Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Cimexcol – Nỗi đắng cay còn đó - Kỳ 4

* ĐẶNG HUỲNH LỘC
“Dựng đứng để kết tội ông Năm Hạnh”
                  Về bản án một năm tù cho hưởng án treo đối với ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh, nguyên Chủ tịch tỉnh), ông Để cho rằng “bản án kết tội Lê Văn Bình hầu như là dựng đứng hoàn toàn đến mức không sao hiểu nổi”.
                Ông Để chứng minh:
- Bắt tội Lê Văn Bình không cải tạo đoàn xe của Dương Văn Ba...: Thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, cải tạo đoàn xe Dương Văn Ba thì Lê Văn Bình đang làm chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo; sau đó Lê Văn Bình về làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi rồi về làm Bí thư Huyện ủy Giá Rai... Ba bốn năm sau Lê Văn Bình mới về UBND tỉnh làm chức vụ Phó Chủ tịch...
- Bắt tội Lê Văn Bình lãnh đạo để cho Cimexcol nhập xe, bán giá rẻ làm thiệt của nhà nước cả ngàn lượng vàng...: Thứ nhất, chủ trương giá bán xe Honda là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thứ hai, việc bán xe Honda (Cub) của Cimexcol lãi chứ không lỗ, không làm thiệt hại cho nhà nước. Thứ ba, thời kỳ chủ trương “giá xe” và lúc Cimexcol bán xe Honda (Cub) là ngay thời điểm Lê Văn Bình đang học ở Liên Xô, không hề hay biết gì cả.
- Bắt tội Lê Văn Bình bảo lãnh Cimexcol vay vốn “Nợ nước ngoài 5,3 triệu đôla khó có khả năng thanh toán nhân dân Minh Hải phải nhiều năm còng lưng gánh chịu”: Thứ nhất, Cimexcol là công ty quốc doanh, thực hiện cơ chế hạch toán tự tìm vốn, tự hoàn vốn nên ủy ban bảo lãnh cho công ty thì đâu có điều gì gọi là phạm tội? Thứ hai, Công ty Cimexcol thực tế làm ăn chẳng những có khả năng hoàn vốn mà còn có lãi trên ba triệu đôla.
- Về cái chết của Trang Thanh Khả, các cơ quan pháp luật nghi Dương Văn Ba ám hại, tòa án bắt tội Lê Văn Bình...: Thứ nhất, chịu trách nhiệm về nhân sự, Công ty Cimexcol, Thường vụ Tỉnh ủy giao cho bốn đồng chí: Tống Kỳ Hiệp, Trưởng ban nội chính; Đoàn Quang Vũ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Mai Thanh Ân, Trưởng ban tổ chức; Hoàng Hà, Giám đốc Công an tỉnh. Thứ hai, sau cái chết của Khả, Thường vụ Tỉnh ủy phân công Tống Kỳ Hiệp đi xác minh về báo cáo lại không hề có dấu hiệu gì Dương Văn Ba ám hại cả. Thứ ba, trong bản án ghi rõ rằng cái chết của Trang Thanh Khả để lại điều tra tiếp làm rõ nhưng rất lạ là “đồng thời” tòa án bắt tội trách nhiệm đối với Lê Văn Bình trong vụ án này là sao?
                   Đã từng đề nghị tái thẩm vụ án
                   Theo ông Để, từ khi vụ án xảy ra, không phải chỉ có cán bộ, đảng viên, các đoàn thể quần chúng, các vị cách mạng lão thành ở Minh Hải mà cả ở Hậu Giang, An Giang, Cửu Long... đều lên tiếng phản đối vụ án bằng những văn bản đầy trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết, với động cơ vì chân lý, bảo vệ uy tín và bảo vệ pháp luật, gửi về trung ương yêu cầu xem xét, xử lý bản án Cimexcol (Minh Hải)... Đặc biệt hơn, tháng 3-1994, tại TP.HCM, Thường trực Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp có đủ mặt đại diện các cơ quan: Ban Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, đã trực tiếp nghe ba đồng chí Ba Vị (Đoàn Thanh Vị - Bí thư tỉnh), Ba Hùng, Năm Hạnh (cả hai đều là nguyên Chủ tịch tỉnh - PV) trình bày đầy đủ về sự thật, về những sai trái trong bản án Cimexcol và đề nghị xem xét lại...
               Tại diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VIII), Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã phát biểu: “Theo Điều 263 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kháng nghị tái thẩm, chúng tôi đề nghị đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao xem xét những tài liệu do các báo nêu ra và những tài liệu do một số người bị kết án trong vụ án Cimexcol... Nếu có căn cứ là việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại”.
                 Tuy nhiên, thời gian trôi qua đến nay vụ án vẫn chưa được xem xét, chưa được tái thẩm như ý kiến của ông Phạm Hưng.
               Ông Để kiến nghị: “Bản án Cimexcol đã được chứng minh xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật, mất dân chủ, không được lòng dân và xét về tình tiết, nội dung phán quyết của phiên tòa sai trái đến mức nghiêm trọng, làm cho tính chất và bản án đã thay đổi một cách cơ bản. Một lần nữa tôi xin kiến nghị với lãnh đạo Đảng, nhà nước và cơ quan pháp luật trung ương tiến hành theo trình tự tái thẩm bản án”.
                  6. Phục hồi nhưng chưa được minh oan
                 Đầu tháng 5-2008, tôi trở lại Cà Mau tìm gặp một số người có liên quan, bị xử lý sau khi phiên tòa xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải kết thúc. Người đầu tiên tôi muốn tìm gặp là ông Đoàn Thanh Vị (Ba Vị), nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Cà Mau-Bạc Liêu). Buổi chiều, qua một người quen cho tôi biết được địa chỉ nhà ông Ba Vị. Suốt đêm hầu như tôi không ngủ được. Tảng sáng, từ trung tâm thành phố Cà Mau tôi vượt cầu Gành Hào sang phường 8 tìm quán Quạt Mo để gặp ông Ba Vị. Ông bây giờ là chủ quán Quạt Mo, một quán cốc bán nghêu, sò, óc, hến. Nghe mục đích cuộc gặp để tìm hiểu về vụ án Cimexcol, ông Vị lắc đầu nói bằng giọng lè nhè, chán chường: “Chết gần hết rồi, hỏi mà làm gì? Có giải oan kịp đâu!”cho biết sau vụ án, các vị lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Minh Hải đều bị cách chức, bị cảnh cáo đảng. Tòa vẫn bảo lưu quan điểm...!
             Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX diễn ra vào tháng 7-1993, Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vụ án Cimexcol. Sau khi trình bày lại diễn biến của vụ án Cimexcol, quá trình điều tra và xét xử, ông Phạm Hưng nói rõ: “Theo điều 263 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kháng nghị tái thẩm, chúng tôi đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét những tài liệu do các báo nêu ra và những tài liệu do một số người bị kết án trong vụ án Cimexcol... Nếu có căn cứ là việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại”.
            Ông Vị cho biết sau đó, ngày 9-3-1994, Thường trực Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ VII cho mời Thường trực Tỉnh ủy và UBND cùng một số ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải đến Văn phòng Trung ương phía nam (T78) để báo cáo lại vụ án. “Phía Bộ Chính trị có anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt, anh Đào Duy Tùng, anh Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) và anh Nguyễn Hà Phan” - ông Vị cho biết. Phía VKS tối cao có ông Lê Xuân Dục (kiểm sát viên cao cấp, đại diện VKS tại phiên tòa xử vụ án Cimexcol Minh Hải - PV); Tòa án tối cao có Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng và anh Đỗ Quang Thắng (phó chánh án TAND tối cao trực tiếp phụ trách chỉ đạo xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải - PV)...
Ông Vị cho biết sau khi nghe hai bên trình bày, cuộc họp diễn ra khá căng thẳng bởi phía tòa án vẫn cho vụ án xét xử là đúng.
                   Phục hồi trong nội bộ
                  Ông Vị kể: “Tôi vốn là người trầm tĩnh mà không kiềm chế được. Tôi đứng lên nói: Tóm lại, vụ án xử theo định hướng, dẫn đến kết luận oan sai nhiều người, để lại cho Minh Hải hậu quả khôn lường. Sự mất mát về vật chất có thể bù đắp được nhưng mất lòng tin là khó khôi phục. Nói đến đây, tôi chồm về phía trước, hướng vào anh Phạm Hưng nói: “Tôi với anh là tình bè bạn, đồng chí với nhau; anh có học luật, tôi không có học nhưng trong vụ án Cimexcol tôi thách anh dám đấu lý với tôi. Anh dám không?” Lúc ấy, tôi nghĩ anh Phạm Hưng sẽ phản ứng nhưng anh đã im lặng”. “Sự im lặng này kéo dài đến nay đã hơn 14 năm” - ông Vị nói tiếp.
             Ông Vị cho biết ông Đỗ Mười kết luận cuộc họp, thông báo những người có liên quan vụ án sẽ được phục hồi từng phần. “Tôi và anh Ba Hùng (Phạm Văn Hoài - nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thời kỳ trước ông Năm Hạnh - PV) được xóa kỷ luật cảnh cáo đảng. Năm Hạnh được phục hồi, cho hưởng lương hưu theo chế độ chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây, Năm Hạnh vừa mới qua đời (vào hồi 17 giờ chiều ngày 1-5 - PV), UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức ban tang lễ rất trọng thể, trong điếu văn vẫn gọi Lê Văn Bình là nguyên chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước) cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự lễ tang. Nhưng án oan của tất cả những người bị hàm oan thì vẫn còn treo lơ lửng cho tới bây giờ” - ông Vị kết thúc câu chuyện.
             Gia đình chúng tôi mong mỏi được minh oan
           Đúng một tuần sau khi ông Năm Hạnh vĩnh viễn ra đi còn mang theo oan án, tôi đã trở lại đốt thêm nén nhang cho ông. Bà Ngô Thị Sớm, vợ ông Năm Hạnh, 71 tuổi, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Minh Hải, danh hiệu 45 năm tuổi Đảng, đã trao cho tôi lá đơn tiếp tục yêu cầu minh oan cho chồng là ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh).
           Đơn viết: “Chồng tôi đến giờ phút cuối cùng, trong cơn bệnh hiểm nghèo, vẫn tiếp tục yêu cầu, mong muốn được trung ương minh oan vụ án. Sau khi bà Ngô Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh, gửi thư cho quý ông đề nghị minh oan vụ án, tôi có được tin các cơ quan pháp luật nói rằng chồng tôi đã nhận tội nên không thể xem xét lại vụ án. Đây là thông tin sai sự thật. Lời phát biểu cuối cùng của chồng tôi tại phiên tòa vẫn còn nguyên vẹn trong băng ghi hình, gia đình tôi còn đang giữ. Nếu cần tôi sẽ gửi băng này cho quý ông. Mặt khác, việc giải oan vụ án đã được Ban Bí thư khôi phục một số quyền lợi cho chồng tôi như chế độ hưu, thậm chí còn yêu cầu chồng tôi làm lý lịch để phát triển đảng lại. Chỉ có việc bản án oan sai mà chồng tôi và cả gia đình tôi phải gánh chịu chưa được minh oan... 
            Một lần nữa, mong quý ông đừng nên tiếp tục im lặng. Chồng tôi vĩnh viễn ra đi mang theo oan án là đã quá đủ, xin quý ông đừng tiếp tục gây thêm đau đớn, oan nghiệt cho gia đình chúng tôi bằng oan án không được minh oan”.
            Lê Khải Hoàng và Lê Việt Xô, hai con trai ông Năm Hạnh cũng trao cho tôi một lá đơn đầy xúc động. “Cha chúng tôi đã mòn mõi chờ ngày được minh oan, không chỉ cho riêng ông mà cho những người bị mang án oan sai trong vụ án Cimexcol Minh Hải. Đối với cha chúng tôi, vinh dự còn lớn hơn mạng sống của ông. Nay ông đã mất. Nếu các bác, các chú thấy việc minh oan cho ba tôi, cho những người bị xử oan là bất lợi cho Đảng, cho tổ chức thì chúng tôi chỉ cần một tờ giấy xác nhận minh oan cho những người bị án oan”.
             Điều xúc động với tôi là hai đứa trẻ vừa mới trưởng thành còn biết hy sinh, chấp nhận sự oan khiên vì lợi ích chung. Nhưng chẳng lẽ trong lợi ích chung đó không có hai người con của ông Năm Hạnh?
             Theo luật gia Hoàng Trung Tiếu, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án Cimexcol Minh Hải vẫn còn đủ căn cứ, thời hạn để tái thẩm. Ông nói: “Kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
            Nội dung về vụ án Cimexcol mà Báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu cho thấy bản án không đủ cơ sở pháp lý để tuyên án nhưng vẫn được tuyên. Do đó cần phải giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án.
           Trong trường hợp muốn giám đốc thẩm vụ án, tại khoản 3 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định một trong những căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử. Về thời hạn kháng nghị, theo thủ tục giám đốc thẩm cũng được quy định tại khoản 2 Điều 278: giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Như vậy, vụ án Cimexcol hoàn toàn đủ căn cứ và thời hạn để giám đốc thẩm.
           Tương tự, muốn tái thẩm vụ án, khoản 2, 3, 4 Điều 291 bộ luật này cũng quy định các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai; vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
            Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cũng được quy định tại khoản 2 Điều 295: tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ
Với những quy định trên, vụ án Cimexcol dù đã được xét xử cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn đủ cơ sở và thời hạn để bắt buộc TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm vụ án.
              Còn theo Luật gia Trương Trọng Nghĩa: Phải minh oan - vì người đã khuất và người còn sống !
“Việc minh oan cho một người bị xử lý sai là cần thiết cho bản thân và gia đình người đó và cả cho Đảng và nhà nước. Làm oan sai, có hại cho người khác thì phải sửa, không sửa được thì chí ít cũng có cách minh oan và nhận lỗi. Đó là đạo lý và là công lý mà người càng có quyền to càng phải tuân thủ mới tạo được niềm tin của nhân dân.
              Vậy minh oan như thế nào và ai nhận lỗi? Tôi nghĩ, lãnh đạo Đảng cần có văn bản chỉ đạo việc xem xét lại vụ án Cimexcol để có kết luận chính thức về việc xét xử ông Năm Hạnh. Việc xem xét lại này có thể giao cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát và kết luận. Nếu kết luận là ông Năm Hạnh không có tội hoặc có khuyết điểm nhưng không đến mức phải xử lý hình sự, tức là đã bị xử oan thì Ủy ban Tư pháp cần nghiên cứu xem luật hiện hành có cho phép tái thẩm hay không. Nếu do ông Năm Hạnh đã mất hoặc do luật định khiến việc tái thẩm đối với ông có thể không khả thi về luật pháp, Quốc hội có thể ra một nghị quyết đặc biệt về vụ án Cimexcol và nêu những kết luận về những trường hợp oan sai, đặc biệt đối với ông Năm Hạnh. Nghị quyết này là văn kiện minh oan chính thức cho những nạn nhân của vụ án, để họ nếu còn sống hoặc gia đình họ nếu họ đã chết sử dụng trong mọi quan hệ cá nhân và xã hội khi cần thiết. Còn nhận lỗi? Tòa án tối cao có thể đứng ra xin lỗi, vì tòa án của nước CHXHCN Việt Nam từ vụ Cimexcol đến nay vẫn là một, người lãnh đạo mới có thể kế thừa về thành tích thì tại sao lại không thể kế thừa về trách nhiệm làm oan sai?”
             Luật gia Đàm Việt (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) thắc mắc: Đầy mâu thuẫn mà sao vẫn xử?
“Qua những thông tin trên Báo Pháp Luật TP.HCM, tôi thấy bản án đã dựa vào những chứng cứ mâu thuẫn và mang nặng tính suy diễn. Vì sao tòa án không cố gắng giải tỏa những mâu thuẫn ấy thông qua việc điều tra kỹ lưỡng rồi hãy xét xử?
            - Về hành vi không cải tạo đoàn xe của ông Dương Văn Ba, án tòa cho rằng bị cáo Lê Văn Bình (Năm Hạnh) đã thiếu kiên quyết cải tạo đoàn xe để sau này Ba bán đoàn xe, bỏ túi riêng. Song theo ông Năm Hạnh, việc cải tạo đoàn xe diễn ra vào năm 1980, thời điểm đó bị cáo còn là trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Lợi nên không biết. Đến cuối 1986, bị cáo được bầu làm chủ tịch tỉnh. Thời điểm đó đã có Chỉ thị 16 của Ban Bí thư ngưng cải tạo công thương, bị cáo không thể cải tạo đoàn xe vì làm như vậy là chống chủ trương đổi mới.
            - Về việc sử dụng Dương Văn Ba, tạo điều kiện để ông Ba phạm tội: Theo ông Năm Hạnh, ông không phải là người nhận Ba vì vào đầu năm 1983, khi Cimexcol mới thành lập, bị cáo đang làm chủ tịch huyện Giá Rai, chưa về UBND tỉnh.
              - Về việc thiếu kiểm tra hoạt động của Cimexcol, để cho Cimexcol phạm tội, ông Năm Hạnh cho biết ông không có tên trong năm thường vụ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ kiểm tra Cimexcol.
             -  Về việc bảo lãnh cho Cimexcol Minh Hải vay vốn, ông Năm Hạnh giải thích Cimexcol là đơn vị thử nghiệm kinh doanh theo cơ chế mới, ngân sách không cấp vốn, đơn vị tự vay vốn, tự hoàn vốn. Nếu không bảo lãnh thì làm sao Cimexcol có vốn kinh doanh. Mặt khác, khi Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla thì sao lại kết tội bị cáo?
               Về bảo lãnh lô hàng cà phê Cimexcol mua trong nước, xuất khẩu bằng quota Lào, việc ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng này là do ông Lê Khắc Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc Minh Hải liên kết với TP chứ không phải là ông Năm Hạnh...
           Mặc dù các chứng cứ kết tội còn nhiều khập khiễng như thế nhưng Tòa tối cao vẫn xử phạt ông Năm Hạnh một năm tù (cho hưởng án treo) về tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tôi đã rất ấn tượng với những con số thăm dò dư luận về việc xét xử vụ án Cimexcoil như: không đồng tình xử vụ án: 70%; vụ án phản tác dụng: 92%; qua phiên tòa thiếu lòng tin, nghi ngờ pháp luật: 93%; bị cáo có công hơn có tội: 86%; đề nghị xử lại hoặc hủy bỏ bản án: 96%... Tôi cũng đã rất xúc động khi được biết đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông Năm Hạnh vẫn tiếp tục yêu cầu, mong muốn được trung ương minh oan vụ án. Để người đã khuất và các thân nhân còn sống đều được an lòng, tôi đề nghị VKSND tối cao và TAND tối cao sớm xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm.”.
              Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP HCM) khẳng định: Làm sai, đừng ngại sửa
“Tôi đã đọc cả loạt bài và điều đọng lại trong tôi là khi ông Năm Hạnh qua đời, trong điếu văn vẫn gọi ông là nguyên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhưng án oan của ông vẫn còn treo lơ lửng cho đến bây giờ.
             Lẽ thường, có sai có sửa. Nếu có căn cứ cho rằng việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì viện trưởng VKSND tối cao cần xem xét, kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại vụ án. Việc sửa sai không chỉ vì trách nhiệm, lương tâm, đạo đức mà còn là nghĩa vụ phải làm của những người có thẩm quyền.
           Việc ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được xem là điểm son của pháp luật tố tụng hình sự. Qua đó, chính quyền đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo thuận lợi cho các công dân được bình đẳng về mặt pháp lý. Chính vì thế, việc lật lại vụ án đã được xét xử sai từ năm 1989 dẫu có muộn nhưng là điều cần làm để không chỉ có ông Năm Hạnh mà nhiều bị cáo khác được minh oan, bảo đảm được sự công minh của pháp luật”.
Đ.H.L
(còn tiếp)
--------------

5 nhận xét:

  1. Đến đây,sau mấy kỳ viết về vụ án này thì người đọc
    cũng có thể kết luận là có sự "oái oăm" hay "éo le"
    về số phận nhân vật Dương Văn Ba !
    Trước đây,ông ta có tội,dù ngây thơ như ông ta biện
    bạch trong hồi ký (đăng trên basam.wp) nhưng ông ta
    vẫn ăn nên lám ra nhưng từ sau ngày thống nhất,ông
    ta vô tội với chế độ mới thì lại bị trừng phạt !
    Đúng là số phận trêu ngươi !
    Chính ông ta là người trong cuộc (làm báo) mà làm
    như kẻ bàng quan nên viết về báo chí thời đó ông
    ta vẫn tưởng mình không có trách nhiệm gì trong
    việc miền Nam mất,dù sau 1975 ông ta mới biết là
    nhiều ký giả thời đó nằm vùng cho Việt cộng.
    VNCH.mất là phải vì dân miền Nam ngây thơ qúa
    nên tình báo VC.hoạt động dễ...ăn cháo !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dương Văn Ba nhận giấy tha tù khi... đã tự do bên Lào.

      Xóa
  2. "công đầu" trong vụ án oan cimexcol phải kể đến Ủy ban kiểm tra Trung ương đứng đầu là đồng chí Trần Kiên. Vì Cimexxcol liên quan đến cán bộ do BCT và BBT quản lý nên Trần Kiên phải nhảy zô để kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Nhưng do trí ngắn tâm cùn, nên Trần Kiên và UBKT TW đã quyết định chuyển để khởi tố hình sự. Nếu UBKT TW chỉ ra mức án kỷ luật cảnh cáo ông Năm Hạnh thì ông không bị truy tố. Nhưng sự ngu xuẩn trong tư duy của Trần Kiên và bộ sậu UBKT TW của ông đã quyết khai trừ đảng ông Năm Hạnh nên ông mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tư duy cũ kỹ là làm người tốt bị hàm oan.
    Còn hiện nay, tư duy nào mà UBKT TW chỉ ra quyết định luật ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra chính phủ? Trong khi khối tài sản của ông ta được hình thành trong hời gian tại chức đã quá rõ. Không tham nhũng thì từ trên trời rơi xuống à? Làm thúi móng tay ư? Hãy về Bến tra thì biết người dân BẾn Tre làm thúi móng tay như thế nào vẫn không đủ ăn. Cũng cùng là đối tượng do BCT, BBT quản lý, người thì bị tù oan, người thì được bao che cho mức án kỷ luật cảnh cáo. "Cảnh cáo" đồng nghĩa với bao che. Nếu khai trừ đảng thì thôi rồi, ông truyền đâu được ngồi yên mà hưởng thụ.

    Trả lờiXóa
  3. Luật Pháp dưới Chế Độ cộng sản trị rất công minh...Xử đi xét lại cũng rất dễ dàng.
    Cảm ơn bài viết .

    Trả lờiXóa
  4. Thằng cha Phạm Hưng này đúng là sản phẩm của chủ nghĩa ngu dốt..lưỡi ko xương nhiều đường lắt léo...đọc phần 1 và đọc phần này mới thấy kinh tởm loại người cơ hội như nó..

    Trả lờiXóa