Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

> CON SÂU CÓ TỪ NĂM XƯA ẤY


              * MINH DIỆN
Loài người hãy cảnh giác!”
(Giuliux Phuxich – "Viết dưới giá treo cổ”)
                Ngôi từ đường họ Mai làng An Hạ vừa được tu sửa lại sau bao năm bị trưng dụng làm kho chứa phân của hợp tác xã. Trong buổi khánh thành, mọi người vui mừng đón một người của dòng họ đi xa gần sáu chục năm mới trở về.

Người đó là ông Mai Văn  Hiếu. Ngày ông bỏ làng đi, mới mười  tuổi, nay đã gần bảy chục, mái tóc bạc trắng. Nghe tin ông Hiều về, người họ Mai đến mừng, nhiều người làng An Hạ cũng tò mò đến xem mặt mũi ông ra sao? Bởi ví từ lâu dân làng hạ đã kể cho nhau nghe chuyện ông Mai Văn Trung là bố ông Mai Văn Hiếu bị giết oan trong cải cách ruộng đất và ông Mai Văn Hiếu mang theo kỷ vật của bố ra đi biệt tăm từ ngày ấy.
                  Hôm khánh thành từ đường, lúc chuẩn bị tế tổ tiên, ông Trưởng họ Mai nói với ông Mai Văn Hiếu:
                - Từ ngày chú đi, ở nhà bà con trong họ giỗ tết vẫn thờ cúng ông bà thân sinh chú. Hiềm nỗi không có tấm hình của ông, nên bài vị đành để trống. Nghe nói chú còn giữ được hình và kỷ vật của ông?
                Ông Mai Văn  Hiều vâng dạ, mở va li, lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ, trong  có tấm hình ông Mai Văn Trung đã ố mầu, và một  đầu đạn đã han gỉ.
                Ông Mai Văn Hiếu nói:
                - Thưa bác cả và bà con trong họ, đây là kỷ vật của bố tôi để lại, gần sáu chục năm bôn ba khắp nơi tôi vẫn mang theo người.
                Mọi người lặng lẽ nhìn tấm hình ông Mai Văn Trung. Những người trên dưới năm mươi tuổi, lâu nay chỉ nghe kể, giờ nhìn thấy hình  ông, đứng lặng đi như măc niệm. Và câu chuyện tưởng chừng quên lãng gần sáu mươi năm trước  được kể lại.
                 Ngày ấy, một buổi trưa tháng Sáu nóng như thiêu như đốt. Bỗng tiếng kẻng nổi lên  giục giã dân làng An Hạ tập trung ra đình làng.  Có người vừa bưng bát cơm chưa kịp ăn, phải đặt xuống  hấp tấp đứng dậy. Trên con đường nóng rát, người người cắm cúi bước đi, những bộ quần áo vá chằng vá đụp, những chiếc nón rách không vành tả tơi, nhìn như hình nhân bện bằng rơm.  Tôi, một đứa bé tám tuổi lũn cũn theo mẹ lẫn trong đoàn người đó.
                 Từ khi ‘Đội cải cách ruộng đất’ về làng, thẳng tay phát động quần chúng đấu tranh, thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, thường có những cuộc tập trung bất ngờ và lành ít dữ nhiều. Bây giờ trong ký ức của tôi vẫn hằn sâu những chuyện lạ lùng diễn ra trước đôi mắt tuổi thơ của tôi ngày ấy.
                 Đội cải cách về ém quân ở một  góc đình làng, tổ chức  bắt rễ vào những người nghèo nhất, thành phần cố nông, rồi xâu chuỗi với bần nông, và lựa chọn một ít trung nông lớp dưới, kết thành một khối để đấu tranh với phú nông địa chủ. Những người tiêu biểu được đội tin tưởng nhất gọi là cốt cán. Những cốt cán điều tra, lên danh sách, phân loại giàu nghèo trong làng và dự kiến thành phần bần cố nông, trung nông, phú nông, địa chủ. Sau khi danh sách được xét duyêt, đội chính thức phát động phong trào bình xét quy thành phần từ thấp lên cao. Từ đây những cuộc họp xóm, họp tổ, họp công khai, họp bí mật ngày đêm không dứt. Hễ nghe tiếng kẻng thì dù nửa đêm gà gáy cũng phải đi tập trung. Mọi người thấp thỏm chờ đợi sự may rủi sẽ đến với mình, gia đình mình, phải cảnh giác, giữ ý tứ từng lời ăn tiếng nói ngay từ trong nhà mình. Một bầu không khí ngột ngạt bao trùm lên làng xóm. Các cán bộ cốt cán soi mói rình rập khắp nơi.  Đêm đêm ánh đèn chai lập lòe trong những ngõ hẹp,  như những con mắt  loài cú vọ.

Nhiều "đội Cam" trong những cuộc
 hành quyết như thế  này
     Dân làng bắt chước nhau giả nghèo giả khổ. Đội cải cách chỉ tin người nghèo, càng nghèo khổ  càng được tin. Trước con mắt của đội chỉ giai cấp bần cố nông mới là con người chân chính. Trung nông là thành phần trung gian, phú nông là đối tượng theo dõi. Bọn địa chủ thì không còn được coi con người nữa mà là loài  rắn rết độc ác.
              Để phát đông lòng căm thù địa chủ, đội cải cách ruộng đất tổ chức chiếu đi chiếu lại  bộ phim “Bạch mao nữ” cho dân làng xem. Nhìn cảnh tên địa chủ Hoàng Thế Nhân hãm hiếp con gái người cố nông và bắt ông bố cô gái uống nước vôi tự tử mọi ngưởi cất tiếng hô đả đảo vang lên. Và  sự căm thù ấy vô tình trút lên đầu những người bị quy là địa chủ trong làng tôi.
                Họ bị dày xéo dẫm đạp, thân phận hèn yếu hơn một con dun không còn quằn quại được nữa. Ra đường không được đi thẳng, phải cúi gằm mặt, gặp người lớn, trẻ con đều phải  khoanh tay trước ngưc, cất tiếng chào “con chào ông, bà bần cố nông ạ!”. Họ bị đuổi ra khỏi nhà, sống nhếch nhác ở đầu đường xó chợ, bờ đê. Tất cả nhà cửa, của cải của họ từ lớn chí bé bị tịch thu chia cho bần cố nông.
               Tôi còn nhớ như in cảnh chia ‘quả thực’ ở làng tôi ngày ấy. ‘Quả thực’ là những thứ tịch thu trắng tay địa chủ: Từ nhà cửa, của cải đến vật dụng, gia dụng đem chia cho dân nghèo. Và bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi lại cảm thấy nhoi nhói trong tim. Người ta chia nhau từ gian nhà, con trâu, con bò, cái cày, cái bừa, đến cái xoong cái nồi, cái chén đôi đũa, chiếc áo, chiếc quần và cả cái bát nhang trên bàn thờ. Nói chung tịch thu của địa chủ cái gì chia quả thực cái ấy. Qủa thực được bình xét A, B, C, càng nghèo, càng đấu tố hăng càng được chia nhiều. Quả thực như rượu mạnh kích thích người nông dân nghèo lao vào cuộc  giành giật bất chấp tình làng nghĩa xóm, bất chấp cả luân thường đạo lý. Họ giành nhau từ cái chổi quét nhà. Có khi hai người được chia một cái bừa, không ai chịu nhường ai, liền cưa đôi mỗi người một nửa. Có người được chia cái cối đá không vác được, hì hục vần ra đường và cả cối lẫn người lăn tõm xuống ao…
                Làng tôi ngày ấy có hơn mười người bị quy là địa chủ, trong đó có tám người là địa chủ cường hào. Lúc đầu chưa tới mười địa chủ và chỉ có hai địa chủ cường hào, nhưng vì chưa đạt chỉ tiêu nên phải đôn phú nông lên địa chủ và đôn địa chủ thường lên địa chủ cường hào.
               Đến bây giờ có đêm tôi vẫn nắm mơ thấy cảnh hành hạ địa chủ hồi cải cách ruông đất. Họ phải quỳ hai đầu gối xuống giữa các cạnh chấn song cánh cửa  gỗ lim, trên đống mảnh chai  để ép  nhân tội và khai chỗ cất dấu của cải. Họ bị trói quặt tay ra sau lưng treo lên sà nhà. Họ bị  đổ nước điếu vào mũi cho sặc sụa…Những cảnh tra tấn, trả thù địa chủ trong phim Trung Quốc trở thành hiện thực ở làng tôi ngày ấy mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn dùng mình. Ôi, sự nguy hại khi làm theo bài Tàu! Người ta nói: Cách mạng là do mỗi nước, mỗi dân tộc, không thể "nhập khẩu cách mạng"; nhưng từ lâu, Tàu đã "xuất khẩu cách mạng" sang nước ta như thế!
                Khi đã đấu tố xong, đội cải cách tự  lập phiên tòa xét xử, đội trưởng đội cải cách ruộng đất vừa đại diện cho chính quyền, vùa làm công tố vừa làm chánh án, nghĩa là được quyền sinh quyền sát tùy ý! Phiên tòa như một cuộc đấu tố, tuyên án xong là xử tử hình ngay lập tức. Cái câu “Nhất đội nhì trời” từ ngày ấy hình như đến bây giờ dân làng tôi vẫn thường nhắc đến để chỉ những kẻ lộng quyền tàn ác.
               Tôi không muốn bới móc “đống rác cũ” càng không muốn gợi lại nỗi đau của người khác, nhất là nỗi đau của dân làng mình, nhưng tôi lại nghĩ nếu cố tình rải hoa lên đống rác thì nó vẫn bốc mùi, và nỗi đau càng nén càng âm ỉ nhói đau nặng thêm. Chi bằng hãy hét lên một lần, hét thật to để vơi bớt nỗi đau, để sau đó có thể hỷ xả như Phật dạy. Vì vậy tôi xin kể về cái giờ phút kinh hoàng gần sáu mươi năm trước mắt tôi nhìn thấy.

Niềm vui người cày có ruộng
                Làng tôi ngày ấy có 8 đia chủ cường hào, một người tự tử  ba người đã bị xử tử hính. Ông Mai Văn Trung chiều hôm ấy là người thú tư.
               Ông Mai Văn Trung, gười thôn Thượng, gia đình có mười mẫu ruộng, hai ngôi nhà ngói năm gian, hai con trâu. Ông tham gia cách mạng từng là một xã đội trưởng chỉ huy du kích nổi tiếng. Lúc đầu ông là địa chủ kháng chiến, sau bị nâng cấp lên địa chủ cường hào, rồi địa chủ cường hào gian ác.
                 Hôm ấy dưới nắng hè như đổ lửa, mấy trăm người làng An Hạ ngồi bệt xuống sân đình. Tiếng trống ếch thập thình vang vọng rồi tiếng hô “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác”  vang lên. Một đoàn thiếu nhi mang cờ trống rước đội cải cách ra sân đình.
                 Đầu tiên là đội trưởng đội cải cách Lê Văn Can lùn tịt, mặc bộ quân phục thu đông, tiếp sau là cô Lâm, cốt cán và những người cốt cán.
                Năm ấy  Lê Văn Cam  mới hăm ba tuổi. Hắn đi bộ đội được mấy tháng thỉ hòa bình, nhờ lý lịch ba đời làm mõ, nên được chọn sang Trung Quốc tập huấn, rổi  về làng làm đội trưởng cải cách ruộng đất. Lê Văn Cam sẵn mặc cảm vì ông cha mình làm mõ, đâm ra thủ ghét  người giàu. Sự  thù ghét lớn dần theo thời gian, đóng vảy trong quả tim bệnh hoạn của hắn. Hắn chỉ chờ dịp ra tay trả thủ. Khi làm đội trưởng cải cách ruộng đất hắn trả thù một cách hả hê và biến thảnh một con thú khát máu thật sự.
                 Khán đài dựng bằng tre quay lưng ra bờ sông, hướng mặt vào sân đình. Một tấm băng rôn đỏ rực trước khán đài: “Thẳng tay trừng trị bọn địa chủ cường hào gian ác”.
                 Đội trưởng Lê Văn Cam ngồi giữa làm chủ tọa, tay phài hắn là cô Lâm, tay trái là lão Tập. Cô Lâm mù chữ, còn lão Tập thì điếc lòi  bong bóng.
                 Sau khi du kích bắn năm phát súng thị uy, Lê Văn Cam thét:
                 - Đưa bị cáo ra trước vành móng ngựa!
                 Hai du kích hô to;
                 - Rõ!
                 Họ ra gốc đa lôi ông Mai Văn Trung vào. Ông bị trói quặt hai cánh tay ra sau lưng, quần áo rách tả tơi, một mảng xương sườn chìa ra tím lim vì bị đánh đập, hai đầu gối sưng như hai quả mít, vì bị quỳ trên chấn song cửa lim. Ông không đứng vững , cứ run lẩy bầy.
                Lê Văn Cam thét:
               - Qùy xuống!
                Ông Mai Văn Trung nói:
               - Đầu gối đau quá không quỳ được !
                Lê Văn Cam  thét:
               - Ngoan cố hả! Bắt hắn quỳ xuống!
                Tên du kích thúc báng súng vào bụng ông Trung, ấn ông xuống.
                Lê Văn Cam cầm mảnh giấy đọc bản cáo  trạng  buộc tội  ông Trung  bóc lột nhân dân vô cùng thậm tệ, và chui vào hàng ngũ của đàng, làm xã đội trưởng để phá hoại….Mỗi khi đọc một tội ác, y  lại hô “đả đảo Mai Văn Trung”.
                   Đọc xong bản cáo trạng, Lê Văn Cam nói:
                  - Bây giờ mọi người lên vạch tội tên Mai Văn Trung.
                  Đầu tiên là Lê Thi Cảnh, cô ruột Cam. Mụ giật chiếc khăn bịt đầu sổ tung mái tóc ra, kéo hai ống quần lên chìa hai bắp đùi nần nẫn, đứng trước mặt ông Trung, xỉa tay vào mặt ông:
                 - Mày có nhớ đã hiếp tao bao nhiêu  lần không?
                   Dân làng An Hạ không lạ gì Cảnh,  mới hăm bảy tuổi đã ba đời chồng, mụ vào cả bót ngủ với Tây đen, vậy mà hôm nay mở mồm nói ông Trung hiếp? Ông Trung không nói gỉ, mặc mụ Cảnh vu khống .  
                   Mụ Cảnh tố xong, Lê Văn Cam kêu bà Rính lên.
                  Bà Rính vốn hiền lành chất phác, được vào cốt cán, trở nên điêu ngoa. Bà nói:
                -Trung! Mày có biết tao làm con ở cho nhà mày ba năm, không được ăn một miếng cơm, toàn ăn cám lợn và ngủ chuồng trâu khộng?
                 Ông Trung vẫn không nói gì.
                  Lão Tập từ trên khán đài nhảy xuống tát đánh bốp vào mặt ông Trung  hét to:
                 - Mày có biết tại sao tao bị điếc không? Chính mày đã lấy dùi nung đỏ xuyên qua hai lỗ tai tao!
                   Ông Mai Văn Trung tịnh không nói một lời. Ông biết mình sẽ chết. Ông tỏ ra khinh bỉ bọn Lê Văn Cam và quyết giữ nhân cách của mình.
                  Mặt trời chéch về hướng Tây, sân đình nóng như chiếc nồi rang, mấy người bị đấu tố quỳ giữa sân say nắng ngã lăn ra, sùi bọt mép. Ông Mai Văn Trung rũ xuống như tàu là chuối héo. Hai du kích kè hai bên giữ ông.
                  Lê Văn Cam nói :
                - Thay mặt tòa án nhân dân tôi tuyên bố xử tử hình tên Mai Văn Trung, ai đồng ý giơ tay.
                  Có những cánh tay giơ lên và tiếng  ông Mai Văn Trung rất đĩnh đạc:
                - Thưa bà con tôi vô tội!
                 Lê Văn Cam hô:
                 - Bịt mồm nó lại!
                  Một tên du kích đã chuẩn bị sẵn  đoạn tre, ngáng miệng ông Trung như đóng hàm thiếc ngựa, lôi ông ra gốc đa.
                 Chúng trói ông vào cái cọc đã  thấm máu ba người trước. Năm phát súng đồng loạt nổ.
                 Năm ấy Mai Văn Hiếu mười tuồi.
                 Ba năm sau, khi cải táng ông Mai Văn Trung, Mai Văn Hiếu tìm được cái đầu đạn trong ngưc cha mính lặng lẽ bỏ làng ra đi…
                                *        *       *
                                                               (Ảnh minh họa)

   Bữa tiệc mừng khánh thành nhà từ đường họ Mai đang vui, bỗng có tiếng trẻ con réo lên:
   - Lão Cam đến!
      Lão Cam đến thật. Đầu tiên là cái đầu trọc, rồi cái thân hình loắt choắt, lách qua cổng.
         Mấy năm nay hễ nghe chỗ nào động đũa động chén là lão mò tới. Mưa bão chết cò lão cũng chống gậy đi. Lão vẫn diện bộ quần áo thu đông cũ, đeo huy hiêu 60 năm tuổi đảng. Gần chín chục tuổi, lão đã khọm lắm nhưng ăn vẫn khỏe, nói năng vẫn bỗ bã:
             - Ông Việt kiều Mỹ mới về đâu rồi! Cỗ to quà hầy!
                Không ai mời lão vẫn nhảy tót lên chiếu ngồi chén tự nhiên. Không ai thèm chấp lão , lão già  lẩm cẩm rồi. Và lại  lão  có thằng con đang làm trường công an xã giờ dữ dằn lắm, không ai ai muốn mang vạ.
           Đây là câu chuyện có thực xảy ra ở làng tôi mà tôi được chứng kiến. Nó như vết gai cào vào bộ nhớ tuổi mới lớn, nay không thể nào quen được. Mấy chục năm qua tôi vẫn giữ kín, bây giờ mới kể. Dạo đó lũ trẻ chúng tôi chưa nhiều tưởng tượng, nhưng khi đã chứng kiến cảnh sân đình máu chảy nên cứ gọi “đội Cam” là con sâu róm. Tôi lại nhớ đến câu nói chân thực, thẳng thắn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Không phải chỉ một con sâu, mà cả bầy sâu…”.
          Giờ đây thấy những chuyện đau lòng dân oan mất đất  đang diễn ra ở Tiên Lãng, Văn Giang, Đông Triều và nhiều nơi khác, tôi bỗng liên tưởng đến chuyện cũ. 
          Hình như lịch sử đang được lặp lại (!?). Tôi muốn kể chuyện để mọi người so sánh và hãy cảnh giác vì ở đâu cũng thấy những kẻ đương chức đương quyền nay vẫn đạo đức, lối sống, tác phong như thằng đội Cam. “Tham nhũng, tiêu cực nhìn ở đâu cũng thấy, sờ ở đâu cũng có” – như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
 Đợt rét đậm, rét hại năm Nhâm Thìn.
                                                                       M.D

6 nhận xét:

  1. Đúng là bây giờ bọn Lê Văn Cam đang nổi lên. Chúng đếu từ cái nôi của đảng cộng sản sinh ra cả. Cái ác sinh ra cái ác. Cảm ơn nhà báo Minh Diện - Bùi Văn Bồng nhắc nhở mọi người cảnh giác. Lịch sử như đamg được lập lai! Đúng như vậy đây.

    Trả lờiXóa
  2. đau lòng quá!
    còn xh bây giờ...cố nhắm mắt trc những "con sâu" để ghê và để...giữ sức khỏe thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn nhà báo Minh Diện - Bùi Văn Bồng đã đưa 1 phần bộ mặt thật của bọn khốn nạn nhân danh đảng nhà nước ra ánh sáng
    "Con người mới XHCN VN " như bọn Lê Văn Cam đang nổi lên gây tai họa cho dân ngày càng nhiều.
    Đả đảo bọn quan liêu, hách dịch, cường hào, tham nhũng

    Trả lờiXóa
  4. TÔI SINH RA VÀO NĂM CCRĐ, KHÔNG ĐƯỢC CHỨNG KIẾN TẬN MẮT NHƯ ANH MINH DIỆN, SONG NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CCRĐ MÀ MẸ TÔI VÀ NHỮNG NGƯỜI LỚN TUỔI TRONG LÀNG KỂ LẠI, LÀM TOI THẤY XÓT XA VÔ CÙNG. NÀO LÀ " MÀY THEO ĐẢNG TÂN VIỆT PHẢI KHÔNG?" " TẠC ĐẠN ĐỂ Ở ĐÂU?" CON ĐẤU BỐ CHỒNG, BỐ ĐẺ, EM ĐẤU ANH...TOÀN NHỮNG ĐIỀU BỊA ĐẶT. NAY, NHỮNG KẺ CÓ TÍ "CHỨC SẮC" Ở LÀNG QUÊ CŨNG ĐÃ BỘC LỘ NHIỀU HÀNH ĐỘNG COI THƯỜNG DÂN CHỈ VÌ PHẢI TUÂN THỦ NGHỊ QUYẾT CỦA CẤP TRÊN MÀ KHÔNG THÈM LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN, MẶC DÙ HỌ ĐỀU LÀ ...CON NÔNG DÂN, LỚN LÊN TỪ HẠT LÚA, CỦ KHOAI... NÓI NHƯ ANH MINH DIỆN, ĐÚNG LÀ CHÚNG TA PHẢI CẢNH GIÁC. (TR.HOÀI-DÂN LÀNG CUN)

    Trả lờiXóa
  5. Tại sao ở chế độ nầy,bọn ác chúng nó sống lâu quá vậy?
    Bộ ông Trời không có mắt sao!

    Trả lờiXóa
  6. Hôm nay mới vào được trang Bác Bồng,
    Biết thế nào cũng bị đánh sập,
    nhưng ngu vẫn hoàn ngu, thời đại này mà
    còn làm chuyện ngu này nữa,
    làm sao mà đánh sập được

    Trả lờiXóa