Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Cimexcol – Nỗi đắng cay còn đó - Kỳ 5

* ĐẶNG HUỲNH LỘC
               (tiếp theo - hết) ... Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: Dư luận luôn ủng hộ thiện chí sửa sai. “Có thể nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên sao thời trước xử án quá sơ sài, dễ làm oan người vô tội. Nói theo cách của ông Nguyễn Văn Để, nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Minh Hải, “bản án kết tội Lê Văn Bình hầu như dựng đứng hoàn toàn đến mức không sao hiểu nổi”.
              Cần lưu ý rằng vào thời điểm xét xử vụ án Cimexcol, ta chưa có luật hình sự và tố tụng hình sự. Việc xử án đơn thuần căn cứ theo chỉ thị, nghị quyết.
Việc độc lập xét xử dường như hoàn toàn thiếu vắng, việc tranh tụng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội lại càng không có, kết quả xét xử phụ thuộc vào hồ sơ và những định kiến có sẵn. Thế nên mới có những bản án thiếu thuyết phục do hội đồng xét xử cố ghép tội cho bằng được.
              Khoản 2 Điều 295 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Việc tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án không bị hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Theo đó, chánh án TAND tối cao mà chủ yếu là viện trưởng VKSND tối cao hoàn toàn có cơ sở và thời hạn để tái thẩm vụ án, khôi phục danh dự cho những cá nhân liên quan.
              Dư luận luôn ủng hộ thiện chí sửa sai và cũng sẵn sàng phê phán các thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước nỗi oan khiên của người khác”.
              Khi báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai lật lại vụ án Cimexcol Minh Hải, nhiều bạn đọc gửi tỏ rõ bất bình. Một bạn đọc thắc mắc: Xử án kiểu gì kỳ cục vậy?
               “Thật tình tôi không thể hiểu tòa án tối cao đã nghiên cứu hồ sơ và xét xử như thế nào mà có thể nhầm lẫn giữa ông Lê Khắc Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, người ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng của Cimexcol với ông Lê Văn Bình (tức ông Năm Hạnh). Xử án kiểu gì mà kỳ cục vậy? Chưa hết, không rõ tòa này gấp gáp đến mức nào mà thản nhiên xét xử ông Năm Hạnh khi thủ tục bãi miễn đại biểu Quốc hội đối với ông vẫn chưa được hoàn tất. Tuy được đánh giá là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” nhưng qua tám ngày xét xử, những người dự khán chẳng thấy gì gọi là “nghiêm trọng” cả.
                Theo bà Võ Thị Thắng, nguyên thành viên hội đồng xử án, Cimexcol hoạt động bằng nguồn vốn tư nhân, được miễn thuế kinh doanh trong ba năm. Do vậy, không thể kết tội họ tư túi chính từ nguồn vốn của cá nhân họ, càng không thể kết tội họ tham ô tài sản XHCN. Nếu thực sự là như thế thì tòa án đã đi từ cái sai này đến cái sai khác khi xét xử ông Năm Hạnh và hai mươi bị cáo.
               Đối với tử tù Huỳnh Văn Nam (Đồng Nai) đã mất, dẫu biết oan nhưng do bản án đã qua cấp hội đồng thẩm phán nên không có cơ chế cải sửa. Vụ án Cimexcol tuy xảy ra đã quá lâu nhưng không bị kẹt cơ chế này. Việc lật lại vụ án để giải oan cho những người vô tội là cần thiết. Việc minh oan này không chỉ vì người bị oan và gia đình họ mà cho chính ngành tòa án, cao hơn nữa là cho chế độ hiện hành”.
              Một đồng nghiệp với tôi, thông tin khi trao đổi bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng cho biết VKSND tối cao rất quan tâm đến những thông tin trong loạt bài “Cimexcol Minh Hải - 20 năm oan án” đăng tải trên Pháp Luật TP.HCM. Lãnh đạo viện đã giao các vụ chức năng xem xét, xác minh về những vấn đề Báo nêu.
              Ông Vượng xác nhận bản thân ông được nghe khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xét xử vụ án này. Khoảng hai tháng trước, VKSND tối cao cũng đã nhận được nhiều thư kiến nghị của cán bộ lão thành phía nam, đề nghị xem xét lại nội dung bản án, minh oan cho những người bị hàm oan. Tuy nhiên theo ông, lật lại vụ án đã xét xử 18 năm trước hoàn toàn không đơn giản. Thời điểm đó, đất nước đang trong giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, hệ thống pháp luật còn thiếu, thậm chí chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn là một trong những khó khăn mà những người làm công tác xét xử vướng phải.
               Theo lãnh đạo VKSND tối cao, hiện hồ sơ Cimexcol đang nằm ở tòa án nên muốn nghiên cứu lại phải có phối hợp với TAND tối cao. Được biết, TAND tối cao cũng đã “vào cuộc” xem xét những thông tin đăng tải trên Pháp Luật TP.HCM.
               7. Bài phỏng vấn bị hoãn lại và những kiến nghị mang tính thời sự
               Khi là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Thường trực và sau đó là Phó Thủ tướng Thường trực ông có theo dõi vụ án Cimexcol Minh Hải?.
                Trước và sau phiên toà xét xử vụ án, ông có theo dõi dư luận và có chỉ đạo gì?
             Ý kiến riêng của ông đánh giá về vụ án và những người bị kết tội, bị kỹ luật?
Nếu còn làm Thủ tướng đương nhiệm, ông sẽ chỉ đạo giải quyết vụ án như thế nào?
              Trong cuộc trao đổi với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông khẳng định “Đây là một vụ án áp đặt đã dẫn đến xét xử oan sai hàng chục người, kéo dài đến nay gần 20 năm chưa được minh oan”.
               Tôi hỏi ông: Thời điểm tiến hành điều tra vụ án, lúc đó ông là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng, ông có theo dõi diễn biến vụ án Cimexcol?
               Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời: Ban đầu xác định đây là vụ án chính trị, Bộ Chính trị giao anh Mười Hương (Trần Đình Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương - PV) phụ trách. Khi xác định vụ án không có dấu hiệu chính trị, được chuyển hướng trở lại điều tra là một vụ án kinh tế, thành lập Ban chuyên án mới, lúc đó giao lại cho anh Ba Hương (Lâm Văn Thê, nguyên Uỷ viên Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an – PV) phụ trách. Đến lúc này tôi bắt đầu theo dõi vụ án và thấy vụ án có dấu hiệu không bình thường.
    - Từ căn cứ nào để Thủ tướng đánh giá vụ án có dấu hiệu không bình thường? 
           - Thứ nhất, từ vụ án chính trị, khi không tìm ra chứng cứ, lại chuyển sang vụ án kinh tế. Trong khi trước đó, Trung ương đã thành lập Đoàn kiểm tra tài chính Minh Hải và Cimexcol, do Trần Kiên (nguyên Bí Thư trương ương, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương - PV) phụ trách. Theo báo cáo của Trưởng Đoàn kiểm tra Trần Kiên, không phát hiện Cimexcol có dấu hiệu vi phạm kinh tế mà còn có lãi hơn 2 triệu đô la.
           Thứ hai, cùng thời điểm này, ở Minh Hải còn xảy ra một vụ án nghiêm trọng khác. Đó là việc Phó giám đốc Sở công an tỉnh chỉ đạo giết một trung uý công an để tổ chức đưa người vượt biên, chiếm đoạt nhiều tiền vàng. Nhưng vụ án này lại được đưa ra xét xử theo thủ tục thông thường, sơ thẩm rồi phúc thẩm, còn vụ án Cimexcol chỉ đơn thuần vi phạm kinh tế lại đưa xét xử theo một trình tự đặc biệt sơ chung thẩm. Và một số dấu hiệu khác.
           - Khi thấy vụ án có dấu hiệu không bình thường, ông có trực tiếp tìm hiểu?
           -  Tôi đã nhiều lần gặp thiếu tướng Nguyễn Hoà, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Lào để nghe báo cáo, đều đánh giá Cimexcol Minh Hải đang hoạt động hợp tác kinh tế với Lào rất hiệu quả. Xứ quán của ta tại Lào cũng có nhận định như vậy. Đại xứ Lào tại nước ta cũng đánh giá tốt về Cimexcol. Trong một lần gặp ông Phăng-tày Xi-phăn-đon (nguyên Tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Lào, đã nghỉ hưu – PV), khi nói về hợp tác của Lào với Cimexcol Minh Hải tỏ ra rất tin cậy.
             - Khi vụ án kết thúc, đưa ra xét xử, ông có tiếp tục theo dõi?
             - Tôi nhận nhiều thông tin không đồng tình đưa vụ án ra xứt xử. Sau phiên xét xử, tôi cũng nhận nhiều thông tin qua thông tin báo chí và dư luận trong cán bộ không đồng tình. Tôi cho mời Võ Thị Thắng, thành viên Đoàn Hội thẩm Nhân dân Toà án tối cao, thành viên Hội đồng xét xử vụ Cimexcol đến báo cáo ( lúc đó bà Thắng còn là Uỷ viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Thắng báo cáo phiên toà diễn ra thiếu dân chủ, Hội đồng xét xử được quản lý và chỉ đạo xét xử rất chặt, các bị cáo bị buộc tội thiếu chứng cứ. Thắng còn cho biết, do thiếu chứng cứ nhưng Hội đồng xét xử vẫn ra phán quyết buộc tội nên Thắng là một trong năm thành viên trong Hội đồng xét xử kiên quyết không ký tên vào bản án. Đây cũng là dấu hiệu bất thường thứ ba.
              - Năm 1994, qua kiểm tra lại tình hình tài chính Cimexcol, phát hiện vụ án oan sai, Cimexcol không lỗ mà còn có lãi hơn 800 nghìn đô la, lúc đó ông có đề nghị gì với Trung ương?
              - Người đầu tiên đề nghị xét xử lại vụ án không phải là tôi mà là của những người bị hàm oan trong vụ án, đặc biệt là Ba Vị (Đoàn Thanh Vị, Uỷ viên Trung ương, Bí thư tỉnh uỷ Minh Hải – PV), Năm Hạnh, Ba Hùng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, người tiền nhiệm trước Năm Hạnh – PV). Họ đề nghị được đối chất với Toà án về vụ án trước Ban bí thư, Bộ Chính trị và Chính phủ. Tôi đồng ý cùng Thường trực Ban bí thư, Thường trực Bộ Chính trị và lãnh đạo một số tỉnh ngồi lại nghe hai bên đối chất vào tháng 3-1994 tại TP.HCM. Ngay hồ sơ xét xử vụ án đã không thuyết phục. Qua cuộc đối chất này thấy bản chất vụ án càng trái ngược. Nhưng phía Toà án vẫn bảo lưu quan điểm cho rằn xét xử vụ án là đúng.
                 - Rồi sau đó kết quả ra sao, thưa ông?
                 -Tôi đề nghị, về phía cơ quan pháp luật, rõ ràng đây là vụ án oan sai. Nếu không đưa ra xét xử lại phải đưa ra một hình thức nào đó để giải oan. Đối với Bộ Chính trị phải thông báo trong phạm vi rộng, hẹp nào đó và về phía Nhà nước cũng phải có thông báo để giải oan cho những công dân. Nhưng không được chấp nhận.
                - Được biết, sau đó ông có một đề nghị tiếp theo. Cụ thể đó là những đề nghị gì?
                 - Khi hai bên không ai chịu ai, tôi đề xuất thành lập một nhóm độc lập, gồm hai thành phần: Kiểm tra Đảng cử Chính Đào (Phan Minh Tánh) và Bộ Tài chính cử viên về tài chính. Nhóm này do Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương – PV) phụ trách, thẩm tra lại các tài liệu một cách khách quan, có kết luận báo cáo Bộ Chính trị quyết định. Khi nhân sự đã sẵn sàng, chỉ còn chờ quyết định. Nhưng sau đó nhóm này đã không được thành lập.
                    - Với đề xuất nói trên, vì ông nghi ngờ vụ án có oan sai?
                    - Không phải nghi ngờ, mà tôi thấy rõ vụ án oan sai, cần có kiểm tra khách quan để kết luận. Tại cuộc đối chất hồi tháng 3-1994, có tôi tham dự, Ba Vị đã đứng lên nói với anh Phạm Hưng: “Tôi không có học luật, anh có học luật, nhưng tôi thách anh cải lý với tôi về vụ án Cimexcol”. Phạm Hưng im lặng.
                  - Sau đó ông đã có những đề nghị nào khác?
                  - Trong một lần trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, ông nói: “Xem hồ sơ vụ án này cũng thấy băn khoăn”. Tôi đề nghị ông Mạnh, Quốc hội nên đưa vụ án ra tái thẩm, nhưng không được chấp nhận. Một lần khác tôi đề nghị Lê Khả Phiêu, ông Phiêu tỏ ra do dự cho rằng xử lại vụ án là phủ nhận quyết định của người đi trước. Sau đó Trung ương có chủ trương phục hồi những người bị oan sai từng phần, riêng Năm Hạnh cho phục hồi bằng cách kết nạp Đảng lại. Nhưng Năm Hạnh không đồng ý, đề nghị phải được minh oan toàn bộ vụ án và phục hồi Đảng. Tôi đồng tình với quan điểm này của Năm Hạnh!
               - Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư đề nghị Trung ương khẩn cấp minh oan vụ án Cimexcol Minh Hải, đặc biệt là đối với ông Lê Văn Bình. Được biết, bức thư này bà Huệ cũng đã trực tiếp gửi đến ông. Ông có ý kiến gì về những đề nghị này? 
               - Vì là người cùng quê, cùng chiến đấu chung trong chiến tranh, bà Huệ biết rất rõ phẩm cách Năm Hạnh, một người cộng sản trung kiên trong đấu tranh với kẻ thù và kiên trì đấu tranh đòi được minh oan trong vụ án Cimexcol. Bức thư bà Huệ cho thấy, bà không chấp nhận thái độ của Trung ương, của Toà án tối cao đã không trả lời tất cả các đơn thư, yêu cầu, khiếu nại được minh oan vụ án trong suốt 14 năm qua, từ khi phát hiện vụ án oan sai. Đó là vi phạm hiến pháp! Vi hiến! Việc bà Huệ viết trong thư: “Nếu ông Linh còn sống, ông Linh đã có chủ trương giải oan vụ án” cho thấy bà Huệ đã đứng về phía những người kêu oan, đã có kêu oan thì phải xem lại, nếu oan thì phải giải oan! Tôi cũng đang viết thư đề nghị Ban bí thư xem xét có biện pháp minh oan vụ án.
                - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những người có liên quan trong vụ án đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị kết tội, đặc biệt là đối với ông Lê Văn Bình?
               - Vụ án Cimexcol Minh Hải được đánh giá là oan sai đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đây thuộc về trách nhiệm của những người xử sai chứ không phải trách nhiệm của người bị xử. Dù bị kết tội, bị kỷ luật oan sai nhưng họ vẫn là những đảng viên cộng sản có phẩm chất, những công dân có trách nhiệm. Lẽ ra họ vẫn còn có thể tiếp tục cống hiến nhưng tòa án đã kết tội, Đảng đã kỷ luật họ. Thiệt hại này không chỉ đối với cá nhân những người bị kết tội, bị kỷ luật mà còn làm thiệt hại cho xã hội, làm tổn thương đến uy tín của cơ quan pháp luật, của Đảng.
              Đối với những người ngoài Đảng, tôi cảm thông và chia sẻ với cá nhân, gia đình và người thân những người bị hàm oan.
             Riêng đối với các đồng chí Ba Vị (Đoàn Thanh Vị, nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh ủy), Ba Hùng (Phạm Văn Hoài) bị cách chức, cảnh cáo; đồng chí Năm Hạnh (Lê Văn Bình) bị khai trừ Đảng và lãnh án một năm tù cho hưởng án treo đều là những đồng chí cộng sản trung kiên đã qua thử thách trong chiến tranh, sau chiến tranh. Đặc biệt đối với Năm Hạnh, một người cộng sản dám chịu trách nhiệm, khi thấy rõ vụ án bị oan sai đã kiên quyết đấu tranh không mệt mỏi cho sự thật, cho lẽ phải không chỉ cho riêng mình ngay trong lúc phải phấn đấu chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo gần cả chục năm đến khi trút hơi thở cuối cùng. Đối với tôi cũng như đối với Đảng bộ Tây Nam bộ (đồng chí Võ Văn Kiệt từng là bí thư khu ủy Tây Nam bộ - PV), đồng chí Năm Hạnh là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của một người cộng sản chân chính đáng trân trọng. Tôi rất tự hào về những người cộng sản như vậy. Nếu nói lời vĩnh biệt với Lê Văn Bình – Năm Hạnh, tôi xin nói như vậy.
            - Nếu còn đương nhiệm Thủ tướng, ông sẽ giải quyết vụ án này như thế nào?
            - Đương nhiệm hay không đương nhiệm, tôi vẫn tiếp tục đề nghị vụ án được minh oan.
            - Xin ông cho hỏi câu cuối cùng: Ông có nghe lãnh đạo Nước Cộng hoà Nhân dân Lào đánh giá thế nào về vụ án Ximexcol Minh Hải?  
            - Trong một lần gặp Khâm-tày Xi-phăn-đon, Bí thư và là Chủ tịch Lào, ông nói: “Rất tiếc vụ án Cimexcol Minh Hải nổ ra làm chậm lại sự phát triển kinh tế Lào về phía Đông. Nếu còn tiếp tục hợp tác với Cimexcol Minh Hải thì vùng Laksao và vùng rừng núi Lào còn phát triển hơn nữa”. Ông cũng tỏ ra chia xẻ về vụ án Cimexcol.
             - Xin cảm ơn ông!
             Từ ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi chọn đặt tựa cho bài phỏng vấn: “Vụ án áp đặt dẫn đến oan sai”. Khi bài phỏng vấn đã lên khuôn, dự định sáng ngày 9-5-2008 sẽ công bố đăng tải trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Số báo ra ngày 8-5-2008 trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu bài phỏng vấn này. Nhưng 16,30 giờ chiều ngày 8-5, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của thư ký riêng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, yêu cầu dừng bài phỏng vấn “để Chú Sáu xem lại một lần nữa” – anh Trịnh, thư ký riêng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói qua máy điện thoại. Nhận được thông tin này tôi thật sự chới với. Lúc đó tôi đang được Toà soạn báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh phân công đi công tác Cà Mau, nắm thông tin từ Đoàn Kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để đưa tin về vụ “chạy chức”. Tôi không mang theo một trang tư liệu nào về Cimexcol. Nhưng rất may, với chuẩn bị ban đầu loạt bài sẽ tổ chức thông tin trên báo thành chín kỳ, sau đó Toà soạn đề nghị tôi tổ chức bài vỡ cho ba đến năm kỳ báo, nên nhiều tư liệu tôi đã nhập sẵn trong máy tính xách tay mang theo. Tôi hối hả chui vào một góc quán cà phê Hoàng Gia ở phường 5, Thành phố Cà Mau, tắt điện thoại và chúi mũi vào máy tính, sắp xếp nội dung cho một trang báo khác thay cho bài phỏng vấn. Với định hướng thông tin chủ đạo là những kiến nghị về vụ án Cimexcol Minh Hải. Tôi đã viết liền một mạch hơn 2 giờ đồng hồ để tổ chức trang báo với tựa chung: “Tính thời sự của bản kiến nghị 12 năm trước”. Trong đó là bản kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân) viết năm 1986 làm nền. Cùng với kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để là kiến nghị của ông Phạm Hưng tại diễn đàn Quốc hội Khoá VIII đề nghị Uỷ ban Pháp luật Quốc hội xem xét xử lại vụ án.
            Và, việc kiến nghị xử lại vụ án Cimexcol Minh Hải từ thế kỷ trước đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Một sự kiện thời sự tràn đầy đạo lý.
           Và, bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau đó đã được công bố trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc loạt bài, lại một lần nữa kiến nghị minh oan vụ án.
            Khi viết ký sự này, tôi không hề cố ý khi đưa ra mở đầu là kiến nghị của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và bản kiến nghị mười hai năm trước của ông Nguyễn Văn Để, kết thúc là kiến nghị của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu minh oan vụ án Cimexcol Minh Hải. Bởi sự thật diễn biến của sự việc là vậy. Tôi chỉ chép ra đây về một vụ án và những kiến nghị kéo dài qua hai thế kỷ. 
 Đ.H.L
-------------

8 nhận xét:

  1. Quá buồn, quá chán,chẳng biết nói gì nữa vì lòng tin hết sạch.

    Trả lờiXóa
  2. Đối với tử tù Huỳnh Văn Nam đã mất, dẫu biết oan nhưng do bản án đã qua cấp hội đồng thẩm phán nên không có cơ chế cải sửa.
    Tội nghiệp quá.
    Gia đình anh Nam có được "hổ trợ" hay bồi thường gì không?

    Trả lờiXóa
  3. Trương Minh Tịnhlúc 20:54 8 tháng 3, 2015

    Nói cho thật rốt ráo vấn đề,thì tôi xin thưa thế nầy:
    1/-Không có cái gì gọi là "người Cọng-Sản chân chính".Vì chính trong cái lý-thuyết CS,nó đã không chân chính.Nó là một chuyện mơ hồ (không có thực trên đời nầy),của tên Triết Gia cà chớn Karl Marx ngồi không rồi nghĩ ra tầm bậy tầm bạ.Rốt cuộc thế giới (kể cả 2 miền Nam Bắc VN) là nạn nhân.
    2/-Xử như vụ Cimexcol như vậy đã là may.Tôi nghe nói ngày xưa,nửa đêm,mấy ông gõ cửa trói người đưa ra sau lùm cây.Đọc bản kết tội của Đảng và bắn cái bùm.Xong.Có người chết mà còn hô "Hồ Chí Minh Muôn Năm".
    3/-Mấy ông không bao giờ dám xử lại và minh oan chuyện nầy ?-Lý do ?-Nếu vậy thì phải xử lại vụ "Nhân Văn Giai Phẫm".Vụ Vũ Đình Huỳnh (Xét Lại Chống Đảng).Vụ bà Năm Cát Hanh Long (Cải Cách Ruộng Đất).Vụ mấy chục ngàn dân Huế bị chôn sống (Mậu Thân). Và còn nhiều nữa.Hàng ngàn hàng triệu vụ......
    4/-Thôi thì chờ.VN có Dân Chủ rồi. Đưa đảng CS ra trước Toà Án Quốc tế xử một lượt luôn.Như Pol Pot (Campuchia),như Ceacescu (Rumani),như Ba-Lan,như Liên Xô v.v........
    5/-Và lúc đó,danh từ "Cọng Sản" hoàn toàn biến mất trên địa cầu nầy.....Mong lắm thay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có cái gì gọi là "người Cọng-Sản chân chính"? Nhưng chắc chắn có cái gọi là "người cộng sản chân phụ"!
      Cứ ra Tết các trường tiểu học trên nước VNcs bắt học sinh đóng "kế hoạch nhỏ" bằng mấy chục vỏ lon bia. Con tôi hỏi: "Học sinh các nước khác có phải đóng như thế này không bố?". Tôi định nói: "Đó là vì con là học sinh học dưới mái trường XHCN", nhưng nghe ngậm ngùi quá, nên không muốn trả lới nó.

      Xóa
    2. Đồng ý nói chung với anh TMTinh nhưng tôi
      nghĩ không đúng khi chê Mác 'cà chớn' hay
      ngồi không bàn chuyện 'tầm bậy tầm bạ' mà
      tôi cho là Mác thông minh qúa hoá xảo quyệt
      nên đã nghĩ ra cách "lưu danh hậu thế", chứ
      không màng gì đến hâu qủa thảm khốc do lý
      thuyết đấu tranh giai cấp có tính bạo lực của
      ông ta mang lại.
      Mác đã tìm cách làm ngược lại Kinh Thánh
      mà ông ta từng đọc.Thay cho "tình thương
      đồng loại" thì ông ta chủ trương lấy giai cấp
      những nghèo hèn (chiếm đa số trong xã hội)
      để triệt hạ và đè đầu cỡi cổ giai cấp khác !
      Đúng là một kẻ thông minh quá hoá xảo quyệt !

      Xóa
  4. Tin được luật pháp VN chỉ có những kẻ thiểu năng trí tuệ !

    Trả lờiXóa
  5. Luật pháp của đảng tạo ra nên nó bị méo chút thôi .

    Trả lờiXóa
  6. "Sau này, hàng loạt vụ án xảy ra tương tự như vụ Cimexcol, Báo CAND đều giữ tinh thần chiến đấu, dũng cảm, đấu tranh quyết liệt với bọn tội phạm, kể cả các quan chức phạm tội. Vì thế được bạn đọc tin tưởng, nhân dân yêu mến, coi Báo CAND là người bạn đồng hành trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm và tham nhũng"
    http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Chung-toi-lam-dac-san-Cimexcol-tra-gia-dat-324473/

    Trả lờiXóa