Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Trung Quốc - CON SỐ 5 GIỮA HÀ ĐỒ - Kỳ 13


* BÙI VĂN BỒNG 
(tiếp theo - Kỳ 13)
... Vấn đề Đài Loan
Trước khi Tổng thống Mỹ sang Hoa lục thì có 1 trở ngại lớn cần phải giải quyết là vấn đề đảo Đài Loan. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lớn tiếng đòi Liên Hợp Quốc phải khai trừ Trung Hoa Dân Quốc và Mỹ phải hủy bỏ các hiệp định Quân sự và Ngoại giao với chính phủ Dân Quốc. Đây là vấn đề khó khăn với Tổng thống Nixon.
Do đó, tuy chỉ thị cho Đại sứ Georges Bush tại Liên Hợp Quốc kiên quyết giữ ghế của Trung Hoa Dân Quốc nhưng trong hậu trường thì lại khác. Trước khi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về vấn đề Trung Quốc, Kissinger và Chu Ân lai đã thảo xong phần lớn Thông cáo Thượng Hải là thứ mà Nixon và Chu sẽ ký khi 2 bên gặp nhau tại Bắc Kinh. Trong Thông cáo, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tự tuyên bố mình là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc còn người Mỹ chỉ tuyên bố mập mờ:
Mỹ ghi nhận việc tất cả người Trung Hoa ở 2 bên eo biển Đài Loan cho rằng chỉ có 1 Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ không thách thức lập trường đó...
Ngày 25 tháng 5, Đại hội đồng họp và như mong đợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là khai trừ Trung Hoa Dân Quốc và công nhận họ gia nhập tổ chức này. Hội nghị cấp cao Trung-Mỹ cũng được chính thức ấn định là ngày 21 tháng 2 tháng 1972.
Vấn đề Việt Nam
Một vấn đề khác 2 bên cần bàn thảo là về cuộc chiến tại Việt Nam. Washington hy vọng giành được sự giúp đỡ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam một cách thuận lợi, cho phép Hoa Kỳ "luồn lách" ra khỏi Việt Nam. Theo tính toán, Tổng thống Mỹ phải cố gắng thuyết phục Mao-Chu ép Hà Nội đi vào 1 giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến.
Tuy nhiên Chu Ân Lai nhấn mạnh rằng trước khi có cuộc họp cấp cao, không bên nào được thảo luận công khai về cuộc chiến và phía Mỹ tán thành. Trung Quốc lo ngại những tác động tới đồng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họ. Cố vấn Kissinger có giải thích cho nghị sĩ Gerald Ford rằng:
Các nhà lãnh đạo Hà Nội rất không tin vào tình hình quốc tế. Với tính đa nghi tự nhiên của người Việt nam và với bệnh quá ảo tưởng về Cộng sản của họ, họ lo ngại sâu sắc về điều đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc... Họ đã chiến đấu 25 năm, và bây giờ... họ sợ họ có thể bị (Trung Quốc) bỏ rơi.
Nếu Washington hoặc Bắc Kinh thừa nhận rằng Việt Nam là 1 phần trong chuyến đi của Tổng thống Mỹ tới Trung Hoa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc chắn sẽ chạy ngay tới sát Moskva hơn nữa và sức ép của Bắc Kinh sẽ không còn hiệu quả. Kết quả là Chu nhấn mạnh tới 1 sự im lặng về "vấn đề Việt Nam" và Nixon cũng thông báo cẩn thận cho các ký giả và Quốc hội Hoa Kỳ.
Chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon
Buổi lễ đón tiếp Richard Nixon
Ngày 17/2/1972, Tổng thống đến phi trường bằng trực thăng. Khi chuẩn bị bước lên chuyên cơ Air Force One, một nhà báo đưa cho ông tấm bản đồ Trung Quốc, đóng dấu của CIA. Nixon nói đùa: “Anh có tin rằng họ cho phép tôi vào với cái này không?”.
Chiếc Air Force One cất cánh, nhắm hướng Hawaii, nơi nó nghỉ lại hai ngày. Sau đó nó tiếp tục bay đi Guam, thuộc quần đảo Mariannes rồi đi thẳng tới Thượng Hải, Trong máy bay, Nixon cố đọc những tư liệu mà các cố vấn đưa cho mình, truy sát ông Cố vấn Kissinger bằng nhiều câu hỏi hóc búa và tập ăn bằng đũa.
Thủ tướng Chu Ân Lai và Tổng thống Hoa Kỳ Nixon
Ngày 21/2, Air Force One đáp xuống Thượng Hải. Sau khi các phi công Trung Quốc thay phi công Mỹ thì chuyên cơ đi tiếp đến Bắc Kinh. 11g20, máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường ở Bắc Kinh. Lúc đó là 22g20 ở bờ biển phía đông Mỹ và 19g20 trên bờ biển phía tây: tất cả các đài truyền hình Mỹ có thể loan báo tổng thống vừa đặt chân đến đất Trung Hoa. Một bản tin gây chấn động loan đi khắp thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mặc áo khoác màu xanh đen và bộ đồ đại cán kiểu Mao màu xám, xuất hiện với gần 20 quan chức trong một buổi sáng lạnh lẽo và xám xịt. Họ đứng giữa một đoàn quân danh dự lẫn lộn màu áo xanh lá của quân giải phóng và màu xanh dương của hải quân. Ngôi sao đỏ rực sáng trên mọi chiếc mũ. Tại phi trường vắng tanh, nhân chứng duy nhất là những nhà báo Mỹ, họ đã có mặt tại chỗ từ trước đó mấy hôm để ghi lại sự kiện này. Còn đối với một số nhà ngoại giao phương Tây tỏ ý muốn tham dự lễ đón tiếp này, Chính phủ Trung Quốc không cấp giấy phép cho ai cả.
Sau buổi lễ chỉ kéo dài chừng 15 phút, các nhà báo quay trở lại xe buýt và các quan chức chui vào những chiếc Limousine màu đen. Trong xe, Chu Ân Lai quay qua nói với Nixon:
Bàn tay của ngài đã vượt qua đại dương lớn nhất thế giới: 25 năm vắng bóng đối thoại.
Cả Tổng thống Nixon lẫn Cố vấn của ông là Henry Kissinger đều biết tại Hội nghị Genèva năm 1954 để giải quyết vấn đề Đông Dương và chiến tranh Triều Tiên không có kết quả thuận lợi thì phía Mỹ bỏ hội nghị ra về và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã không bắt tay Chu Ân Lai mà đối với Chu, đó là 1 sự thóa mạ. Rút kinh nghiệm, Nixon ngay khi bước xuống đường băng lập tức nắm tay Chu Ân Lai. Cả 2 bên đều hiểu rõ tính chất tượng trưng này. Đối với Tổng thống Nixon, nó đánh dấu "Một thời đại đã chấm dứt và 1 thời đại khác bắt đầu".
Đoàn xe đi về hướng phía bắc thành phố, đến Điếu Ngư Đài - nơi được canh giữ cẩn mật mà người Trung Quốc quen dành cho khách nước ngoài trú ngụ. Trước Tổng thống Nixon, Kim Nhật Thành, Nikita Khrouchtchev, Che Guevara và thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng từng cư trú ở đây. Ba ngày trước khi tổng thống Mỹ đến là ông hoàng Sihanouk của xứ Campuchia. Mao và vợ ông ta mỗi người cũng đều có một biệt thự ở đây.
Tổng thống Nixon và lãnh tụ Trung HoaMao Trạch Đông
Ngày 21-2-1972, Mark Frankel của tờ New York Times viết:
Cả hai bên đều đã “nhúc nhích” ra khỏi các lập trường cố hữu của mình, những nhượng bộ của họ lại tùy thuộc nơi những hành động trong tương lai.
Trong một lần nâng ly chúc mừng, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng những thỏa thuận ở đây ngày hôm nay cùng những bước đi tới trong tương lai của hai nước còn quan trọng hơn cả nội dung bản thông cáo chung (Thượng Hải).
Mỹ trong vị thế siêu cường, Trung Quốc trong thân phận một cường quốc giàu về dân số (hơn 900 triệu dân) nhưng lại là một nước yếu kém về kinh tế. Năm đó, GDP của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tính bằng Nhân dân tệ qui theo thời giá hiện nay, mới chỉ là 251,8 tỉ, tính đầu người mới chỉ được 292 Nhân dân tệ.
Gặp gỡ Mao Trạch Đông
Trong tuyên bố chung Trung-Mỹ đưa ra vào cuối tuần Nixon ở thăm Trung Quốc, nguyên nhân khiến 2 nước xích lại gần nhau là vì họ cùng phải chống lại những người Xô Viết Nga. Phản đối bá quyền của Liên Xô ở châu Á và Thái Bình Dương rõ ràng ám chỉ việc làm suy yếu ảnh hưởng của Moskva ở khu vực. Người Mỹ thừa nhận việc Bắc Kinh khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng cũng tái khẳng định lợi ích của họ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề này. Trước yêu cầu của Trung Quốc đòi lực lượng Mỹ rút khỏi Đài Loan, Nixon đã cam kết Mỹ sẽ rút hết quân và hứa sẽ rút quân từ từ khi căng thẳng trong vùng (Việt Nam) giảm bớt. Đồng thời ông và Kissinger cũng tìm cách loại bỏ nỗi lo sợ của Trung Quốc rằng lực lượng Nhật sẽ thay thế quân Mỹ trên đảo này. Tổng thống còn trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Đài Loan độc lập và hứa sẽ thực hiện những bước đi mà người Trung Quốc mong muốn sau dự tính ông sẽ được tái đắc cử vào năm 1972.
Nội dung bản Thông cáo:
Đề cập đến tình hình Đông Dương, Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định lại mục đích của mình là tìm cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng, giữ vững quan hệ chặt chẽ với Nam Triều Tiên và Nhật Bản.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định "sự ủng hộ vững chắc" nhân dân Đông Dương, mong muốn thấy Triều Tiên thống nhất, phản đối việc phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Trong vấn đề Đài Loan, Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, nhưng phản đối việc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan; Trung Quốc không đặt việc rút ngay quân đội Hoa Kì khỏi Đài Loan và chấm dứt quan hệ với Đài Loan là điều kiện để phát triển quan hệ với Hoa Kỳ.
Thoả thuận cùng phối hợp hành động để phát triển sự hợp tác và trao đổi khoa học kĩ thuật, văn hoá, thể thao, thương mại giữa hai nước.
Trong bản thông cáo, lần đầu tiên trong mối quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đại, Hoa Kỳ đã đồng ý rằng, chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất và khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ phù hợp với lợi ích của tất cả các nước khác.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon và việc ký kết thông cáo chung Thượng Hải đánh dấu bước khởi đầu bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ, mở đường cho quan hệ song phương phát triển, mở đường cho quan hệ song phương phát triển, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Trung - Mỹ.
Ảnh hưởng của quan hệ Trung-Mỹ tới cuộc chiến tại Việt Nam
Theo ý kiến của tác giả Hà Minh Hồng trong bài viết Năm 1972 trong lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì "mưu toan" của Mỹ trong chính sách ngoại giao nước lớn là: buộc Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), hòng ngăn chặn cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta (tức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) ở miền Nam).
Năm ngày sau khi đoàn Mỹ rời Bắc Kinh, Chu Ân Lai bay đi Hà Nội. Ông cam đoan với người Việt Nam là ông ta không bán rẻ họ trong cuộc họp cấp cao với Nixon. 
Trên thực tế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo dõi những cuộc gặp gỡ thân tình ở Bắc Kinh giữa Mao-Chu với Nixon với lòng lo ngại và cảnh giác. Dù vẫn nhận được viện trợ to lớn từ Bắc Kinh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc chắn rằng Trung Quốc hay Liên Xô sẽ không thể đặt họ lên trên lợi ích quốc gia của mình. Cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đều không hề muốn số phận của họ được quyết định ở Bắc Kinh hayMoskva.
Để làm mọi thứ mập mờ Ngoại giao này trở nên rõ ràng hơn, không lâu sau khi Chu về nước, Hà Nội tiến hành 1 cuộc tiến quân vào miền Nam và đưa các lực lượng quy ước của nó vào chiến đấu, lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam. Đạo quân này ồ ạt tràn qua khu Phi quân sự ngăn cách 2 miền Nam - Bắc ngày 30 tháng 3 và nhanh chóng hạ gục 1 sư đoàn Việt Nam Cộng hòa đóng tại đây.
Những người cộng sản Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình nhân dịp Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị Phong trào Không Liên kết năm 1973 (Hội nghị Cấp cao 4 Alger, Algérie1973) - Tại Hội nghị này, Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành Thành viên Chính thức của Phong trào Không Liên kết, từ năm 1970 đến năm 1973, Cộng hòa miền Nam Việt Nam là Quan sát viên của Phong trào Không Liên kết. Nhân sự kiện này, Báo Nhân dân đã ra Bài Xã luận quan trọng "Thắng lợi của Xu thế Cách mạng" - Bài Xã luận này được các nước lớn trên Thế giới (Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ,... ) quan tâm đặc biệt - Bài Xã luận tỏ rõ Quan điểm của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam là "Thời kỳ của các nước lớn tập trung lại để đè bẹp các nước nhỏ đã vĩnh viễn qua rồi". Qua Bài Xã luận này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn thể hiện thái độ của mình với Cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon ngày 17 tháng 2 năm 1972 tại Thượng Hải, Trung Quốc. 
            + Đối với Việt Nam Cộng hòa
Từ khi hay tin ông Nixon đi Bắc Kinh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hết sức e ngại. Ông biết rằng Mỹ vào miền Nam Việt Nam là để ngăn chặn Làn sóng Đỏ từ "Trung Cộng" lan tràn tới các nước khác". Đó là theo Học thuyết Đông Dương từ  thời Tổng thống Mỹ Eisenhower:
Nếu để miền Nam sụp đổ thì những quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đổ theo như những con bài domino
Khi ông Nixon sắp đi Bắc Kinh bắt tay với Mao Trạch Đông thì miền Nam không còn là "tiền đồn của Thế giới Tự Do" nữa khiến ông Nguyễn Văn Thiệu thông báo sự lo ngại của Việt Nam Cộng Hoà cho phía Mỹ. Và Tổng thống Nixon đã trấn an ông Thiệu bằng một bức thư đề ngày 31 tháng 12, 1971:
"Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tời các quốc gia khác, hoặc về những vấn đề có liên hệ tới các nước khác…
Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ trong những nỗ lực của Ngài hầu đem lạ hoà bình cho Việt nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt Nam.
Thế nhưng theo chính Tổng thống Nixon viết lại trong hồi ký của mình thì trong những ngày viếng thăm Trung Quốc từ 21 tới 28 tháng 2, 1972, ông đã nói với Chu Ân Lai:
Giả sử như tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo Bắc Việt Nam, và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó.
Năm 1988, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đá Colin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, do 3 bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số bãi ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Năm 1989, với việc rút quân của Việt Nam khỏi Campuchia, quan hệ Việt Trung có cơ sở để bình thường hóa. Hội nghị Thành Đô ngày 3-4/9/1990 là bước ngoặt của quan hệ Trung Việt. Tại đây, phía Việt Nam có Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng. Cuộc gặp mặt này là theo sự "quân sư" của Đặng Tiểu Bình. Hai bên ký kết Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước. Cuộc gặp mặt bí mật này không được công bố trong nước.
Ngày 5/11/1991, Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm Trung Quốc. Ngày 7/11/1991, hiệp định mậu dịch Trung - Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới hai nước đã được ký tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Trung Quốc "nghiễm nhiên đứng được trên nóc nhà Đông Dương – vị trí chiến lược trọng yếu của Việt Nam – qua kế hoạch khai thác bô-xít Tây nguyên, rồi thuê rừng đầu nguồn trong 50 năm, tự ý bày ra “đường lưỡi bò” để chiếm gần trọn biển Đông, cấm đánh cá, bắn giết, bắt, phạt tiền ngư dân VN, thuê dài hạn một đoạn bờ biển Đà Nẵng Đó là chưa kể họ xây đập trên thượng nguồn sông Mêkông khiến tác hại đến “vựa lúa”, hoa màu và thủy sản ở Nam Bộ. ... Thế là, trên khắp đất nước ta, từ “nóc nhà Đông Dương”, từ rừng núi tới đồng bằng, đến ven biển đã có hàng vạn người Trung Quốc rải ra, có là mối nguy tiềm ẩn không? Từ những tình hình trên, rõ ràng Việt Nam ta bị hại đủ đường, và bị o ép tứ phía. Vì đâu nên nỗi này? Nhân dân ta nghĩ gì?" …
(còn tiếp)
-----------------

1 nhận xét:

  1. TQ bắt tay bang giao kịp thời với Mỹ chứng tỏ Lãnh đạo của họ rất khôn ngoan và sáng suốt.
    Lãnh đạo VN quá bảo thủ mù quáng nên vẫn ảo tưởng vào con đường lên CXNXH theo sách vở nên số phận tay sai của họ ngày càng tồi tệ hơn rất nhiều.

    Nhiều nước trên thế giới mong ước được tiếp cận học hỏi nền văn minh khoa học công nghệ Mỹ không được. Trong khi VN được sự may mắn hơn thì VN tiến hành chiến tranh tổng lực để đánh đuổi Mỹ đi. Hậu quả là đất nước tan hoang, hàng chục triệu người chết và bị thương, kinh tế xã hội tụt hậu hàng trăm năm...
    Tôi luôn trân trọng thương yêu và biết ơn những người lính VN anh hùng. Nhưng nếu Lãnh đạo ĐCS VN bỏ được tính kiêu ngạo và biết vì nhân dân thì sẽ tránh được cho nhân dân VN được hơn 20 năm nội chiến, sẽ tránh được cuộc chiến 1979 và sẽ tránh được10 năm giam chân nướng quân, hại của tại Campuchia.
    Giờ đây Lãnh đạo Đảng- Nhà nước họ đang gửi con, cháu sang du học trên đất Mỹ. Đất nước VN hiện tham nhũng - tội ác tràn lan. Hàng vạn dân oan; hàng chục triệu người VN đang bị chà đạp, sống thoi thóp đau khổ, đang chết dần, chết mòn cùng tương lại của họ. Hàng triệu tỉ đồng nợ xấu hàng chục vạn doanh nghiệp phá sản...
    Lịch sử sau này sẽ phán xét tội của chúng

    Trả lờiXóa