Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Ngẫm suy về Cụ Rùa

Quẻ Thủy Sơn Kiển và Cụ Rùa 
Kính lạy Vong linh Cụ Rùa! Xin dâng lên Cụ một nén hương lòng để Cụ tha tội cho con cháu muôn đời sau của nước Đại Việt đã thất lễ với đấng tiên linh, không lo việc hậu sự cho xứng với Đức chí tôn mà lại còn bàn tán đủ điều cát hung về việc quy tiên của Cụ, làm kinh động đến vong linh Cụ.
Tôi định không nói gì về trường hợp này, nhưng nhân anh Tô Văn Trường viết qua về quẻ Dịch liên quan đến Cụ Rùa thì lại phải bàn thêm. Trước hết, chúng ta không có thông tin cơ bản cụ thể nào về Cụ thì việc dùng Chu Dịch để lập quẻ là rất khó. Chỉ những ai thông thạo Mai Hoa Dịch số của Thiệu Ung sáng tác ra từ thời nhà Tống thì có thể lập quẻ dễ dàng hơn. Hơn nữa, đây là những điềm cát hung thuộc về quốc vận, nhiều lắm là đối với Vua mà thôi chứ không thể vận vào ai được. Giả định rằng ai đó đã lập được quẻ Thủy Sơn Kiển thì câu chuyện cũng không đơn giản như anh Tô Văn Trường đã nói qua. 
Hãy gác lại hai quẻ Hỗ (Hỏa Thủy Vị tế-Vị tế là chưa xong, chưa đâu vào đâu cả thì "hỗ" được ai? Nghĩa là thế nước vẫn còn trong mớ bùng nhùng có thể là với cả Trung Quốc và với các nước khác. Và quẻ biến là Thủy Địa Tỷ, Tỷ là hòa, cũng có cơ may để phát triển nhưng chưa đủ sức giúp biến. Nước ở trên đất đấy là Tỷ. Khảm Thủy phương Bắc cũng chưa làm được gì chúng ta cả đâu, nhưng để tạo chuyển biến thật sự thì không gì hơn là kết bạn với những nước không có lòng tham hại mình. Không dứt khoát và chân thành kết bạn với người ta (kể cả ASEAN và TPP) mà chỉ quan hệ cho có thì ai giúp mình "biến" khi có thời cơ?
Ta xét riêng quẻ chính là THỦY SƠN KIỂN. Trước hết phải thấy rằng đây là một trong 3 quẻ hung hiểm nhất trong 64 quẻ Dịch gồm Kiển, Truân, Khốn. Nhưng cụ Phan Bội Châu giảng rất hay: Truân là bắt đầu vào nạn, khốn khó đấy nhưng chỉ là bước đầu thôi chứ chưa đến đỉnh điểm. Khốn là giai đoạn cuối của thời nạn nên ráng chịu đựng, ráng giữ mình là qua khỏi. Kiển là giữa thời nạn, là đỉnh cao của sự khốn khó nguy nan. Vận nước cũng là vậy mà vận Vua cũng là vậy. Muốn tiến lên thì bị Khảm Thủy (Phương Bắc) đón trước mặt mà muốn thoái lui thì bị Cấn Sơn (Đông Bắc) ngăn phía sau lưng. Vì thế mà lời Thoán mới giảng rằng: "Đi về Tây Nam thì lợi, về Đông Bắc thì không lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi. Bền giữ đạo chính thì mới tốt". Nguyễn Hiến Lê giải thích thêm: Phải bỏ đường hiểm trở (đường cũ) để kiếm đường bằng phẳng, hướng Tây Nam (quẻ Khôn) mà đi, đừng đi theo hướng Đông Bắc (quẻ Cấn). Riêng tôi hiểu thì hướng Tây Nam ở đây đối với đất nước chúng ta có lẽ đã có rồi, đó là Cộng đông ASEAN và TPP. Còn hướng Đông Bắc thì ai cũng rõ vì đất nước ta dan díu theo hướng này đã quá đủ dài, đủ khốn nạn rồi. 
"Gặp Đại nhân giúp cho thì lợi" là Đại nhân nào? Với đất nước, có thể hiểu "Đại nhân" ở đây là mấy nước lớn đang giúp chúng ta thoát khỏi họa Khảm Thủy phương Bắc đấy thôi. Còn đối với cá nhân quân vương thì đại nhân tức là các nguyên thủ trong các cộng đồng kinh tế nói trên. Hoặc như ai đó được các bậc trưởng thượng trợ giúp cho cũng là ý này. Nếu ai đó cầm quyền mà làm cho họ ngãng ra không nhiệt tình giúp đỡ thì vận nước sẽ lao đao là cái chắc. 
Còn "Đạo chính" là Đạo gì vậy? Kẻ làm vua chỉ có một đạo chính duy nhất là vì nước vì dân. Kể từ các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến giờ, thời đoạn nào vua biết giữ đạo chính ấy thì thịnh trị, xa lìa đạo chính ấy thì muôn dân trăm họ điêu linh, triều chính nát bét thậm chí mất nước. 
Còn như làm vua gặp thời này thì xử sự ra sao? Theo cụ Phan thì chữ Đức trong quẻ Dịch này là NHÂN, TRÍ, DŨNG. Đức Nhân có được thì được nhân dân tin yêu; Đức Trí có được thì dù lòng người hung hiểm mình cũng không sợ; Đức Dũng có được thì dù đường đời hiểm nạn đấy nhưng mình cũng chẳng lui. ĐÓ LÀ ĐẠO VÀ ĐỨC CỦA BẬC QUÂN VƯƠNG TRONG THỜI KIỂN. 
Nếu Đại hội XII chọn được người như thế hay chí ít, cũng được dăm bảy chục phần trăm lời khuyên dạy của cổ nhân theo thiên vận thì vạn phúc cho dân tộc và sự ra đi của cụ Rùa là sự "thăng thiên hiển thánh" chứ không có điều gì phải xót xa lo sợ cả. Nếu ngược lại thì họa "chư hầu đời mới" đối với giặc phương Bắc là nhãn tiền chứ không còn xa xôi gì nữa cả. Ai chọn và chọn ai là như thế. Nếu nói mệnh vận thông qua quẻ Kiển nó là thế. Vấn đề còn lại là liệu thời vận có chính xác đang ở thời Kiển hay không thì tôi chưa dám chắc. Nhưng xem ra niềm tin của tôi cũng đặt nhiều vào quẻ Dich ấy. Mấy lời nhàn đàm gửi các anh chị đọc chơi vậy.
Nguyễn Thái Nguyên (Tác giả gửi BVB)
-------------

9 nhận xét:

  1. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
    Quẻ Thủy Sơn Kiển, đồ hình::|:|: còn gọi là quẻ Kiển 蹇 , là quẻ thứ 39 trong Kinh Dịch.
    Nội quái là ☶ (::| 艮 ) Cấn hay Núi (山).
    Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 ) Khảm hay Nước (水).
    Giải nghĩa: Nạn dã. Trở ngại. Cản ngăn, chặn lại, chậm chạp, què, khó khăn. Bất năng tiến giả chi tượng: tượng quẻ không có khả năng tiến.

    Mời bạn xem kỹ quẻ Kiển thì vào trang http://nhantu.net/DichHoc/HAKINH/39Kien.htm

    Trả lờiXóa
  2. Anh Nguyễn Thái Nguyên và Ẩn Danh 21:52 bàn tiếp ba quẻ của ngày 21 tháng 01 năm 2016, hồi 08 giờ sáng, và đăng tải tiếp đi cho cả làng xem , ba quẻ là : ĐỊA PHONG THĂNG -Quẻ Chính.
    LÔI TRẠCH QUY MUỘI -Quẻ Hỗ.
    ĐỊA THIÊN THIÊN THÁI -Quẻ Biến.

    Xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
  3. Thuận lòng dân là thuận theo ý tiên tổ hợp ý trời để Quốc thái dân an

    Trả lờiXóa
  4. Ô hô! Cụ Rùa đi rồi
    Mà sao không nỡ một lời trối trăng?
    -Nhìn tre cứ lấn lướt măng
    Lòng ngao ngán xót trối trăng nỗi gì
    Ta già ta phải ra đi
    Để con cháu lơn thế thì phải hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Đề Tam Nghĩa tháp
    (Tam Nghĩa tháp giả, Trung Quốc Thượng Hải áp bắc, Tam Nghĩa lý di cưu mai cốt chi tháp dã, tại Nhật Bản, nùng nhân cộng kiến chi.)
    Bôn đình phi phiêu tiêm nhân tử,
    Bại tỉnh tàn viên thặng ngã cưu.
    Ngẫu trị đại tâm ly hoả trạch,
    Chung di cao tháp niệm doanh châu.
    Tinh cầm mộng giác nhưng hàm thạch,
    Đấu sĩ thành kiên cộng kháng lưu.
    Độ tận kiếp ba huynh đệ tại,
    Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu.

    (Tháp Tam Nghĩa là tháp chôn di cốt con chim câu ở Tam Nghĩa lý, Hạp Bắc, Thượng Hải, Trung Quốc. Ở Nhật Bản, nhà nông cũng góp sức xây dựng tháp.)

    Đạn bom lửa thép bao người chết
    Thoi thóp đói mềm một chú câu
    May gặp lòng nhân, rời hoả ngục
    Được xây ngọn tháp, nhớ Doanh Châu
    Chim thiêng tỉnh mộng còn đem đá
    Chiến sĩ kiên gan sát cánh nhau
    Qua khỏi kiếp ba, huynh đệ mất
    Gặp nhau cười nụ hết oan cừu.
    Đại khái nhà văn Lỗ Tấn nói là chém giết nhau thì thật vô nghĩa!

    Trả lờiXóa
  6. Chậm như rùa là câu nói thông dụng trong dân gian mỗi khi muốn chê ai đó làm việc gì chậm trễ, lâu lắc. Nếu các bạn tin là chuyện rùa chết có ảnh hưởng đến sự thay đổi tình hình đất nước thì tôi tin đây là điềm tốt. Vì sau một thời gian chậm hơn rùa, giờ rùa chết tức là hết, sang trang mới thể chế mới cho năm mới. Cầu mong cả nước xoắn ống quần lên chạy nước rút để hy vọng nắm được cái đuôi của tụi tư bản giãy chết.

    Trả lờiXóa
  7. Kiển: Lợi Tây Nam, bất lợi đông Bắc, lợi kiến đại nhân, trinh cát.
    Dịch: Gian nan: đi về Tây nam thì lợi, về đông Bắc thì bật lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữa đạo chính thì mới tốt.
    Giảng: Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi(Cấn), tiến lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Phải bỏ đường hiểm trở mà kiếm đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam, hướng quẻ Khôn, đừng đi hướng đông Bắc, hướng quẻ Cấn. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu đúng từng chữ Tây Nam và Đông Bắc, chỉ nên hiểu ý thôi.
    Ở thời gian nan này, phải nhờ có người có tài, đức (đại nhân) giúp cho thì mới thoát nạn (lợi kiến đại nhân), và phải bền giữ đạo chính.
    Đại tượng truyện khuyên phải tự xét mình mà luyện đức (phản thân tu đức).
    > 3 Dũng ở phía Tây Nam, có lợi thế.
    Cả Trọng phải tự xét mình mà luyện đức!

    Trả lờiXóa
  8. RÙA LÀ LINH VẬT TRONG TỨ LINH : LONG, LY, QUI, PHỤNG. RÙA CÒN TƯỢNG TRƯNG CHO TUỔI THỌ. VẬY NAY CỤ RÙA QUA ĐỜI NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ GÌ TỒN TẠI MUÔN NĂM VỚI THỜI GIAN !
    CHẲNG BIẾT CÓ ỨNG VÀO CÁI GÌ KHÔNG NHỈ ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tháng Giêng , sau Tết, Trọng gặp Đại Nạn!

      Xóa