Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Mỹ đã đưa máy bay trinh sát mạnh nhất P-8A Poseidon đến Biển Đông

* ĐÔNG BÌNH
Mỹ triển khai máy bay P-8A ở Philippines, tuần tra dài ngày ở Biển Đông, chủ yếu dò tìm tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc, tìm hiểu môi trường Biển Đông.
Mục đích triển khai máy bay P-8A ở Biển Đông của Mỹ
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 27 tháng 2 có bài viết cho biết, Hải quân Mỹ lần đầu tiên xác nhận, máy bay trinh sát tiên tiến nhất P-8A Poseidon Hải quân Mỹ cất cánh từ Philippines, đến Biển Đông tiến hành tuần tra.
Theo bài báo, Mỹ cam kết chia sẻ thông tin về Biển Đông “tức thời” với Philippines. Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ ra tuyên bố cho biết, việc làm này nhằm thể hiện năng lực của máy bay trinh sát P-8A Poseidon ở môi trường duyên hải và vùng biển mở.
Sĩ quan chỉ huy tổ máy bay trinh sát, thượng úy Matthew Poor nói: “Hợp tác với thành viên Lực lượng vũ trang Philippines là một cơ hội rất tốt”. “Chia sẻ năng lực của chiếc máy bay này với đồng minh chỉ có thể tăng cường quan hệ giữa chúng tôi”.
Bài báo cho rằng, sức chiến đấu tổng thể của P-8A được cho là gấp 5 lần P-3C. Ngoài ngư lôi, bom săn ngầm, thủy lôi, nó còn có thể lắp tên lửa chống hạm, đồng thời có năng lực thu thập tình báo ở phạm vi lớn.
Theo bài báo, một ưu điểm nổi bật của P-8A chính là số lượng phao sonar nhiều, chỉ tiêu kỹ thuật tiên tiến, có thể đồng thời xử lý nhiều thông tin mục tiêu, diện tích vùng biển kiểm soát lớn, trong tác chiến săn ngầm có thể áp dụng phương thức thả phao sonar như trận địa hình tròn và mở rộng, tăng phạm vi dò tìm đối với tàu ngầm, nâng cao xác suất dò tìm, đây là một ưu điểm tương đối rõ rệt ở vùng biển phía nam Biển Đông có diện tích tương đối lớn, ngoài ra, P-8A có nhiều loại thiết bị dò tìm, có thể tiến hành dò tìm phức hợp đối với khu vực mục tiêu, tổng hợp nhiều loại thủ đoạn dò tìm để nâng cao năng lực dò tìm đối với các mục tiêu dưới nước.
Năng lực tấn công mạnh là một đặc điểm khác của P-8A, nó có thể trang bị 8 quả ngư lôi săn ngầm trở lên, có thể tiến hành tấn công liên tục đối với mục tiêu dưới nước. Với các mục tiêu dưới nước như tàu ngầm hạt nhân, do vấn đề uy lực đầu đạn, dùng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ hiện đại cần 8 quả trở lên mới có thể đạt xác xuất bắn trúng lý tưởng, hơn nữa năng lực treo vũ khí mạnh của P-8A làm cho nó có năng lực tấn công tàu ngầm khá mạnh.
Máy bay săn ngầm P-8 có thể cung cấp chỉ thị cho tên lửa chống hạm Tomahawk. Đối với Không quân Việt Nam, P-8A không chỉ có thể nâng cao năng lực săn ngầm, mà còn có thể nâng cao năng lực chỉ thị mục tiêu của Hải quân Mỹ, hơn nữa P-8A còn có thể thực hiện một số nhiệm vụ khác trong Hải quân Mỹ, chẳng hạn sử dụng tên lửa chống hạm trên máy bay tấn công các mục tiêu mặt nước (gần đây Hải quân Mỹ bắn tên lửa hành trình chống hạm Tomahawk từ tàu khu trục Kidd), thực hiện nhiệm vụ phóng ngư lôi, sử dụng hệ thống trinh sát chi viện điện tử tiến hành nhiệm vụ thu thập tín hiệu v.v..., vì vậy, đối với Mỹ, P-8A thực sự có thể gọi là một máy tăng lực.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Biển Đông rất quan trọng đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc. Nhìn vào tình hình hiện nay, Biển Đông là khu vực trực ban tuần tra lý tưởng nhất của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Hải quân Trung Quốc, vì vậy tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 mới sản xuất triển khai ở đó, căn cứ vào truyền thông các nước, căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Trung Quốc nằm ở vịnh Á Long, đảo Hải Nam, từng có du khách chụp được hình ảnh 3 chiếc tàu Type 094 đậu ở khu vực này.
Chuyên gia quốc phòng Phương Tây phân tích cho rằng căn cứ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc cách rãnh biển trung tâm Biển Đông trên 300 km, lấy tốc độ lặn 26 hải lý/giờ của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 để tính toán, có thể xâm nhập vùng nước sâu Biển Đông trong khoảng 10 - 12 giờ, nếu rời cảng vào ban đêm thì có thể tránh có hiệu quả hoạt động dò tìm của vệ tinh quang học Mỹ, nâng cao tỷ lệ thành công thực hiện nhiệm vụ.
Từ nhiệm vụ của máy bay săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ lần này, tuyến đường tuần tra của nó nằm trong chu vi tuyến đường ra biển của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc, mục đích của nó chính là tiến hành trinh sát và giám sát tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc.
Để xây dựng một trận địa điều động an toàn, tốt đẹp cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc, Trung Quốc luôn tăng cường năng lực tác chiến của Hạm đội Nam Hải, đặc biệt là tăng cường năng lực tác chiến trên biển, trên không ở đảo Hải Nam. Như lực lượng hàng không Hải quân trực tiếp trang bị máy bay chiến đấu J-11, chính là tranh thủ xây dựng vùng biển tuần tra tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông tương tự biển Barents của Liên Xô và biển Mariana của Mỹ, bảo đảm an toàn và độ tin cậy của lực lượng phản kích hạt nhân chiến lược Trung Quốc.
Cũng chính vì vậy, Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm liên tục của Mỹ. Nhiều sự kiện va chạm giữa Trung-Mỹ đã xảy ra ở đây như sự kiện máy bay trinh sát điện tử EP-3 Hải quân Mỹ va chạm J-8 Trung Quốc, tàu trinh sát sonar USNS Impeccable Mỹ tiến hành hoạt động do thám ở Biển Đông. Đây là một phần trong hoạt động do thám vùng biển này của Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Mỹ không có ý định chấm dứt do thám hoạt động bố trí binh lực của Trung Quốc ở Hải Nam và Biển Đông, đồng thời tích cực thu thập tình hình địa lý môi trường của Biển Đông, tiến hành đo đạc tuyến đường, vẽ bản đồ đáy biển mới nhất của Biển Đông, cung cấp tư liệu môi trường thủy văn biển hoàn thiện cho tác chiến Biển Đông tương lai của tàu chiến Quân đội Mỹ, trong đó có tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Cùng với việc mở rộng quy mô của Quân đội Mỹ ở Biển Đông, trong tương lai không xa, Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tiến hành sách lược phong tỏa đối với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời điều tàu ngầm hạt nhân tấn công ở căn cứ Guam đến căn cứ hải quân lân cận đảo Hải Nam tiến hành theo dõi và giám sát cự ly gần đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc, đây mới là việc đáng cảnh giác nhất hiện nay – báo Trung Quốc bình luận.
Cuộc chiến ngầm dưới nước sắp bắt đầu
Hiện nay, tàu ngầm hạt nhân tấn công Mỹ triển khai ở Guam có khoảng 4 chiếc, dựa vào tỷ lệ hoàn hảo 60% của tàu ngầm hạt nhân tấn công Hải quân Mỹ để tính, Guam ít nhất sẽ có 2 tàu ngầm lớp Los Angeles duy trì trạng thái điều động bất cứ lúc nào. Tiếp theo, dựa vào 1 chiếc tuần tra, 1 chiếc quay trở về và 1 chiếc bảo trì để tính toán, Hải quân Mỹ hiện nay ít nhất có thể triển khai 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công ở Biển Đông, khi khẩn cấp có thể tăng lên 2 chiếc.
Hiện nay, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc không nhiều, chỉ có một nhà máy chế tạo tàu ngầm hạt nhân, năng lực chế tạo rõ ràng yếu hơn Mỹ và Nga. Dư luận quốc tế suy đoán, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung Quốc có khoảng 4 chiếc, như vậy Trung Quốc có thể duy trì 1 chiếc trên biển bất cứ lúc nào, nhiều nhất 2 chiếc thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi đó, nhìn lại tàu ngầm hạt nhân Mỹ có thể dùng năng lực dò tìm mạnh của họ, tiến hành theo dõi và dò tìm định điểm đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc. Hiện nay, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093G tiên tiến nhất của Hải quân Trung Quốc bị hạn chế công nghệ, sẽ khá vất vả khi đối phó với tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ, vì vậy, mối đe dọa của tàu ngầm hạt nhân Mỹ thậm chí lớn hơn nhiều máy bay tuần tra P-8.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Căn cứ vào kế hoạch của Hải quân Mỹ, trong tương lai, 60% tàu chiến mặt nước và tàu ngầm triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lấy tàu ngầm lớp Virginia để tính, Mỹ dự định chế tạo tổng cộng 30 chiếc, như vậy dựa vào 60%, sẽ có 18 chiếc triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này cho thấy Hải quân Mỹ có thể có 10 chiếc tuần tra trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời bình. Tàu ngầm lớp này có tính năng chạy êm tốt, năng lực dò tìm mạnh, vì vậy thích hợp hơn cho việc tiến hành đến gần trinh sát ở khu vực xung quanh căn cứ, đánh chặn tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Đối phó của Trung Quốc
Theo bài báo, mối đe dọa dưới nước của Hải quân Trung Quốc ngày càng lớn, bảo đảm an ninh dưới nước của Trung Quốc nhất là an toàn của tàu ngầm hạt nhân chiến lược đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Đối với Trung Quốc, cần nhanh chóng triển khai trận địa thiết bị định vị thủy âm đáy biển xa ở vùng biển quan trọng, sơ bộ nắm chắc tình hình dưới nước của vùng biển liên quan, lực lượng săn ngầm lập tức xuất kích xác định, tiến hành xua đuổi và tấn công đối với kẻ thù, đây là một bước quan trọng nâng cao năng lực tác chiến dưới nước của Hải quân Trung Quốc.
Hai là Hải quân Trung Quốc cần có thủ đoạn săn ngầm tiên tiến. Hiện nay, máy bay săn ngầm lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc đặc biệt là lực lượng máy bay săn ngầm cánh cố định mỏng yếu, đồng thời tác chiến săn ngầm của máy bay trực thăng cũng không hiệu quả lắm (máy bay săn ngầm Ka-28 có hành trình và tính năng hoàn toàn không đáp ứng được tác chiến săn ngầm hiện đại).
Chỉ có vài chiếc máy bay GX và hơn 10 chiếc máy bay tuần tra Y-8X đều không thể hoạt động ở vùng biển có độ mặn và nhiệt độ cao như Biển Đông, đồng thời hành trình còn có hạn, hơn nữa máy bay GX-6 sắp biên chế cũng tồn tại khiếm khuyết nhất định. Vì vậy, đối với Trung Quốc, bước tiếp theo cần tiếp tục nâng cao tính năng của máy bay săn ngầm, tranh thủ đạt trình độ của P-3C Mỹ, tức là tăng đến 8.000 km trở lên.
Đồng thời, để mở rộng vùng biển tuần tra, tốt nhất sử dụng công nghệ của máy bay chở khách lớn C-919 tương lai, phát triển thành một loại máy bay tuần tra săn ngầm phản lực tầm xa tương tự P-8, mở rộng phạm vi tác chiến, nâng cao tốc độ phản ứng, tăng cường năng lực tác chiến săn ngầm trên không cho Quân đội Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Biên đội tàu sân bay có năng lực tác chiến trên không, mặt nước và dưới nước, có thể xây dựng hệ thống săn ngầm lập thể, đồng thời bán kính tác chiến có thể bao trùm toàn bộ khu vực tuần tra của tàu ngầm hạt nhân tên lửa, như vậy có thể bảo vệ tương đối có hiệu quả an toàn của tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc.
Trong khi đó, vũ khí săn ngầm có hiệu quả nhất vẫn là tàu ngầm hạt nhân tấn công, nâng cao chất lượng tàu ngầm của mình thì có thể xua đuổi tàu ngầm địch ra ngoài Biển Đông ở khoảng cách xa, cho nên, Trung Quốc cần tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới. Đồng thời, Trung Quốc có thể điều tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành trinh sát săn ngầm, cung cấp môi trường nhiệm vụ dưới nước có lợi cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc.
Tướng TQ nói máy bay trinh sát P-8 Mỹ là "giặc cướp ở Biển Đông"!
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 28 tháng 2 cũng có bài viết cho hay, Hải quân Mỹ ngày 26 tháng 2 ra thông cáo báo chí cho biết, phi đội bay The Pelicans lực lượng hàng không Hải quân Mỹ lái máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, đã tiến hành nhiệm vụ tuần tra do thám ở vùng trời trên biển ngoài đảo Luzon của Philippines từ ngày 1 đến ngày 21 tháng 2. Theo hãng Reuters, đây là lần đầu tiên quan chức Mỹ thừa nhận điều động máy bay tuần tra săn ngầm Poseidon tiên tiến nhất tuần tra Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết, đến ngày 21 tháng 2, máy bay P-8A đã triển khai 3 tuần ở Philippines, thời gian bay trên bầu trời Biển Đông trên 180 giờ. "Trong thời gian đó, lực lượng hàng không Quân đội Mỹ và nhân viên không quân và hải quân Philippines đã kề vai sánh cánh, trinh sát trên bầu trời Biển Đông".
Trong tuyên bố, Hải quân Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A tiên tiến nhất cho Hạm đội 7, đã thể hiện Hải quân Mỹ nỗ lực thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á, bao gồm ưu tiên cung cấp và nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị tiên tiến cho khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Hãng Reuters cho biết, P-8A là máy bay săn ngầm và trinh sát trên biển tầm xa tiên tiến nhất của Quân đội Mỹ, năm 2012 bắt đầu thay thế máy bay săn ngầm P-3C Orion.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết, bắt đầu từ năm 2012, Hải quân Mỹ luôn triển khai máy bay tuần tra P-3C ở căn cứ quân Mỹ tại Philippines. Trong lần thay quân vào năm 2014, máy bay P-8A đã thay thế P-3C, nhưng hai bên hoàn toàn không tuyên bố việc triển khai này. Phi đội The Pelicans cho biết, lần này nhiệm vụ bay châu Á là nhiệm vụ tác chiến lần đầu tiên do phi đội này lái máy bay tuần tra săn ngầm thực hiện. Tháng 8 năm 2014, Lầu Năm Góc Mỹ từng chỉ trích Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu J-11 đánh chặn máy bay trinh sát P-8 Mỹ ở vùng biển đảo Hải Nam, hai máy bay này cách nhau gần nhất khoảng 6 m.
Bối cảnh của hành động này của Mỹ là sự chỉ trích ở trong nước đối với hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 26 tháng 2, tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI) James Clapper cho biết, Trung Quốc đang điều tàu chiến ra Biển Đông, tiến hành xây dựng đảo đá, hoạt động liên quan gây quan ngại.
Đối với vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 27 tháng 2 nói rằng, Trung Quốc có lập trường "rõ ràng, nhất quán" trong vấn đề Biển Đông, luôn áp dụng thái độ "kiềm chế" và "có trách nhiệm". "Hoạt động do Trung Quốc tiến hành ở đảo đá của mình và vùng biển quản lý của mình là hợp pháp, hợp tình, hợp lý, bên ngoài không có quyền chỉ trích vô cớ" (các hành động vi phạm chủ quyền thì không thể coi là hợp pháp, hợp lý).
Hồng Lỗi còn cho rằng: "Hy vọng Mỹ tuân thủ cam kết, thận trọng về lời nói và hành động, làm nhiều việc có lợi cho phát triển quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định khu vực" (tức là muốn Mỹ để mặc cho Trung Quốc thích làm gì thì làm?).
La Viện - phó hội trưởng thường trực Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc ngày 27 tháng 2 trả lời phỏng vấn "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ thừa nhận đã điều máy bay tuần tra Poseidon tới Biển Đông tuần tra, điều đó cho thấy Mỹ đã từ "hành vi trộm cắp" phát triển thành "hành động kẻ cướp trắng trợn", điều này đi ngược nghiêm trọng quan hệ nước lớn kiểu mới muốn xây dựng giữa hai nước Trung-Mỹ.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
La Viện cho rằng, Mỹ lần này điều lực lượng hàng không kề vai sát cánh với nhân viên hải quân và không quân Philippines là hành vi hoàn toàn không độc lập, đây là hình ảnh thu nhỏ của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
La Viện xuyên tạc, đổ lỗi cho người khác và dùng "võ mồm" cho rằng: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn thái bình, ổn định (dù Trung Quốc hành động hung hăng chưa đến mức để xảy ra chiến tranh?!), không thái bình hiện nay là do chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ gây ra. Trung Quốc phải lập quy củ cho người Mỹ ở cửa nhà mình (toàn bộ Biển Đông?), lập ra vùng nhận dạng phòng không, khu cảnh cáo và khu tự vệ, thông qua xây dựng chế độ quy định để bảo vệ có hiệu quả an ninh quốc gia, đồng thời cũng có thể tránh sự cố lau súng cướp cò”.
Theo La Viện, điều quan trọng hơn là, Trung Quốc cần phải tăng cường thực lực tổng hợp và năng lực cảnh báo sớm, đề phòng. Trung Quốc không sinh sự với nước khác, nhưng cũng tuyệt đối không cho phép nước khác đến Trung Quốc khiêu khích".(GDVN)
---------------

1 nhận xét:

  1. Bay nhieu chi to ton xang thoi ong My a. Ke cha no, cho thang Tau no tan cho bon du day biet mat. Luc do ra tay moi co gia tri

    Trả lờiXóa