Lời khuyên này là sự khuyến khích các DN giải quyết những bức xúc của mình theo một hướng mới. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về tham nhũng trong khu vực DN tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ mới công bố, có tới 75% DN được hỏi cho rằng, việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước chưa tốt. Vậy nên, các DN đã phải “bôi trơn” để được việc. Vậy với những DN đã từng thực hiện công đoạn “bôi trơn” hay “lót tay”, họ có dám kiện các cơ quan chức năng đó hay không?
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.
Ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, VCCI |
PV: Thưa ông, theo VCCI thống kê, có tới 75% DN cho rằng họ cần phải “bôi trơn” mới xong việc, câu chuyện này thực hư như thế nào?
Ông Đậu Anh Tuấn: Điều tra về DN của VCCI và nhiều tổ chức khác những năm qua cho thấy, vấn đề tham nhũng về phí chi trả không chính thức tương đối phổ biến, là vấn đề không nhỏ tại Việt Nam, có ở khá nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Qua những cuộc điều tra hằng năm cho thấy, tham nhũng nhỏ có xu hướng giảm, tham nhũng có quy mô lớn hơn lại có xu hướng gia tăng.
PV: Như ông nói, vấn đề tham nhũng không nhỏ và tồn tại khá nhiều trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những vấn đề lớn. Vậy theo ông, tại sao tồn tại một thực trạng đáng báo động như thế? Phải chăng do sự thiếu minh bạch thông tin hay do thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê?
Ông Đậu Anh Tuấn: Đối với những nhũng nhiễu, phiền hà của bộ máy công chức… như báo chí thường nói đến, theo tôi có nhiều nguyên nhân. Từ phía DN, họ thường coi việc chi trả một khoản phí như dầu mỡ để bôi trơn cỗ máy cho nó chạy nhanh hơn. Tâm lý này phổ biến đến mức nếu không có phí đó, người ta lại cảm thấy bất bình thường!
Từ phía chính sách, bộ máy công quyền, do sự thiếu minh bạch cũng là một nguyên nhân rất lớn. Bởi vì có những quy định ai hiểu thế nào cũng được, hoặc do DN không biết nên có tình trạng DN buộc phải “đút” một khoản tiền để chính quyền làm lợi cho mình. Tình trạng này còn có liên quan đến lợi thế về mối quan hệ. Ở Việt Nam ai cũng biết, có quan hệ và biết luồn lách sẽ có lợi thế hơn người khác.
Cạnh đó, thủ tục rườm rà cũng là cái cớ để cán bộ gây nhũng nhiễu khi thi hành công việc.
PV: Theo ông, những hành động này xuất phát từ chính nhu cầu mà cũng chính là lỗi của DN với tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, hay chính là gợi ý của các công chức khi thực thi quyền và nghĩa vụ của mình?
Ông Đậu Anh Tuấn: Cá nhân tôi cho rằng, thể chế nào thì doanh nhân đó. Trong kinh doanh, DN có nhu cầu được việc, nhanh chóng, tin cậy. Nếu bỏ ra khoản chi phí không quá lớn mà có lợi cho kinh doanh, họ vẫn làm.
Quan hệ giữa cán bộ nhà nước và DN là quan hệ không tương xứng, bị lệ thuộc. Một số quan chức xuất hiện trên báo chí cho rằng, tham nhũng chủ yếu do DN đưa hối lộ, cơ quan nhà nước không yêu cầu. Theo tôi, trách nhiệm trước hết là của bộ máy nhà nước. Bộ máy này tốt là phải tạo ra hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật để cho DN không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.
PV: Xin ông nói rõ hơn về mối quan hệ giữa cán bộ, công chức và DN là không tương xứng, bị lệ thuộc?
Ông Đậu Anh Tuấn: Bất cân xứng là một quyết định gật đầu hay không gật đầu của cán bộ nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến DN. Khi đó, người ở vị thế thấp hơn phải tìm mọi cách để có lợi cho mình, bảo đảm an toàn cho mình. Đó là một quy luật.
PV: Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% DN tin rằng phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất. Điều này có thể khẳng định rằng, việc có một mối quan hệ thân thiết vẫn chiếm chỗ đứng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề. Trong tình huống này, đặt giả thuyết là DN đã “bôi trơn” khi giao dịch với cơ quan chức năng, nếu không có kết quả, liệu họ có dám kiện cơ quan chức năng, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Tâm lý người Việt Nam, kiện chính quyền là việc rất khó, nhiều khi DN cho đó là “con kiến mà kiện củ khoai”. Có DN tâm sự với tôi rằng, những vụ kiện chính quyền mang tính hành chính như vậy, thắng thì may ra được một vụ. Trong khi đó, DN còn kinh doanh lâu dài trên địa bàn, sẽ rất khó.
PV: Ông có bình luận gì về khích lệ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong việc khuyến khích DN kiện chính quyền nếu gây phiền hà cho DN?
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi rất ấn tượng về điều này. Tuy nhiên, để đảm bảo công lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các DN, ngoài việc chính quyền hỗ trợ cách tiếp cận ra tòa án giải quyết, cần phải có nhiều yếu tố khác nữa.
Một là, tòa án phải độc lập và không thiên vị. Thực tế hệ thống tòa án của mình không phải lúc nào cũng độc lập, đặc biệt là trong những vụ khiếu kiện hành chính. Có nhiều vụ án hành chính nhỏ là toà án tìm cách từ chối thụ lý vụ án. Tính độc lập của tòa án ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng các bản án hành chính.
Hai là, tâm lý chung e ngại hệ thống pháp luật hiện tại chưa đảm bảo ai đó sẽ hoàn toàn tin mình đúng. Tức là khó có ai dám vỗ ngực tuyên bố mình hoàn toàn đúng. Kiện vụ này nhưng các vụ khác chưa hẳn lường trước được. Do đó, khuyến khích DN kiện nếu chính quyền vi phạm là tốt, nhưng thực tế rất khó thực hiện.
PV: Để các DN tự tin và chủ động hơn trong việc giám sát và khiếu kiện các cơ quan công quyền khi họ làm sai, DN cần phải làm như thế nào?
Ông Đậu Anh Tuấn: DN cần có sự chủ động, tin vào những gì mình tin là đúng. Khi kiện, DN phải có đầy đủ chứng cứ, nắm chắc phần thắng về mình. Về lâu dài, cần phải có các hiệp hội DN đủ mạnh để bảo vệ họ. Vì nếu một DN đương đầu có thể khó, nhưng có Hiệp hội DN, ngành hàng... cấp quốc gia, ngành, địa phương... có thể tư vấn, hỗ trợ họ sẽ rất tốt.
Trong xã hội, để giải quyết những tranh chấp thông qua các cơ chế lành mạnh như tòa án, cần phải có thiết chế bổ trợ mới có thể đáp ứng được quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
PV: Hướng tới một nền hành chính minh bạch, tạo thuận lợi cho các DN, là điều bất cứ DN nào cũng đều mong muốn. Nhưng thẳng thắn mà nói, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta sẽ hạn chế những tiêu cực như thế nào? Đây có phải là việc làm quá khó, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi tham gia nhiều chương trình, hoạt động liên quan đến vấn đề này, nhiều lúc cũng cảm thấy bi quan. Nhưng có lẽ cần phải tự tin và kiên nhẫn hơn.
Về chính sách, chương trình cải cách hành chính nhà nước hiện nay cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn, làm nhiều hơn nói. DN mong cảm nhận được sự cải cách hành chính hằng ngày ngay trong các giao dịch của họ với chính quyền. Khi hành chính minh bạch, tham nhũng sẽ giảm.
Đồng thời, cần tăng cường giám sát kỷ luật công chức để công chức nhũng nhiễu, phiền hà không thể giấu được.
Hà Trần/VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét