Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

“Chúng ta xây chính sách trên mặt bằng gồ ghề, khúc khuỷu”

“Chúng ta không bao giờ mong người về hưu chết sớm, từ bàn giấy chuyển nhanh lên bàn thờ. Ngược lại, chúng ta đang nỗ lực kéo dài tuổi thọ cho người Việt Nam. Bổn phận và trách nhiệm của nhà nước và cơ quan bảo hiểm là tính toán, có biện pháp để không bị vỡ quỹ”. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội chia sẻ quanh chuyện lương hưu thấp.
Thưa bà, trong nhiều vấn đề nóng tại diễn đàn Quốc hội, có vấn đề liên quan đến lương, bảo hiểm của người lao động. Bắt đầu từ câu chuyện lương 1,3 triệu đồng/tháng của một cô giáo mầm non về hưu ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Xin bà cho biết ý kiến của mình, một người nhiều năm là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội?
Tôi cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này vì trong thời gian còn công tác, tôi có tham gia thẩm tra các dự án luật.
Khi báo chí đăng tải trường hợp cô giáo Lan về hưu nhận lương 1,3 triệu đồng, chính xác là 1,264 triện đồng, địa phương hỗ trợ thêm cho tròn 1,3 triệu, tôi giật mình, tự hỏi: Tại sao lại có trường hợp này?
Theo dõi diễn đàn Quốc hội, thấy các ĐB mổ xẻ tới lui rất sâu, chính sách không sai, cách tính lương của bảo hiểm không sai, vậy sai ở đâu? Và không chỉ một mình cô giáo Lan, đội quân hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng rất đông. Đây là mức lương ở chuẩn cận nghèo ở thành thị, diện nghèo đa chiều trong giai đoạn 2015 – 2020. 
Trong mọi hoàn cảnh, giai đoạn của đất nước, đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới tiền lương, thu nhập cho người lao động, kể cả giai đoạn khó khăn nhất cũng như khi điều kiện đất nước cho phép. Ảnh: Zing
Tôi thật sự sốc và xót xa, cứ bị ám ảnh và suy nghĩ, biết đâu trong 37 năm dạy học, biết đâu trong số những học trò của cô Lan có những người đã làm nên sự nghiệp to lớn. Đứng ở góc độ giới, tại sao những giáo viên mầm non tuyệt đối là nữ mà không hề có nam dù luật không hề cấm nam làm giáo viên nam non? Nay có khó khăn thì lại rơi vào nữ? 
Bà lý giải thế nào khi mà chính sách không sai, cách tính của bảo hiểm không sai song lại có nhiều trường hợp lương chỉ ở mức cận nghèo đô thị như cô giáo Lan? Có ý kiến đặt vấn đề như thế này: Đóng bảo hiểm ít thì hưởng ít, đó là lẽ công bằng, có gì đâu mà thiệt thòi? Bà nghĩ sao?
Tôi rất tâm đắc ý kiến của một ĐB Quốc hội trong phần thảo luận về tiền lương. Vị đại biểu ấy cho rằng, chính sách của chúng ta xây dựng trên mặt bằng gồ ghề, khúc khuỷu nên mới nảy sinh những trường hợp ngoài mong muốn.
Trong mọi hoàn cảnh, giai đoạn của đất nước, đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới tiền lương, thu nhập cho người lao động, kể cả giai đoạn khó khăn nhất cũng như khi điều kiện đất nước cho phép.
Tôi còn nhớ năm 2006, lúc ấy tôi còn là UV BCH Trung ương, Chính phủ đã có đề án cải cách tiền lương trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đồng ý, có báo cáo với thường vụ Quốc hội. Sau đó đề án được Chính phủ thực hiện. Theo đề án này, lương của người lao động được cải thiện đáng kể. Vậy mà sau hơn 10 năm “lòi” ra trường hợp như cô giáo Lan và nhiều người khác.
Còn ý kiến nói đóng bảo hiểm ít thì hưởng ít, tôi cho rằng ý kiến đó không có tâm. Bởi chính sách bảo hiểm còn hướng đến tính nhân văn, nhân đạo. Ở đây, chúng ta có phần sở hở trong Luật Bảo hiểm khi có người nhận cả trăm triệu/tháng, có người chỉ mức 1,3 triệu đồng. Như vậy quá chênh lệch.
Giờ nhìn lại, bà thấy những kẽ hở ở đâu khiến nảy sinh ra trường hợp bất công như cô giáo Lan và các đồng nghiệp của cô?
Tôi suy nghĩ và lục lọi tìm tòi mấy hôm nay, thấy thế này. Trường hợp cô giáo Lan cũng như mấy ngàn trường hợp khác, đều nằm ở các tỉnh phía Bắc. Do hồi đó ở miền Bắc gần như đã hợp tác hóa xong, những cô giáo dạy học được HTX trả công bằng thóc. Giai đoạn đất nước khó khăn, các nơi hay quy về thóc, gạo để trả lương.
Trước năm 1995, chúng ta chưa có Luật Bảo hiểm mà chỉ có Điều lệ Bảo hiểm xã hội do Chính phủ ban hành, rất manh nha. Thời gian đó, Quốc hội quan tâm nhiều đến những trường hợp các bác, các cô chú tham gia kháng chiến, về hưu. Trong kháng chiến làm gì có lương để đóng bảo hiểm. Cho nên Chính phủ phải giải quyết đóng bảo hiểm cho những trường hợp tham gia kháng chiến để đảm cho những người có công nghỉ hưu có lương.
Tiếc rằng, chúng ta đã chưa bao quát hết mọi ngóc ngách của vấn đề nên trường hợp như cô giáo Lan đã không được phát hiện và xử lý, để cho cả chục năm sau, tức bây giờ phát sinh ra.
Giờ có người xót xa, đòi tăng lương cho những trường hợp như cô giáo Lan, nhưng tăng như thế nào, dựa vào đâu, không phải là đơn giản dễ giải quyết. Tất cả phải có căn cứ.
Tôi cho rằng, Bộ LĐ–TB–XH cần cùng với cơ quan Bảo hiểm ngồi lại với nhau, thống kê lại những trường hợp làm việc từ trước năm 1995 và bàn bạc đưa ra hướng giải quyết, nếu cần trình ra Quốc hội gấp! Quan điểm của tôi là không nên tính toán hơn thua chi ly với người lao động. Nhà nước thiệt thòi một chút mà có lợi cho người lao động thì nên làm, như cách cư xử với những người tham gia kháng chiến.
Ngoài trường hợp như cô giáo Lan, thời kỳ Đổi mới, nhà nước sắp xếp, giảm bớt các tổ chức, DN trong bộ máy, có số lượng lớn người lao động dôi dư được nhận một lần một số tiền rồi về tự lo. Không phải ai cũng biết mua bán, kinh doanh. Nhiều người giờ đây tuổi đã cao, tiền đã tiêu hết, đời sống khó khăn, vấn đề này có được quan tâm và thể hiện trong chính sách như thế nào, thưa bà?
Quốc hội khóa 12 đã phải sửa điều 60 của Luật Bảo hiểm liên quan đến chỗ này khi luật chưa có hiệu lực. Chúng ta luôn có trách nhiệm, chăm lo cho người lao động, mong muốn giữ cho họ số tiền tích lũy thông qua bảo hiểm để khi về già họ có nguồn thu nhập mà sống.
Tuy nhiên, người lao động của chúng ta đa phần xuất thân từ nông dân, hai bàn chân còn dính phèn, đi từ đồng ruộng lên nhà máy thành công nhân. Nếu có qua đào tạo thì cũng rất sơ sài, không đáp ứng nhu cầu. Họ phải đối diện với nhiều nhu cầu trước mắt bức thiết, từ miếng cơm manh áo, nuôi con cái, phụ giúp cha mẹ bệnh đau v.v… Những nhu cầu từ cuộc sống lấn át sự tích lũy cho mai sau. Đây là tính toán rất thực tế của tâm lý tiểu nông. Lo cho miếng cơm manh áo hàng ngày, tích lũy sau. Chúng ta không theo đuôi quần chúng, nhưng cũng không thể bất chấp nhu cầu bức thiết trong cuộc sống của họ, cần xem xét một cách hợp tình hợp lý. Bởi vậy, tính nhân đạo, nhân văn thể hiện trong chính sách, luật nếu không xét tới nhu cầu của người lao động, sẽ không đi vào cuộc sống.
Bài học từ sự kiện công nhân công ty Pucheng và một số công ty khác đình công rầm rộ phản đối điều 60 của Luật Bảo hiểm năm 2006 chưa có hiệu lực rất đáng chúng ta suy nghĩ, rút ra bài học.
Trường hợp người lao động dôi dư thời Đổi mới và người lao động hôm nay là vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Vấn đề là chúng ta phải có cách giáo dục quần chúng, công nhân lao động song song với các biện pháp nâng cao đời sống cho họ để họ có nhận thức và điều kiện lo cho hiện tại và tương lai.
Theo tính toán của các chuyên gia, người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền tích lũy và lãi suất chi đủ trả lương hưu cho họ từ 8- 10 năm. Như vậy, tuổi thọ của người tham gia bảo hiệm sau độ tuổi 55 với nữ, 60 với nam khoảng 20 năm thì quyền lợi họ được hưởng là rất lớn. Nhưng trong thực tế họ vẫn thấy thua thiệt. Bà nhìn nhận thực tế này như thế nào?
Các chuyên gia tính toán thì tất nhiên có cơ sở khoa học, không sai! Tuy nhiên, phải căn cứ theo thực tế.
Ví dụ, có chuyên gia nói không nước nào mà người lao động nhận lương hưu bằng 75% lương, ý nói phải giảm xuống! Vị chuyên gia này không thấy rằng, vấn đề là phải tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm từ đóng đóng góp của người lao động và DN. Chúng ta không thể để người về hưu chết sớm, từ bàn giấy chuyển lên bàn thờ. Chẳng ai mong muốn như vậy. Ngược lại, chúng ta đang nổ lực kéo dài tuổi thọ cho người Việt Nam. Bổn phận và trách nhiệm của nhà nước và bảo hiểm là tính toán, có biện pháp để không bị vỡ quỹ. Cho nên, ngoài biện pháp tăng nguồn thu, cần phải giảm chi phí quản lý của quỹ bảo hiểm. Luật Bảo hiểm năm 2006 đã xiết lại chi phí sự nghiệp nhưng luật mới vừa rồi đã sửa lại. Cần xem lại tiền lương và biên chế theo hướng phù hợp, tiết kiệm.
Nhà nước cần đẩy mạnh chống tham nhũng,lãng phí. Đặc biệt là cải cách hành chính, giảm bớt chi phí cho DN nước ta. Hiện nay, ngoài thuế, phí, DN Việt Nam rất tốn kém chi phí “dưới gầm bàn”, làm giảm sức cạnh tranh của họ. Giúp DN bớt chi phí thì việc họ đóng bảo hiểm sẽ tăng lên.
Chủ trương và chính sách của nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc người lao động song chính sách tiền lương luôn không theo kịp thực tế, luôn nảy sinh những trường hợp ngược lại mong muốn khiến chúng ta luôn phải điều chỉnh, xử lý. Theo bà, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn bè có chính sách tiền lương ưu việt và phù hợp?
Chúng ta đã học hỏi, tham khảo rất nhiều từ các nước và tổ chức lao động quốc tế (ILO). Nhưng xuất phát điểm của ta và các nước không giống nhau. Ta không giống mô hình của nước nào cả. Đó là cái khó.
Tuy nhiên, chúng ta đã có hòa bình độc lập hơn 40 năm nên cũng không thể kéo dài kiểu “xây dựng chính sách trên mặt bằng gồ ghề” mãi. Chúng ta cứ lo cho người lao động bằng biện pháp tăng lương đồng loạt thì những chênh lệch cứ mãi mãi tồn tại. Và cứ mãi mãi trong cái vòng luẩn quẩn như con mèo chạy đuổi bắt cái đuôi của mình. Cần có cách nhìn nhận, tiếp cận mới, tư duy mới về tiền lương và bảo hiểm mà trong khuôn khổ cuộc trao đổi không thể nói hết.
Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/báo VietnamNet!
Duy Chiếnthực hiện/VnN. 
----------------

2 nhận xét:

  1. Bài viết này sẽ chính xác hơn nếu thay từ "chúng ta" bằng "đảng ta".

    Trả lờiXóa
  2. Đảng viên thời @lúc 20:42 16 tháng 11, 2017

    Rất chân tình và thấu đáo cảm ơn bà Hoài Thu !

    Trả lờiXóa