đại nhất thế giới do Sun Group đầu tư xây dựng. Một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ về sự đầu tư công phu, trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, cao nhất của khu vực Đông Dương” (!).
Còn với Vingroup, một tập đoàn tư nhân đình đám khác thì sao? Xin thưa, câu hỏi “Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ?” của ngài Thủ tướng (liên quan đến tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, officetel và căn hộ chung cư cao cấp do Vingroup xây dựng trên nền Trung tâm Triễn lãm Giảng Võ cũ) như thể rơi tõm đâu đấy giữa không trung, chứ không phải được phát ra ngay tại phiên họp của chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước ngày 29/12 năm ngoái.
Thế rồi ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia lễ khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Vingroup tại tỉnh Hà Nam. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 26/3/2017, ngài Thủ tướng lại trịnh trọng bấm nút khởi công dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Vingroup tại Quảng Nam. Và mới đây, trong lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast của Vingroup tại Hải Phòng sáng 2/9/2017, người ta còn thấy ông vung tay quả quyết: “Việc khởi công này là một cử chỉ yêu nước” (!).
Và những hệ luỵ khôn lường
Trước hết, cần phải khẳng định, việc tham dự lễ lạt do các tập đoàn tư nhân tổ chức không phải là nhiệm vụ của một Thủ tướng Chính phủ vốn chịu trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính quốc gia và nền kinh tế của một đất nước với hơn 90 triệu dân. Hình ảnh một vị Thủ tướng cứ hết “dự lễ động thổ” dự án của tập đoàn cá mập này lại đến “ấn nút khởi công” dự án của ông trùm mafia kinh tế kia khiến công chúng ngày càng ngờ vực tinh thần “liêm chính, kiến tạo” của chính phủ mà ông đang luôn miệng hô hào.
Đáng lo ngại hơn, các nhóm lợi ích thân hữu đang gây ảnh hưởng tới ngài Thủ tướng lại có mối liên hệ đáng ngờ với Trung Quốc.
Tháng 10/2016, Geleximco đã cùng đối tác Hồng Kông là Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam, với tổng chi phí dự kiến có thể lên tới gần 50 tỷ USD, bao gồm: đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và Sài Gòn – Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và dự án xây dựng sân bay Long Thành. Theo đăng ký kinh doanh, HUI là một doanh nghiệp của Hồng Kông, thành lập ngày 15/1/2016, trụ sở đóng tại một căn hộ nằm trên đường Queen, Central, Hồng Kông. HUI đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investors Holding Việt Nam (HUI Việt Nam) vào ngày 15/8/2016 và đặt trụ sở tại toà nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Geleximco.
Với Sun Group, hồi đầu tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng “lề dân” còn xôn xao trước thông tin nhân viên lễ tân khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Sun Group ở Đà Nẵng đeo phù hiệu cờ Trung Quốc 6 sao. Một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như thế nhưng khách sạn InterContinental lại trả lời rất lấp liếm và trí trá.
Trang The Leader của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam ngày 5/9 thì cho biết là nhiều ngân hàng Trung Quốc và Đài Loan đã cung cấp vốn cho Vingroup.
Đặc biệt, hồi tháng Ba vừa qua, dư luận đã một phen xôn xao trước thông tin Sungroup, Vingroup và Geleximco cùng góp tiền lập dự án quy hoạch cho đô thị hai bên bờ Sông Hồng rồi mời Viện Thiết kế và Quy hoạch Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch.
Theo thống kê của Forbes thì trên thế giới, bất động sản đứng ở vị trí thứ ba trong những ngành sản sinh ra tỷ phú dollar. Trong khi đó, hiện nay 7/10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lại kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, mà 3 nhân vật nêu trên là những tên tuổi điển hình. Cố nhiên, theo “thông lệ” Việt Nam, bệ đỡ cho sự phát triển thần tốc của họ những năm qua chính là những thế lực chính trị siêu khủng. Vì thế, việc họ vây quanh và tìm cách gây ảnh hưởng đến trung tâm quyền lực mới “hậu Nguyễn Tấn Dũng” là điều tất yếu.
Bất luận thế nào, sau một Nguyễn Tấn Dũng qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng với vô số tai tiếng về việc điều hành đất nước “theo định hướng nhóm lợi ích”, tạo điều kiện cho một loạt tập đoàn tư bản thân hữu lên ngôi và xâu xé nền kinh tế, không một người dân nào chờ đợi người kế nhiệm “đồng chí X” đi vào vết xe đổ đó cả.
(Tiếng Dân)

5 nhận xét:

  1. Nếu thông tin này là chính xác thì nguy cơ bộ máy Nhà nước VN bị thao túng, lũng đoạn bởi tổ chức Maphia có nguồn gốc từ HK Trung quốc. Hiểm họa bị Hán hóa , sáp nhập VN vào T.Q theo đúng hiệp ước 5/9/1991 Thành đô, Tứ Xuyên giữa lãnh đạo 2 đảng và chính phủ Trung - Việt. Dân tộc Việt Nam gần 1117 năm Bắc thuộc nhưng vẫn không bị đồng hóa, Hán hóa. E rằng chỉ sau gần 100 năm do ĐCSVN cai trị đã biễn VN thành khu tự trị thuộc T.Q. Đó là vết nhục chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

    Trả lờiXóa
  2. "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người được dư luận xem là “thân” với ông Vũ Văn Tiền."
    Chẳng riêng gì với TTg Phúc đâu. Ông Tiền còn "thân" với những người còn to hơn ông Phúc. Chính vì vậy, ông ta mới chính là người là chính sách, là người thúc đẩy tạo ra các quyết định về những dự án. Nhìn bề ngoài thì không ai nghĩ ông Tiền là một đại gia thục bậc nhất nước Nam. Với cái body khiêm tốn về trọng lượng, thịt ít hơn xương, nhưng bên trong con người đó có một nội lực siêu mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần, "đánh" đâu thắng đó! Ông ta có thể chi phối việc hoạch định chính sách, ban hành các quyết định cho từng dự án khủng. Có lẽ chỉ còn anh Ng Phú Trọng là ông Tiền chưa "thân". Nhưng bộ phận tham mưu của TBT thì ok. Không "thân" mới lạ.

    Trả lờiXóa
  3. Như vậy là Bác cả Trọng đầu hàng phe tham nhũng, nói chính xác là phe chống tham nhũng phải thoả hiệp với phe tham nhũng "đình chiến hay còn gọi là ngừng bắn" trong cuộc chiến chống tham nhũng...

    Trả lờiXóa
  4. Lại một trò bán nước hại dân kiểu mới chăng ?

    Trả lờiXóa
  5. Có nhiều tập đoàn tư bản được chống lưng bởi các ủy viên trung ương và ủy viên bộ chính trị lâu nay bị gọi là những tập đoàn tư bản đỏ . Những tập đoàn tư bản đỏ cấu kết lại với nhau tọa nên lợi ích thân hữu .

    Từ nghèo khó nhờ quyền uy của đảng cọng sản VN hành vi tham nhũng hối lộ qua cách buôn dân bán nước tham ô tài sản đã hình thành các tập đoàn tư bản đỏ , cấu kết với nhau tạo nên thành phần lợi ích nhóm , lũng đoạn chính trị để nắm quyền lãnh đạo đất nước .

    Ông Trọng đã bó tay chịu thua trước tệ nạn này khi một trung ương đảng như một tập thể bị thối hoá , chính bản thân ông Trọng cũng vậy .

    Tay đã nhúng chàm chàm , cố gắng vì đảng cộng sản sống còn , kêu gọi dừng lại tệ nạn tham nhũng hối lộ . Nhưng CNXH là vỏ bọc cho tư bản đỏ và nhóm lợi ích thân hữu tiếp tục tiến lên thì tệ nạn tham nhũng hối lộ vẫn tiếp tục tàn hại con người lẫn đất nước VN .

    Trả lờiXóa