![]() |
Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu khẳng định sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 3-3. Ảnh: UPI |
Ngày 1-3, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu
(Benjamin Netanyahu) đã tới Oa-sinh-tơn, bắt đầu chuyến thăm Mỹ trong hai ngày
gây nhiều chú ý trong dư luận. Phát biểu với báo giới tại sân bay Ben Gurion
gần Ten A-víp, Thủ tướng I-xra-en đánh giá chuyến thăm Mỹ lần này là một sứ
mệnh lịch sử.
Phát biểu của ông B.Nê-ta-ni-a-hu ám chỉ tới nỗ lực
ngăn chặn một thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 trong bối cảnh cuộc
đàm phán đang đi vào giai đoạn quyết định. Ông B.Nê-ta-ni-a-hu sẽ có bài phát
biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày 3-3 để nói về “mối nguy hiểm từ
chương trình hạt nhân của I-ran”, nhằm giải thích lý do tại sao lại phản đối
thỏa thuận này. Dự kiến trong bài phát biểu, ông B.Nê-ta-ni-u sẽ hối thúc các
nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật áp đặt thêm các đòn trừng phạt I-ran trong
lúc nước này đang đàm phán với nhóm P5+1 vì lo ngại chính quyền Tổng thống
B.Ô-ba-ma sẽ có nhiều nhượng bộ.
Tuy nhiên, chuyến thăm cũng như sự kiện phát biểu
trước Quốc hội Mỹ của ông B.Nê-ta-ni-a-hu lại không được Tổng thống B.Ô-ba-ma
và các quan chức cấp cao Nhà Trắng hoan nghênh. Việc Thủ tướng I-xra-en tới
thăm Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Giôn Bâu-nơ
(John Boehner) đã khiến Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma không mấy hài lòng và tuyên bố
không gặp ông B.Nê-ta-ni-a-hu trong thời gian ông có mặt tại Oa-sinh-tơn. Tuy
nhiên, một cách tế nhị, ông B.Ô-ba-ma viện lý do là để tránh gây cảm nhận
Mỹ đang tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại I-xra-en vào ngày
17-3 tới.
Cũng dễ hiểu vì sao chuyến thăm của nhà lãnh đạo một
nước đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông lại không được trông đợi như vậy.
Chuyến thăm của ông B.Nê-ta-ni-a-hu diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước
đang ở thời điểm thấp nhất trong nhiều năm qua, do bất đồng liên quan đến đàm
phán hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1. Oa-sinh-tơn không thể vui mừng chào đón
nhà lãnh đạo này khi trong thời gian qua, để chống lại khả năng thỏa thuận hạt
nhân được ký kết, ông B.Nê-ta-ni-a-hu đã có một loạt động thái nhằm gây sức ép
mạnh mẽ và tối đa với Mỹ hòng làm thất bại thỏa thuận này. Chính quyền
Oa-sinh-tơn đã công khai tuyên bố coi đây là hành động “chọc gậy bánh xe”, coi
chuyến thăm của ông B.Nê-ta-ni-a-hu là một mưu toan rõ ràng nhằm can thiệp vào
cuộc tranh luận của Quốc hội về khả năng đưa ra những lệnh trừng phạt mới chống
I-ran.
Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ không thể để có bất cứ sự cản
trở nào đối với thỏa thuận hạt nhân với I-ran trong bối cảnh ông sắp kết thúc
nhiệm kỳ thứ hai nhằm “ghi điểm” cho bảng thành tích đối ngoại trong hai nhiệm
kỳ của mình. Việc không tiếp đón Thủ tướng I-xra-en tại Oa-sinh-tơn của ông
B.Ô-ba-ma được cho là hành động có thể làm tổn hại đến quan hệ với đồng minh
I-xra-en, vốn có vai trò quan trọng với Mỹ.
Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ cản trở đối với thỏa
thuận hạt nhân được trông đợi, Tổng thống B.Ô-ba-ma mới đây tuyên bố, sẽ phủ
quyết mọi dự luật liên quan tới I-ran nếu Quốc hội do Đảng Cộng hòa nắm quyền
lãnh đạo thông qua vào lúc này. Ngày 1-3, nữ phát ngôn Hội đồng An ninh quốc
gia Mỹ (NSC), bà Bơ-na-đét Mi-han (Bernadette Meehan) cho biết, Tổng thống B.Ô-ba-ma
chắc chắn sẽ dùng quyền hiến định dành cho người đứng đầu cơ quan hành pháp để
bác bỏ dự luật vừa được trình lên Thượng viện, theo đó cho phép Quốc hội Mỹ cân
nhắc mọi thỏa thuận mà Mỹ và nhóm P5+1 có thể ký kết với I-ran. Dự luật cấm
chính quyền Ô-ba-ma hủy bỏ hoặc trì hoãn các đòn trừng phạt kinh tế chống I-ran
được Quốc hội thông qua 60 ngày sau khi ký hiệp định trên.
Không chỉ ông B.Ô-ba-ma phản đối sự kiện ông
B.Nê-ta-ni-a-hu đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ
Xu-dần Rai-xơ (Susan Rice) coi đây là hành động đưa tính đảng phái vào mối quan
hệ Mỹ - I-xra-en. Bà X.Rai-xơ cảnh báo, việc làm này có thể gây tổn hại mối
quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri cũng tuyên
bố, chính quyền Oa-sinh-tơn không muốn chứng kiến chuyến thăm Mỹ lần này của
ông B.Nê-ta-ni-a-hu “bị biến thành một trận đấu bóng mang tính chất chính trị”.
Gần một nửa người Mỹ cũng không hoan nghênh bài diễn
văn của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu trước Quốc hội nước này. Theo một khảo sát do
kênh NBC News và Nhật báo phố Uôn thực hiện, 48% số người được hỏi cho rằng,
việc Chủ tịch Hạ viện Giôn Bâu-nơ “qua mặt” ông chủ Nhà Trắng để mời Thủ tướng
B.Nê-ta-ni-a-hu thăm Mỹ là quyết định không hợp lý. Trong khi đó, chỉ có 30%
người tham gia khảo sát tán thành với quyết định trên.
Chuyến thăm của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu cũng vấp
phải những chỉ trích trong nội bộ I-xra-en, nhất là từ phe đối lập. Họ buộc tội
ông B.Nê-ta-ni-a-hu đang hy sinh mối quan hệ với đồng minh chủ chốt của
I-xra-en là Mỹ.
Mai Nguyên/ QĐND
---------------
Báo Nhân Dân (mà không phải của nhân dân), báo QĐND dùng lối phiên âm rất ngớ ngẩn!
Trả lờiXóaVD: Xu-dần Rai-xơ?
Họ còn gọi TT Bush là Tổng thống Bú-Sờ?!
thế mới mang tính nhân dân chớ
Xóa