Bộ đội vượt sông Sê-băng Hiêng (Hạ Lào)- 1968 |
Hơn ba chục năm tôi mới gặp lão Trạch. Trận đánh thị xã Phước Long tháng 01-75, lão hứng trọn trái M79 nát tươm hai chân. Ai cũng tưởng lão ngoẻo rồi. Vậy mà bây giờ lão từ Thái Bình tìm đến nhà tôi tận Sài Gòn trên chiếc xe lăn.
“Có việc cần lắm tôi mới phải đến anh... Chứ lê lết nửa cái thân tàn này hơn nghìn cây số nhếch nhác lắm!...” - Lão Trạch nói rồi cười móm mém, hai hàm răng chỉ còn vài chiếc, khuôn mặt nhăn nheo, đen đúa tương phản với mái tóc bạc.
Mới sáu chục tuổi mà lão hom hem hơn ông cụ bảy mươi. Tôi hỏi có việc gì? Lão Trạch chậm rãi mở ba-lô con cóc nhàu nát lôi ra một bọc giấy ở đáy ba-lô. “Chắc nhờ xác minh quá trình công tác trong quân đội chớ gì?” - Tôi đoán, bởi đang có chính sách phụ cấp cho những người kháng chiến. Đối với lão Trạch thì xứng đáng quá đi chứ! Lão trước là người lính gan dạ, trận Phước Long đã được thưởng huân chương chiến công hạng nhất…
Như đoán được ý tôi, lão Trạch nói: “Đời mình một nửa đã chôn ở Phước Long rồi, còn một nửa nay mai chôn nốt ở Thái Bình, huân chương huân chước mà làm gì?... Mình vào đây… vì thằng con thôi cậu ạ!...”.
Hình như khó khăn lắm lão Trạch mới thốt ra được mấy câu cuối. Giọng lão nghẹn ứ mà nước mắt lại trào ra.
Hơn ba chục năm trước lão Trạch đã từng bắn liền ba phát B40 trúng 3 xe tăng, và khi bị thương nát cả hai chân mặt lão vẫn rắn đanh. Lão gan lì lắm mà? Tính lão lại ăn nói bỗ bã nên cả đơn vị quen gọi “Lão Trạch” .
Lão Trạch tâm sự: Sau trận Phước Long lão được đưa ra Bắc điều trị, hai chân cưa tận bẹn. Lão không về quê sợ phiền cha mẹ, xin vào trại An dưỡng Thương binh. Lão đã quyết định gửi nửa tấm thân tàn ở đây. Nào ngờ có một cô thanh niên xung phong cụt tay, mất một mắt cũng vào an dưỡng, họ cùng cảnh ngộ thế là thương nhau, nên vợ chồng. Địa phương ưu tiên cho Trạch làm nhân viên thu lệ phí chợ, cấp cho vợ lão hai sào ruộng. Vợ chồng ăn ở với nhau, ba lần đẻ chỉ nuôi được một. Trạch đặt tên con là Phước. Lão nghĩ đứa con là phước đức trời cho, cũng là để nhớ trận đánh cuối cùng đời lính của mình ở Phước Long.
Có mỗi đứa con, lại là trai nên vợ chồng lão Trạch cưng nó lắm! Kiếm được đồng nào vợ chồng Trạch dồn cho con ăn học. Thằng Phước chăm ngoan, học giỏi, thấm thoát đã lên đại học, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường loại ưu.
Nhưng Phước xin việc cả chục nơi rồi mà chưa nơi nào nhận. Vợ chồng Trạch không quen ai có chức quyền để gửi gắm. Lại không có tiền nên nhiều nơi chẳng thèm ngó vào cái bằng kỹ sư hạng ưu của thằng Phước. Sau có người mách giá 10 triệu một chỗ làm ở một công ty miền núi, vợ chồng Trạch nghĩ miễn con có việc làm thì ở xa cũng được, liền bán đứt một sào ruộng lấy tiền mua việc cho con. Nhưng hỡi ơi vợ chồng lão bị lừa!
Thằng Phước vừa buồn vừa bực, nó giấu cái bằng kỹ sư của mình vào bọc chung với những giấy chứng nhận huân chương huy chương của bố mẹ, rồi ra chợ phụ với bố thu lệ phí mấy bà bán rau bán cá... Nhìn con thất vọng xơ xác! Trạch đau như bị cắt nốt hai cánh tay, còn vợ Trạch lăn ra ốm.
Đêm nào Trạch cũng sang hàng xóm xem nhờ tivi, để coi có nơi nào cần kỹ sư cầu đường không? Cách đây một tuần, Trạch thấy chiếu đoạn phim phóng sự bắc cầu làm đường... Lão dán mắt vào... Bất ngờ lão nhìn thấy hai người bạn cũ trên tivi...
Thì ra hôm ấy tôi phỏng vấn Mạnh về quá trình phấn đấu từ một người lính trở thành một Tổng giám đốc? Mạnh nói: Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường đã rèn luyện anh nên người, nhất là tình cảm đồng chí đồng đội luôn cổ vũ và thôi thúc anh phấn đấu.
Lão Trạch nói: “Suốt đêm ấy tôi mừng quá không chợp mắt được, chỉ mong trời sáng để lên đường tìm anh và Mạnh”. Tôi gật đầu, giờ đã hiểu ra ý định lão Trạch - Lão nói thêm: “Tôi định kéo thằng cháu Phước vào luôn, nhưng mẹ nó trở bệnh nặng anh ạ...”.
Tôi sốt sắng điện thoại cho Mạnh báo chuyện lão Trạch. Mạnh hẹn gặp ở văn phòng Tổng giám đốc.
Lão Trạch mừng rỡ lắm! Lão vuốt ve cẩn thận tờ đơn xin việc và cái bằng kỹ sư của con bỏ vào bao ni-lông, rồi đóng bộ quân phục cũ được ủi phẳng phiu.
Kỹ sư đi tìm việc làm...không biết gõ cửa nào |
Tôi hỏi Trạch: “Nếu không nhìn thấy tôi và Mạnh trên tivi, ông có nhớ tới chúng tôi không?” Trạch cười khầng khậc, nói như kẻ mắc lỗi: “Cái thân tôi tôi còn quên thì nhớ được gì nữa. Ông biết không? Nhiều đêm nằm mê cứ tưởng mình còn chân, vùng dậy chạy, thế là té nhào xuống, đổ máu đầu. Hơn sáu chục tuổi, lại cực quá, đãng trí mất rồi!”. Tôi cảm thấy thương Trạch. Tuy bỗ bã, ngang ngạnh nhưng lão thẳng thắn và đối với đồng đội chí tình lắm. Tôi còn nhớ mùa mưa năm 1968, đơn vị hành quân vào chiến trường B2. Đói, sốt rét hành hạ người lính tả tơi. Càng vào sâu anh em rơi rớt càng nhiều. Một chiều, đến bãi khách thấy thiếu Mạnh, Trạch vứt ba-lô, xách AK quay lại con đường vừa đi qua. Đêm ấy Trạch không về. Sáng hôm sau đơn vị hành quân tiếp, bỏ Trạch và Mạnh lại. Ai cũng nghĩ hai đứa nó “rụng” rồi. Nhưng mười ngày sau, lúc đơn vị đang nghỉ ở bờ sông Sê-băng Hiêng, thì Trạch và Mạnh dìu nhau về, hai thân thể te tua, nhàu nát - nhất là Mạnh, chỉ còn là một cái xác thoi thóp xám ngoét, mặt mũi nham nhở vết mối gặm. Trạch đã mò mẫm ba ngày đêm mới tìm thấy Mạnh trong rừng sâu, đang nằm bất tỉnh mặc cho những con mối kềnh càng rỉa rói… Trên đường Trường Sơn ngày ấy đã có biết bao người lính như Mạnh, đã bỏ xác âm thầm nếu đồng đội không kịp quay lại tìm, hoặc tìm không thấy…
Tôi nhắc lại câu chuyện ấy, lão Trạch lơ ngơ: “Vậy hở?... tôi quên rồi”.
Mạnh ra tận cửa đón chúng tôi vào phòng khách. Anh xiết chặt tay Trạch và ôm lấy người đồng đội cũ. Tôi thấy nước mắt Trạch ứa ra!…
Mạnh đã cho dọn sẵn một bàn tiệc thịnh soạn mời chúng tôi. Uống vài ly, máu lính trong người lại nóng lên, chuyện rôm rả phá tan cái không khí trang nghiêm của văn phòng Tổng giám đốc sang trọng. Bỗng Mạnh ghé tai tôi hỏi: “Cậu còn nhớ chuyện lão Trạch ngửi súng không?”.
Vượt rừng Lộc Ninh |
Chuyện ấy tôi chỉ nghe anh em đơn vị kể lại, vì lúc xảy ra tôi đã chuyển lên Cục chính trị miền. Số là vào mùa hè năm 70, đơn vị làm nhiệm vụ chốt chặn đoạn quốc lộ Lộc Ninh đi Snun. Chiều chiều từng tiểu đội cắt rừng ra mặt lộ chôn mìn rồi mai phục. Xe tải, xe bọc thép của địch hành quân trúng mìn bị bồi liền mấy trái B40 chặn đầu, khóa đuôi. Nhưng rồi địch cảnh giác cho biệt kích lùng sục, cho công binh rà mìn rất kỹ trước các cuộc hành quân, nên hiệu quả chiến đấu của đơn vị ta ngày càng thấp. Các tiểu đội đi phục mấy đêm liền đều trắng tay, gùi mìn đi lại gùi về. Chỉ có tiểu đội Mạnh đi lần nào thắng lần đó. Mạnh báo công: Đã cho nổ mìn lật nhào 10 xe bọc thép và bắn cháy 15 xe khác. Tiểu đội trưởng Mạnh được đề nghị tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe tăng…
Lão Trạch nghi ngờ thành tích của Mạnh, đã phát biểu công khai trong sinh hoạt đại đội. Nhưng Mạnh cho rằng Trạch “ghen ăn”. Cả đại đội trưởng, chính trị viên cũng không tin Trạch bởi tính khí bỗ bã của lão. Thế là Trạch tức, đi rình Mạnh.
Buổi sáng hôm ấy, tiểu đội Mạnh đi phục về, báo cáo đã bắn ba xe bọc thép bằng súng B40. Chính trị viên đại đội đang định biểu dương thì lão Trạch nhảy xổ ra. Lão giật khẩu B40 trong tay Mạnh, hỏi:
- Bắn bằng khẩu B40 này à?
- Đúng! Mạnh đáp.
Lão Trạch liền kề mũi vào nòng súng hít mạnh... Rồi lão dí nòng súng đó vào mũi đại đội trưởng, cả chính trị viên đại đội: “Yêu cầu các ông ngửi cho kỹ”. Xong, lão hỏi:
- Các thủ trưởng có thấy thối không?
- Không! - Hai người cùng đáp.
Trạch liền ném khẩu súng về phía Mạnh, dằn giọng:
- Mày nói láo! Những thằng bắn B40 đều biết, chỉ bắn một phát, nòng súng đã thối nặc mùi thuốc súng. Mày bắn bốn phát sao nòng súng không thối?
Nói xong, Trạch ra gốc cây, xách ba quả đạn B40 vào để trước mặt chính trị viên đại đội: “Đây là ba quả đạn thằng Mạnh đã bắn cháy ba xe bọc thép!?”. Thì ra suốt đêm qua Trạch đã bám theo tiểu đội Mạnh để điều tra việc làm gian dối của Mạnh. Mạnh phải thú thực việc báo cáo láo của mình, bị gạch tên trong danh sách đề nghị khen thưởng.
Đã hơn ba mươi năm rồi. Chắc lão Trạch không nhớ. Tính lão sôi sục, nhưng đểnh đoảng. Cả chuyện cứu sống Mạnh lão cũng có nhớ đâu. Chính vì vậy mà lão háo hức tìm Mạnh để xin việc cho con. Chứ nếu lão còn nhớ thì dù bỗ bã lão cũng phải giữ ý, dè chừng. Lão đâu biết Mạnh lại ghìm chuyện đó vào lòng, để giờ nhắc lại, trong khi chuyện Trạch cứu mình thoát chết thì Mạnh lại quên!? Tôi linh cảm thấy điều không vui, nhưng lại trấn an mình: “Bây giờ Mạnh đã là Tổng giám đốc, gia đình hạnh phúc đề huề, nhắc lại chuyện cũ cho vui, cho bõ ghét, chứ chấp làm gì con người tàn phế kia. Hơn nữa việc làm của Trạch đâu có sai. Ngược lại đã giúp Mạnh khỏi vấp ngã, để có ngày nay…”. Tôi đang suy nghĩ mung lung thì Mạnh đứng lên, kéo hộc bàn, lấy một bì thư đưa cho lão Trạch. “Mình có chút quà cho cậu!”.
Lão Trạch cầm cái bì thư, cảm động, miệng mấp máy: “Vợ chồng mình có mỗi cháu Phước, xin anh cho cháu vào công ty…”. Lão Trạch run run đưa cái đơn xin việc và cái bằng tốt nghiệp của con mình cho Mạnh. Mạnh nhếch mép cười: “Công ty đang cổ phần hóa nên không nhận thêm người, cậu thông cảm, xin nơi khác cho cháu!”. Mạnh vỗ vỗ vào vai Trạch như để an ủi, nhưng lại phá lên cười: “Vả lại nhựa đường không ngửi được như nòng súng!”.
Mạnh vừa dứt lời thì cô thư ký xuất hiện, cô ta bảo xe đang chờ Tổng giám đốc đi họp. Mạnh xin lỗi tôi và Trạch rồi đứng dậy: “Chết! Mình quên!...”
Lão Trạch ngơ ngác nhìn Mạnh. Rồi chợt hiểu, lão để cái phong bì hình như có sấp đô-la lên mặt bàn. Rồi lão cầm cái đơn xin việc của con bỏ vào túi.
Lão cũng không nhờ tôi bế lên xe lăn, cũng không chờ tôi cùng về. Lão dùng hai bàn tay gầy quắt queo vần bánh xe lăn ra khỏi phòng Tổng giám đốc Mạnh.
Tim tôi đau nhói!…
M.D
Không biết bây giờ em Phước, con của "lão Trạch" đã xin được việc chưa? Ông Trạch còn sống hay đã mât? Nếu có thể được nhờ nhà bao Minh Diện hoặc bác Bùi Văn Bồng cho đăng địa chỉ, số điện thoại của "lão Trạch". Tôi chợt nhớ đến lời bài hát Chiều qua phà Hậu Giang của nhạc sỹ Nhật Ngân "...những người trai, đã hiến thân cho sa trường, giờ cong lại chi đây...". Bài hát nói về một thương phế binh VNCH sau chiến tranh đi hát rong, sao lại vận vào "lão Trạch" thế bác Diện, bác Bồng?
Trả lờiXóaĐAU ! ĐAU THIỆT!
Trả lờiXóaĐọc bài của anh Minh Diện trên blog của anh khoé mắt thấy cay cay...Xin gửi đến hai anh bài viết từ năm 70 về ý nguyên của người lính trong thời chiến. Sự tương phản rợn người.
Trả lờiXóaTình người
Tôi muốn viết lên vạn chữ yêu
Để cô đơn không đến những chiều
Để được yêu và yêu nhiều hơn nữa
Quên những ngày tháng chiến tranh
Tôi muốn viết lên vạn chữ thương
Gửi lại tháng, năm...
Gửi tới những chặng đường...
Đã qua và đang chờ tôi phía trước
Ngày đất nước thanh bình
Ai còn về nơi mình đã ra đi
Xin hãy nhớ - đừng quên
Những ngày nơi chiến tuyến
Những ngày mình sống bên nhau
Quảng Ngãi, ngày 25-7-70
HQK – d406
Trường hợp thanh niên Phước này thì anh Diện cứ gửi thẳng đơn xin việc của cháu cho đ/c X, đ/c này xưa ở chiến trường không bị ai ngửi nòng súng bóc mẽ nên vẫn có thể còn chút tình đồng đội và có khi lại giúp được chăng.
Trả lờiXóaThời nay đa phần những thằng leo lên làm quan là loại như thằng Mạnh nên đất nước mới suy tàn điêu linh như thế này.
Bài viết thật xúc động,đôi khi chúng ta thường ngộ nhận và suy nghĩ đơn giản về lối ứng xử giữa người và người...Rõ ràng gã đàn ông thành đạt tên Mạnh kia hiện tại đã có tất cả những gì mà ai cũng ao ước,gã quên rằng nếu ngày xưa người bạn với thương tật đầy người hôm nay không CỨU gã giữa rừng sâu núi thẫm thì bản thân gã chẳng còn được sống để thụ hưởng vinh hoa phú quý như hôm nay...Nhưng...Bác Trạch ơi,qua câu chuyện này chúng tôi ngưỡng mộ bác,cảm thông với hoàn cảnh của bác,tôi tin tưởng rằng một ngày rất gần đây những loại người như tên Mạnh kia sẽ phải trả giá,trả giá rất đắt về lối xử sự thua loài vật của hắn,bác Trạch đừng buồn nhé,hiện nay trên đất nước này những tên tương tự như gã Mạnh vô số kể,tuy nhiên tôi cũng đã chứng kiến khi về già bọn chúng đã sống trong hoàn cảnh như thế nào?? Đó là LUẬT NHÂN QUẢ đó bác,cám ơn bác Diện đã cho chúng tôi một bài viết thật hay về thực trạng của một con người nhưng mong bác Trạch vẫn luôn giữ sức khỏe để còn xem nhiều đoạn phim hay đối với một tương lai rất gần của những kẻ đạo đức giả ấy!
Trả lờiXóaBài viết hay ,xuc đông.Minh Diện và lão Trạch vẫn ấp ủ về quá khứ để làm gì, những người lên được chức to bây gời đâu ai nhớ về n. có chăng đó chỉ là cái mác để tiến thân mà thôi!
Trả lờiXóaSao câu chuyện nào của chú Minh diện cũng có kết cục buồn qua vậy. Cái giá phải trả cho sự đấu tranh chống lại giả dối quá đắt. Tội nghiệp cho chú thương binh kia tuy cháu không thuộc về phía người thắng cuộc. Chắc chú Minh diện đã giúp đỡ cho con chú ấy rồi đúng không ạ? Cháu đoán thế vì chú diện là một người tốt và quen biết rộng. Còn tên tiểu nhân tên mạnh kia chắc công ty sắp phá sản vì nợ nần rồi. Câu chuyện này kết thúc như vậy có hậu hơn chú diện à.
Trả lờiXóahươnggiang ơi! ... cái "kết cục buồn" cũng hợp lẽ đời thôi. Trời sinh ra con gà trống còn gáy: "Đời có thế mà ...thôi!..." - Không hơn được. Trên đời này, bể khổ trần gian, có mấy ai mà kết cục tốt đâu. Kể cả "một bộ phận không nhỏ" phây phây, phè phỡn, phổng phao, phốp pháp thế đấy, cũng sẽ chuốc lấy "quả báo nhãn tiền", "của thiên trả địa" thôi. Tiền là của Trời, của Đất, con người ở giữa chỉ được quyền tạm giữ thôi. Giữ cho trời-đất, giữ giùm cho nhau, nhà nước tạm giữ tiền của dân, mà tiêu như phá thì tất nhiên tự phá uy tín, phá đời mình. Kinh quá!
Trả lờiXóaKhốn nạn thế cuộc đời này!
Trả lờiXóaĐọc xong thấy cay nơi sống mũi , không trách Trạch,Mạnh vì bản chất của mỗi người chỉ buồn cho "Tôi" đã không dám nói lên được suy nghĩ của mình
Trả lờiXóaBác Bồng ơi, làm cách nào để biết được, con trai bác Trạch đã xin được việc chưa?
Trả lờiXóaNếu bác biết, xin báo qua email cho em với bác nhé.
phuongbich06@gmail.com
Cảm ơn bác nhiều