Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

HAI SỰ KIỆN KHÔNG DỄ GÌ RỬA SẠCH

 * TÔ VĂN TRƯỜNG
Hai sự kiện ở hai miền đất nước khác nhau về hình thức nhưng đều dẫn đến một phản ứng tức thì, gay gắt của người dân, đó là việc chặt cây xanh ở Hà Nội và lấp sông xây nhà ở Đồng Nai.
Người dân Hà Nội tự nhiên thấy hàng trăm cây xanh to lớn, đẹp đẽ bị đào bới, chặt bỏ. Cảm giác đầu tiên của họ là bàng hoàng, xót xa, sau đó là phẫn nộ khi biết lý do của việc làm đó được những người có trách nhiệm giải thích một cách ‘tỉnh queo”!
Việc chặt cây xanh ở Hà Nội đã bị đình chỉ nhưng hậu quả là người dân mất lòng tin vào năng lực quản trị của những người lãnh đạo thành phố.
Tương tự như vậy ở Đồng Nai, người ta cũng ngang nhiên lấp sông (nói cho chính xác là lấn sông) xây nhà để kinh doanh dịch vụ dưới cái tên mỹ miều là “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”. 
Diễn biến của dự án này khá phức tạp trong khi Mạng lưới Sông ngòi Việt nam (VRN) đề nghị rút giấy phép dự án thì chính quyền Đồng Nai cho rằng, trước khi bắt tay làm dự án phát triển đô thị ven sông, đã nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng và thực hiện đầy đủ các bước quy định, phù hợp với quy hoạch và các quy định của pháp luật. Đồng thời đã có sự xem xét chấp thuận, thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai.
                Sơ lược đôi nét chính về dự án
               Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai liên quan đến 11 tỉnh thành trong khu vực.  Sông Đồng Nai (chỉ có phần nhỏ thuộc Campuchia) được coi là con sông nội địa dài nhất của nước ta đi qua Thành phố  Biên Hòa, rồi chia làm 2 nhánh ôm trọn vùng đất Cù lao Phố.
Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được khởi công vào tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai khoảng hơn 100 m.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch chi tiết 1/500 của phường Quyết Thắng được tỉnh phê duyệt năm 1997, có thể xây dựng kè lấn sông mà không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút thắt gây ảnh hưởng giao thông và thoát lũ. Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông. Sau một năm nghiên cứu, đánh giá đã kết luận việc chỉnh trị bờ trái sông Đồng Nai nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh, sẽ không ảnh hưởng đến vùng dự án và khu vực lân cận.
Đến nay, dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt.
Lấp sông Đồng Nai
              Luận cứ khoa học
            Bất kể 1 dòng sông nào thì vận động của nó đều tuân theo 1 quy luật đặc thù: đó là quy luật về hình thái. Trong toán học, để có một kết quả tích số là 100, ta có thể có vô số phép nhân có nghĩa. Nhưng để có một lòng sông ổn định có diện tích mặt cắt ngang 100m thì chỉ có một cặp duy nhất về trị số chiều rộng sông và độ sâu dòng chảy (ví dụ là 50m x 2m) là bảo đảm cho lòng sông đó ổn định được dưới tác động của một chế độ dòng chảy nhất định mà thôi.
Người ta không thể cưỡng bức dòng sông tuân theo sự sắp đặt chủ quan của con người. Chỉnh trị sông cũng như dạy thú dữ làm xiếc, nếu dạy theo 1 phương pháp khoa học, thì con thú có thể được thuần phục làm trò  để mua vui cho mọi người, nhưng nếu dạy thú theo 1 phương pháp trái quy luật của thú thì nó có thể quay lại trả thù con người, thậm chí trả thù rất tàn bạo. Những ví dụ để minh chứng cho điều đó đã có rất nhiều trong thực tế.
            Sông Đồng Nai đã được hình thành từ ngàn năm, hình thái của nó trên mặt bằng, trên mặt cắt ngang, trên mặt cắt dọc đã được định hình theo nguyên tắc hình thái ổn định động để phù hợp với các điều kiện về dòng chảy, địa chất, địa hình tại chỗ. Sự thay đổi hình thái tại 1 vị trí nào đó sẽ kéo theo một phản ứng dây chuyền về bờ đối diện, về thượng lưu, và cả về hạ lưu.
            Đoạn lấn bờ sông Đồng Nai nằm ở bờ lõm của sông, tức là ở phía có chủ lưu áp sát, ở đó sông sâu, nước xiết, mọi tác động đều tạo ra phản ứng rất nhạy cảm. Điều chỉnh lại đường bờ sẽ là cho lưu tốc phân bố lại theo phương ngang, kéo theo sự biến hình mặt cắt ngang, tức là dẫn đến sự sạt lở mạnh mẽ bờ đối diện.
Tác động trực tiếp nhất là làm thay đổi tỷ lệ phân lưu giữa 2 nhánh sông tại cù lao Phố. Điều đó, sẽ ảnh hưởng tức khắc đến an toàn của các cầu  Rạch Cát, Hiệp Hòa ở đầu lạch trái, nghiêm trọng hơn là an toàn của Cầu Ghềnh, cầu Bửu Hòa ở đầu lạch phải. Tất nhiên, biến động có thể xẩy ra là lạch trái có thể bị lấp, lạch phải mở rộng, đào sâu thêm, đấy là chưa kể đến việc ảnh hưởng thoát lũ do thu hẹp mặt cắt sông vv...Không có mô hình tính toán thủy lực dù là 1 chiều - 2 chiều hay mô hình vật lý nào có thể phản bác được các lý lẽ nói ở trên.
             Sai lầm không thể biện minh
Sông Đồng Nai là con sông liên tỉnh, có Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Quản lý lưu vực sông là trách nhiệm chủ yếu của Bộ Taì nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Có ý kiến cho rằng dự án này đã vi phạm quy định hành lang thoát lũ theo Luật đê điều. Khách quan, nhận xét lý lẽ này không thuyết phục vì trong phạm vi dự án không có đê. Sai lầm lớn nhất, không thể biện minh của dự án chính là vi phạm Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội khóa 13 phê duyệt năm 2012.
Khoản 22 Điều 2 ghi rõ “Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn  nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”.  
Khoản 5. Điều 9 Các hành vi bị nghiêm cấm :”Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông suối, rạch, hồ chứa, khai thác khoáng sản, khoan đào, xây dựng nhà cửa và kiến trúc công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy hiếp hành lang bảo vệ nguồn nước đến sự ổn định an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa”.
Nếu lãnh đạo tỉnh, bộ phận tham mưu, doanh nghiệp và cả nhà khoa học chịu khó đọc và hiểu Luật tài nguyên nước thì chắc chắn không ai dám phạm Luật để tiến hành nghiên cứu và xây dựng  dự án này!
Tôi cũng vừa mới đọc báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)  dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha” phải nói làm công phu, nhiều luận cứ dựa trên tính tóan mô hình nhưng các tác giả quên rằng nội dung mới chỉ đánh giá tác động do xây dựng ở bề mặt, bỏ qua phần cốt lõi là không làm  ĐTM do lấn sông và thay đổi mặt cắt ướt dưới lòng sông. ĐTM cũng không có các biện pháp giảm thiểu do tác động xấu gây ra. Đây không phải là báo cáo theo đúng nghĩa ĐTM của dự án, mặc dù đã được Hội đồng khoa học thông qua.
Mặt khác, theo quy định  báo cáo ĐTM  thuộc phạm vi của Tỉnh phê duyệt nhưng chỉ khi công luận lên tiếng thì địa phương mới nộp báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt cho Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, quy hoạch 15 ha nhưng dự án thực hiện chỉ 8,4 ha, trong đó 7,2 ha (hơn 90%) là san lấp mặt nước sông Đồng Nai. Lý do nêu ra là không đủ vốn, nên xin và được duyệt dự án trên phần diện tích 8,4 ha gần như không phải đền bù của 15 ha đã được quy hoạch.
Tại sao việc đầu tư dự án làm phát sinh yêu cầu phải di dời vị trí trạm bơm lấy nước cấp cho sinh hoạt ra phía sông lại do nhà nước đầu tư (60 tỷ đồng) chứ không phải bằng tiền của dự án (tiền của chủ đầu tư)? 
Như vậy, dự án thực hiện, phần diện tích còn lại của quy hoạch càng trở nên xương xẩu, khó mà tin rằng sẽ được nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư vì hiệu quả kém. Nếu sau này lại do nhà nước đầu tư thì rõ ràng đây là trò móc túi tinh vi  vv...
Lời kết
Về mặt khoa học kỹ thuật còn có thể tranh luận nhưng chiểu theo đúng Luật Tài nguyên nước thì rõ ràng dự án đã vi phạm vào hành vi nghiêm cấm không được làm (Khoản 5- Điều 9).
Từ sự kiện chặt cây xanh ở Hà Nội đến việc lấp sông Đồng Nai làm dự án đều thể hiện “lỗ hổng” trong tư duy và năng lực quản trị của chính quyền địa phương  dù mức độ có khác nhau nhưng đều là vết nhơ không dễ gì rửa sạch!
TVT (Tác giả gửi BVB)
----------------

34 nhận xét:

  1. Bác nói như đùa, tính mô hình thủy lực mà không thay đổi mặt cắt ướt thì tính làm gì? ĐTM trước, trong và sau dự án đều có cả. Không biết bác đã đọc hết chưa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHỈ KHI NÀO XỬ LÝ NGHIÊM MINH THEO LUẬT MÔI TRƯỜNG THÌ HAI VẾT NHƠ NÀY MỚI TẠM RỬA SẠCH !

      Xóa
  2. Tôi đọc bài phỏng vấn thứ trưởng Bùi Cách Tuyến trên báo tài nguyên môi trường nói rõ báo cáo ĐTM chỉ tính phần mặt đất không xét đến phần tác động do ảnh hưởng lấn sông. Tính thủy lực ở đây phải là bài toán 2 chiều, cho điều kiện biên tài liệu thủy văn, đia hình nếu kết quả không ảnh hưởng thì chỉ có mà tư vấn ăn tiền của người đạt hàng.

    Trả lờiXóa
  3. Lập luận khoa học bài viết rất thuyết phục

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Coi chừng, các nhà khoa học phát biểu mà không xin ý kiến cơ quan chủ quản thì coi chừng bị kỷ luật đó.
      ngày 25.3, trường Đại học Lâm nghiệp đã có thông báo số 373/TB-ĐHLN-HCTH về việc phát ngôn liên quan đến việc chặt cây xanh ở Hà Nội.
      Trường này yêu cầu tất cả cán bộ viên chức, lao động hợp đồng, học sinh sinh viên chỉ khi nào nhà trường yêu cầu “mới được phát ngôn và cung cấp thông tin có liên quan một cách chính xác, khách quan”.
      Xem: http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/chat-cay-xanh-o-ha-noi-chuyen-gia-len-tieng-bi-nhac-nho-545574.html
      LẠI THÊM MỘT TAY HIỆU TRƯỞNG NGU DỐT NỮA LÀM Ô DÙ CHO BỌN THAM NHŨNG. CÓ LẼ TAY NÀY CŨNG ĐƯỢC LẠI QUẢ TRONG VỤ CHẶT CÂY XANH CHĂNG HAY LÀ CÔNG AN NGẦM CÀI VÀO ĐẠI HỌC.
      Việc chuyên môn thì khộng lo làm lại đi làm việc của công an. Những tay hiệu trưởng như thế này thì khoa học ở trường này đêu có ngóc đầu lên nổi

      Xóa
    2. KHỔ QUÁ, BIẾT RỒI MÀ CHƯA RÕ. ÔNG CHỨ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐHLN,LÀ NGHỀ CHẾ BIẾN VÀ CƯA XẺ GỖ (NÓI DÂN DÃ LÀ THỢ MỘC ĐÓNG ĐỒ CHO DỄ HIỂU) CHỨ CÓ PHẢI NGHỀ TRỒNG CÂY ĐÂU MÀ TRÁCH TRÔNG ẤY. NGHỀ NÀO NGHIỆP ẤY MÀ !

      Xóa
  4. Bọn ăn bẩn môi trường này cũng không bằng Văn phòng Trung ương Đảng CSVN chi tiêu 100 triệu USD/năm chỉ để cho ra đời những nghị quyết ăn tàn phá hại đất nước mà thôi.
    Toàn là một lũ đểu giả đội danh nhà nước để tham nhũng tiền thuế của dân.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết của tác giả Tô Văn Trường về sự kiện lấn sông Đồng Nai rất hay. Lý do có sức thuyết phục nhất để dừng dự án này (và kiểm điểm/xử lý "quyết liệt" tất cả các cấp liên quan) là vi phạm nghiêm trong Luật TNN 2012. Cơ quan hành pháp (và kiêm luôn cả lập pháp như thực tế hiện nay ở VN) mà ngang nhiên vi phạm luật như thế thì mơ ước xây dựng nhà nước pháp quyền để phát triển sánh vai với bạn bè quốc tế sẽ mãi chỉ là bong bóng xà phòng. Nản quá.
    Nhân nói đến chuyện vi phạm pháp luật, từ Luật BVMT 2005, tham vấn cộng đồng (và các bên liên quan) là yêu cầu bắt buộc khi làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thế nhưng trong thực tế thì quy định này được thực hiện biến tướng, không phải chỉ do lỗi của chủ dự án mà có cả lỗi (lớn, chủ yếu) của cơ quan quản lý địa phương (UBND xã/phường) và cả cơ quan tự nhận là đại diện cho dân (UBMTTQ xã/phường). Trong câu chuyện lấn sông ĐN cũng vây, UBND tỉnh ĐN "ngây thơ" cho rằng đã hỏi ý kiến 1 số nhà khoa học (được thuê nghiên cứu đánh giá tác động liên quan đến kè bờ, lấn sông) là đảm bảo tính minh bạch, công khai, đồng thuận ? (hic!).
    Tôi vừa đi Sydney-Melbourne cũng với nhóm bạn từ hồi phổ thông, đến chơi với gia đình anh bạn cùng lớp giờ là chuyên gia IT của chính phủ Úc. Có rất nhiều chuyện, nhiều thông tin hay mà trước kia đi công tác (với vai là quan chức chính phủ VN) không được biết. Anh bạn kể câu chuyện quy hoạch đất đai ở Sydney: đầu tiên là chính quyền thông báo vùng đất này kia sẽ đươc phát triển thế này, thế này trong năm này, năm này rồi đề nghị mọi người liên quan (có đất trong khu vực hay đang sống liền kề) tham gia góp ý về quy hoạch xem nên xây điện, đường, trường, trạm như thế nào cho phù hợp số đông. Dân tình liền kéo bè kéo cánh (kiểu như đi vận động bầu cử ấy) góp ý nên xây thế này, thế này để tiện cho mảnh đất, khu vực nhà… mình. Ai kéo bè kéo cánh giỏi, quy tụ được nhiều ý kiến có lợi cho mình là quy hoạch sẽ được duyệt theo hướng đó.
    Anh bạn đi cùng đoàn nghe chuyện bình luận: dân Sydney thật không biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, mà không hiểu sao chính quyền lại nghe dân thế cơ chứ, hic hic. Nhưng rõ ràng có lẽ vì người dân được góp ý, được lắng nghe như thế mà các công trình công cộng của Úc được dân coi là của mình, tự giác yêu quý và gìn giữ đẹp và sạch như lau như li.
    Vừa đi Úc về thì có chuyện chặt cây ở HN, lấn sông Đồng Nai. Trông người lại nghĩ đến ta, nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa "Nhân dân (VN) là mác, là chông - Là sông là núi,... nhưng không là gì" mà không biết có nên còn tự hào là người dân VN nữa không? Muốn yêu, muốn gìn giữ đất nước mình mà khó quá. Có vẻ như mình chả có quyền gì, ngay cả đối với đoạn sông tuổi thơ quanh làng, thậm chí cả đối với cái cây trước nhà. Hu hu
    LHL

    Trả lờiXóa
  6. Giá có thêm thời gian tác giả ghi chú việc so sánh lấn biển hoặc sông của các nước xung quanh với VN thì tuyệt nữa & convincing hơn. Do thiếu kiến thức phổ thông và info nên rất dễ bị áp dụng sai hoặc abuse . Xem thêm mấy messages ở report tại link dưới đây "Why does Green growth matter to Southeast Asia?"
    http://www.oecd.org/dac/environment-development/Final%20SE%20Asia%20Brochure%20low%20res.pdf
    " Political leadership is the key to putting the right policies and institutions in place"

    Trả lờiXóa

  7. Bài viết ví như một cú đánh sở trường móc hàm đối thủ . Bravo !

    Trả lờiXóa
  8. Đánh mạnh vào lũ tham tiền hại dân dù chúng là quan chức, doanh nhân hay mang danh nhà khoa học

    Trả lờiXóa
  9. Kính thưa anh T.V. Trường
    Em có nhận được bài viết của anh qua email của CLB LHĐ, do chị ThS Mai Oanh gửi tới. Bài viết của anh rất hấp dẫn, lập luận chắc chắn, cách chứng minh rất thuyết phục khảng định việc lấp sông làm dự án đô thị của tỉnh Đồng Nai là sai ...
    Em muốn xin bài của anh để đăng trên facebook của nhóm "cứu sông Đồng Nai" hiện có hơn 9000 thành viên, và fanpage "hỗ trợ cứu sông ĐN" để giúp mọi người hiểu hơn tầm quan trọng của việc này, và thuyết phục thêm tiếng nói bảo vệ con sông cũng như bảo vệ môi trường sống cho người VN...
    Xin cám ơn anh!

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thích lập luận trong bài này, vì tính khoa học của nó. nhưng càng ngày tôi càng thấy người ta đã và đang bất chấp tất cả vì quyền lợi nhóm, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Có một điều nguy hại khó đảo ngược, đó là người ta đã ban cho các địa phương quyền quyết định xây dựng, bán tài sản cố định như rừng, sông nước, phủ quyết có được đề cập tới, nhưng rất hãn hữu, và phải do trung ương quyết định, như việc đèo Hải Vân mà chính quyền Thừa thiên-Huế phải nhượng bộ, đó là vì lý do quốc phòng, và nhất là vì còn tranh chấp quyền sở hữu với Đà nẵng.
    Chúng ta đã và đang mất rất nhiều thứ, chắc anh Trường cũng biết, lợi ích nhóm thực vô cùng nguy hiểm, chống lại chúng có lẽ phải lấy độc trị độc, lập luận khoa học là cần thiết, nhưng chỉ để phục vụ cho mục đích này thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Trí thức VN đang phân hóa ghê gớm, một hiện tượng lưu manh trí thức, lưu manh tiến sỹ đang tàn phá đất nước . Họ bất chấp khoa học để mưu cầu lợi ích riêng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trương Minh Tịnhlúc 01:06 28 tháng 3, 2015

      Tôi đồng ý với nhận xét nầy.

      Xóa
    2. Ban đầu,các nhà trí thức,khoa học củng muốn cống hiến,xây dựng đất nước.Nhưng khi đã ở trong chế độ này họ không có môi trường để phát triển và cống hiến.Dần dần,họ buộc phải "suy thoái",nếu không họ sẽ bị đào thải hoặc ngồi chơi xơi nước.
      Tôi có anh bạn học công nghệ thông tin,ra trường anh ấy thi tuyển và vào làm ở sở khoa học công nghệ và môi trường.Sau vài năm,anh ấy kết luận,đây là sở không học chỉ nhậu và moi tiền.Anh ấy củng buộc phải theo guồng máy ấy.Nhiều lúc ngồi nói chuyện củng thấy buồn nhưng anh ấy bất lực,không thể làm khác được
      Vì vậy mà thế giới văn minh gọi chế độ "ưu việt xhcn" này là quái thai của thế kỉ

      Xóa
    3. Số người hèn đang bị những người không hèn đập tơi bời!

      Xóa
  12. Đỗ Hồng Phấnlúc 19:24 27 tháng 3, 2015

    Việc lấn sông Đồng Nai đích thị là việc của Quản lý TNN, thế mà hệ thống quản lý này im lặng? Mới thấy hệ thống Môi trường có ý kiến thôi. Hay là họ nói ở đâu mà mình không biết? Còn hai cái RBO thì đều vô dụng.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đã đoc nhiều bài viết về dự án lấp sông Đồng Nai trên các báo chính thống của nhà nước và báo mạng có chung tiêng nói cần bảo vệ dòng sông. Đây là bài viết tôi thích nhất cả về giọng văn lẫn nội dung dễ hiểu, có chính kiến. Cám ơn TVT và BVB

    Trả lờiXóa
  14. TS TranDinh Ba, nhận xét của ngài nói chung tôi rất khâm phục.
    Nhưng hiện nay, khẳng định là LỰC LƯỢNG không nhỏ cán bộ khoa học, kỹ thuật vì mưu cầu lợi ích riêng mà nhắm mắt làm liều,
    Những người còn lại như ngài, Tô văn Trường... Còn ít lắm.

    Trả lờiXóa
  15. Ts Trần Đình Bá nhận xét không sai đâu, ngày nay nhan nhản làm ăn gian dối ngồi nhà vào máy tính cắt dán nhiều chỗ nhầm cả địa danh. Đi khảo sát tính tương quan, nội suy ra số liệu còn thiết kế thì cả ngành giao thông nổi tiếng là thiết kế lãng phí, chất lượng tồi , mau hỏng.

    Trả lờiXóa
  16. Tỉnh Đồng Nai đã nổi tiếng năm xưa về đấu tranh quyết liệt dừng dự an thủy điện 6 và 6 A chẳng nhẽ bây giờ vì quyền lọi riêng của nhóm lợi ích nhắm mắt để lấn sông làm dự án xây nhà bán kiếm lời bất chấp hậu quả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rõ rồi! Bọn 6, 6A chi chưa đủ đô?
      "Mạnh vì gạo, bạo vì tiến" mà!

      Xóa
  17. Tôi thấy ông Lê Mạnh Hùng tổng cục phó thủy lợi lúc đầu trả lợi phỏng vấn là không có nhà khoa học tham gia dự án này nhưng chính Viện khoa học thủy lợi miền nam thời ông còn làm viện trưởng đã tính toán nếu lấn dòng về dòng chảy cho là không ảnh hưởng gì? Có lúc ông lại nói phải làm mô hình vật lý, nói chi mô khó hiểu quá trời.

    Trả lờiXóa
  18. Một việc làm tồi tệ và ngu xuẩn chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Viêt Nam !

    Trả lờiXóa
  19. Trương Minh Tịnhlúc 01:14 28 tháng 3, 2015

    Bài viết hay.Thuyết phục.
    Không phải chĩ "chính quyền địa phương" mà cả "chính quyền trung ương".Làm gì cũng nghĩ đến việc kiếm chác.Như là thi đua tham nhũng vậy.Mấy bà thấy bà kia đeo nhẫn hột xoàn lớn hơn mình thì liền về mè nheo......"Sao người ta cũng làm như anh mà người ta nhà nầy xe kia.Còn em thì ...huhuhu...Thế là mấy ông.....

    Trả lờiXóa
  20. VTV1 sáng nay đưa tin Bộ TNMT và Ủy ban KHCN của Quốc hội đã thành lập đoàn đi kiêm tra dự án lấn sông Đồng Nai . Hoan hô các nhà khoa học, các nhà báo, các tổ chức xã hội dân sự đi tiên phong đã thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc để chiến đấu với nhóm trục lợi nhan nhản trên mảnh đất này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi lật tàu hỏa mấy năm trước, có cha thứ "chưởng" "tức tốc" vào giải quyết, nhưng ghé Nha Trang tắm bùn cái đã!?

      Xóa
    2. Mong đoàn đừng ghé Nha Trang... tắm bùn như tên thứ trưởng gì đó làm khi vào "tức tốc thị sát vụ lật tàu hỏa" mấy năm trước!

      Xóa
  21. Vụ chặt cây xanh HN bác Nghị đã nối rồi " không để hòa cả làng" hãy yên tâm chờ xem

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "không để hòa cả làng" thì để "huề cả phủ"?

      Xóa
  22. Luật TNN sửa đổi khác quá nhiều so với Luật TNN 1998, toàn thấy qui hoạch với điều tra nước ngầm với nước mặt. Khoản 22, Điều 5 và Khoản 5 điều 9 thì cảm thấy rất mơ hồ vì thực tế tôi chẳng biết hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai nó hình thù như thế nào?nằm ở đâu? tọa độ ở đâu? có cột mốc hay không?. Nếu chưa có hành lang bảo vệ nguồn nước thì chưa nói người ta vi phạm được. Luật TNN không phải là cái gậy vạn năng và Bộ TNMT không đủ công cụ để thực hiện được mà cần phải xem xét trên khía cạnh Luật đê điều, Luật giao thông thủy nội địa.

    Trả lờiXóa
  23. Có câu thành ngữ thường nói : Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá chỉ về hai nghề nghiệp cực khổ, phá hoại môi trường, nhưng cuộc đời không khấm khá, vì khi nghĩ làm thì hết tiền ... Nay ở Hà Nội thì : Tàn phá cây xanh ; ở Đông Nai thì lấp sông giành chổ ở của Hà bá... Chờ xem hồi kết cục ra sao ?

    Trả lờiXóa
  24. Bọn phá sơn lam, đâm Hà Bá trước nay chung ở trên rừng, trên núi. Nhưng nay đã hết rồi, chúng lại mạnh sức, không sợ dan nữa lại có đám quan mờ mắt vì tiền nên chúng về thành phố phá cho hết đất nước. Ăn cho hết đời con cháu!!!

    Trả lờiXóa