Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Trịnh Xuân Thanh, lợi ích nhóm và thế giới văn minh

Nóng bỏng trên báo chí và các trang mạng truyền thông những ngày này, chính là vụ việc Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an Việt Nam- đầu thú.
Vụ việc bắt đầu từ hiện tượng ông này đi xe Lexus tư nhân (giá 05 tỷ đồng) nhưng gắn biển xanh. Và chiếc biển xanh như “vết dầu loang”, cứ … loang dần, loang dần, cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận ông này phải chịu trách nhiệm chính trong việc PVC (Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí VN) thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét. Như một phép thần kỳ, Trịnh Xuân Thanh bỗng biến mất khỏi Việt Nam không để lại dấu vết. Chỉ để lại cho báo chí, các trang mạng XH tốn quá nhiều phím mực bàn luận.
Trở về Việt Nam, với gương mặt hốc hác, ảo não, với “Đơn tự thú” viết nguêch ngoạc, đầy lỗi chính tả buồn cười, trả lời phỏng vấn trên chương trình thời sự VTV1 tối 3/8, Trịnh Xuân Thanh nói “tôi về để đối diện với sự thật”. Có điều, cho đến tận lúc này, vây xung quanh “hành trình trở về” của Trịnh Xuân Thanh vẫn là một tấm màn “bí mật”, không rõ sự thật ra … răng? Cũng bí mật như lúc Trịnh Xuân Thanh biến mất, sự trở về của nhân vật này một lần nữa khiến dư luận XH tốn không ít phím mực, bàn cãi kiểu sư nói sư phải vãi nói vãi hay.


Tấm màn “bí mật” đó được báo chí nước ngoài vén lên, quả thật đã gây sốc lớn cho dư luận xã hội.  Đó là theo hãng AP, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cáo buộc tình báo Việt Nam liên quan đến một vụ việc được cho là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đồng thời yêu cầu một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức rời nước này trong vòng 48 giờ. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo chính thức trên website yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay trở lại Đức ngay lập tức để xem xét hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý. Hiện các cơ quan thực thi pháp luật của Berlin đang tiến hành điều tra (Tuổi trẻ, ngày 3/8)
Quả thật chưa bao giờ trong mối bang giao giữa hai nước Việt Nam- CHLB Đức lại có thể xảy ra những việc ầm ĩ kiểu này.
Còn tại cuộc họp báo chiều 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2-8″. Và cũng cho biết: Trước đó, theo thông báo ngày 31-7 của Bộ Công an Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang tiến hành điều tra.
Thông tin của hai quốc gia vốn có quan hệ hợp tác tốt đẹp lâu nay khiến cho dư luận XH người Việt bỗng nhiên …. phân hóa. Mặc dù dư luận tích cực đều ủng hộ cho rằng phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để xử lý nghiêm minh theo những quy định của pháp luật. Vì đằng sau Trịnh Xuân Thanh là bóng dáng của một đường dây lợi ích, tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tàn phá đất nước, cần phải được bóc gỡ. Nhưng sự phản ứng về cách bắt Trịnh Xuân Thanh mà thông tin phía Đức đưa ra chính là “nút thắt” đầy kịch tính đẩy dư luận XH người Việt vào sự bàn cãi đa chiều, người tám lạng kẻ nửa cân, bất phân thắng bại.
Phía băn khoăn lo ngại cho rằng, không thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện, bất cần phương pháp, bất cần hệ lụy quốc gia, chỉ cần thỏa mãn mục đích lợi ích quyền lực, bởi trong thế giới văn minh mà Việt Nam đang hội nhập, quốc gia nào cũng “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”.
Nhưng cũng có câu hỏi đặt ra: Trịnh Xuân Thanh là nghi can tham nhũng, bị truy nã quốc tế. Tội này, quốc tế đã có cả một văn bản mang tính lịch sử- Công ước Liên Hiệp Quốc phòng chống tham nhũng, được thông qua ngày 31/10/2003. Nếu CHLB Đức cho Trịnh Xuân Thanh một quy chế tị nạn không dẫn độ về Việt Nam, vô tình, liệu điều đó có ý nghĩa thế nào?
Phía khác bênh vực thì cho rằng, có thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Bởi nếu không thì sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh theo kiểu nào, nếu như chẳng chóng thì chầy, biết đâu ông ta sẽ xin được làm “dân tị nạn”. Rằng, hiện tượng “bắt cóc” như Trịnh Xuân Thanh không phải là hiện tượng hiếm trên thế giới.
Theo BBC, ngày 3/8, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở t/p Hồ Chí Minh cho biết: Năm 1967, Hàn Quốc từng bị Cộng hòa Liên bang Đức phản đối việc “bắt cóc” 17 công dân Hàn Quốc tại thủ đô Born, Cộng hòa Liên bang Đức, để đưa về Hàn Quốc xét xử hình sự. Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên có việc “bắt cóc” công dân nước ngoài tại Đức.
Nhưng người viết cũng nhận được ý kiến của những chuyên gia am hiểu vấn đề này ở Đức cho rằng, không nên đánh đồng hai hiện tượng này như nhau, vì thời thế và bản chất hai câu chuyện khác nhau. Một bên là tội phạm chính trị (vụ Nam Hàn), một bên là nghi can tội phạm kinh tế (vụ Trịnh Xuân Thanh). Khi đó, Đức (đồng minh của Nam Hàn) tuy có dấu hiệu rõ về “bắt cóc” nhưng không chứng minh được tội của mật vụ Nam Hàn. Nam Hàn sau đó công khai xin lỗi Đức về vụ này trong Công hàm 7/7/67, thú nhận không phải toàn bộ 17 người này là “tự nguyện” trở về.
Người viết bài cho rằng xét cho cùng, có bắt cóc hay không và sự tranh cãi của dư luận XH chỉ là của những người ngoài cuộc. Chỉ có Trịnh Xuân Thanh và những người chứng kiến anh ta về Việt Nam bằng cách nào là… hiểu rõ nhất.
Phía nước Đức, các cơ quan thực thi pháp luật vẫn đang điều tra, thu thập thêm chứng cứ. Bởi đến thời điểm này, vẫn chưa có được chứng cứ xác thực nhất, chứng minh cụ thể ông này bị bắt cóc ngay tại giữa thủ đô Berlin ra sao, như thế nào. Câu trả lời vẫn ở thì sắp tới.
Còn phía Việt Nam, lúc này, Trịnh Xuân Thanh đang là người có cùng “lợi ích”. Bởi ông ta đã có mặt ở Việt Nam, xin đầu thú, làm “đơn tự thú”, tức là về hình thức ông ta tự nguyện tự giác “nộp mình” để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước Việt Nam. Vậy thì việc nước Đức đòi nhà nước Việt Nam trả lại ông ta để xem xét đơn xin tỵ nạn bỗng trở nên thừa?
Xưa nay trong các cuộc đấu cờ, kẻ thắng chưa hẳn là kẻ nắm vững luật chơi. Mà là kẻ có nhiều… mẹo mực. Nhưng mẹo mực sẽ dễ gặp mẹo mực. Như vụ việc mới đây khiến dư luận XH thêm bất bình. Đó là việc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bỗng nhiên bị thất lạc- một trò mèo cũ rích nhưng rất “đúng quy trình”.
Trịnh Xuân Thanh, một kẻ nguyên là quan chức tầm tầm đã tha hóa, bỗng “có khả năng” đẩy cả quốc gia vào hoàn cảnh khó xử trong quan hệ quốc tế. Vụ việc ầm ĩ này chắc chắn là kinh nghiệm nhớ đời cho cung cách quản trị quốc gia.
Còn để phát triển một cách vững chắc, và đi lên theo thế thượng phong, quốc gia nào cũng vậy, phải nắm vững và tôn trọng luật chơi trong thế giới văn minh. Quan trọng hơn, xây dựng được một thể chế lành mạnh, môi trường XH trong lành, để hạn chế các vụ quan chức “đầu thú”, phải dùng mẹo mực với một ý chí- lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Bởi đó bao giờ cũng là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại.
Và quốc gia đó vẫn mang tiếng thiếu… tầm nhìn xa.
 Kỳ Duyên /(Blog Kỳ Duyên)   
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét