Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Việt-Mỹ phải tiếp tục nỗ lực từ hai phía

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 
còn nhiều không gian để phát triển

Trước thềm chuyến thăm thăm chính thức Hoa Kỳ của  Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 20 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (12-7-1995/12-7-2015), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã dành riêng cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân một cuộc trả lời phỏng vấn ngay tại thủ đô Oa-sinh-tơn. “Hoa Kỳ xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách “tái cân bằng”, trong việc duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung”- Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
TPP là cơ hội lớn
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 20 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, có thể thấy điểm nổi bật nhất của quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ là việc hai nước từ cựu thù trở thành đối tác, tiếp đó là đối tác toàn diện. Từ cuộc chiến tranh khốc liệt đến cuộc cấm vận dài 20 năm, 2 thập kỷ vừa qua là thời gian chuyển biến mạnh mẽ mà kể cả những người trong cuộc cũng không thể hình dung trước được mức độ.
Trong bước tiến lớn này, chúng ta có thể lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
Thứ nhất là Việt Nam và Hoa Kỳ công nhận thể chế chính trị của mỗi nước, hợp tác cùng có lợi trên cơ sở mối quan hệ đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai là lĩnh vực thương mại và đầu tư đã trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ. Vào thời điểm trước năm 1995, kim ngạch thương mại song phương chưa đến 500 triệu USD. Thế nhưng đến cuối năm 2014, con số này đã gấp hơn 70 lần. Hợp tác thương mại và đầu tư không chỉ tăng mạnh về số lượng mà chất lượng cũng rất tốt với các ngành công nghệ cao, nông nghiệp… Thứ ba là hợp tác Việt Nam– Hoa Kỳ ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực mà nổi bật là khoa học– kỹ thuật, giáo dục– đào tạo. Vào giai đoạn đầu sau khi bình thường hóa quan hệ, chỉ có khoảng 800 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập, song hiện nay khoảng 16.500 người đang học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Thứ tư là việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy độc, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh đã từng bước trở thành vấn đề trọng tâm của cả hai nước.
Tuy vậy, tôi cho rằng, vấn đề này còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là phía Hoa Kỳ cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh. Thứ năm là cùng với việc phát triển quan hệ song phương, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực đa phương, nhất là ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á– Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. Hoa Kỳ xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách “tái cân bằng”, trong việc duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á– Thái Bình Dương nói chung.
Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước cũng được thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước và việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013. 
PV: Theo Đại sứ, lĩnh vực nào có tiềm năng phát triển nhất trong quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dựa vào tiềm năng và theo dõi quá trình hợp tác trong thời gian qua, có thể thấy quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ còn rất nhiều không gian để phát triển hơn nữa. Thứ nhất về lĩnh vực chính trị hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, trên cơ sở các nguyên tắc của quan hệ. Điều này không chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao mà còn cần những cuộc đối thoại thẳng thắn, không áp đặt về những vấn đề khác biệt như dân chủ, nhân quyền, cách nhìn nhận về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Rõ ràng, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể chế chính trị và xã hội khác nhau nên cách áp dụng chính sách và vận hành bộ máy nhà nước cũng khác nhau. Để hiểu biết lẫn nhau  cần nỗ lực của cả hai phía. Việt Nam phải hiểu Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng phải hiểu Việt Nam và hai nước cùng tôn trọng những giá trị của nhau thì mới tạo dựng được quan hệ thực sự hiểu biết, tin cậy.
Thứ hai là thời gian tới sẽ có thêm 2 động lực để lĩnh vực thương mại– đầu tư tiếp tục là điểm nổi bật trong quan hệ song phương. Trước tiên là Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, ổn định và hội nhập sâu, rộng. Bên cạnh đó, hai nước cùng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù TPP có cả mặt thuận và mặt nghịch song nó thực sự vẫn là cơ hội rất lớn. Hiện nhiều mặt hàng của Việt Nam đang phải chịu hàng rào thương mại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Những rào cản này sẽ được dỡ bỏ khi TPP ra đời.  Nếu doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sản xuất tận dụng được cơ hội đó thì hàng hóa  Việt Nam sẽ tranh thủ được thị trường Hoa Kỳ có sức tiêu thụ rất lớn. Tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như Westinghouse trong lĩnh hạt nhân dân sự hay Boeing, Microsoft, Nike… Họ đều đang trông chờ vào TPP để mở rộng làm ăn ở Việt Nam. Ví dụ như Microsoft đang có kế hoạch nâng gấp đôi năng lực sản xuất ở nước ta. Tôi cho rằng, với những yếu tố nói trên, mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 50 tỷ USD trong vòng 5, 10 năm tới là hoàn toàn có thể.
Thứ ba là Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ trong lĩnh vực khoa học, giáo dục. Có lẽ, Hoa Kỳ vẫn đứng thứ nhất thế giới về sự đổi mới, sức sáng tạo trong lĩnh vực khoa học– kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam– Hoa Kỳ chưa có nhiều khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực này, mặc dù hai bên đã có một số chương trình hợp tác đào tạo, trong đó có đào tạo cho các cán bộ quản lý. Do vậy, cần nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên và đặc biệt là các cán bộ khoa học-kỹ thuật đầu ngành về phát minh và sáng chế. Tôi cũng mong dự án Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành hiện thực.
Một lĩnh vực nữa cũng đang tiếp tục được mở rộng ra cùng đà phát triển của quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ, đó là hợp tác về an ninh– quốc phòng. Về an ninh, hai nước đã hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin hay an ninh mạng. Trong lĩnh vực quốc phòng, tiếp theo Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác năm 2011, hai bên vừa qua đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng (6-2015).
Việc giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước cũng cần đẩy mạnh hơn nữa đặc biệt là các cựu chiến binh, thanh niên, sinh viên. Đây là việc quan trọng để thúc đẩy hai nước ngày càng hiểu biết nhau hơn.
Việt Nam và Hoa Kỳ cũng còn nhiều dư địa trong việc hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tại các tổ chức khu vực khi Việt Nam và ASEAN “song trùng” trong chính sách đối với các nước lớn. ASEAN hoan nghênh các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ có tiềm năng phát triển rất lớn và năm 2015 sẽ là một dấu mốc đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương khi hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ  ngoại giao và nhiều chuyến thăm cấp cao được thực hiện.
Đối thoại thẳng thắn, tôn trọng giá trị của mỗi nước
PV: Đại sứ nói rằng, lĩnh vực hợp tác an ninh– quốc phòng giữa Việt Nam– Hoa Kỳ đang trên đà vươn lên. Mối quan hệ hợp tác song phương này sẽ tác động như thế nào đến môi trường an ninh của khu vực Châu Á– Thái Bình Dương nói chung và tình hình Biển Đông nói riêng?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và bảo vệ Tổ quốc, không đi với nước này để chống lại nước khác. Đây là chủ trương nhất quán định hướng quan hệ giữa Việt Nam với tất cả các nước. Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ hay với bất cứ nước nào khác trong lĩnh vực quốc phòng– an ninh là nhằm nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc và cùng nhau góp sức vào nỗ lực chung xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.
Đối với vấn đề Biển Đông, nguyên tắc lớn nhất của chúng ta là bảo vệ chủ quyền đi đôi với bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Điều quan trọng là tất cả các nước cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các thỏa thuận đã đạt được trong khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chính vì vậy, chúng ta hoan nghênh mọi đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phù hợp với nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng phản đối những tuyên bố, những hành động đi ngược lại luật pháp quốc quốc tế, vi phạm UNCLOS 1982 và  những thỏa thuận ở khu vực.
PV: Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng để phát triển, song chắc chắn không phải tất cả đều là điểm thuận lợi. Đâu là trở ngại mà Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải vượt qua để tiếp tục cùng nhau tiến lên phía trước  thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Lợi ích quốc gia của Việt Nam hay lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ đều xuất phát từ đặc điểm về vị trí và thể chế chính trị của mỗi nước. Tuy lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ có nhiều điểm “song trùng” với lợi ích quốc gia của Việt Nam song không phải không có những khác biệt, “cọ xát”. Ví dụ ngay trong điểm sáng là lĩnh vực thương mại cũng có lúc “đấu nhau” quyết liệt, nhất là về việc hàng hóa Việt Nam bị áp đặt những rào cản thương mại. Cách tốt nhất để xử lý vấn đề này có thể là đẩy mạnh hợp tác trong những điểm đồng và hạn chế những bất đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ có sự khác biệt về thể chế chính trị và cách tiếp cận trong một số vấn đề như dân chủ, nhân quyền. Điều tiên quyết để vượt qua trở ngại này là không được áp đặt mà phải chia sẻ thông tin, đối thoại thẳng thắn để tăng cường hiểu biết, tôn trọng các giá trị của mỗi nước.
Chuyến thăm lịch sử
PV: Có lẽ đối với đại đa số người dân Hoa Kỳ, Việt Nam hiện không còn được biết đến như là một cuộc chiến nữa mà là một đất nước, một đối tác. Tuy nhiên, thưa Đại sứ, cần phải làm gì để quảng bá hình ảnh Việt Nam hơn nữa tại Hoa Kỳ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam không hề xa lạ đối với người dân Hoa Kỳ. Thưc tế, hai chữ Việt Nam được biết đến nhiều ở Hoa Kỳ trong các thời điểm khác nhau. Thứ nhất là cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam từng tạo trong lòng Hoa Kỳ một trào lưu phản chiến, ủng hộ Việt Nam. Thế hệ đó tiếp tục mang thiện cảm với Việt Nam cho đến tận hôm nay. Thời điểm thứ hai là khi Việt Nam vượt qua hậu quả chiến tranh, tiến hành đổi mới thành công, ngày càng hội nhập và có vai trò quốc tế và khu vực hiện nay. Bên cạnh đó, hiện nay các học giả, nhà hoạch định chính sách và những người tham gia hoạt động xã hội ở Hoa Kỳ cũng thấy được vị trí quan trọng  của Việt Nam ở khu vực.
Tuy nhiên để quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển trên cơ sở ngày càng tin cậy lẫn nhau thì không chỉ những cá nhân có mối dây liên hệ với Việt Nam mà tất cả những người dân Hoa Kỳ bình thường cũng cần biết đến Việt Nam nhiều hơn. Để thực hiện được điều này, theo tôi, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao toàn diện từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đến ngoại giao cộng đồng… Chủ trương chung là vậy, song với những đặc thù của Hòa Kỳ, Việt Nam phải tận dụng các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ cũng như thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu nhân dân thông qua các tổ chức xã hội của bạn. Quan trọng hơn là tạo được thương hiệu Việt Nam trên các sản phẩm, bao gồm không chỉ các sản phẩm về kinh tế thương mại mà cả các sản phẩm về văn hóa, y tế hay khoa học-kỹ thuật.
Đơn cử nón lá và tà áo dài đã trở thành biểu trưng rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, một số món ăn như phở, bánh mỳ, nem hay chả giò cũng chính là “thương hiệu” của Việt Nam. Và còn nhiều nữa, nếu được quảng bá mạnh hơn, chính những “thương hiệu” như vậy lại rất dễ đi vào lòng người.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng phải có chính sách khuyến khích mỗi cán bộ, người dân Việt Nam dù đi công tác hay đi du lịch khi đến Hoa Kỳ thì cũng phải như một đại sứ văn hóa, đại diện cho dân tộc Việt Nam.    
Phóng viên: Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, đặc biệt vào dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có nhiều cuộc gặp quan trọng, đặc biệt là hội đàm chính thức với Tổng thống Ô-ba-ma cũng như các cuộc gặp quan trọng khác. Chuyến thăm là dịp để hai bên khẳng định lại các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, đánh giá lại những kết quả quan hệ trong 20 năm qua và chia sẻ tầm nhìn hướng tới tương lai, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác ổn định lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Bảo Trung-Ngọc Hưng (thực hiện)/QĐND
 (Tiêu đề dẫn LINK của BVB)
------------

5 nhận xét:

  1. Chỉ cần khoảng 3 năm (1988 khi TQ cướp Gạc Ma đến HNTĐ), quan hệ VN - TQ đã chuyển từ "kẻ thù truyền kiếp" thành ông bạn 4 tốt, 16 chữ vàng. Quan hệ Việt - Mỹ được đánh giá "2 thập kỷ vừa qua là thời gian chuyển biến mạnh mẽ mà kể cả những người trong cuộc cũng không thể hình dung trước được mức độ" cũng với ...16 chữ ... thì có "quá lạc quan" không?
    Lại còn chuyện dư luận đánh giá chuyến đi của ông Trọng - dân Việt (gần như với mọi chính kiến) đều ít ra là bằng lòng, các nước "TB giãy chết" cũng đánh giá nói chung là tích cực; nhưng mấy "đồng chí chí cốt" thì lại nghi kỵ (TQ), hoặc ... chẳng thấy ý kiến gì (ASEAN,Lào, CPC, Cuba, BTT). Vậy là sao ta?
    Chẳng lẽ con đường mang lại lợi ích cho dân tộc VN mâu thuẫn ghê ghớm đến mức các "đồng chí" cũng không OK được?

    Trả lờiXóa
  2. Vì đã hơn 70 tuổi, nên tôi đủ kinh nghiệm để không vồ vập với chuyến đi này của tổng Chọng. Cộng sản thì chẳng bao giờ thay đổi.
    Nhưng tôi có thêm khẳng định: chính khách chính trị, Obama, luôn có thể tự hạ thấp mình. Mới tuyên bố "Tiêu diệt CNCS!", nay mời trùm csVN vào Phòng Bầu Dục? Và nay tôi càng hiểu tại sao có làn sóng chống Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới? Họ không tin Mỹ! Nhất là khối Ả Rập, họ rất ghét sự dối trá! Chỉ cần một lần lừa dối họ, bạn sẽ bị họ đá đít.
    Đó là lý do CNCS, chủ nghĩa dối trá, không thể mon men xâm nhập các nước Ả Rập.

    Trả lờiXóa
  3. Trương Minh Tịnhlúc 12:28 10 tháng 7, 2015

    Tôi bảo đãm với quý vị nhé !-Ông Phạm Quang Vinh nầy không nói những gì mình nghĩ mà chỉ nói cái mà Đảng cho phép.
    Thế thì đọc làm gì mất thì giờ ?.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc kỹ sẽ thấy ông Đại sứ mặc cả với Mỹ về ý thức hệ , có nghĩa là chúng tôi vẫn tiếp tục là CS . Có gì thay đổi sau chuyến đi của ông Trọng thời gian sẽ trả lời . Tôi là người chỉ thích nhìn tận mắt , sờ tận tay , còn hót và nghe là tuyệt đối không tham gia .

      Xóa
  4. My dang tung buoc 'dau hang' cac bac nha ta roi. Cac bac cung 'dau hang' no mot chut di
    Bay gio cac bac co thua no bet nhe thi dan cang yeu qui cac bac hon thoi

    Trả lờiXóa