* Dani Rodrik
Chuyện người giàu có nhiều quyền lực chính trị hơn kẻ
nghèo vốn dĩ không phải mới mẻ, ngay cả tại những nước dân chủ nơi mỗi người
chỉ có một lá phiếu trong các kỳ bầu cử. Tuy nhiên, mới đây, hai nhà khoa học
chính trị là Martin Gilens của Đại học Princeton và Benjamin Page của Đại học
Northwestern đã công bố những phát hiện đầy thuyết phục về nước Mỹ. Những phát
hiện này có ý nghĩa sâu sắc đối với sự vận hành của các nền dân chủ ở Mỹ và
những nơi khác.
Nghiên cứu của hai tác giả trên được dựa theo công trình
trước đây của Gilens, người đã cẩn thận tổng hợp các cuộc thăm dò ý kiến cử tri
về gần 2.000 vấn đề chính sách từ năm 1981 đến năm 2002. Bộ đôi này sau đó đã
kiểm nghiệm xem liệu chính phủ liên bang Mỹ có lựa chọn các chính sách đó trong
vòng 4 năm sau cuộc khảo sát hay không, và tìm hiểu mức độ gần gũi giữa kết quả
lựa chọn chính sách với nguyện vọng của các cử tri có những mức thu nhập khác
nhau.
Khi xem xét riêng lẻ, nguyện vọng của nhóm cử tri có
mức thu nhập trung bình dường như có một sức ảnh hưởng cực kỳ tích cực đối với
phản ứng cuối cùng của chính phủ. Một chính sách được ủng hộ bởi các cử tri của
nhóm này có khả năng được ban hành rất cao.
Thế nhưng, Gilens và Page cũng đã lưu ý rằng điều này
có thể dẫn đến suy nghĩ lạc quan một cách sai lệch về tính đại diện trong các
quyết định của chính phủ. Đối với hầu hết các chính sách, nguyện vọng của tầng
lớp trung lưu không khác biệt nhiều so với giới tinh hoa kinh tế. Ví dụ như cả
hai nhóm cử tri đều muốn một bộ máy quốc phòng vững mạnh và một nền kinh tế
thịnh vượng. Một cuộc khảo sát chính xác hơn cần kiểm tra xem liệu chính phủ sẽ
làm gì khi hai nhóm này đưa ra những quan điểm khác nhau.
Để thực hiện cuộc khảo sát này, Gilens và Page đã kiểm
nghiệm trường hợp lợi ích tương phản giữa tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa –
là những người đứng trong top 10% có mức thu nhập cao nhất – để xác định tầng
lớp nào gây được ảnh hưởng mạnh hơn. Họ đã phát hiện ra rằng sức ảnh hưởng của
tầng lớp trung lưu giảm xuống còn không đáng kể trong khi nhóm thượng lưu vẫn duy
trì ảnh hưởng rất lớn.
Hàm
ý là rõ ràng: khi các lợi ích của tầng lớp thượng lưu khác biệt những thành
phần khác của xã hội thì chỉ quan điểm của họ mới được ưu tiên cân nhắc. (Như
Gilens và Page giải thích, chúng ta nên nhìn nhận nguyện vọng của top 10% này
như là đại diện cho quan điểm của những người thực sự giàu có, tức là top 1%
giới tinh hoa đúng nghĩa.)
Gilens và Page cũng đưa ra những kết quả khảo sát
tương tự đối với các nhóm lợi ích có tổ chức, nắm giữ tầm ảnh hưởng lớn đến
việc hoạch định chính sách. Họ chỉ ra rằng một khi mong muốn của liên minh các
nhóm lợi ích và những người Mỹ giàu có được xem xét thì “việc quần chúng nghĩ
gì không còn quan trọng nữa”.
Những
kết quả đáng buồn này nêu bật lên một câu hỏi lớn, rằng làm sao mà các chính
trị gia, những người không đáp ứng mong mỏi của đại đa số các cử tri lại đắc
cử, và quan trọng hơn là tái đắc cử, trong khi họ chỉ biết chạy theo những
thành phần giàu có?
Một phần câu trả lời cho điều đó có thể là việc hầu
hết các cử tri thiếu hiểu biết về cách vận hành của bộ máy chính trị và cách nó
phục vụ cho lợi ích của giới tinh hoa. Gilens và Page đã nhấn mạnh những bằng
chứng họ đưa ra không có ý nói các chính sách của chính phủ làm cho tầng lớp
trung lưu trở nên tồi tệ hơn. Tầng lớp này vẫn thường đạt được những gì họ muốn
nhờ vào thực tế rằng nguyện vọng của họ thường tương đồng với nguyện vọng của
giới tinh hoa. Sự tương đồng trong mong muốn của hai nhóm này có thể gây trở
ngại cho các cử tri trong việc nhận ra sự thiên vị của các chính trị gia.
Tuy nhiên, một phần câu trả lời nguy hiểm hơn nằm ở
các chiến lược mà các lãnh đạo chính trị sử dụng để được đắc cử. Một chính trị
gia đại diện chủ yếu cho quyền lợi của tầng lớp tinh hoa giàu có thì buộc phải
tìm các con đường khác để tỏ ra hấp dẫn đối với đại chúng. Sự thay thế đó có
thể là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phe nhóm, và bản sắc – những thủ đoạn chính
trị dựa vào các giá trị và hình tượng văn hóa hơn là các lợi ích kinh tế thiết
yếu. Trong nền chính trị dựa trên những nền tảng này thì người thắng cử là
người thành công nhất trong việc “khơi dậy” các đặc tính tâm lý và văn hóa tiềm
ẩn chứ không phải những người đại diện tốt nhất cho lợi ích của chúng ta.
Karl Marx đã nói một câu rất nổi tiếng rằng “tôn giáo
là thuốc phiện của nhân dân”. Ý ông muốn nói rằng niềm tin tôn giáo có thể che
khuất những sự tước đoạt vật chất mà người lao động và những người dân bị bóc
lột phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Cũng tương tự như vậy, sự nổi lên của các quyền tôn
giáo và kéo theo đó là các cuộc chiến tranh văn hóa về các “giá trị gia đình”
và các vấn đề gây phân cực khác (như nhập cư chẳng hạn) là nhằm đánh lạc hướng
nền chính trị Mỹ ra khỏi vấn đề bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ từ
cuối những năm 1970. Kết quả là, những người bảo thủ vẫn có thể duy trì quyền
lực của họ bất chấp việc họ theo đuổi các chính sách kinh tế và xã hội đi ngược
lại lợi ích của tầng lớp từ trung lưu trở xuống.
Nền chính trị bản sắc rất nguy hiểm vì nó có xu hướng
tạo ra biên giới xung quanh một nhóm đặc quyền bên trong và loại trừ các nhóm
bên ngoài – các nhóm từ các quốc gia, các giá trị, tôn giáo, hay sắc tộc khác.
Điều này có thể thấy rõ nhất trong các nền dân chủ phi tự do như Nga, Thổ Nhĩ
Kỳ và Hungary .
Để củng cố vị thế tranh cử, các nhà lãnh đạo tại các nước này đánh vào các hình
tượng quốc gia, văn hóa và tôn giáo.
Khi làm như vậy, họ thường thổi bùng sự giận dữ đối
với các tôn giáo và sắc tộc thiểu số. Đối với các chế độ đại diện cho giới tinh
hoa kinh tế (và thường suy đồi, tham nhũng tới tận gốc rễ), đó là một chiêu trò
giúp mang lại thành công trong các cuộc bầu cử.
Sự bất bình đẳng lan rộng ở các nước phát triển và
đang phát triển trên thế giới vì thế gây ra hai tác hại cho nền chính trị dân
chủ. Nó vừa làm mất dần đi vai trò bầu cử của tầng lớp trung lưu và thấp hơn,
đồng thời tạo mầm mống cho một nền chính trị độc hại mang màu sắc chủ nghĩa phe
nhóm trong giới tinh hoa.
--------------
(*) Dani
Rodrik hiện là Giáo sư Khoa học Xã hội của Viện nghiên cứu cao cấp tại
Princeton, New Jersey .
Ông là tác giả của cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization,
Institutions, and Economic Growth (Một ngành kinh tế học, nhiều công thức: Toàn
cầu hóa, Các thể chế và Tăng trưởng kinh tế) và mới đây nhất là cuốn The
Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (Nghịch lý
Toàn cầu hóa: Dân chủ và tương lai của nền kinh tế thế giới).
-------------
Thực tế nước Mỹ đã xóa nghèo 101% rồi. Và người ta cũng chẳng phải nơm nớp bị chụp mũ chính trị "thế lực thù địch". Chẳng phải trên phim và ngoài đời, ai bế tắc đều tới (hay mong, nếu chưa có điều kiện) Mỹ hay sao?
Trả lờiXóaCác nhà báo cộng sản đi theo Ng Minh Triết qua Mỹ năm đó cũng tự nhiên thốt ra bằng văn: "Đâu đâu cũng thấy cảnh thanh bình trên khắp nước Mỹ..."