|
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và "Tham ô tài sản” tiếp tục với phần xét hỏi.
Khai tại tòa, ông Đinh La Thăng cho biết, việc chỉ định PVC là tổng thầu xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong việc xây dựng PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, đạt doanh thu cao. Trong đó, PVC được chỉ đạo xây dựng trở thành đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của PVN. Từ đó, bị cáo chỉ đạo cho PVC thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Vẫn theo lời khai của ông Đinh La Thăng, đây là dự án được Thủ tướng chỉ đạo phải khởi công sớm, thực hiện cấp bách. Trong bối cảnh đó, nếu triển khai phương án liên doanh tổng thầu sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, nếu thực hiện phương án tổng thầu là nhà thầu trong nước thì sẽ triển khai sớm được. Vì vậy, bị cáo đồng ý cho PVC là tổng thầu thay phương án tổng thầu nước ngoài như dự định ban đầu.
Việc chuyển tổng thầu cho PVC là căn cứ vào năng lực cũng như tình hình thực tế của PVC khi PVN vừa bán cổ phần của PVC, thu về hơn 2.600 tỷ.
Ông Đinh La Thăng khai, Hội đồng thành viên làm việc qua các bộ máy giúp việc. Họ báo cáo PVC có đủ năng lực. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, đã đồng ý về mặt chủ trương để PVC thực hiện dự án.
Nhận tiền tạm ứng chi sai quy định
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử |
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai, khi PVC đang gặp khó khăn về tài chính, PVN chỉ đạo PVC nhận dự án Thái Bình 2, PVC rất mừng khi được làm tổng thầu dự án này. Bản thân bị cáo thời gian đó đã đi liên hệ với nhà thầu nước ngoài, dù biết năng lực PVC chưa thể làm được.
Theo Trịnh Xuân Thanh, thời điểm nhận thầu, năng lực tài chính của PVC có vấn đề tương đối, do việc đầu tư vượt vốn điều lệ. Nhưng khi PVC nhận được dự án thì là điều tốt vì có thể giải quyết được công ăn việc làm, tích thêm được kinh nghiệm và chắc chắn thực hiện dự án thì sẽ có lợi nhuận.
"Càng khó khăn mà tìm được việc làm là mừng, dù có thể PVC chưa đủ năng lực", lời Trịnh Xuân Thanh.
Vẫn theo lời khai của Thanh, các công trình PVN giao cho các đơn vị đều có tiền, được thanh toán rất tốt, thậm chí được thanh toán trước, nên việc nhận thêm dự án là thuận lợi chứ không khó khăn.
Trịnh Xuân Thanh khai, sau khi ký hợp đồng 33 và nhận được tiền tạm ứng, toàn bộ phần chi tiêu tiền tạm ứng này thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc. Kế toán trưởng báo cáo Ban giám đốc mà không cần báo cáo HĐQT.
Sau này, vào tháng 9/2011, bị cáo mới phát hiện ra việc chi tiêu sai quy định từ nguồn tiền tạm ứng dự án Thái Bình 2. Lúc này, bị cáo có yêu cầu báo cáo Tập đoàn.
Việc PVC góp vốn vào các dự án khác từ nguồn tạm ứng dự án Thái Bình 2 là sai. Khi đó anh Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng của PVC) rất bức xúc, có lên báo cáo bị cáo. Anh Đạt gần như khóc. Bị cáo đã có chỉ thị rất nhiều văn bản, yêu cầu không được triển khai dùng tiền từ nguồn vốn tạm ứng dự án.
PVC mất cân đối dòng tiền nhưng vẫn tiếp tục góp vốn vào các dự án khác bởi Tổng công ty mẹ lúc nào cũng vay được tiền.
Về lời khai này của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng của PVC) cho rằng, không có nguyên tắc nào mà ngân hàng lại cho vay để đi đầu tư góp vốn. Lúc đó không có cách nào khác là phải lấy tiền từ dự án Thái Bình 2 đem đi đầu tư.
T.Nhung / VnN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét