Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Tội ác và sự nhân danh trừng phạt

Đi xem... bắn người
Cũng như nhiều người, tôi đọc truyện Tấm Cám từ hồi nhỏ xíu, sau này có phim hoạt hình rồi truyện tranh nhưng tôi không thích vì thấy giả tạo thế nào ấy. Tuy nhiên kịch Tấm Cám của nghệ sĩ Thành Lộc hay truyện tranh của bọn trẻ vẽ lại theo lối “hậu hiện đại” thì tôi cực thích. Hình như nghệ thuật của ta diễn tả những bi kịch không tới thành ra xem bực mình, có khi làm hài kịch mà lại thành công! (đúng thôi, trong cuộc sống cái bi và hài chỉ cách nhau có một sợi tóc!).
Cùng mô típ (motif) “mẹ ghẻ con chồng” nhưng phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem của Tiệp Khắc (trước đây) thì làm tôi say mê. Hồi đó đi xem bao lần ở rạp, rồi sau này chiếu ở TV hay bây giờ trên mạng vẫn có thể xem đi xem lại, vì diễn viên xinh ơi là xinh, cảnh thì đẹp ơi là đẹp…
Các nhân vật ai cũng dễ thương, kể cả bà mẹ ghẻ và hai cô em thì có ác đấy nhưng hành vi của họ lại (được nhìn thành) hài hước nên chỉ thấy tội nghiệp, buồn cười chứ không thấy ghét. Và cái kết cũng chỉ như mơ ước ngàn đời của bao nhiêu nàng Lọ Lem trên thế giới này: được lấy Hoàng Tử và sống cả đời hạnh phúc giàu sang. Ba mẹ con dì ghẻ xấu hổ bỏ đi. Biết xấu hổ - tức là còn lòng tự trọng – đấy là sự khởi đầu để trở thành người tốt.
Gần đây xem Cinderella (phim Mỹ, 2015). Nội dung không có gì mới hơn ngoài một vài chi tiết nhưng tôi thích cái kết của phim. Cinderella đã dũng cảm giành lấy cơ hội hạnh phúc và tình yêu của mình. Khi đạt được những gì thuộc về mình, nàng không trả thù mà tha thứ cho mẹ ghẻ, dù trước đó nàng đã nói “bà chưa bao giờ là mẹ tôi”.
Nếu ước mơ của mình bị ngăn cản thì làm cách nào để thực hiện điều mình mơ ước?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự mình phải quyết tâm đi tìm ước mơ của mình. Đúng như người Mỹ quan niệm, ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu. Còn nếu chỉ ngồi than khóc chờ Bụt đến giúp thì suốt đời phải phụ thuộc vào Bụt như cô Tấm. Cho đến cuối cùng việc kinh khủng nhất lại là việc đầu tiên cô Tấm tự làm mà không cầu đến Bụt!
Những ước mơ của bất cứ cô Tấm nào cũng luôn là những điều tốt đẹp… Vậy thì tại sao truyện Tấm Cám lại có cái kết kinh hoàng như thế?

Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng
Chúng ta luôn được nghe, và chúng ta cũng luôn giải thích lại cho con em rằng, đó là “ác giả ác báo”, là “công lý” của nhân dân. Chúng ta, từ nhỏ đã được học cách cầu xin và trông đợi vào sự may mắn. Nếu cả ước mơ cũng bị tước đoạt thì hãy nhẫn nhịn, chịu đựng… Đến cuối cùng thì phải trả thù dù đã có được điều mình mong muốn.
Truyện cổ tích thường mang triết lý: đừng làm điều ác để khỏi bị trừng phạt. Vậy thì vì sao cuộc đời vẫn luôn có (nhiều) người ác? Xem ra vấn đề không chỉ là "đừng làm điều ác" mà là điều ác bị trừng phạt như thế nào, có nhất định phải trả thù bằng cái chết không?
Những truyện/chuyện cổ tích quen thuộc với chúng ta đều chung một nội dung: tham thì thâm, ăn ở ác thì bị trả thù, rất hiếm sự tha thứ nào được truyền lại. Những cái chết có thể làm kết thúc truyện cổ tích nhưng không hề “hết chuyện” vì từ đời này đến đời khác lưu truyền mãi mãi…
Khi vụ án thảm sát gia đình 6 người ở Bình Dương đưa ra xét xử công khai bằng hình thức xử lưu động cho hàng ngàn người “háo hức, tò mò” kéo đến xem trực tiếp, hàng trăm ngàn người theo dõi qua báo chí cũng tường thuật trực tiếp.
Câu hỏi mà nhà báo Phạm Thanh Hà đau xót đặt ra – cũng là câu hỏi mà nhiều người day dứt: “Có cần không tổ chức lưu động một phiên tòa quá nhiều sự dã man, đau thương...?” Bởi vì trong hàng ngàn người ở đó có bao nhiêu đứa trẻ, bởi vì có thực sự răn đe không khi một phiên tòa phơi bày quá nhiều sự dã man, quá nhiều đau thương và nước mắt như thế?
Phải chăng đó là tâm thức “thù này phải trả” bằng cách đền mạng sống, tước đoạt lòng tự trọng của những người còn sống nếu chẳng may họ là thân nhân của kẻ gây tội ác? Chứng kiến những phiên tòa như vậy thì sự trả thù có thể sẽ tiềm ẩn trong tâm thức để đến khi lớn lên, trong một hoàn cảnh nào đấy thì hành động trả thù sẽ bộc phát như một lẽ tự nhiên.
Rồi hôm nay, một số báo lại đưa tin và hình ảnh việc thi hành án tử tù vụ Bình Dương.
Ai cho báo chí cái quyền xâm phạm đời tư – dù là đời tư của tử tù – những phút cuối cùng của họ?! Ai cho báo chí quyền xâm phạm nỗi đau của gia đình họ?! Những tin tức như thế không khác nào bầy kền kền chuyên lao vào xác chết!
Đừng biện minh rằng đó là để răn đe tội phạm! Đừng tiếp nối sự trả thù trong cổ tích bằng hình thức “báo thù” hiện đại như thế, vì dù xét xử tội ác thì cũng cần thể hiện, và phải dựa trên sự nhân văn ngay từ hình thức xét xử và hình phạt của luật pháp.
Khi việc thực thi công lý không bằng tâm thức trả thù thì mới đúng ý nghĩa của công lý. Tội ác sẽ còn tiếp tục khi xã hội chưa dừng việc tiếp tay và phơi bày cái ác và sự trả thù, truyền thông chưa dừng việc kích động sự tò mò với những hành vi tước đoạt mạng sống của một con người.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 17.11.2017
(Người Đô thị)
--------------

2 nhận xét:

  1. Vì "thấm nhuần" cái tinh thần đó nên tay Tố Hữu đã đẻ ra những vần thơ ghê rợn :
    "Giết,giết nữa bàn tay không phút nghĩ"
    Xin nhắc lại,đó là những vần thơ của trưởng ban tuyên giáo trung ương "đảng ta" đấy,không phải của bọn IS đâu.

    Trả lờiXóa

  2. Sấm trang Trình dưới thời cộng sản đây .?
    35 – Cơ trời xem đã mê đồ
    36 – Đã đô lại muốn mở đô cho người
    37 – ấy lòng trời xuôi lòng bất nhẫn
    38 – Suốt vạn dân cưu giận nhân than
    39 – Dưới trên dốc chí lo toan
    40 – Những đua bán nước bán quan làm giàu
    41 – Thống rủ nhau làm mồi phú quí
    42 – Mấy trung thần có chí an dân
    43 – Đua nhau làm sự bất nhân
    44 – Đả tuần bốn bể lại tuần đầu non
    45 – Dư đồ chia xẻ càn khôn
    46 – Mối giềng man mác khiếp mòn lòng nhau
    47 – Vội sang giàu giết người lấy của …

    Ngọc Châu Hải Dương ngày 19/7/2017
    Bùi Quang Thanh
    Đ. T. 0914209894

    Trả lờiXóa