Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Xét xử ông Đinh La Thăng: Pháp luật nghiêm trị sẽ khiến tham nhũng phải co vòi

Đinh La Thăng,xét xử Đinh La Thăng,Tập đoàn dầu khí quốc gia,Bộ Chính trị,Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,Trịnh Xuân Thanh,PVC,Oceanbank
 Chỉ khi “luật pháp bất vị thân” thì mới có thể khiến những con sâu, những con bạch tuộc tham nhũng, những quan tham lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, rụt cổ, co vòi lại. 
Theo ghi nhận của báo chí, kết thúc ngày 16/11, bị cáo Đinh La Thăng đã tâm tư rằng, từ hôm phiên tòa diễn ra đến nay bị cáo rất băn khoăn, mỗi lần Viện kiểm sát luận tội là bị cáo lại thêm một tội mới, thêm tình tiết mới tăng nặng hơn. 
Dư luận đang chăm chú dõi theo phiên tòa xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). 
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,một quan chức cấp rất cao, từng giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị đã bị truy tố trước tòa. Điều này chứng minh cho tinh thần “luật pháp bất vị thân”, dù họ có là ai đi nữa, chức vị có cao đến mấy nhưng nếu vi phạm pháp luật, thì cũng bị tước bỏ quyền miễn trừ và bị xử phạt đúng người, đúng tội, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. “Luật pháp bất vị thân” từ cổ chí kim luôn được coi là nguyên tắc sống còn của pháp luật, của nhà nước pháp quyền. 
Theo dõi các phiên xử có thể thấy rất rõ, ở phần tranh tụng giữa các luật sư với công tố viên Viện Kiểm sát (VKS) tối cao, và cả ở phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng là người chủ mưu vẫn chưa thật sự thành khẩn (dù ông, với cương vị người từng đứng đầu ngành dầu khí đã gửi lời xin lỗi nhân dân, xin lỗi  Đảng, xin lỗi cán bộ nhân viên ngành). Sự thiếu thành khẩn của ông thể hiện ở chỗ, ông cố chứng minh mình hành động sai là do "thực hiện theo sự đồng ý của Bộ Chính trị". Tuy nhiên, trên thực tế không hề có văn bản nào thể hiện sự đồng ý của Bộ Chính trị với các quyết định sai trái của ông Thăng và các đồng phạm. 
Viện kiểm sát đã dẫn chứng chỉ ra sự quanh co, chối tội của ông Thăng qua bản Kết luận số 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển PVN, cũng như văn bản của Thủ tướng lúc đó. Qua đó, VKS kết luận: “Kết luận của Bộ Chính trị không đưa ra bất cứ quy định cụ thể nào yêu cầu PVN phải lựa chọn tổng thầu PVC và chỉ định để PVC đầu tư vào Nhiệt điện Thái Bình 2. Như vậy, lời khai của bị cáo Đinh La Thăng hoàn toàn không đúng”.  
Liên quan đến tội cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng, cơ quan công tố cũng chứng minh cho thấy, giai đoạn năm 2010, PVC đang gặp khó khăn về tài chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN biết rất rõ tình trạng của PVC, nhưng trong các báo cáo của PVN gửi Chính phủ lại không hề đề cập vấn đề này. Cùng với đó, kinh nghiệm tổng thầu, PVC chỉ thể hiện qua việc tham gia xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Nhơn Trạch 2, hoàn toàn không đủ năng lực để đảm trách tổng thầu dự án trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2 với số vốn hơn 34.000 tỉ đồng. Có một sự thực đã được đại diện VKS chứng minh rất rõ là, Bộ Chính trị chỉ đưa ra chủ trương chung về việc phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 nhằm xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn. 
Khai báo trước tòa, chính bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng thừa nhận, tại thời điểm đó PVC không có đủ năng lực làm.  
Như vậy đã rõ, PVN là doanh nghiệp do nhà nước quản lý, mục tiêu kinh doanh phải có lãi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tại PVN và vốn PVN đầu tư tại các dự án khác. Nhà nước giao nhiệm vụ cho vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN để phát huy giá trị, lợi ích, đồng thời yêu cầu phải tuân thủ pháp luật. Nhưng bị cáo Đinh La Thăng đã ưu ái nhóm thân hữu, bè phái để chỉ định nhà thầu kém năng lực, sau đó, lại chỉ đạo cấp dưới ở PVN và người liên quan ở Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 để tạm ứng tiền cho PVC trái quy định để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước. 
Ngay khi vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm được xét xử, trong dư luận có nhiều thông tin hồi cố rằng ông từng có ít nhiều đóng góp trong cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó, trước pháp luật mọi thứ đều phải rành rọt, phân minh. 
Nhiều người cũng nhắc lại những hình ảnh ấn tượng về ông Thăng sau khi ông được đề cử vào Bộ Chính trị, song họ dường như lại “phớt lờ” những sai phạm của ngành dầu khí dưới "triều đại" tư lệnh ngành Đinh La Thăng. Ví dụ vụ đầu tư khai thác dầu nặng ở Venezuela, PVN đã "lách luật", bỏ qua tham vấn tỉnh táo bằng chuyên môn giúp Đảng, Chính phủ có quyết định sáng suốt. Và, cũng có thể còn nhiều vụ việc sai phạm khác ở PVN giai đoạn 2006-2011 đến ngay ông Thăng cũng đang lo lắng vì chưa dừng lại. 
Cho dù có biện minh thế nào thì những chứng lý trước tòa đủ cho thấy ông Thăng và các đồng phạm đã góp phần nung chảy một "quả đấm thép" của nhà nước mà hệ lụy của nó khó có thể đong đếm cho đủ. 
Khi cuộc chiến chống tham nhũng được củng cố bởi tinh thần quyết tâm của Tổng bí thư, được tiếp sức bởi sự nghiêm minh của pháp luật, chúng ta càng thấy hậu quả kinh tế nghiêm trọng từng xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashine), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), dù đã gần chục năm trôi qua nhưng vẫn chưa thể hồi phục, thậm chí có “quả đấm thép” đã tan chảy không gì khôi phục lại được. 
Dẫn chứng như vậy để thấy, dù có biện minh thế nào thì cũng không thể xóa được trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong việc góp phần dung dưỡng các nhóm lợi ích lũng đoạn và thao túng chính sách quốc gia, chiếm đoạt công quỹ của nhà nước và nhân dân tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Mỗi một sự việc cụ thể có bối cảnh và nguyên nhân của nó, do vậy xem xét toàn diện trong xu thế vận động, phát triển và hướng về tương lai. Xử lý cán bộ không phải đánh một đòn chết tươi để con người ta không ngóc đầu lên được. Việc xử lý cốt để người ta khắc phục, sửa chữa, tiến bộ, cốt để người ta trưởng thành, tự nhận ra khuyết điểm để sửa. Đây chính là tư tưởng về công tác cán bộ của Đảng, của bác Hồ, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tinh thần độ lượng, khoan hồng của pháp luật. 
Qua theo dõi phiên tòa vụ “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” những ngày qua, tôi tin rằng, với tinh thần “luật pháp bất vị thân”, tới đây, vụ việc liên quan tới ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và vụ gây thất thoát  mất trắng khoản vốn 800 tỷ đồng cũng sớm được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, nghiêm khắc, nhân văn. 
Vì, chỉ khi “luật pháp bất vị thân” thì mới có thể khiến những con sâu tham nhũng, những con sâu lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, rụt cổ, co vòi lại. 
Quốc Phong /VnN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét