Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

‘Bóc ngắn cắn dài’, mặc ai trả nợ!

‘Vẽ dự án’ 230,000 tỷ đồng để làm đường cao tốc Bắc-Nam? TS kinh tế Phạm Chí Dũng. Không chỉ “tố” đến 230,000 tỷ đồng mà Bộ Giao Thông Vận Tải còn đòi chỉ định thầu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
“Hoang tưởng giai đoạn cuối”.
“Hoang tưởng giai đoạn cuối” vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Ngay cả vào lúc nền kinh tế đã “chắc suất” bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy của hoài mộng tìm đâu ra từng chục ngàn tỷ đồng để chi lương công chức, giới lãnh đạo quen mùi dự án hàng trăm ngàn tỷ vẫn nhuốm đầy ảo giác về “ăn ODA.”
Một trong những bằng chứng mới nhất về căn bệnh “uống thuốc liều” như thế là Bộ Giao Thông Vận Tải mới đây đã nhiệt tình đề xuất dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam với ước toán lên tới 230,000 tỷ đồng, trong đó đòi ngân sách chi đến 93,000 tỷ đồng.
Năm 2016, ngân sách nhà nước lại chẳng còn kết dư mà mọi hy vọng, nếu có, vẫn chỉ nhắm vào ODA.
Dĩ nhiên, “một bộ phận không nhỏ” trong dự án trên được kỳ vọng trích xuất từ nguồn vay ODA của ngân sách nhà nước.
Hiển nhiên cho tới nay, nhóm lợi ích ODA ở Việt Nam vẫn quyết liệt thực hiện chiến dịch không nương tay với những món vay mượn khổng lồ từ nước ngoài.
Trên một “mặt trận” khác, từ giữa năm 2015, cuộc chiến tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được bắt đầu, cũng xuất phát từ tâm điểm Bộ Giao Thông Vận Tải.
Đến Tháng Tám, 2015, như một hiệu lệnh, một số tờ báo nhà nước đồng loạt phất cờ hình ảnh “tư lệnh ngành” Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng: “Chúng ta nợ nhân dân đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
“Món nợ” quá thấm thía trên chắc hẳn được phát huy chiến quả từ thành công của chiến dịch vận động hành lang để dự án sân bay Long Thành phải được các cấp và các cơ quan liên quan “gật.
Chỉ có điều, thời thế ODA đã thay đổi khác hẳn, người tính không bằng trời tính. Dự án xây dựng sân bay Long Thành dù đã được bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải thời trước đại hội 12 là ông Đinh La Thăng quảng bá quyết liệt và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “chỉ đạo” gần 500 đại biểu quốc hội phải cúi đầu bấm nút, nhưng sau khi hoàn tất thủ tục đó thì vấn đề cực kỳ nan giải là “tiền đâu.”
Tiền đâu?
“Chỉ có” $15 tỷ, tương đương khoảng 330,000 tỷ đồng, nhưng cho tới giờ dự án sân bay Long Thành vẫn gần như giậm chân tại chỗ vì ngay cả tiền để làm dự án tiền khả thi cũng chưa đủ. Trong khi đó, trừ phía Nhật, hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn cực kỳ khiêm tốn.
Chỉ đến Tháng Mười, cuộc họp báo của ông Eric Sidgwick, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, công bố chiến lược và chương trình hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mới cho biết “ADB tiếp tục cho Việt Nam vay $1 tỷ/năm.” Như vậy, con số cho vay của ADB đối với Việt Nam là giảm so với những năm trước. Tình hình này là tương tự với các chủ nợ khác là WB) và IMF. Trong khi kinh tế đã suy thoái đến năm thứ tám liên tiếp và tình hình vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ, cánh cửa cho vay đối với Việt Nam cũng đang khép dần.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng, sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị $3 tỷ, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài Chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản. Từ năm 2009 đến nay, ngoài hai lần phát hành trái phiếu quốc tế được coi là “thành công” nhưng về thực chất đều do các tổ chức tài chính trong nước bị “ép” phải mua, không một chỉ dấu xán lạn nào cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nào quan tâm đến “giấy lộn” của chính phủ Việt Nam. Bằng chứng sống động nhất là 500 hồ sơ mà Ngân Hàng Nhà Nước gửi chào đối tác nước ngoài về mua nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa nhận được một hồi âm nào cho tới nay.
Thế còn kênh phát hành trái phiếu trong nước?
Hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán và chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Mối lo ghê gớm của chính phủ là hiện thời và trong tương lai gần sẽ lấy đâu ra tiền để thanh toán cho đống trái phiếu đến hạn của các ngân hàng thương mại? Lại phải in tiền và in tiền ồ ạt chăng?
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam còn có trách nhiệm phải trả nợ quốc tế đến ít nhất $12 tỷ trong tài khóa năm 2016 này.
Dứt mộng
Không thể khác được về cái cách hồi âm của Bộ Tài Chính cho Bộ Giao Thông Vận Tải: Mới đây, Bộ Tài Chính đã phải có văn bản trả lời về dự án đường cao tốc Bắc-Nam, trong đó đánh giá dự án này là “chưa có cơ sở,” “không hợp lý,” và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230,000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần.
Thực tế phũ phàng này rất có thể khiến giới lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải bẽ mặt. Bẽ mặt cho cả “đề nghị các cơ chế đặc biệt trong đó bao gồm cả việc chỉ định thầu” cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam mà Bộ Giao Thông Vận Tải đã lồng vào tờ trình gửi Chính phủ như thể “hốt cú chót.”
Cần nhận chân rằng đã qua thời hoang tưởng. Thời hoàng kim “mổ nội tạng” ngân sách cũng đã qua. Không phải là chục ngàn tỷ đồng, mà bây giờ thì tìm ra một ngàn tỷ cũng đã khó.
Nếu dự án sân bay Long Thành có vốn đầu tư $15 tỷ, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam còn cao gấp ba bốn lần Long Thành. Vào năm 2006, đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã khiến phản dội dư luận, không chỉ vì “tính cấp thiết” được thuyết minh quá sơ sài của nó, mà bởi vì con số tiêu tốn đến $33 tỷ và $55.8 tỷ năm 2010, tức chiếm đến 1/3 GDP của Việt Nam vào thời điểm đó, đã đạp thẳng lên đầu lương tâm.
Trong bối cảnh đen tối cả tiền đồng lẫn lương tâm ấy, “món nợ với nhân dân” mà “tư lệnh ngành” Đinh La Thăng hứa hẹn sẽ có quá nhiều triển vọng chất chồng thêm núi nợ ODA lên đầu 90 triệu dân chúng còm cõi ở đất nước “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S,” bất chấp tỷ lệ nợ công quốc gia sẽ thẳng cánh vượt trên ngưỡng nguy hiểm 65% GDP (theo báo cáo chính thức) hoặc có thể vọt lên 150% (theo giới phản biện độc lập) và không biết bao nhiêu đời con dân nước Việt phải oằn lưng trả nợ.
Còn ông Đinh La Thăng đã trở thành ủy viên bộ chính trị và chuyển hẳn sang hoạt động chính trị.
Cứ như một thứ tạo phản ngược với tạo hóa, ngân sách càng khốn quẫn, phong trào chấm mút càng lao nhanh lên điểm cực đại như thể không còn có ngày mai.
Chỉ có một nền ngân sách sụp đổ thì các dự án sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, và đường bộ cao tốc Bắc-Nam mới tạm dứt mộng “nuốt ODA” của chúng.
(BĐX)
-----------

6 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 14:27 1 tháng 11, 2016

    Bài viết nói lên ba vấn đề hệ trọng.

    Thứ nhất, ý nghĩa câu thành ngữ BÓC NGẮN CẮN DÀI.
    Bản thân câu này không mang ý nghĩa xấu, nó chỉ phản ánh sự khó khắn túng quẫn của người nghèo mà thôi.
    Cũng như câu thành ngữ GIẬT GẤU VÁ VAI.
    Trong những trường hợp khó khăn như vậy, nhưng vì quá cần thiết, người nghèo, người khó khăn, cần đi cầu cứu, cần vay mượn thì vẫn phải vay mượn, nhưng phải biết dùng đồng tiền vay mượn đó thế nào cho đúng để không lâm vào cảnh nợ nần quá nhiều.
    Ai đi vay nợ cũng phải nghĩ đến khả năng trả nợ
    Bộ GT đã nghĩ đến điều đó chưa?
    Không nói nhiều chắc mọi người đều hiểu?

    Bây giờ sang vế thứ hai của vấn đề: XIN ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH THẦU
    Ai cũng hiểu: Được nhận thầu là cơ hội "Vớ bở"
    Thế là Bộ giao thông muốn đi vay để kiếm chác, chứ họ không nghĩ đến chuyện bảo vệ chất lượng công trình, họ không ý thức được vai trò của người chủ đầu tư, mà họ chỉ muốn có cơ hội để ăn bớt, để giở trò CƠM CHẤM CƠM.
    Nếu anh là người sử dụng, anh có nhu cầu đầu tư, anh đi vay thì anh phải là CHỦ ĐẦU TƯ, anh phải nghĩ đến số tiền phải sử dụng tiết kiệm nhất, đạt hiệu quả công trình tốt nhất.
    Vậy mà anh muốn được chỉ định thầu để ăn lãi? Và công trình do anh "nhận thầu" đó có đảm bảo chất lượng không? Ông chủ vừa đá bóng vừa thổi còi đó có công tâm không?
    Trời biết.

    Vấn đề thứ 3 nghiêm trọng hơn cả là CÓ THỰC SỰ cần phải ĐI VAY MỘT ĐỐNG TIỀN KHÔNG LỒ ẤY ĐỂ LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC NAM HAY KHÔNG?
    Cách đây 5 năn, các nhà khoa học đã bàn kỹ rồi.
    Không cần thiết.
    Rất đắt đỏ và rất nguy hiểm.
    Người ta đã làm những bài toán so sánh Công nghệ Nhật Bản, Công nghệ Mỹ và công nghệ TQ, rồi người ta kiên quyết ngăn cản ra sao?
    Có ai dám nói rằng hôm nay họ đề xuất lại, không phải vì họ đã nghiên cứu kỹ và đề xuất giải pháp xứng đáng.
    Hôm nay họ đề xuất lại, chỉ vì họ vẫn háo hức một mối hời, không thúc đẩy để kiếm chác thì uổng quá, vậy thôi
    Một đất nước đang nợ ngập đầu mà vẫn muốn đi vay để làm bậy!!!

    Trả lờiXóa
  2. Sống dưới chế độ này chỉ thấy toàn Nhiễu Nhương là cụ thể . Cuộc sống được cho là Tươi đẹp xa hoa chỉ có một Nhúm Bất tài , còn lại Sống trong tốt đẹp Ảo , không Tên nào giám công bố số nợ Bình quân cho Đầu người công Dân Việt Nạm . Quốc hội của ĐCSVN gọi là quyết Dân è cổ chịu
    Sóng chết mặc bay Tiền tao đầy túi .
    Thế hệ mai sau tha hồ trả nợ , Tương lai Tươi Đẹp đến thế là cùng ./.

    Trả lờiXóa
  3. Sân bay Biên Hòa ,Tân Sơn Nhất,Cần Thơ,Cam Ranh....quá nhiều và quá lãng phí rồi.
    Ai đã lấn chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất thì phải trả lại để nối dài thêm đường băng cho an toàn thế thôi.
    Chỉ vì ăn và phá thì vay bao nhiêu cũng không đem lại ít lợi gì mà chỉ thêm hại đất nước.Anh Nguyễn Bá Thanh đâu nói chơi cho sướng mồm đã ăn mà còn cứ phá.
    Từ một đảng tốt đẹp đến một Chính phủ năng động và trong sáng nay chỉ là đám giành chức giành quyền chỉ để ăn và phá.
    Mong rằng các Chính phủ nước ngoài không cho vay ODA vớ vẫn,vì sau này chúng tôi dứt khoát không trả vì lí do đơn giản là cho vay để phá hoại đất nước chúng tôi.
    Con cháu chúng tôi cũng sẽ khôn ra mà đấu tranh với các bạn đấy.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
  4. Một lũ chuột nhớp nháp,rất gớm tởm,con nào con nấy to mập béo tròn và đầy rẫy vi trùng nguy hiểm !

    Trả lờiXóa
  5. Sao họ cứ đòi nới trần nợ công ? tư duy nhiệm kì chỉ cốt thu vén có nhiều dự án càng to càng tốt để thu hoa hồng lại quả...vô trách nhiệm với đời con cháu.Không biết ai làm cái lồng cơ chế để kiểm soát quyền lực đây ? Tam quyên không phân lập, quốc hội không chuyên trách...vừa đá bóng vừa thổi còi...bảo sao không nguy cơ sụp đổ ?

    Trả lờiXóa
  6. CNCS là vậy đấy - Làm chủ tập thể, tức là làm con nợ tập thể, nợ chung không ai khóc, thằng này nghĩ việc trả nợ là của thằng kia, không phải việc của mình, việc của mình là giành ăn!

    Trả lờiXóa